Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

Ăn Lẩu Cầm Vàng Thụy Sỹ Mang Về! - Người Việt Ở Mỹ Ùn Ùn Kéo Đến Khoa Pug Hot Pot Gây Tắc Nghẽn!

Cuộc Sống Thượng Lưu Của Giới Siêu Giàu Hồng Kông | Giới Thượng Lưu

QUẺ 2: THUẦN KHÔN

 Dưới đây là lời giảng Quẻ Thuần Khôn theo sách "Kinh dịch - Đạo của người quân tử" của học giả Nguyễn Hiến Lê

Thuần Khôn

:::::: Thuần Khôn (坤 kūn)

Quẻ Thuần Khôn, còn gọi là quẻ Khôn (坤 kūn), tức Đất là quẻ số 02 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là: ☷ (::: 坤 kūn) Khôn = (地) Đất.

* Ngoại quái là: ☷ (::: 坤 kūn) Khôn = (地) Đất.

Giải nghĩa: Thuận dã. Nhu thuận. Thuận tòng, mềm dẻo, theo đường mà được lợi, hòa theo lẽ, chịu lấy. Nguyên Hanh Lợi Trinh chi tượng.

坤 : 元, 亨, 利, 牝 馬 之 貞 . 君 子 有 攸 往 . 先 迷 後 得. 主 利 . 西 南 得 朋 . 東 北 喪 朋 . 安 貞 吉 .

Khôn: Nguyên, hanh, lợi, tẫn mã chi trinh. Quân tử hữu du vãng, tiền mê hậu đắc, chủ lợi. Tây nam đắc bằng, đông bắc táng bằng. An trinh, cát.

Dịch: Khôn có đức đầu tiên và lớn, hanh thông, thích đáng, đức chính và bền của con ngựa cái. Người quân tử có việc làm mà thủ xướng thì lầm, để người khác thủ xướng mà mình theo sau thì được. chỉ cốt lợi ích cho vạn vật. đi về phía tây nam thì được bạn, về phía đông bắc thì mất bạn. An lòng giữ đức bên vững, tốt.

Giảng: Quẻ Càn gồm 6 hào dương, quẻ Khôn gồm 6 hào âm. Càn “tượng” (1) trời thì không “tượng” đất. Càn cương kiện thì Khôn nhu thuận. Càn tạo ra vạn vật ở vô hình, thuộc phần khí; nhưng phải nhờ Khôn vạn vật mới hữu hình, mới sinh trưởng, cho nên công của Khôn cũng lớn như công của Càn; chỉ khác Khôn phải ở sau Càn, tùy theo Càn, bổ túc cho Càn; cho nên các đức nguyên, hanh, lợi, Khôn có đủ như Càn; chỉ riêng về đức trinh (chính và bền) thì Khôn hơi khác: tuy chính và bền nhưng phải thuận. Văn Vương dùng con ngựa cái để “tượng” Không: ngựa là giống mạnh mà ngựa cái có tính thuận theo ngựa đực.

Cũng vì Khôn có đức thuận, cho nên khởi xướng phải là Càn, Khôn chỉ tiếp tục công việc của Càn. Người quân tử nếu ở vào địa vị khôn, phải tùy thuộc người trên thì làm việc cũng đừng nên khởi xướng để khỏi lầm lẫn, chờ người ta khởi xướng rồi mới theo thì được việc, như vậy là có đức dày như đất, chở được muôn vật, lớn cũng không kém đức của trời (Càn): “Quân tử dĩ tự cường bất tức” là bài học rút ra từ quẻ Càn.

Chu công còn khuyên đi về phía Tây Nam vì trên Hậu thiên bát quái Khôn ở phía Tây nam (có học giả hiểu là phía Tây và phía Nam) thì được bạn (hoặc được tiền bạc, vì chữ “bằng” cò thể hiểu là bằng hữu, cũng có thể hiểu là bằng bối: bối là vỏ sò ngao xưa dùng làm tiền, 1 bằng là 2 hoặc 10 bối) nếu đi về phía Đông bắc thuộc dương thì mất bạn (hoặc tiền bạc).

Được quẻ này, nến theo những lời khuyên đó mà an lòng, giữ đức bền vững thì tốt.

Câu “Quân tử hữu du vãng, tiên mê hậu đắc” có người hiểu là: “Người quân tử có đi đâu thì trước lầm sau đúng”, mà không giảng tại sao lại như vậy. Hiểu như chúng tôi ở trên thì có lý hơn, làm rõ cái đạo “thuận tòng thì tốt” của Khôn. Chữ “du” ở trong kinh Dịch thường dùng như chữ “sở”

Tác giả Văn Ngôn không giảng gì thêm chỉ tóm tắt lại: Đạo Khôn là thuận theo trời mà tiến hành không ngừng.

Hào từ:

1) 初 六: 履 霜, 堅 冰 至

Sơ lục: Lý sương, kiên băng chí.

Giảng: Đây là hào âm đầu tiên trong quẻ. Âm thì lạnh, nên Chu Công ví với sương lạnh mới kết lại thì thành sương, rồi lần lần, lạnh hơn, nước sẽ đông lại thành băng. Hao này có hàm cái ý phải thận trọng từ bước đầu. Tiểu tượng truyện không giảng thêm, còn Văn ngôn truyện thì khuyên ta:

“Nhà nào tích lũy điều lành thì tất có thừa phúc (để đến đời sau); nhà nào tích lũy điều chẳng lành thì tất có thừa tai vạ (để đến đời sau). Như việc bề tôi giết vua, con giết cha, nguyên do không ở trong một buổi sớm chiều; tất dần dà có từ lâu rồi, mà người ta không biết lo toan từ sớm vậy” (tích thiện chí gia tất hữu dư khách, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương: Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triều nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hĩ. Do biện chi bất tảo biện dã).”

Chúng ta để ý: hào 1 quẻ Càn, Dịch chỉ khuyên cứ ở ẩn, tu đức luyện tài chờ thời; còn hào 1 quẻ Khôn này. Dịch răn phải đề phòng từ đầu, nếu không sẽ gặp họa; như vậy Dịch tin ở Dương hơn đạo Âm, trọng Dương hơn Âm .

2) 六 二: 直 方 大, 不 習 无 不 利

Lục nhị: trực phương đại, bất tập vô bất lợi.

Dịch: Hào 2, âm (Đức của mình) thẳng, vuông, lớn thì chẳng phải học tập mà cũng không có gì là không lợi.

Giảng: Hào này rất tốt: thể là âm, vị cũng là âm ( hào chẳn), thế là đắc chính, cho nên bảo là có đức thẳng (trực) nó lại đắc trung, (ở giữa nội quái) cho nên bảo là vuông vức (phương) (1) nó lại ở trong quẻ Khôn, có qui mô lớn, nên chẳng cần học tập khó khăn mà hành động nào cũng hợp đạo lý.

Văn ngôn giảng thêm: người quân tử muốn như hào 2 này mà ngay thẳng ở trong lòng thì phải có đức kinh; vuông ở ngòai (khi tiếp vật) thì phải có đức nghĩa. Có hai đức kính, nghĩa đó thì sẽ không cô lập (?). Nguyên văn: “bất cô”, Chu Hi giảng là to lớn, tức có ý cho rằng: Kính thì “trực”, nghĩa thì “phương”. Có đủ kính và phương thì là “đại”. Chúng tôi hiểu theo câu: Đức bất cô, tất hữu lân” (người có đức thì không lẻ loi, tất có bạn cũng trọng đạo đức như mình (bạn đây là hào 5, ứng với 2) không biết có đúng không.

3) 六 三: 含 章 可 貞, 或 從 王 事, 无 成 有 終

Lục tam: hàm chương khả trinh, hoặc tòng vương sự, vô thành hữu chung.

Dịch: Hào 3, âm: Ngậm chứa (đừng để lộ ra) đức tốt mà giữ vững được, có khi theo người trên mà làm việc nước, đừng chiếm lấy sự thành công thì sau cùng sẽ có kết quả.

Giảng: Hào 3 là âm mà ở vào địa vị dương (lẻ), như vậy là không chính, nhưng nó vốn có đức nhu thuận của quẻ Khôn, thêm được tính cương kiện của vị dương, thì lại là tốt (đây là lẽ biến hóa của Dịch).

Nó đứng trên cùng nội quái, tức có thể có chức phận, cho nên bảo là có lúc theo bề trên làm việc nước. Nhưng nó nên nhũn, nhu thuận (đức của Khôn) chỉ làm trọn nghĩa vụ mà đừng chiếm lấy sự thành công thì sau cùng sẽ có kết quả.

Văn ngôn bàn thêm: Ngậm chứa đức tốt, theo người trên làm việc mà không dám chiếm lấy sự thành công, đó là đạo của Đất, của vợ, của bề tôi (địa đạo, thê đạo, thần đạo). Đó là cách cư xử của người dưới đối với người trên.

4) 六 四: 括 囊, 无 咎, 无 譽.

Lục cửu: quát nang, vô cữu, vô dự.

Dịch: Hào 4 âm: như cái túi thắt miệng lại, (kín đáo giữ gìn) thì khỏi tội lỗi mà cũng không danh dự.

Giảng: hào 4 là âm ở địa vị âm trong một quẻ tòan âm, mà không đắc trung như hào 2, ví như người quá nhu thuận, vô tài, không có chút cương cường nào. Đã vậy, mà ở sát hào 5, tức là có địa vị một đại thần, tài thấp mà địa vị cao, nên phải thận trọng thì mới khỏi tội lỗi, an thân, mặc dầu không có danh dự gì.

Hào 4 quẻ Càn cũng ở địa vị như hào này, nhưng là dương, có tài năng, nên còn có thể bay nhảy, tiến được (hoặc dược), khác nhau ở chỗ đó.

Văn ngôn cho hào này có cái tượng “âm cự tuyệt dương” (vì không có chút dương nào cả từ bản thể tới vị), như vậy là âm dương cách tuyệt nhau, trời đất không giao nhau (thiên địa bế), lúc đó hiền nhân nên ở ẩn (hiền nhân ẩn), rất thận trọng thì không bị tai họa.

5) 六 五: 黄 裳, 元 吉.

Lục ngũ: hoàng thường, nguyên cát.

Dịch: hào 5, âm: như cái xiêm màu vàng, lớn, tốt (rất tốt).

Giảng Hào 5 là hào chí tôn trong quẻ , đắc trung. Tuy nó không đắc chính vì là âm mà ở vị dương; nhưng ở trong quẻ Khôn,như vậy lại tốt vì có chút cương, không thuần âm, thuần nhu, như hào 4, tức là có tài, nhưng vẫn là Khiêm nhu (vì là âm). Âm còn hàm ý văn vẻ nữa, trái với dương cương kiện là võ. Cho nên Chu Công cho là hào này rất tốt, và “tượng” bằng cái xiêm màu vàng. Vàng là màu của đất, của trung ương (hàm ý không thái quá, không bất cập) của vàng, đồng, nên người Trung Hoa thời xưa rất quí, chỉ vua chúa mới được dùng màu vàng trong y phục. xiêm là một bộ phận y phục ở phía dưới, đẹp đẽ, hàm cái nghĩa khiêm hạ, không tự tôn.

Văn ngôn bàn thêm: người quân tử có đức trung (màu vàng) ở trong mà thông suốt đạo lý, ở ngôi cao mà vẫn khiêm, tự coi mình ở thể dưới (như cái xiêm); như vậy là chất tốt đẹp ở bên trong mà phát ra bề ngòai, làm nên sự nghiệp lớn, tốt đẹp như vậy là cùng cực.

Như vậy Dịch tuy coi âm (Khôn) không quí bằng dương (Càn), nhưng có lúc coi trọng đức khiêm nhu, mà Dịch cho là đức của người văn minh. Tinh thần đó là tinh thần hiếu hòa, trọng văn hơn võ. Hào 5 quẻ Càn, Chu Công cho là đại quí (long phi tại thiên) nhưng chỉ bảo: “Lợi kiến đại nhân”; còn hào 5 quẻ không thì khen là”nguyên cát” hào tốt nhất trong Kinh Dịch, là có nghĩa vậy.

6) 六 上: 龍 戰 于 野, 其 血 玄 黄.

Lục thượng: Long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng.

Dịch: Hào trên cùng âm : Như rồng đánh nhau ở đồng nội, đổ máu đen máu vàng.

Giảng: hào này âm lên tới điểm cực thịnh. Âm dương tuy bổ túc nhau, nhưng bản thể vẫn là ngược nhau, đối địch nhau. Khi âm cực thịnh, dương cũng vậy ( hào 6 quẻ Càn) thì hai bên tất tranh nhau, và cả hai đều bị hại. Đạo đến đó là cùng rồi. cũng vẫn cái nghĩa thịnh cực thì suy như hào 6 quẻ Càn.

Văn ngôn: không giảng gì khác, chỉ cho biết rằng “huyền hoàng”: là sắc của trời đất, âm dương .

