Liên hệ số di động/zalo: 0979766122 NGUYEN QUANG ANH Hỗ trợ cho tôi theo Số tài khoản: 0979766122 Vietinbank thành phố Bắc Giang
Thứ Hai, 29 tháng 5, 2023
Ba chị em gái nhà GS Đặng Thai Mai và ba chàng rể tướng lừng danh
Không biết có phải vì trí tuệ, đức hạnh của các ái nữ trong một gia đình trí thức nổi tiếng mà GS Đặng Thai Mai có tới ba người con rể là tướng.
Gia đình GS Đặng Thai Mai không chỉ nổi tiếng là một gia đình trí thức đáng kính trọng với sáu người con (năm gái một trai), tất cả đều là các trí thức được vị nể, yêu kính cả về tài năng và nhân cách, mà điều rất đặc biệt là ba ái nữ của GS Đặng Thai Mai là Đặng Bích Hà, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào đều kết hôn với ba vị tướng của quân đội nhân dân Việt Nam là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung tướng Phạm Hồng Cư, trung tướng Phạm Hồng Sơn.
Đọc cuốn hồi ức Cô bé nhìn mưa của bà Đặng Thị Hạnh vừa qua đời hôm 24-5, bạn đọc sẽ hiểu hơn về một gia đình "danh gia vọng tộc" này theo một cách mềm mại, trong trẻo, thuần khiết như chính tâm hồn những người con gái trong gia đình trí thức này.
Ba người con "rể tướng"
Giáo sư Đặng Thai Mai (1902 - 1984) là một nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học. Ông từng giữ các chức vụ quan trọng như bộ trưởng Bộ Giáo dục, viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam...
Với vốn Nho học uyên thâm và am hiểu văn học cổ điển Pháp, văn học hiện đại Trung Quốc, văn học cận đại Việt Nam, cho nên không ngạc nhiên khi sau này bốn người con gái của ông mỗi người lại kế tục xuất sắc một mặt nào đó của cha mình.
Trong đó, người con gái cả Đặng Bích Hà là phó giáo sư sử học; Đặng Thị Hạnh và Đặng Anh Đào là phó giáo sư về văn học phương Tây, đặc biệt là văn học cổ điển Pháp; Đặng Thanh Lê là giáo sư văn học trung đại Việt Nam.
Không biết có phải vì trí tuệ, đức hạnh của các ái nữ trong một gia đình trí thức nổi tiếng mà GS Đặng Thai Mai có tới ba người con rể là tướng. Người con gái cả của cụ Đặng Thai Mai là Đặng Bích Hà kết hôn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1946, và sau đó hai vị tướng cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với tướng Giáp đã "rủ nhau" về làm rể gia đình này.
Thực ra đó là câu nói đùa, những chàng rể tướng lĩnh ấy đã không hề "rủ nhau". Mối nhân duyên vợ chồng của các cặp đôi này đến một cách tự nhiên như nó phải thế, như thể trời sinh một cặp. Trong đó, nổi tiếng nhất hẳn là mối nhân duyên vợ chồng của bà Đặng Bích Hà với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bà Hà là người vợ thứ hai của Đại tướng, sau khi người vợ đầu là chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái qua đời. Nhưng bà Hà gắn bó keo sơn, tri kỷ với tướng Giáp bởi thời gian bên nhau đi suốt cuộc đời. Sinh thời, bà Đặng Thị Hạnh từng nói chị gái mình chính là "nơi nương tựa cho anh Văn trong mọi điều kiện".
Vốn là bạn vong niên với GS Đặng Thai Mai nên "anh Văn" trước khi kết hôn với "chị Hà" đã biết và gắn bó với cô bé thông minh từ thuở nhi đồng, lớn lên lại hướng dẫn cô học và đọc sách.
