Sau nhiều phiên tăng giá, cho đến phiên ngày thứ Ba tuần vừa rồi, hẳn rất nhiều nhà đầu tư vàng hài lòng khi mà giá vàng tiếp tục tăng mạnh sau thông tin niềm tin người tiêu dùng Mỹ sụt giảm. Khi người Mỹ kém tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế, điều đó đồng nghĩa với triển vọng kinh tế Mỹ khá u ám, giá vàng nhờ vậy có lực đỡ quan trọng.
Conference Board công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng 7/2020 giảm xuống còn 92,6 điểm từ mức 98,3 điểm của tháng 6/2020. Chỉ số đồng USD, trong khi đó vẫn ổn định sau khi giảm mạnh trong tháng này. Cùng lúc nhà đầu tư chờ đợi thông tin từ buổi họp chính sách của Fed vào ngày thứ Tư.
Giám đốc tại Everplus Capital, ông Jason Rotman, nhận xét: "Quá trình tăng của giá vàng vẫn tiếp diễn. Nhu cầu mua vàng trong vai trò công cụ đầu tư an toàn đã tăng lên và tôi vẫn tin rằng giá vàng sẽ hướng tới ngưỡng 2.000USD/ounce".
Cũng theo ông Rotman, cần nhớ rằng giả thuyết đầu tư luôn có khả năng sẽ trái ngược, yếu tố cản đà tăng của giá vàng sẽ là việc thay đổi tích cực của tình hình dịch bệnh Covid-19, GDP bắt đầu tăng trở lại cao vượt kỳ vọng.
Diễn biến giá vàng giao ngay trên thị trường New York (Nguồn: Kitco)
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 8/2020 tăng 13,60USD/ounce tương đương 0,7% lên 1.944,60USD/ounce – mức đóng cửa cao nhất của giá vàng giao hợp đồng. Trước đó trong phiên ngày thứ Hai, giá vàng đã có lúc chạm mức cao 1.974,70USD/ounce nhưng cũng có lúc giảm xuống mức 1.900,20USD/ounce.
Chỉ số đồng USD, chỉ số đo biến động của đồng USD so với 6 loại tiền tệ lớn khác, không có nhiều thay đổi ở mức 93,62 điểm. Trước đó, đã có lúc chỉ số đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm. Tính từ đầu tuần đến nay, chỉ số đã giảm 0,9%. Việc đồng USD suy yếu có thể mang đến yếu tố hỗ trợ cho giá cả các loại hàng hóa được tính bằng đồng Usd.
Chuyên gia cao cấp tại ngân hàng Swissquote Bank, ông Ipek Ozkardeskaya, nhận xét sự suy yếu của đồng USD có nguyên nhân từ việc lợi suất lợi tức trái phiếu Mỹ giảm quá sâu, áp lực lạm phát dâng cao, lạm phát trên toàn cầu không tăng và thị trường có quá nhiều yếu tố hỗ trợ cho giá vàng trong trung và dài hạn.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, mức tăng của giá vàng ghi nhận được hơn 26%.
Việc các chính trị gia Đảng Cộng hòa Mỹ đưa ra gói kích cầu quy mô 1 nghìn tỷ USD không khỏi khiến nhiều người lo ngại về các chương trình chi tiêu của chính phủ. Vào ngày thứ Ba, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu buổi họp lãi suất kéo dài 2 ngày. Việc giá vàng tăng cũng diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một căng thẳng.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, có thêm nhiều dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang chuộng vàng nhiều hơn chứng khoán. Trong phiên gần nhất, cổ phiếu trên thị trường Mỹ đã bị bán ra, dù rằng lực bán không quá mạnh.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên ngày thứ Ba (Nguồn: Google Finance)
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 205,49 điểm tương đương 0,8% xuống 26.379,28 điểm. Chỉ số S&P 500 đóng cửa phiên giảm 20,97 điểm tương đương 0,7% xuống 3.218,44 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 173,09 điểm tương đương 1,7% lên 10.536,27 điểm.
Trong ngày thứ Ba, nhiều nhà đầu tư mua vào cổ phiếu của những doanh nghiệp được cho là có thể hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế sau khi chịu tác động nặng nề từ đại dịch. Tuy nhiên lực mua vào của nhóm nhà đầu tư này không đủ mạnh để bù lại cho việc lực bán cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp lớn tăng mạnh.
Cụ thể cổ phiếu công ty du thuyền Norwegian Cruise Line Holdings và cổ phiếu quỹ đầu tư vào bất động sản thương mại Regency Centers Corp đều tăng. Cổ phiếu American Airlines Group và cổ phiếu United Airlines HoldingInc cũng như Delta Air Lines đều tăng từ hơn 1,7% đến 3,3%.
Nhiều cổ phiếu trước đây từng tăng điểm tốt như cổ phiếu của các công ty kinh doanh hàng trực tuyến và phần mềm làm việc tại nhà đã giảm điểm. Nổi bật nhất phải kể đến cổ phiếu Netflix và Alphabet giảm lần lượt 1,44% và 1,95%. Cổ phiếu McDonald giảm 2,48% sau khi công bố lợi nhuận giảm nhiều hơn kỳ vọng của giới chuyên gia phố Wall.
Thị trường năng lượng Mỹ tiếp tục chứng kiến sự phục hồi khi mà vào cuối ngày thứ Ba, Viện Xăng dầu Mỹ (API) công bố dự trữ dầu thô Mỹ giảm 6,8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 24/7/2020. Số liệu của API cũng cho thấy rằng dự trữ xăng tăng thêm 1,1 triệu thùng.
Diễn biến giá dầu trên thị trường New York trong 1 tuần gần nhất (Nguồn: Business Insider)
Dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma tăng 1,1 triệu thùng trong tuần này. Số liệu về dự trữ xăng dầu Mỹ công bố vào ngày thứ Tư bởi EIA sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Nhiều chuyên gia cho rằng số liệu của EIA sẽ cho thấy dự trữ dầu thô giảm khoảng 1,2 triệu thùng dầu trong tuần trước.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba trên thị trường New York, giá dầu thô hợp đồng tương lai tháng 9/2020 giao dịch ở mức 41,04USD/thùng, tăng nhẹ so với mức chốt phiên trước đó.
Theo các chuyên gia phân tích, diễn biến của thị trường chứng khoán và năng lượng Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng từ thông tin gói giải cứu 1 nghìn tỷ USD mà nội các Mỹ đang bàn thảo, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu chuẩn bị công bố, nó cho thấy tác động kinh tế của đại dịch Covid-19.
Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại JFD Group, ông Charalambos Pissouros, nhận định: "Theo quan điểm của chúng tôi, để thị trường cổ phiếu có thể hồi phục, sẽ cần đến việc gói giải cứu được chốt trước thời điểm thứ Sáu tuần này khi mà chương trình hỗ trợ cũ dành cho người lao động kết thúc". Ông khẳng định nếu quy mô gói giải cứu thấp hơn 1 nghìn tỷ USD sẽ có thể coi như sự thất vọng của thị trường.
Tại Mỹ, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng các ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tăng lên mức 4,29 triệu ca, số lượng các ca tử vong hiện là 148.056 ca. Bang Texas là bang thứ 4 tại Mỹ có số lượng ca nhiễm Covid-19 vượt 400.000 ca, ngoài ra, số lượng các ca nhiễm Covid-19 cũng tăng cao tại California, Florida và New York. Số lượng các ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng lên 16,5 triệu ca trong ngày thứ Ba, theo số liệu của đại học John Hopkins, tổng số ca tử vong do Covid-19 là 654.327 ca.