Bài viết tập trung bình luận một số quy định về kiểm soát chất thải nhựa tại Việt Nam hiện nay
Nhằm giảm bớt những hậu quả mà chất thải nhựa gây ra đối với môi trường sinh thái ở nước ta, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Bài viết tập trung bình luận một số quy định về kiểm soát chất thải nhựa tại Việt Nam hiện nay, để từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện các quy định này trong thời gian tới.
Khái quát chung về kiểm soát chất thải nhựa
Theo Khoản 18 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020, “Chất thải là vật chất ở thể rắn, khí, lỏng hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác”. Luật Bảo vệ môi trường 2020 không đưa ra định nghĩa về chất thải nhựa, mà dựa trên khái niệm chất thải chúng ta có thể hiểu chất thải nhựa là một loại chất thải rắn (còn gọi là rác thải nhựa), là những vật phẩm được làm từ nhựa, bị loại ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác của con người.
Kiểm soát chất thải nhựa là một nội dung quan trọng của pháp luật về quản lý chất thải bao gồm các hoạt động: giảm thiểu, thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, xử lý, tiêu hủy chất thải nhựa nhằm mục tiêu phát triền bền vững. Nội dung pháp luật về kiểm soát chất thải nhựa quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các hoạt động liên quan tới lĩnh vực kiểm soát chất thải nhựa giúp tạo ra cơ chế phối hợp, hợp tác một cách đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong quá trình kiểm soát chất thải nhựa.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo… tạo ra cơ chế về tận thu, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa để vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để giảm thiểu chất thải nhựa, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Đặc biệt, pháp luật về kiểm soát chất thải nhựa góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và toàn xã hội.
Bình luận một số quy định về kiểm soát chất thải nhựa ở Việt Nam hiện nay
Các quy định về quản lý chất thải nhựa lần đầu tiên được quy định tại Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây là thể hiện quan điểm, sự quan tâm, nỗ lực giải quyết vấn đề chất thải nhựa của Đảng và Nhà nước cũng như nhằm thực hiện những cam kết giảm rác thải nhựa trên biển và đại dương của Việt Nam, cụ thể: Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đặt ra mục tiêu về “ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường biển” và “trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.
Năm 2019, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 12 năm 2020, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP), một nền tảng cho nhiều chủ thể của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhằm thực hiện các cam kết giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Các chính sách và các quy định pháp luật về kiểm soát chất thải nhựa ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm thực thi hiệu quả trên thực tế
Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ - CP đã có nhiều quy định mới về bảo vệ môi trường nói chung, quản lí chất thải nhựa nói riêng, góp phần tăng tỉ lệ thu gom, phân loại, tái chế, tái xử dụng chất thải nhựa ngày càng cao và ngày càng tốt hơn các mục tiêu bảo vệ môi trường. Điều 73 quy định: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.
Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý. Các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển.
Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương; có chính sách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn; tuyên truyền, vận động việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tuyên truyền về tác hại của việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển, rác thải nhựa đối với hệ sinh thái.
Nhiều quy định nhằm hỗ trợ kiểm soát tốt hơn đối với chất thải nhựa
Bên cạnh các quy định kiểm soát trực tiếp chất thải, Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn quy định nhằm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và từ đó hướng tới xây dựng phương thức quản lý chất thải mới, phương thức quản lý chất thải theo vòng đời sản phẩm. Trước Luật BVMT 2020, Việt Nam áp dụng 3 phương thức quản lý chất thải, đó là: Quản lý chất thải cuối đường ống, quản lý chất thải dọc đường ống và quản lý chất thải nhấn mạnh vào khâu tiêu dùng. Phương thức quản lý chất thải theo vòng đời sản phẩm không chỉ thực hiện quản lý chất thải từ khi chất thải phát sinh mà hoạt động quản lý, kiểm soát chất thải từ khâu thiết kế sản phẩm.
