Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Israel Và Nền Nông Nghiệp Thần Kỳ Giữa Sa Mạc

Đất nước Do Thái Israel có gì cho Việt Nam học hỏi?

Tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại giai đoạn phát triển quả non

Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang vừa có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ăn quả giai đoạn phát triển quả non nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng.

Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để hạn chế nơi cư trú của sâu bệnh và giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

Hiện nay, trà vải sớm đang giai đoạn phát triển quả non, tỷ lệ đậu quả trên 85% (dự kiến tập trung thu hoạch từ ngày 30/5 - 15/6/2023); trà vải chính vụ đang giai đoạn phát triển quả non, tỷ lệ đậu quả trên 80% (dự kiến tập trung thu hoạch từ ngày 10/6 - 20/7/2023). Do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, một số đối tượng sâu bệnh đang gây hại như sương mai, thán thư diện tích nhiễm bệnh 600 ha. Cây có múi đang giai đoạn phát quả non, tỷ lệ đậu quả đạt trên 80%, một số đối tượng sâu bệnh gây hại như sâu đo diện tích nhiễm 500 ha, rệp muội diện tích nhiễm 650 ha

Để đảm bảo năng suất, chất lượng đối với cây ăn quả, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại.

Cụ thể, đối với cây nhãn, vải người dân cần tập trung chăm sóc, vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt tỉa thông thoáng, tỉa bỏ cành tăm, cành vượt, cành bị sâu bệnh để hạn chế nơi cư trú của sâu bệnh và giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

Tưới nước đủ ẩm, bón phân cân đối, hạn chế bón đạm đơn hoặc NPK có hàm lượng đạm cao, bổ sung phân bón lá giàu vi lượng, canxi để hạn chế rụng quả sinh lý và nứt quả non. Theo dõi chặt chẽ diễn biến phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh như: Sương mai, thán thư, sâu đục cuống quả, bọ xít, sâu đo, sâu róm, rệp… để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Đối với cây ăn quả có múi (cam, bưởi) tiến hành các biện pháp chăm sóc, vệ sinh vườn, cắt tỉa cành tăm, cành khô, tỉa bớt quả trên chùm dày quả, loại bỏ quả nhỏ, quả vẹo. Tưới nước hợp lý, bón phân cân đối NPK, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để cây sinh trưởng và phát triển tốt, tăng sức đề kháng hạn chế sâu bệnh hại.

Đối với những vườn vụ trước thu hoạch quả muộn cần tăng cường chăm sóc, bón phân, cung cấp dinh dưỡng kịp thời để cây phục hồi nhanh; bổ sung phân bón vi lượng giàu kẽm, canxi, magie để hạn chế rụng quả non. Những vườn cây bị bệnh không thể phục hồi tiến hành xử lý đất và chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy hoạch, có thị trường tiêu thụ ổn định. Theo dõi và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh như: Bệnh loét, sẹo, sâu vẽ bùa, bọ rĩ, rệp, nhện đỏ...

Thường xuyên kiểm tra, thăm vườn nắm bắt tình hình sinh trưởng phát triển của các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn chăm sóc, dự tính dự báo và phòng trừ kịp thời các ổ sâu bệnh hại.

Cơ quan chuyên môn tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp trên địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kiên quyết không để vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng lưu hành gây thiệt hại cho bà con nông dân.

Xem chi tiết Văn bản tại đây./.

Ngọc Thọ

Ban hành tiêu chí Điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023 - 2025

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định về việc ban hành tiêu chí Điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2023 - 2025.

Ảnh minh họa.

Theo đó, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP phải được đặt tại vị trí giao thông thuận lợi, tập trung nhiều khách du lịch, khu dân cư đông đúc ví dụ như cửa hàng tại nhà ga, sân bay, bến xe, bến tàu; trạm, điểm dừng, nghỉ trên cao tốc, quốc lộ; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; cửa hàng trong khu du lịch, nhà hàng, khách sạn; khu vực làng nghề, trung tâm dịch vụ thương mại cấp huyện, xã, các khu, cụm công nghiệp; trung tâm hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm; bưu cục, bưu điện văn hóa xã trên mạng lưới bưu chính công cộng.

Sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của thị trường, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Cụ thể sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chí như: đạt hạng 3 sao trở lên theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được Thủ tướng Chính phủ ban hành; sản phẩm trong danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Bên cạnh đó sản phẩm phải là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền do Sở Công Thương lựa chọn.

Sản phẩm tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP phải có tên, bao bì, xuất xứ và ghi nhãn hàng hóa sản phẩm theo quy định của pháp luật. Có mã số, mã vạch đối với những loại sản phẩm có thể đăng ký mã số, mã vạch để thuận tiện cho công tác quản lý và giám sát của khách hàng. Sản phẩm nông sản thực phẩm phải đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các quy định pháp luật khác. Sản phẩm phải được niêm yết giá bán, thể hiện rõ ràng trên nhãn sản phẩm, bao bì sản phẩm hoặc được niêm yết tại giá hàng, quầy hàng, điểm kinh doanh; có bảo hành phải ghi rõ thời hạn và điều kiện, địa điểm bảo hành. Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, phải có bảng hiệu, biểu tượng, biển hiệu nhận diện theo hướng dẫn. Có bố trí quầy hoặc khu vực phù hợp để trưng bày, bán sản phẩm OCOP. Tổng diện tích dành cho giới thiệu và bán sản phẩm OCOP phù hợp, tối thiểu là 3m2.

Đối với điểm có bán sản phẩm là thực phẩm, phải đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm. Việc lựa chọn, thiết kế, xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP phải bảo đảm các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định. Có trang thiết bị cần thiết để bảo quản hàng hóa phù hợp theo yêu cầu đặc thù của sản phẩm.

Sắp xếp, bố trí các sản phẩm một cách văn minh, khoa học, thuận tiện cho khách hàng lựa chọn, mua sắm và thanh toán. Khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng phần mềm công nghệ trong quản lý bán hàng tại điểm bán.

* Xem chi tiết Quyết định tại đây./.

 

Thảo My

Bắc Giang: Bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 - 01/5 và cao điểm du lịch hè 2023

UBND tỉnh Băc Giang có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Công điện số 281/CĐ-TTg ngày 20/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 - 01/5 và cao điểm du lịch hè 2023.

Có phương án điều tiết, phân luồng hợp lý, hướng dẫn lưu thông an toàn, thông suốt, nhất là trên các tuyến đường
 có lưu lượng người tham gia giao thông tăng cao.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, tập trung các lỗi như: Người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn, ma tuý, chở quá tải trọng, quá số người quy định; phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không có thiết bị cứu sinh cho hành khách trên phương tiện thủy…; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; cương quyết xử lý, trấn áp những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ; có phương án điều tiết, phân luồng hợp lý, hướng dẫn lưu thông an toàn, thông suốt, nhất là trên các tuyến đường, các khu vực được dự báo sẽ có lưu lượng tăng cao trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4-01/5 và nghỉ hè năm 2023.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và các đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng phương án tổ chức vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo ATGT, giảm ùn tắc giao thông và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; chỉnh trang, đảm bảo điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến giao thông chính, các đầu mối giao thông quan trọng, khu vực đô thị, thị trấn, thị tứ và địa bàn thu hút đông khách du lịch; khẩn trương xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông mới phát sinh; rà soát, bổ sung hệ thống báo hiệu, biển chỉ dẫn đảm bảo dễ nhận biết, tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông; kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chở quá tải, quá khổ, chở quá số người, tăng giá vé trái quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở tăng cường thời lượng và nội dung tuyên truyền về TTATGT trong dịp cao điểm nghĩ lễ và du lịch hè năm 2023.

Sở Y tế có phương án bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và máu để đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông; đồng thời thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bảo đảm các điều kiện an toàn về phương tiện, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đến các địa bàn thu hút khách du lịch, điểm đỗ và trông giữ phương tiện phục vụ khách du lịch.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan truyền thông, UBND cấp xã, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền vận động Nhân dân, du khách chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT gắn với phòng, chống dịch COVID-19; tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT; tổ chức hoạt động vận tải và bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông, cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông, hoạt động chở khách ở các bến đò ngang, các điểm du lịch.

