Ngày 24/5, Đoàn công tác của UBND tỉnh Bắc Giang do đồng chí Lê Ô Pích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, trao đổi kinh nghiệm về công tác rà soát, sắp xếp tinh gọn đơn vị hành chính (cấp huyện, cấp xã, khu phố); phát triển đô thị, quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường, trật tự xây dựng. Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; các Sở: Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và lãnh đạo huyện Lục Ngạn, Sơn Động.
Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Sau khi nghe báo cáo của tỉnh Long An tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích bày tỏ vui mừng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Long An những năm qua, nhất là trong lĩnh vực xây dựng chính quyền và sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính. Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2013, tỉnh Long An hiện có 188 đơn vị hành chính cấp xã gồm 161 xã, 12 phường và 15 thị trấn, giảm 04 đơn vị hành chính cấp xã.
Đồng chí mong muốn với những kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là sau khi tỉnh Long An điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mộc Hóa để thành lập thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa còn lại từ năm 2013, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan của tỉnh Long An sẽ trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý cho tỉnh Bắc Giang trong công tác xây dựng chính quyền và rà soát, sắp xếp tinh gọn đơn vị hành chính (cấp huyện, cấp xã, khu phố); phát triển đô thị, quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường, trật tự xây dựng.
Đồng chí Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành của tỉnh Long An đã chia sẻ kinh nghiệm với đoàn công tác tỉnh Bắc Giang về công tác rà soát, sắp xếp tinh gọn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, khu phố. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức; xây dựng cơ chế, chính sách giải quyết cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính. Chế độ chi trả phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, khu phố; người trực tiếp tham gia vào hoạt động ở khu phố.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Long An chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện. Công tác quản lý đất đai phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghệp và những vướng mắc trong thực hiện quản lý đất đai để phát triển đô thị. Công tác quản lý đô thị, trật tự đô thị, xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của đơn vị được sắp xếp thành lập đô thị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích cảm ơn tình cảm của UBND tỉnh Long An dành cho Đoàn công tác Bắc Giang. Qua chuyến công tác này, tỉnh Bắc Giang học tập và tiếp thu, áp dụng nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng chính quyền, sắp xếp đơn vị hành chính, quản lý đất đai và công tác quy hoạch, phát triển đô thị thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm mong muốn hai tỉnh sẽ có nhiều hơn những chuyến công tác để cùng chia sẻ, trao đổi, học tập kinh nghiệm; quan tâm hợp tác trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy sự phát triển của hai tỉnh và đóng góp vào sự phát triển chung của quốc gia. Đồng thời hai UBND tỉnh tiếp tục là cầu nối gắn bó thắt chặt, duy trì tình cảm giữa chính quyền và nhân dân tỉnh Long An và Bắc Giang.
Trước đó, Đoàn công tác đến dâng hương Khu Công viên Tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc (phường 5, TP. Tân An và Nhà lưu niệm tại Di tích Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu; Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 hy sinh trong trận Cầu Ván ngày 03/5/1968 (huyện Châu Thành)./.
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Quốc hội sáng nay, 24.5, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng: cần quy định lựa chọn thầu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đối với những doanh nghiệp mà quyền chi phối thuộc về doanh nghiệp nhà nước thì vẫn phải cần áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn Nhà nước để bảo đảm tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Theo đại biểu, về đối tượng áp dụng Luật đấu thầu là doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước tại khoản 2, Điều 2 của dự thảo Luật là nội dung có thay đổi so với Luật Đấu thầu hiện hành cũng như dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư. Theo Báo cáo số 481 ngày 22.5.2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) tại kỳ họp này thì đây là nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau và đã đưa ra 2 phương án đề nghị các ĐBQH cho ý kiến. Do đó, nên quy định hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ, đại biểu nhấn mạnh.
Ngoài các lý do đã được nêu trong Báo cáo số 481 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với phương án này, đại biểu cho rằng: thực tế có nhiều doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn của mình để thành lập các pháp nhân (công ty con) phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Tại Báo cáo 481 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu: “Qua tổng hợp số liệu khảo sát của Ủy ban Tài chính ngân sách đối với 13 tập đoàn, tổng công ty cho thấy, số dự án thực hiện đấu thầu ở công ty mẹ chỉ chiếm 17%, 83% còn lại được thực hiện ở các công ty con, trong đó số dự án đấu thầu của các công ty con là doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước 100% vốn điều lệ là 65%; số dự án được đấu thầu của công ty con là doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước có từ 50% đến 99% vốn điều lệ là 18%”.