Cao Hanh ngờ rằng hai chữ đó [玄 黄] thời xưa dùng như hai chữ [ ] (vì đọc như nhau) và có nghĩa là chảy ròng ròng. Không rõ thuyết nào đúng, nhưng đại ý vẫn là tai hại cả cho hai bên

7) 用 六: 利 永 貞.

Dụng lục: Lợi vĩnh trinh.

Dịch: (nghĩa từng chữ) dùng hào âm: phải (nên) lâu dài, chính và bền.

Giảng: Hai chữ “dụng lục” ở đây cũng như hai chữ “dụng cửu” ở quẻ Càn rất tối nghĩa, và câu 7 này mỗi nhà giảng một khác. Dưới đây tôi chỉ đưa ra ba thuyết:

• Thuyết của tiên nho: sáu hào âm biến ra sáu hào dương, tức Thuần khôn biến thành Thuần Càn, như một người nhu nhược biến ra một người cương cường, cho nên bảo là: phải (nên) lâu dài, chính và bền.

• Thuyết của Cao Hanh: hỏi về việc cát hay hung lâu dài, mà được “hào” này thì lợi.

• Thuyết của Tào Thăng: Khôn thuận theo Càn cho nên gọi là lợi; Không động thì mở ra, tĩnh thì đóng lại. Cho nên bảo chính và bền, ý muốn nói: đạo Khôn đơn giản mà tác tác thành vạn vật.

Chú ý: chỉ hai quẻ Càn và Khôn là có Văn ngôn truyện, Dụng Cửu và dụng Lục; từ quẻ sau trở đi không còn những tiết đó nữa.

QUẺ 40: LÔI THỦY GIẢI

 

QUẺ 40: LÔI THỦY GIẢI

Dưới đây là lời giảng Quẻ Lôi Thủy Giải theo sách "Kinh dịch - Đạo của người quân tử" của học giả Nguyễn Hiến Lê

Lôi Thủy Giải

:|:|:: Lôi Thủy Giải (解 xiè)

Quẻ Lôi Thủy Giải, đồ hình :|:|:: còn gọi là quẻ Giải (解 xie4), là quẻ thứ 40 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☵ (:|: 坎 kan3) Khảm hay Nước (水).

* Ngoại quái là ☳ (|:: 震 zhen4) Chấn hay Sấm (雷).

Giải nghĩa: Tán dã. Nơi nơi. Làm cho tan đi, như làm tan sự nguy hiểm, giải phóng, giải tán, loan truyền, tuyên truyền, phân phát, lưu thông, ban rải, ân xá. Lôi vũ tác giải chi tượng: tượng sấm động mưa bay.

Không thể bị nạn hoài được, thế nào cũng tới lúc giải nạn, vì vậy sau quẻ Kiển tới quẻ Giải. Giải là cởi, tan.

Thoán từ

解: 利西南, 无所往, 其來復吉. 有攸往, 夙, 吉.

Giải: Lợi Tây nam, vô sở vãng, kì lai phục, cát. Hữu du vãng, túc, cát.

Dịch: tan cởi: đi về Tây nam thì lợi, đừng đa sự, cứ khôi phục lại như cũ thì tốt. Nhưng cũng có điều đáng làm, làm cho chóng thì tốt.

Giảng: Tượng quẻ là âm dương giao hoà với nhau, sấm (Chấn) động và mưa (Khảm) đổ, bao nhiêu khí u uất tan hết, cho nên gọi là Giải. Cũng có thể giảng: Hiểm (Khảm) sinh ra nạn, nhờ động (Chấn) mà thoát nạn nên gọi là Giải.

Khi mọi hoạn nạn đã tan rồi, thì dân chỉ mong an cư lạc nghiệp, người trị dân nên có chính sách khoan đại, giản dị (Tây Nam thuộc Khôn là đường lối khoan đại, bình dị); đừng đa sự, cứ khôi phục trật tự cũ cũng đủ tốt rồi. Tuy nhiên cũng phải trừ những tệ đã gây ra những hoạn nạn trước kia, cũng phải sửa đổi cho sự bình trị được lâu dài, công việc đó nên làm cho mau xong (vẫn là ý đừng đa sự) thì tốt.

Đại tượng truyện khuyên sau khi giải nạn rồi, nên tha tội cho những kẻ lầm lỗi trước, nếu không tha được thì cũng nên giảm án cho nhẹ đi (quân tử dĩ xá quá, hựu tội).

Hào từ

1. 初六: 无咎.

Sơ lục: Vô cữu.

Dịch: Hào 1, âm: không lỗi.