Ủy ban MTTQ tỉnh, các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân không lái xe vượt quá tốc độ; không lái xe sau khi uống rượu, bia; không sử dụng điện thoại khi lái xe; dừng xe quan sát an toàn khi qua đường ngang đường sắt và khi đi từ đường phụ ra đường chính; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; mặc áo phao khi đi đò; lựa chọn thời điểm, phương tiện, tuyến đường tham gia giao thông để giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Văn phòng Ban ATGT tỉnh, UBND các huyện, thành phố công bố số điện thoại đường dây nóng về bảo đảm TTATGT nhằm tiếp nhận, kịp thời xử lý các phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ trên địa bàn.

* Xem chi tiết Văn bản tại đây./.

Trần Khiêm

Đất nước Do Thái Israel có gì cho Việt Nam học hỏi?

Công nghệ xử lý rác của Singapore hiện đại cỡ nào?

Bắc Giang - Lạng Sơn mở rộng hợp tác, liên kết phát triển

 

Chiều 21/4, tại thành phố Bắc Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn tổ chức hội nghị ký kết Chương trình phối hợp, liên kết phát triển giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.
Quang cảnh hội nghị.

Đồng chí Dương Văn Thái - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang và đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn đồng chủ trì hội nghị.

Về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Về phía tỉnh Lạng Sơn có các đồng chí: Hoàng Văn Nghiệm - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hồ Tiến Thiệu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Thị Hậu - Chủ tịch HĐND tỉnh.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành hai tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái phát biểu tại hội nghị.

Bắc Giang - Lạng Sơn triển khai nhiều hoạt động kết nối, hợp tác phát triển 

Phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn núi liền núi, sông liền sông, có nhiều điểm tương đồng, cùng nằm trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, thuộc địa bàn Quân khu 1 và là “phên dậu” phía Bắc của Thủ đô Hà Nội.

Những năm qua, hai tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai nhiều chương trình, nội dung liên kết, hợp tác phát triển trên các lĩnh vực. Tích cực trao đổi, học tập, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý, cách làm hay trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương; kịp thời hỗ trợ, động viên nhau những lúc khó khăn.

Phối hợp tốt trong công tác quy hoạch, lập quy hoạch tỉnh; cùng phối hợp đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến giao thông quan trọng kết nối hai tỉnh như: tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; tuyến đường sắt Bắc Giang - Lạng Sơn có ga Kép (Bắc Giang)... giúp giao thông kết nối giữa hai tỉnh được cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, các ngành chức năng của tỉnh Lạng Sơn tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm vải thiều và tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang.

Tổ chức nhiều hoạt động kết nối, giao lưu văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch; phối hợp tốt trong công tác bảo vệ môi trường, giải quyết vấn đề di canh, di cư, xâm canh, xâm cư, bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực giáp ranh... 

Những kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ hợp tác, liên kết phát triển giữa hai tỉnh. Góp phần gắn kết đảm bảo quốc phòng - an ninh, thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng và cả nước.

Tuy nhiên, hoạt động hợp tác, liên kết phát triển giữa hai tỉnh còn chưa tương xứng và chưa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, bảo đảm thiết thực, hiệu quả trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. 

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo hai tỉnh đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung, tập trung về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; công tác mặt trận; an ninh chính trị, trật tự địa phương; đảm bảo an ninh trật tự khu vực giáp ranh; phát triển KT-XH mỗi địa phương; thu hút đầu tư theo hướng phát triển bền vững; phát triển đô thị; phát triển giao thông; xây dựng quy hoạch tỉnh;…

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, Bắc Giang đặt quyết tâm chính trị rất cao, tập trung vào những nơi có lợi thế. Cùng đó xây dựng môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, chính quyền quan tâm, tạo sự thân thiện để thu hút các nhà đầu tư đến Bắc Giang; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi đầu tư tại tỉnh.

9 nội dung hợp tác giữa hai tỉnh

Tại hội nghị, hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn thống nhất bổ sung một số nội dung vào ký kết Biên bản ghi nhớ về việc triển khai các biện pháp phối hợp, liên kết phát triển giữa hai tỉnh giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo. Qua đó hai bên thống nhất tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trên 9 lĩnh vực về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển KT-XH theo hướng nhanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn ký kết Chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2023-2025
và những năm tiếp theo.

Đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, hai bên đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các địa phương cấp huyện, cấp xã, khu vực biên giới của hai tỉnh.

Phối hợp trong công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tạo kết nối liên vùng, từ đó hình thành các khu vực sản xuất công nghiệp tập trung, nhất là dọc trục Quốc lộ 1A và tuyến đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn.

Tỉnh Lạng Sơn giúp tỉnh Bắc Giang trong việc thông tin rộng rãi tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép để có thể thực hiện các thủ tục bảo quản, bốc xếp, hải quan, vận chuyển… sang thị trường Trung Quốc và sang các nước thứ ba như Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Châu Âu.

Phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến, giới thiệu điểm đến du lịch và các chương trình liên kết, hợp tác, khảo sát kết nối các tour, tuyến du lịch Bắc Giang - Lạng Sơn đi các tỉnh và ngược lại gắn với các di tích, địa điểm du lịch của hai tỉnh.

Hai tỉnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm cải tạo, nâng cấp tuyến QL31 kết nối tỉnh Bắc Giang với tỉnh Lạng Sơn ra đến cửa khẩu Bản Chắt, huyện Đình Lập; nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng và khai thác hiệu quả ga liên vận quốc tế Kép.

Hai tỉnh phối hợp nâng cấp một số tuyến đường giao thông giáp ranh. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận tải được mở mới các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh trong đó có các tuyến từ Trung Quốc - Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội do Cục Đường bộ Việt Nam hỗ trợ mở mới.

Liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi giá trị. Tỉnh Lạng Sơn tiếp tục hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong việc tiêu thụ nông sản, hàng hoá qua cửa khẩu. Bảo đảm an toàn hệ thống công trình hồ chứa nước Cấm Sơn nằm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do tỉnh Bắc Giang quản lý.

Quản lý tốt việc sử dụng đất đai liên quan đến Trường bắn Quốc gia TB1. Tiếp tục tuyên truyền vận động các địa phương, các ngành nâng cấp, cải tạo “Đường tuần tra biên giới”. Tăng cường phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình liên kết về bảo đảm an ninh trật tự tại các địa bàn giáp ranh.

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại đây, Bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn bày tỏ ấn tượng với kết quả phát triển nổi bật của tỉnh Bắc Giang. Coi Bắc Giang là tỉnh đi trước, đồng chí cho rằng những chia sẻ của phía tỉnh Bắc Giang tại hội nghị này là kinh nghiệm rất quý báu để lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu, học tập.

Để công tác phối hợp đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao, Bí thư Tỉnh ủy hai tỉnh yêu cầu, trên cơ sở 9 nội dung ký kết, từng thành viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc các sở, ngành, lãnh đạo địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ sớm “phân vai”, cụ thể hóa từng nội dung để triển khai thực hiện. Các nội dung trong thỏa thuận hợp tác lần này sẽ là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành của hai tỉnh tổ chức triển khai thực hiện, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Đồng thời đề nghị lãnh đạo các cấp, ngành của hai địa phương cần thể hiện rõ sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng triển khai thực hiện Quy chế có kết quả cụ thể./.

Dương Thủy

Bắc Giang: Khai thác tiềm năng du lịch nông thôn hướng tới phát triển bền vững

 

Sở hữu tiềm năng, lợi thế to lớn để phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, Bắc Giang đang tích cực liên kết với doanh nghiệp du lịch để có thể tạo thêm nhiều điểm đến hấp dẫn hút khách.

Bắc Giang: Khai thác tiềm năng du lịch nông thôn hướng tới phát triển bền vững  - Ảnh 1.

Du khách thích thú khi ghé thăm các cơ sở làng nghề mỳ Chũ tại Lục Ngạn - Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Phát triển hình thức du lịch miệt vườn

Bắc Giang là địa phương có nhiều tiềm năng du lịch nông nghiệp, nhưng lâu nay rất ít được khai thác. Đơn cử, huyện Lục Ngạn có đủ điều kiện để phát triển du lịch miệt vườn, sinh thái với các vựa cây ăn quả 4 mùa rộng 26.000 ha (vải thiều, cam, vườn bưởi), các làng nghề (nơi sản xuất mỳ Chũ) và thiên nhiên đẹp với các điểm đến hồ Khuôn Thần, hồ Bầu Lầy, hay hồ Cấm Sơn.