Tình yêu đến tự nhiên và một đám cưới giản dị đã được tổ chức chỉ ba tuần trước Ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946. Những người biết bà, các học trò của bà đều khâm phục phẩm cách của người phụ nữ này: là phu nhân của đại tướng, cả đời bà vẫn là người phụ nữ lặng thầm làm hậu phương vững chắc cho người chồng kiệt xuất, từ những năm tháng chiến tranh gian khổ cho đến thời bình.
Người ta cũng còn nhớ những hình ảnh cảm động cuối đời của cặp đôi đặc biệt này: Đại tướng ngồi tập đàn piano ở tuổi ngoài 90 với người vợ đứng bên cạnh. Bà, có thể nói, đã cả đời đứng bên cạnh hoặc phía sau người chồng lừng lẫy của mình.
Tình yêu thắm thiết dịu dàng
Cặp vợ chồng bà Đặng Thị Hạnh - trung tướng Phạm Hồng Cư cũng có sự gắn bó đặc biệt. Và câu chuyện vợ chồng của người con gái có tâm hồn mơ mộng nhất của GS Đặng Thai Mai cảm động theo một cách riêng.
Ông Phạm Hồng Cư tên thật là Lê Đỗ Nguyên, sinh năm 1926, quê ở Đông Cương, Đông Sơn, Thanh Hóa. Ông chính là một trong ba người anh "Nàng có ba người anh đi bộ đội" (Lê Đỗ Khôi, Lê Đỗ Nguyên và Lê Đỗ An) của nhân vật nữ (Lê Đỗ Thị Ninh) trong bài thơ Màu tím hoa sim nổi tiếng của nhà thơ Hữu Loan.
Năm 1954, sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Phạm Hồng Cư đã kết hôn với Đặng Thị Hạnh. Cùng năm đó, cô em gái bà là Đặng Anh Đào cũng kết hôn với tướng Phạm Hồng Sơn.
Trung tướng Hồng Sơn vốn là một chàng sinh viên trường luật "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu". Ông tên thật là Phạm Thành Chính, sinh năm 1923, tại Nghệ An. Đám cưới của họ được tổ chức tại Thanh Hóa, nơi gia đình GS Đặng Thai Mai sơ tán, lúc đó Hiệp định Genève còn đang đàm phán, theo thông tin trong cuốn hồi ức Nhớ và quên do hai vợ chồng trung tướng Phạm Hồng Sơn và Đặng Anh Đào viết chung.
Tình yêu thắm thiết của họ cho tới cuối đời càng gắn bó, để rồi họ cùng nhau viết cuốn sách "hồi ký" về cuộc đời chiến đấu và yêu thương của người chồng. Sau phần đầu cuốn sách Nửa đời chiến trận là hồi ức của Phạm Hồng Sơn cho thấy một trung tướng từng kinh qua các chức vụ lãnh đạo cao cấp trong quân đội có phần khô khan, người vợ, bằng tài văn chương của mình, tiếp tục đắp bồi chân dung chồng mình ở phần sau với tên Vầng trăng khuyết.
Chân dung vị tướng qua những trang viết của vợ
Bà đã tỉ mỉ, nhẫn nại và yêu thương dựng chân dung chồng bằng những con chữ vừa nghiêm cẩn vừa tha thiết của một người vợ tận tụy và dịu dàng.
Những trang sổ tay ghi chép chiến dịch của chồng, những bức thư của vợ chồng và cha con thời chiến, những mẩu chuyện thường nhật của người lính và người dân được bà Anh Đào dùng để "vẽ" chân dung chồng mình đầy yêu thương, tự hào. Những trang viết cho người đọc thấy được hóa ra tình yêu thời chiến của bà với chồng vẫn đầy sự lãng mạn.
Một chi tiết thú vị, ở đây bà Đào kể "anh Văn" từng nhận xét về chồng bà với bà rất thẳng thắn: "Hồng Sơn đánh trận giỏi nhưng bướng, hay cãi cấp trên".
