Mô hình chăn nuôi lợn của anh Bùi Phương Đông, xóm Trắng Đồi, xã Yên Phú (Lạc Sơn) phát triển hiệu quả, đem lại thu nhập khá
Mô hình chăn nuôi lợn của anh Bùi Phương Đông, xóm Trắng Đồi, xã Yên Phú (Lạc Sơn) phát triển hiệu quả, đem lại thu nhập khá
Đoàn xã Yên Phú hiện có 208 ĐVTN, sinh hoạt tại 10 chi hội. Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn phát triển rộng khắp, tạo sức lan tỏa trong ĐVTN. Đoàn xã đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích ĐVTN tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế địa phương về địa hình tự nhiên bằng phẳng, tiếp giáp với trung tâm huyện, đường giao thông thuận tiện để vận chuyển, giao thương hàng hóa. Theo thống kê, toàn xã đã chuyển đổi 30 ha đất vườn tạp sang trồng cây ăn quả có múi, trong đó có 15 ha do ĐVTN làm chủ. 4 trang trại chăn nuôi tổng hợp phát triển hiệu quả, quy mô tổng đàn đạt trên 1.000 con/trang trại, chủ yếu là gà, vịt, lợn… Qua rà soát, toàn xã hiện có 10 ĐVTN làm kinh tế tiêu biểu, với mức thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm.
Đến thăm gia đình anh Bùi Phương Đông ở xóm Trắng Đồi, một trong những ĐVTN tiêu biểu, sáng tạo trong phong trào phát triển kinh tế trên địa bàn. Hiện nay, anh Đông là chủ cơ sở chăn nuôi với quy mô chuồng trại khoảng 100 m2. Tổng đàn lợn duy trì trên 30 con lợn thịt, có 4 con lợn nái. Năm 2019, gia đình anh Đông xuất ra thị trường 7 - 8 tấn thịt lợn, tổng thu ước đạt gần 400 triệu đồng. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 150 - 200 triệu đồng. Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, gia đình anh Đông đã cung cấp cho tư thương trên 2 tấn thịt lợn với giá 75.000 đồng/kg.  
Đưa chúng tôi thăm quan chuồng nuôi, anh Đông chia sẻ: "Khởi nghiệp mô hình chăn nuôi lợn từ năm 2015, tuy nhiên, giai đoạn 2016 - 2017 giá lợn lao dốc, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Để vượt qua giai đoạn này, tôi đã sử dụng nguồn vốn tích lũy và vay mượn người thân để duy trì đàn. Bên cạnh đó, Đoàn xã cũng hỗ trợ vay vốn 10 triệu đồng để trang trải các chi phí trong chăn nuôi, tạo điều kiện tối  đa cho ĐVTN được tập huấn, tiếp thu tiến bộ KHKT để nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng ĐVTN trong phong trào khởi nghiệp sáng tạo, hàng năm, Đoàn xã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức từ 3 - 4 buổi tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi. Nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện nhằm tạo điều kiện cho ĐVTN được tiếp cận nguồn vốn theo quy định. Tính đến hết quý I/2020, tổng dư nợ ước đạt trên 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ĐVTN được tham gia các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm do Huyện Đoàn phối hợp tổ chức. Ngoài ra, Đoàn xã kết nối với các tổ chức, cá nhân xây dựng ý tưởng mô hình "Du lịch tâm linh và sinh thái kết hợp với chăn nuôi cá lồng” khi dự án hồ Cánh Tạng đi vào hoạt động. Qua đó tạo việc làm, thu hút ĐVTN tham gia phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. 
Đồng chí Bùi Văn Tiệp, Bí thư Đoàn xã Yên Phú cho biết: "Phong trào đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp sáng tạo được triển khai từ năm 2017, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, tạo sức lan tỏa trong ĐVTN trên địa bàn. Hiện nay, Đoàn xã tiếp tục khuyến khích ĐVTN xây dựng các mô hình kinh tế mới, vừa đem lại thu nhập cao, đồng thời góp phần giải quyết nguồn lao động địa phương. Mong muốn các ban, ngành, đoàn thể quan tâm hỗ trợ về ý tưởng khởi nghiệp, vốn, chuyển giao KHKT. Qua đó, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ thanh niên trong phong trào khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.