Chính vì thế, ngày 19/4 vừa qua, Công ty cổ phần Khai thác và dịch vụ du lịch SGO (SGO Travel) và huyện Lục Ngạn tổ chức buổi khảo sát xây dựng tuyến du lịch Hà Nội-Bắc Giang nhằm tăng cường quảng bá, liên kết phát triển và mở rộng tour tuyến du lịch kết nối giữa hai địa phương.

Tại đây, du khách sẽ được ghé thăm các cơ sở làm mỳ Chũ nổi tiếng, tự tay tráng bánh và thưởng thức mỳ Chũ ướt; khám phá các vườn quả theo mùa và ngắm nhìn thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ trên những chiếc thuyền hơi đã chuẩn bị sẵn.

HTX du lịch Đồng Dao, điểm du lịch sinh thái Đồng Dao là một trong 2 mô hình của huyện được lựa chọn để tập trung đầu tư thí điểm nhân rộng mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Với khoảng 20 ha cây ăn quả, cùng hơn 100 ha diện tích mặt nước đập Bầu Lầy, dãy núi Triều Tiên… đây thực sự là nơi lý tưởng để phát triển thành điểm du lịch sinh thái trải nghiệm.

Giám đốc HTX du lịch Đồng Dao Hoàng Văn Hiệp cho biết, việc tổ chức tour đưa du khách trong nước, quốc tế tới huyện Lục Ngạn sẽ giúp người dân quảng bá thương hiệu, sản phẩm nông sản, trái cây, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Bên cạnh sự quan tâm định hướng của Nhà nước, để phát triển điểm du lịch sinh thái mang tính chuyên nghiệp, HTX mong muốn được đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông kết nối, hệ thống điện, hạ tầng viễn thông, tập huấn nghiệp vụ làm du lịch…

Bắc Giang: Khai thác tiềm năng du lịch nông thôn hướng tới phát triển bền vững  - Ảnh 2.

Trong một năm, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang có đủ cả 4 mùa hoa thơm, quả ngọt và các sản vật đặc trưng để thu hút khách du lịch - Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Xây dựng sản phẩm mới để tăng trải nghiệm cho du khách

Sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh Bắc Giang nỗ lực phối hợp với các đơn vị du lịch của địa phương và nhiều tỉnh, thành phố nhằm đổi mới, xây dựng các sản phẩm mới để thúc đẩy thu hút du lịch.

Năm 2023, Sở VHTT&DL đã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với SGO Travel xây dựng tuyến du lịch Hà Nội-Bắc Giang nhằm kích cầu du lịch nội địa, quảng bá hình ảnh các khu, điểm du lịch trong tỉnh nhằm thu hút khách du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Việc hợp tác phát triển sản phẩm du lịch mở tuyến du lịch Hà Nội-Bắc Giang được đánh giá là một hướng đi mới, sáng tạo, hướng tới mục tiêu tạo ra sức mạnh tổng thể cho du lịch Bắc Giang phát triển và kết nối du lịch Bắc Giang với các địa phương khác, đặc biệt là với thị trường khách du lịch tại Hà Nội; đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị SGO Travel Phùng Quang Thắng cho biết, để thu hút du khách đến Bắc Giang, doanh nghiệp đã xây dựng 7 gói sản phẩm đa dạng, khởi hành hằng ngày từ thứ 4 đến chủ nhật cho du khách nội địa và quốc tế. Tuyến du lịch nhằm làm phong phú thêm sản phẩm du lịch văn hóa liên tuyến độc đáo khởi hành từ Hà Nội đến các điểm đến của Bắc Giang, góp phần đưa nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn mới trên bản đồ du lịch Việt Nam. 

"Điều mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là giúp địa phương quản lý điểm đến, phát triển thương hiệu du lịch Bắc Giang, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường quảng bá xúc tiến. Trong thời gian tới, SGO Travel sẽ tiếp tục nghiên cứu, tư vấn và xây dựng những sản phẩm du lịch chất lượng khác tới Bắc Giang", ông Thắng nhấn mạnh.

