Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang vừa có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ăn quả giai đoạn phát triển quả non nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng.
Hiện nay, trà vải sớm đang giai đoạn phát triển quả non, tỷ lệ đậu quả trên 85% (dự kiến tập trung thu hoạch từ ngày 30/5 - 15/6/2023); trà vải chính vụ đang giai đoạn phát triển quả non, tỷ lệ đậu quả trên 80% (dự kiến tập trung thu hoạch từ ngày 10/6 - 20/7/2023). Do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, một số đối tượng sâu bệnh đang gây hại như sương mai, thán thư diện tích nhiễm bệnh 600 ha. Cây có múi đang giai đoạn phát quả non, tỷ lệ đậu quả đạt trên 80%, một số đối tượng sâu bệnh gây hại như sâu đo diện tích nhiễm 500 ha, rệp muội diện tích nhiễm 650 ha…
Để đảm bảo năng suất, chất lượng đối với cây ăn quả, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại.
Cụ thể, đối với cây nhãn, vải người dân cần tập trung chăm sóc, vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt tỉa thông thoáng, tỉa bỏ cành tăm, cành vượt, cành bị sâu bệnh để hạn chế nơi cư trú của sâu bệnh và giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
Tưới nước đủ ẩm, bón phân cân đối, hạn chế bón đạm đơn hoặc NPK có hàm lượng đạm cao, bổ sung phân bón lá giàu vi lượng, canxi để hạn chế rụng quả sinh lý và nứt quả non. Theo dõi chặt chẽ diễn biến phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh như: Sương mai, thán thư, sâu đục cuống quả, bọ xít, sâu đo, sâu róm, rệp… để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Đối với cây ăn quả có múi (cam, bưởi) tiến hành các biện pháp chăm sóc, vệ sinh vườn, cắt tỉa cành tăm, cành khô, tỉa bớt quả trên chùm dày quả, loại bỏ quả nhỏ, quả vẹo. Tưới nước hợp lý, bón phân cân đối NPK, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để cây sinh trưởng và phát triển tốt, tăng sức đề kháng hạn chế sâu bệnh hại.
Đối với những vườn vụ trước thu hoạch quả muộn cần tăng cường chăm sóc, bón phân, cung cấp dinh dưỡng kịp thời để cây phục hồi nhanh; bổ sung phân bón vi lượng giàu kẽm, canxi, magie để hạn chế rụng quả non. Những vườn cây bị bệnh không thể phục hồi tiến hành xử lý đất và chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy hoạch, có thị trường tiêu thụ ổn định. Theo dõi và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh như: Bệnh loét, sẹo, sâu vẽ bùa, bọ rĩ, rệp, nhện đỏ...
Thường xuyên kiểm tra, thăm vườn nắm bắt tình hình sinh trưởng phát triển của các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn chăm sóc, dự tính dự báo và phòng trừ kịp thời các ổ sâu bệnh hại.
Cơ quan chuyên môn tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp trên địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kiên quyết không để vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng lưu hành gây thiệt hại cho bà con nông dân.
* Xem chi tiết Văn bản tại đây./.
Ngọc Thọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét