Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

VN-Index trở lại ngưỡng 1.000 điểm sau hơn 3 tuần, chứng khoán Việt tăng mạnh nhất Châu Á

 VN-Index trở lại ngưỡng 1.000 điểm sau hơn 3 tuần, chứng khoán Việt tăng mạnh nhất Châu Á

Mức tăng 3,52% cũng là đà tăng mạnh nhất của VN-Index kể từ đầu tháng 11 tới nay.

Sau tuần giao dịch đầy giằng co, VN-Index khởi đầu tuần mới trong dự báo của giới đầu tư về một đà phục hồi sẽ tiếp tục. Đúng như kỳ vọng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một phiên giao dịch đầy phấn khởi. Chỉ số chính duy trì sắc xanh trong toàn bộ thời gian, ngày càng nới rộng đà tăng và đóng cửa tại vùng điểm cao nhất, bứt phá 34,23 điểm (3,52%) lên mức 1.005,69. Độ rộng thị trường hôm nay cũng nghiêng hoàn toàn về bên mua khi có tới 836 mã tăng điểm (trong đó 256 mã tăng kịch trần) trên cả ba sàn.

Với phiên tăng điểm hôm nay, vốn hoá sàn HoSE tăng hơn 136.000 tỷ đồng, đạt 4.013.779 tỷ đồng.

VN-Index trở lại ngưỡng 1.000 điểm sau hơn 3 tuần, chứng khoán Việt tăng mạnh nhất Châu Á - Ảnh 1.

Như vậy, sau hơn 3 tuần điều chỉnh, chỉ số chính của chứng khoán Việt đã giành lại thành công ngưỡng điểm quan trọng 1.000 điểm đánh mất từ phiên 3/11. Mức tăng 3,52% cũng là đà tăng mạnh nhất của VN-Index kể từ đầu tháng 11 tới nay, đưa chỉ số trở thành chỉ số tăng mạnh nhất Châu Á ngày 28/11. Thậm chí, chứng khoán Việt Nam còn đi ngược xu hướng điều chỉnh của hầu hết các thị trường lớn trong khu vực.

Không chỉ tăng mạnh về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể với giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt gần 14.000 tỷ đồng, tăng tới 67% so với phiên trước. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy dòng tiền đang gần chủ động hơn trong bối cảnh vùng đáy ngắn hạn của thị trường được xem đã xác lập. Tuần trước, tín hiệu của FED về việc giảm tốc độ tăng lãi suất điều hành trong thời gian tới và Việt Nam nhiều khả năng sẽ có các chính sách đồng pha để đảm bảo ổn định tỷ giá được cho sẽ tiếp tục tác động tích cực lên dòng tiền.

Khối ngoại tiếp tục là điểm sáng khi mua ròng tới gần 1.700 trên HoSE phiên đầu tuần, gần bằng đà mua ròng trong cả tuần trước. Tính từ đầu tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 12.000 tỷ đồng, nâng luỹ kế mua ròng từ đầu năm 2022 tới hiện tại lên hơn 10.000 tỷ đồng. Đây động lực không hề nhỏ cho thị trường trong bối cảnh nhà đầu tư trong nước vừa phải đối diện với đợt "call margin" diện rộng tại các chủ doanh nghiệp. Trong đó, dòng vốn từ khu vực Đông Á và Thái Lan vẫn “ồ ạt” chảy vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF như Fubon ETF, Diamond ETF, VN30 ETF,...

VN-Index trở lại ngưỡng 1.000 điểm sau hơn 3 tuần, chứng khoán Việt tăng mạnh nhất Châu Á - Ảnh 2.

Thực tế, đà mua ròng của khối ngoại không quá bất ngờ khi giá nhiều cổ phiếu đã hạ xuống mức thấp sau chuỗi điều chỉnh dài, kể cả những mã vốn hoá lớn với nội tại doanh nghiệp tốt. Kéo theo đó, định giá của thị trường cũng về mức thấp. Với mặt bằng cổ phiếu vẫn rất hấp dẫn và liên thị trường tích cực, động thái mua ròng của khối ngoại khả năng cao sẽ tiếp tục được duy trì, đặc biệt tại những cổ phiếu có độ an toàn để “sống sót” qua chu kỳ kinh tế khó khăn hơn.

Cùng với đó, mức định giá thị trường về mức hấp dẫn cũng kích thích dòng vốn ngoại. Dù đà hồi phục tích cực từ cuối tuần trước sang tới phiên hôm nay đã đưa P/E trailing của VN-Index tăng nhẹ trở lại mức 10,56. Tuy nhiên, mức định giá này vẫn rất thấp, gần tương đương với các giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng như đáy Covid cuối tháng 3/2020 và giai đoạn năm 2012.

VN-Index trở lại ngưỡng 1.000 điểm sau hơn 3 tuần, chứng khoán Việt tăng mạnh nhất Châu Á - Ảnh 3.

Chia sẻ gần đây, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC đánh giá bức tranh đang ủng hộ xu hướng hồi phục ngắn hạn của thị trường. Thị trường thế giới diễn biến đang rất tích cực, đặc biệt là sự suy yếu của đồng USD. Đợt "call-margin" chủ doanh nghiệp, "call-margin" chéo cũng đã được giải quyết, vài trường hợp cá biệt cũng sẽ ngày càng ít ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Theo ông Huy, cơ hội lớn đang tồn tại trên thị trường nhưng quãng "sell-off" này khả năng sẽ chỉ kéo dài đến hết năm 2022 khi dòng vốn ít nhiều được khơi thông. Do đó, cơ hội tích lũy cổ phiếu trên thị trường hiện tại rất nhiều nhưng cũng không quá lâu. Khuyến nghị đối với những nhà đầu tư còn kẹp lại và đã có tỷ trọng cổ phiếu cao, ông Huy cho rằng không nhất thiết phải hạ tỷ trọng cổ phiếu nhưng cần xem xét lại kỹ danh mục để cơ cấu sang một danh mục lành mạnh hơn

Còn với người cầm tiền, nếu chưa xuống tiền ở đáy, vẫn hoàn toàn có thể cân nhắc xuống tiền. Cơ hội đang rất nhiều và rõ ràng để đầu tư bài bản với một tầm nhìn trung và dài hạn, chứ không chỉ là những cơ hội lướt lát.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Bất động sản tỉnh lẻ xuất hiện tình trạng cắt lỗ tới 50% nhưng vẫn “trắng” thanh khoản

 Bất động sản tỉnh lẻ xuất hiện tình trạng cắt lỗ tới 50% nhưng vẫn “trắng” thanh khoản

Đã có những lô đất cắt lỗ tới 40-50% so với thời điểm sốt nóng, nhưng tốc độ thanh khoản vẫn chậm, thậm chí khó tìm được người mua.

Cắt lỗ sâu nhưng không có người mua

Ảnh hưởng lớn từ sự trầm lắng của thị trường đó là bức tranh ảm đạm của bất động sản tỉnh. Chỉ hơn 1 năm trước, bất động sản tỉnh được ví như kênh đầu tư “cứ mua là thắng” thì đến hiện tại, khu vực này đang trầm lắng, vắng bóng người mua.

Cuối năm 2021, theo chân đội “cá mập” đi săn hàng, chị Thuỳ Anh (Hà Nội) xuống tiền vào 2 lô đất ở Hải Phòng. Một lô, chị sử dụng hoàn toàn 100% vốn của chính mình và một lô góp chung với bạn. Đây là đội “cá mập” mà chị chưa từng thấy thất bại trong bất kỳ thương vụ xuống tiền và đó cũng chính là lý do chị xuống tiền theo. Thế nhưng, không ai có thể nói trước được diễn biến thị trường nhất là sau khoảng thời gian giá bất động sản đã tăng quá nóng.