"Với quan điểm nơi đâu có sử dụng vốn, tiền ngân sách nhà nước thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; do vậy với những doanh nghiệp mà ở đó quyền chi phối thuộc về doanh nghiệp nhà nước thì vẫn phải cần áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn Nhà nước để bảo đảm tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, sẽ quản lý được chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối và sẽ giữ được vai trò điều tiết, trụ cột cho nền kinh tế", ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà bày tỏ quan điểm.
Bên cạnh đó, theo ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà, hiện quy định của pháp luật về đấu thầu và nhất là ngay trong dự thảo Luật này cũng đã có những quy định về đấu thầu rất rõ ràng, minh bạch; quy trình, thủ tục hành chính đã thông thoáng, dễ thực hiện; thời gian tổ chức đấu thầu đã được giảm…, nên việc áp dụng Luật Đấu thầu để thực hiện các gói thầu không mất nhiều thời gian, thuận lợi cho quá trình thực hiện đấu thầu. Do đó, sẽ không làm giảm khả năng linh hoạt hay bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, hay khả năng chớp thời cơ của doanh nghiệp nhà nước. Qua đấu thầu sẽ lựa chọn được các nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm và hiệu quả kinh tế mang lại cho Nhà nước, cho doanh nghiệp sẽ là rất lớn thông qua hoạt động quản lý tốt công tác lựa chọn nhà thầu đảm bảo công bằng, minh bạch.
Về quy định áp dụng Luật Đấu thầu, các luật có liên quan và điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài được quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật. Theo đại biểu, Khoản 1 của Điều này quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và luật khác được ban hành trước ngày luật này có hiệu lực về hình thức lựa chọn nhà thầu, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; trình tự, thủ tục đấu thầu; ưu đãi trong đấu thầu thì áp dụng Luật này trừ trường hợp quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 của Điều này". Đây cũng là nội dung khác so với Luật hiện hành và Dự thảo Luật sửa đổi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư.
"Tôi cho rằng nội dung quy định nêu trên là không cần thiết, chưa rõ ràng, chưa phù hợp, chồng chéo với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật", đại biểu cho biết. Đồng thời, dẫn chứng Khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Do đó, quy định tại Khoản 1, Điều 3 là không cần thiết vì Khoản 3, Điều 156 - Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định rất rõ ràng về nguyên tắc áp dụng, nếu tiếp tục quy định sẽ gây chồng chéo.
Mặt khác, theo đại biểu quy định tại Khoản 1, Điều 3 của dự thảo Luật cũng chưa rõ ràng khi mới chỉ có các nội dung về hình thức lựa chọn nhà thầu; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; trình tự, thủ tục đấu thầu; ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật này trong trường hợp các Luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực có quy định khác. Vậy các nội dung khác được quy định trong dự thảo Luật này nếu đã được quy định ở các Luật khác ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng Luật nào. Đó là chưa kể đến việc loại trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 của Điều này cũng thể hiện sự chưa phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Hà nhận định.
Đối với quy định tại Khoản 5, Điều 3 của Dự thảo về “Việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự án có sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo điều ước quốc tế và Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, thỏa thuận vay thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận vay đó. Trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận vay không quy định hoặc quy định phải áp dụng pháp luật Việt Nam thì áp dụng Luật này”, đại biểu cho biết: Tại Khoản 5, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa XNCN Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”. "Như vậy, theo quy định này chỉ quy định điều ước quốc tế, không quy định thỏa thuận vay", đại biểu nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu, theo quy định tại Khoản 2, Điều 1, Luật Thỏa thuận quốc tế nêu rõ: “Luật này không điều chỉnh việc ký kết, thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài”; Nghị định 114 của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA, tại Khoản 13, Điều 3 quy định “Thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi là văn bản thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được ký kết nhân danh Chính phủ Cộng hòa XNCN Việt Nam, không phải là điều ước quốc tế”. Theo các quy định nêu trên, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi không phải là điều ước quốc tế, không phải là thỏa thuận quốc tế. Do đó việc áp dụng quy định về lựa chọn nhà thầu tại thỏa thuận thay cho pháp luật Việt Nam như khoản 5 Điều 3 dự thảo Luật nêu trên là chưa phù hợp. Đề nghị nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng hơn về việc quy định đối với vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo hình thức “thỏa thuận vay” trong quy định nêu trên để bảo đảm phù hợp, thống nhất với một số quy định của pháp luật hiện hành.