Để thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm trong thời gian tới, Bắc Giang cũng đã tăng cường hoạt động liên kết với các địa phương và các đơn vị lữ hành tiếp tục xây dựng nhiều sản phẩm mới, đặc biệt tăng các hoạt động du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm tại địa phương.

TH (theo Chinhphu.vn)

Bắc Giang: Sôi nổi giải cầu lông truyền thống công nhân, viên chức, lao động năm 2023

 

Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5), chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7), Tháng Công nhân năm 2023, ngày 22/4 Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bắc Giang tổ chức Giải Cầu lông truyền thống công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) lần thứ XXVII.
Đại diện lãnh đạo Công đoàn viên chức tỉnh trao Cờ lưu niệm cho các đoàn tham dự giải.

Tham dự giải có hơn 100 vận động viên là đoàn viên, CNVCLĐ đến từ 25 LĐLĐ các huyện, thành phố và các công đoàn cơ sở.

Các vận động viên tranh tài ở các nội dung: Đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ ở 7 nhóm tuổi. Áp dụng Luật Cầu lông hiện hành, căn cứ thực tế Ban Tổ chức giải quyết định thi đấu một trận 31 điểm (đôi nào lên 31 điểm trước là thắng).

Sau một buổi sáng thi đấu với tinh thần đoàn kết, nhiệt tình, trung thực, các trận thi đấu diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, các vận động viên cống hiến những pha cầu đẹp mắt thu hút sự quan tâm cổ vũ của đông đảo cổ động viên. Cùng với sự làm việc công minh, khách quan, chính xác, đúng luật của các trọng tài; sự cổ vũ nhiệt tình, sôi nổi của đông đảo cổ động viên, giải cầu lông truyền thống cho đoàn viên, CNVCLĐ tỉnh Bắc Giang năm 2023 thành công tốt đẹp.

Kết thúc giải, Ban Tổ chức trao 66 bộ giải (gồm 19 giải Nhất, 19 giải Nhì và 28 giải Ba) cho các cho các vận động viên xuất sắc.

Giải cầu lông truyền thống CNVCLĐ được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích, động viên đoàn viên, CNVCLĐ luyện tập thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, hưởng ứng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, đồng thời tạo điều kiện để đoàn viên, công chức, viên chức, lao động có dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tăng cường củng cố khối đại đoàn kết, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.

Đây là một trong những hoạt động thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2023-2028 và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII./.

Diệu Hoa

Hà Nội sắp có thêm ba tuyến phố đi bộ

Hà Nội lập đề án phố đi bộ Hoàng Cầu - Hào Nam và Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong lúc phố đi bộ hồ Ngọc Khánh dự kiến khai trương quý IV.

Theo kế hoạch, năm 2023, quận Đống Đa sẽ lập đề án thực hiện tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết; xây dựng không gian văn hóa, phố đi bộ Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm 2024, quận mở tuyến phố đi bộ Hoàng Cầu - Hào Nam, kết hợp không gian đi bộ Hồ Hoàng Cầu, ga Cát Linh - Hà Đông.

Các tuyến phố đi bộ, ẩm thực trên liên quan đến địa giới hành chính của 7 phường: Văn Miếu, Văn Chương, Quốc Tử Giám, Trung Liệt, Ô Chợ Dừa, Cát Linh và Ngã Tư Sở.

Người dân và khách du lịch đến Văn Miếu Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) mùng 2 Tết Quý Mão (ngày 23/1). Ảnh: Giang Huy

Người dân và khách du lịch đến Văn Miếu Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) mùng 2 Tết Quý Mão (ngày 23/1). Ảnh: Giang Huy

Để có căn cứ xây dựng đề án, quận Đống Đa sẽ cử người đi khảo sát, thăm quan học tập kinh nghiệm tại phố đi bộ Hồ Gươm, phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây và phố đi bộ Bùi Viện (TP HCM).

Sau khi khai trương phố ẩm thực đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình đang tiếp tục hoàn thiện đề án Khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh. Diện tích nghiên cứu khoảng 12 hecta, bao gồm cả 36.000 m2 mặt nước hồ Ngọc Khánh, vườn hoa phía đường Nguyễn Chí Thanh hơn 3.800 m2. Quý IV/2023, phố đi bộ hồ Ngọc Khánh dự kiến khai trương.

Khu vực nghiên cứu tổ chức phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh (viền đỏ). Đồ họa quận Ba Đình cung cấp.

Khu vực nghiên cứu tổ chức phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh (viền đỏ). Đồ họa quận Ba Đình cung cấp.

Hà Nội hiện có 5 phố đi bộ gồm, không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận, khu phố cổ Hà Nội (Hàng Đào - Đồng Xuân, khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội, khu vực mở rộng phía Nam khu phố cổ Hà Nội), phố Trịnh Công Sơn, phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận.

Trong 5 tuyến phố đi bộ trên, các tuyến thuộc quận Hoàn Kiếm có lợi thế vị trí trung tâm và hình thành từ lâu nên thu hút đông người dân và du khách. Tuyến phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây cũng được đánh giá thành công khi sau một năm hoạt động thu hút 42 vạn lượt khách. Phố đi bộ Trần Nhân Tông mới mở hơn ba tháng, lượng khách còn hạn chế. Phố đi bộ Trịnh Công Sơn hoạt động từ năm 2018, đang phải tạm dừng hoạt động lần hai do vắng khách.

Võ Hải

Mỹ triển khai đội phản ứng thảm họa để hỗ trợ Sudan

Mỹ thông báo triển khai một đội gồm các chuyên gia ứng phó thảm họa nhằm điều phối hiệu quả nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho Sudan.

Trong thông báo đưa ra ngày 23/4, lãnh đạo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power cho hay Đội Hỗ trợ Phản ứng Thảm họa sẽ hoạt động ở Kenya trong giai đoạn đầu, thêm rằng các chuyên gia đang phối hợp với cộng đồng quốc tế và đối tác nhằm xác định những nhu cầu cần ưu tiên cho Sudan cũng như tìm phương án hỗ trợ nhân đạo một cách an toàn.

Khói đen bốc lên từ thủ đô Khartoum, Sudan, ngày 15/4, sau khi giao tranh giữa SAF và RSF nổ ra. Ảnh: Reuters

Khói đen bốc lên từ thủ đô Khartoum, Sudan, ngày 15/4, sau khi giao tranh giữa SAF và RSF nổ ra. Ảnh: Reuters

"Mỹ đang huy động các nguồn lực để tăng cường hỗ trợ cho người dân Sudan bị mắc kẹt giữa các phe tham chiến", Power nói. "Giao tranh giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF) đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, khiến hàng nghìn người bị thương và một lần nữa làm tiêu tan khát vọng dân chủ của người dân Sudan. Những người dân bị mắc kẹt không thể tiếp cận các loại thuốc cần thiết và đối mặt với nguy cơ thiếu điện, nước, lương thực kéo dài".

"Tất cả những đau khổ này tạo nên một tình huống vốn đã rất thảm khốc. 1/3 dân số Sudan, gần 16 triệu người, cần hỗ trợ nhân đạo để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người trước cả khi bạo lực bùng phát", bà cho biết thêm.

Power lặp lại lời kêu gọi các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn trong lễ ăn chay Eid al-Fitr của người Hồi giáo, chấm dứt giao tranh và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, trong đó có việc tạo điều kiện tiếp cận an toàn và không bị cản trở cho các nhân viên y tế và nhân đạo.

Mỹ hôm 22/4 sơ tán nhân viên ngoại giao và đóng cửa đại sứ quán ở thủ đô Khartoum, Sudan, do lo ngại về rủi ro an ninh.

Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Ai Cập, có dân số gần 48 triệu người. Giao tranh nổ ra ngày 15/4 giữa quân đội Sudan dưới quyền tướng Abdel Fattah al-Burhan và RSF của tướng Mohamed Hamdan Dagalo, sau nhiều tuần căng thẳng vì kế hoạch sáp nhập RSF vào quân đội chính quy. Tướng Burhan cáo buộc RSF đảo chính, song phe đối lập chỉ trích quân đội là bên nổ súng trước.