Hiện tại, chị Thuỳ Anh chưa nhờ môi giới rao bán lô đất của mình bởi chị biết, ngay cả khi hạ giá so với mức giá mua vào 20-30% cũng rất khó bán. Thông qua tìm hiểu với môi giới, một lô đất có vị trí đẹp ở Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) ở thời điểm sốt cao, giá lên tới 120 triệu đồng/m2 thì hiện tại mức giá này giảm còn 60 triệu đồng/m2. Nếu so với mặt bằng giá chung, những lô đất tương đương có giá 70-80 triệu đồng/m2. Thế nhưng, hơn 1 tháng nay, môi giới vẫn chưa tìm được người “chốt”.

Anh Thanh (môi giới ở Hải Dương) cũng cho biết, lượng hàng cắt lỗ tăng dần. Một lô đất liền kề 85m2 ở khu đô thị mới Đại An (thành phố Hải Dương) ở thời điểm thị trường sôi động, giá 34 triệu đồng/m2 không có hàng để bán trong khi người có nhu cầu rất nhiều. Đây là lô đất nằm ở đường bên trong.

Bất động sản tỉnh lẻ xuất hiện tình trạng cắt lỗ tới 50% nhưng vẫn “trắng” thanh khoản - Ảnh 1.

Lô đất giảm giá nằm ở khu đô thị mới Đại An, đường lớn 2 làn, vỉa hè rộng.

Thế nhưng mới đây, một chủ đất nhờ anh Thanh rao bán lô đất có vị trí đẹp hơn, nằm ở trục đường ngoài, với giá 2,3 tỷ đồng và có thương lượng thêm. Mức giá bán này tương đương với giá 27 triệu đồng/m2.

“Song tìm khách để chốt cũng khó. Vì mọi người đều trong tâm lý chờ đợi, thăm dò. Loại hình đất hay nhà mà người dân muốn mua để ở còn có thanh khoản. Với lô đất giá trị cao, nằm ở vùng ven thành phố hoặc trong các khu đô thị mới, khả năng thanh khoản rất chậm”, anh Thanh cho biết thêm.

Cũng theo môi giới này, trước đó, nhiều huyện ở Hải Dương còn ghi nhận tình trạng bỏ cọc hàng loạt khi đấu giá đất. Mức giá giảm 10-25% khá phổ biến ở thị trường tỉnh. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn giảm tới 40% so với mức giá ở thời điểm sốt đất.

Thị trường tỉnh đang “đóng băng”

Diễn biến hiện tại của thị trường bất động sản tỉnh đã được các chuyên gia dự báo từ trước. Bởi theo đánh giá của giới chuyên gia, giá bất động sản tỉnh tăng quá nhanh, quá mạnh trong một thời gian ngắn, đặc biệt giai đoạn 2019-2021. Nhưng cơ sở cho sự tăng giá chỉ là tin đồn hoặc hạ tầng giao thông hay dự án đổ về. So với đổi thay của hạ tầng giao thông hay tiến độ các dự án nhà ở xây dựng thì giá bất động sản tăng quá mạnh.

“Sau tăng quá nóng thì giá bất động sản buộc phải hạ”, đó là nhận định của một chuyên gia kinh tế.

Nhiều lần trước đó, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế đã dự báo về tình trạng giảm giá của đất tỉnh. Theo ông Hiển, giá bất động sản tỉnh còn tiếp tục hạ nhiệt.

Nhiều năm kinh nghiệm quan sát và nghiên cứu thị trường, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam nhận định, thanh khoản thị trường bất động sản đã rơi vào thời kỳ giảm tốc từ tháng 4/2022 và ngày càng ảm đạm hơn. Hiện nay, thanh khoản của thị trường đang ở mức rất thấp, chỉ bằng 10-20% so với thời điểm tháng 4/2022.

Ông Thắng nhận định, điểm đáng chú ý, đó là thị trường ghi nhận nhiều nhà đầu tư kẹt dòng tiền khi chạy theo những cơn sốt đất ở các tỉnh đang chấp nhận bán cắt lỗ, giảm giá đến 40-50% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, theo ông Thắng, dù cắt lỗ sâu nhưng cũng trắng thanh khoản. Những người không vay tiền để đầu tư bất động sản thì giờ cũng đang kẹt vốn trong đất. Từ đó, thị trường bất động sản không có thanh khoản nên cũng không biết đâu là đáy.