Ngọn gió thổi mãi
Cô Đặng Thị Hạnh (1930 - 2023) đã ra đi ở tuổi 93. Cô là nhà dịch thuật, nghiên cứu, giảng dạy văn học Pháp tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cô là cô giáo của chúng tôi.
Khi tôi vào học khoa ngữ văn (K20, 1975 - 1979) các thầy cô đã ở đó, đang vào độ chín của tuổi đời và tuổi nghề.
Chúng tôi, lần đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, háo hức lắng nghe và tiếp nhận những kiến thức các thầy cô truyền dạy nhưng vô tư không biết những khó khăn, cản trở các thầy cô phải vượt qua trong quá trình tìm kiếm, khai thác, cân nhắc lựa chọn các sự đánh giá, truyền đạt những kiến thức đó cho các lớp sinh viên.
Cô Đặng Thị Hạnh và các thầy cô dạy văn học phương Tây, cụ thể là văn học Pháp, và ở cả các bộ môn khác nữa, đã biết cách uyển chuyển, tinh tế, khéo léo đem đến cho các sinh viên của mình những hiểu biết tới hạn mà không lệch lạc, méo mó về một nền văn chương vĩ đại của thế giới trong hoàn cảnh đường ra của Việt Nam với thế giới đang bị khép mở nhiều bề. Công lao đó của cô đã được Chính phủ Cộng hòa Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ hàn lâm (2013).
Và khi thời khác đến, thời đổi mới, mở cửa, không khí học thuật cởi mở, tự do hơn, cô Hạnh cùng các đồng nghiệp của mình, những người chuyên sâu vào văn học nước ngoài, đã rất nhanh và rất sắc chiếu cái nhìn tinh tường của mình vào văn học trong nước, ủng hộ và cổ vũ những cái mới của văn chương nước nhà.
Cuốn sách của cô Một vài gương mặt văn xuôi Pháp thế kỷ XX (2000) nói cả về những nhà văn mới của Việt Nam đang gây dư luận hồi đầu đổi mới. Cô, cũng như thầy Đỗ Đức Hiểu, cô Đặng Anh Đào, từ cách đọc văn nước ngoài đã ứng vào cách đọc văn trong nước, kịp thời giúp giới văn chương có được một công cụ mới giải mã các hiện tượng văn chương mới.
Cô Đặng Thị Hạnh trí thức khoa học nhưng giản dị bình thường. Đến khi cô viết văn thì mới hay bao nhiêu cái thấm văn chương Pháp để hiện ra những câu chữ lời văn thật trong sáng, đẹp đẽ, nồng ấm. Cô bé nhìn mưa - cuốn hồi tưởng (tên thể loại cô ghi lần xuất bản đầu tiên, 2008) của cô - đọc cuốn hút trước hết bởi văn cô viết cho người đọc cùng tác giả trôi vào mạch cảm xúc một đời người.
Lấy đề từ trong vở kịch Shakespeare - "Chúng ta được làm cùng thứ vải dệt thành các giấc mộng/ Và bao quanh cuộc đời bé nhỏ của chúng ta là một giấc ngủ", Đặng Thị Hạnh đã đi từ cô bé nhìn mưa là mình thuở nhỏ hai ba tuổi, xuyên suốt cuộc đời đầy biến động cùng lịch sử dân tộc của gia đình mình, đến cô bé nhìn mưa là đứa cháu mình hiện tại, và thế là "vi vu, vi vu... mọi việc đều trôi qua [...] Tất cả đều trôi qua. Đời người cũng vậy...", như tác giả dẫn lại lời ngọn gió trong một truyện cổ của Andersen.
Giờ cô Đặng Thị Hạnh đã nghỉ yên. Nhưng ngọn gió đó vẫn thổi trên trang sách của cô. Đã nhớ đã biết rồi thì gió cứ thổi mãi.
PHẠM XUÂN NGUYÊN