Để giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa, Luật BVMT 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; lộ trình không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học; dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
Theo đó, từ ngày 01/01/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 ìm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học phải thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý theo quy định. Giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường. Đây là một tiến bộ lớn của Luật BVMT 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Ngoài ra, Luật BVMT 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP liên quan đến giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa là quy định về kinh tế tuần hoàn tại Điều 142 Luật BVMT 2020. Theo Khoản 1 Điều 142 Luật BVMT 2020, “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. Như vậy, trong hoạt động thiết kế sản phẩm, hàng hóa, các nhà sản xuất có thể áp dụng các biện pháp khác nhau trong thiết kế sản phẩm, hàng hóa nhằm sử dụng lượng vật chất ít nhất để sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa, để giảm việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và hạn chế đến mức tối đa sản sinh ra chất thải sau khi sử dụng hàng hóa, sản phẩm.
Tiếp đó, nội dung về tiêu thụ các sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường, áp dụng chiến dịch tiêu dùng xanh cũng là những quy định góp phần đáng kể vào việc kiểm soát hạn chế chất thải nhựa. Tiêu dùng xanh là nội dung quan trọng được đề cập trong Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam.
Hiện nay, nhiều đơn vị đang thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh, nỗ lực chung tay giảm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon. Việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần trong thời gian ngắn không dễ dàng. Bên cạnh các cơ chế, chính sách của nhà nước và chương trình khuyến khích đến từ các nhà bán lẻ, ý thức của mỗi người dân đóng vai trò rất quan trọng.
Bên cạnh đó, một số vấn đề mới đã được Luật BVMT 2020 quy định mang tính định hướng, nhưng chưa được quy định cụ thể, như: vấn đề về trọng lượng sản phẩm, bao bì sản phẩm và khả năng tái chế, tái sử dụng sản phẩm, bao bì sản phẩm ngay từ khâu thiết kế, sản xuất sản phẩm nhằm xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn theo Điều 142 Luật BVMT 2020… chưa có nhiều quy định hướng dẫn cụ thể, do đó cần được tiếp tục nghiên cứu, nhằm hoàn thiện pháp luật về quản lý chất thải nhựa trong thời gian tới.
Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về kiểm soát chất thải nhựa ở Việt Nam
Một là, ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần ban hành quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa; bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học trên địa bàn.
Hai là, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành quy định về trọng lượng sản phẩm và bao bì sản phẩm, khả năng tái chế, tái sử dụng sản phẩm, bao bì sản phẩm ngay từ khâu thiết kế, sản xuất sản phẩm. Một số quốc gia đã ban hành những quy định về vấn đề này như Nhật Bản đã quy định trực tiếp về vấn đề khả năng tái chế của sản phẩm trong Đạo luật cơ bản xây dựng xã hội dựa trên tái chế (The Basic Law for Establishing Recycling-Based Society) có hiệu lực từ năm 2002; Luật Tái chế thiết bị ban hành năm 2001.
Để tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất trong thị trường nội bộ, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ban hành những quy định có liên quan đến khả năng tái chế của sản phẩm gồm Chỉ thị về vòng đời của phương tiện; Chỉ thị về chất thải bao bì và đóng gói; Chỉ thị về pin và pin thải; Chỉ thị về chất thải điện tử và linh kiện điện tử thải bỏ; Chỉ thị về hạn chế các chất độc hại; Chỉ thị về sản phẩm sử dụng năng lượng. Trên cơ sở kinh nghiệm của các quốc gia và thực tiễn của Việt Nam, trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành các quy định về trọng lượng sản phẩm, bao bì sản phẩm và khả năng tái chế, tái sử dụng sản phẩm ngay từ khâu thiết kế, sản xuất sản phẩm. Ban đầu có thể là văn bản mang tính khuyến khích, hướng dẫn và sau một thời gian có thể chuyển thành văn bản mang tính bắt buộc.
Ba là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về chất thải nhựa việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa, đặc biệt là chất thải nhựa nguy hại. Hoạt động tuyên truyền cần tạo ra ý thức và hành vi của người dân trong phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn, tái sử dụng hoặc tái chế chất thải sinh hoạt. Đồng thời, cần khuyến khích và nhân rộng các mô hình tái sử dụng các loại sản phẩm nhựa, hạn chế sử dụng túi nilong không thân thiện môi trường, sử dụng bình thủy tinh đựng nước thay chai nhựa, thải bỏ chất thải nhựa đúng nơi quy định, chủ động phân loại chất thải, hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa một lần.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
- Chính phủ (2022), Nghị định số 08/2022/NĐ - CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
- Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2018), Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030;
- Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam;
- Thủ tướng Chính phủ (2020), Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/08/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.