Giảng: Mới bắt đầu vào thời cởi mở, hào này âm nhu, mà có dương cương (hào 4) ở trên ứng, cứ lặng lẽ ở yên không sinh sự thì không có lỗi gì cả.

2. 九二: 田獲三狐, 得黃矢, 貞, 吉.

Cửu nhị: Điền hoạch tam hồ, đắc hoàng thỉ, trinh, cát.

Dịch: Hào 2, dương: Đi săn được ba con cáo, được mũi tên màu vàng, giữ đạo chính thì tốt.

Giảng: Không ai biết “ba con cáo” ám chỉ những hào nào, Chu Hi ngỡ là hào âm 1, 3 và trên cùng (trừ hào âm 5). Chỉ có thể đoán ý rằng: hào này dương cương, ứng với hào 5 âm, vị nguyên thủ, cho nên thế khá mạnh, có trách nhiệm với quốc gia trừ bọn tiểu nhân (ba con cáo), mà không mất mũi tên màu vàng (tức đạo trung trực – vàng là màu của trung ương, mũi tên tượng trưng cho việc ngay thẳng: trực). Hào từ khuyên phải giữ vững (trinh) đạo trung đó thì mới tốt.

3. 六三: 負且乘, 致寇至.貞吝.

Lục tam: Phụ thả thừa, trí khấu chí; trinh lận.

Dịch: Hào 3, âm: kẻ mang đội đồ vật mà lại ngồi xe là xui bọn cướp tới, nếu cứ giữ cái thói đó (trinh ở đây nghĩa khác trinh ở hào trên ) thì phải hối hận.

Giảng: Hào này âm nhu, bất chính, bất trung mà ở trên cùng nội quái, tức như kẻ tiểu nhân ở ngôi cao, không khác kẻ vừa mang đội (người nghèo) mà lại ngất ngưởng ngồi xe (như một người sang trọng), chỉ tổ xui cướp tới cướp đồ của mình thôi.

Theo Hệ từ thượng truyện, Chương VIII, Khổng tử bàn rộng ra như sau: ‘người thường mà ngồi xe của người sang là xui kẻ cướp tới cướp đoạt của mình. Người trên khinh nhờn kẻ dưới tàn bạo thì kẻ cướp (giặc) tìm cách đánh đuổi ngay. Giấu cất không kín đáo là dạy cho bọn gian vào lấy của nhà mình; trau giồi nhan sắc là dạy cho bọn gian dâm tới hiếp mình”.

4. 九四: 解而拇, 朋至斯孚.

Cửu tứ: Giải nhi mẫu, bằng chí tư phu.

Dịch: Hào 4, dương: Bỏ ngón chân cái của anh đi (chữ nhi ở đây là đại danh từ) thì bạn (tốt) mới tới và tin cậy anh.

Giảng: Hào này là dương, tuy không chính (vì ở ngôi âm) nhưng ở gần hào 5, vị nguyên thủ, là có địa vị cao. Nó ứng với hào 1 âm, tiểu nhân ở dưới, nên bị nhiều người chê, nếu nó biết tuyệt giao với hào 1 (tượng trưng bằng ngón chân cái, ở chỗ thấp nhất trong cơ thể) thì người tốt mới vui tới mà tin cậy ở nó.

5. 六五: 君子維有解, 吉.有孚于小人.

Lục ngũ: Quân tử duy hữu giải, cát; hữu phu vu tiểu nhân

Dịch: Hào 5, âm: người quân tử phải giải tán bọn tiểu nhân đi thì mới tốt; cứ xem bọn tiểu nhân có lui đi không thì mới biết chắc được mình có quân tử hay không.

Giảng: hào này âm nhu, chưa chắc đã là quân tử, nhưng ở địa vị chí tôn, làm chủ quẻ, cho nên Hào từ khuyên phải tuyệt giao với bọn tiểu nhân (tức ba hào âm kia) thì mới tỏ rằng mình là quân tử được.

6. 上六: 公用射隼于高墉之上.獲之, 无不利.

Thượng lục: Công dụng xạ chuẩn vu cao dung chi thượng. Hoạch chi, vô bất lợi.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Một vị công nhắm bắn con chim chuẩn ở trên bức tường cao. Bắn được, không gì là không lợi.

Giảng: đã tới lúc cuối cùng thời giải, nội loạn đã an rồi, nếu còn kẻ ở ngoài dám gây loạn (tượng trưng là con chim chuẩn ở trên bức tường cao). Thì cứ diệt đi, sẽ thành công. Vị “công” ở đây là hào trên cùng.

Theo Hệ từ hạ truyện, Khổng tử giải thích hào này như sau: “chuẩn là một loài chim, cung tên là đồ dùng, kẻ bắn là người. Người quân tử chứa sẳn đồ dùng (tài, đức) ở trong mình, đợi thời mà hoạt động thì có gì chẳng lợi?

***

Ý nghĩa quẻ này ở trong Thoán từ: dẹp loạn xong thì nên khoan hồng với kẻ lỡ lỗi lầm, đừng đa sự, chỉ cần khôi phục trật tự cũ, và củng cố nó bằng một số công việc, nhưng phải làm cho mau để khỏi phiền nhiễu dân.

Hào 3 cũng có một lời khuyên nên nhớ: giấu cất không kín đáo là dạy cho kẻ trộm vào lấy của nhà mình; trau giồi nhan sắc là dạy cho bọn tà dâm tới hiếp mình. (Mạn tàng hối đạo, dã dung hối dâm).

QUẺ 15: ĐỊA SƠN KHIÊM

 

Dưới đây là lời giảng Quẻ Địa Sơn Khiêm theo sách "Kinh dịch - Đạo của người quân tử" của học giả Nguyễn Hiến Lê

Địa Sơn Khiêm

::|::: Địa Sơn Khiêm (謙 qiān)

Quẻ Địa Sơn Khiêm, đồ hình ::|::: còn gọi là quẻ Khiêm (謙 qian1), là quẻ thứ 15 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☶ (::| 艮 gen4) Cấn hay Núi (山).

* Ngoại quái là ☷ (::: 坤 kun1) Khôn hay Đất (地).

Giải nghĩa: Thoái dã. Cáo thoái. Khiêm tốn, nhún nhường, khiêm từ, cáo thoái, từ giã, lui vào trong, giữ gìn, nhốt vào trong, đóng cửa. Thượng hạ mông lung chi tượng: tượng trên dưới hoang mang.

Đại hữu là thời rất thịnh, không nên để cho quá đầy, mà nên nhún nhường, nên Khiêm.

Thoán từ

謙: 亨, 君子有終.

Khiêm: Hanh, quân tử hữu chung.

Dịch: Nhún nhường, hanh thông, người quân tử giữ được trọn vẹn tới cuối.

Giảng: Trên là đất, dưới là núi. Núi cao, đất thấp, núi chịu ở dưới đất là cái tượng nhún nhường. Khiêm hạ. Vì vậy mà được hanh thông.

Quẻ này chỉ có mỗi một hào dương, dùng nó làm chủ quẻ.

Thoán truyện bàn thêm: Khiêm là đạo của trời, đất và người .

Trời có đức khiêm vì ở trên đi xuống chỗ thấp mà sáng tỏ; đất có đức khiêm vì chịu ở dưới mà đi lên. Đạo trời, cái gì đầy thì làm cho khuyết đi, cái gì thấp kém (khiêm) thì bù đắp cho (Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm). Đạo đất, đạo quỉ thần cũng vậy. Còn đạo người thì ghét kẻ đầy, tức sự kiêu căng thỏa mãn, mà thích kẻ khiêm tốn (Nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm). Hễ khiêm thì ở địa vị cao mà đạo càng sáng, ở địa vị thấp mà chẳng ai vượt mình được.

Đại tượng truyện. Khuyên người quân tử nên bớt chốn nhiều, bù chốn ít, để cho sự vật được cân xứng, quân bình (Biều đa ích quả, xứng vật bình thí).

Hào từ

初六: 謙謙君子, 用涉大川, 吉.

Sơ lục: khiêm khiêm quân tử, dụng thiệp đại xuyên, cát.

Dịch: Hào 1, âm – Nhún nhường, nhún nhường, người quân tử dùng đức ấy để qua sông lớn thì tốt.

Giảng: Hào này âm như mà lại ở dưới cùng, thật là khiêm hạ, dầu gặp hoàn cảnh hiểm nguy nào cũng vượt được.

Tiểu tượng truyện khuyên người quân tử trau giồi tư cách mình bằng đức khiêm hạ, (Khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục)

2 六二: 鳴謙, 貞吉.

Lục nhị: Minh khiêm, trinh cát.

Dịch: Hào 2, âm: Tiếng tăm lừng lẫy về đức khiêm, nếu chính đáng thì tốt.

Giảng: hào này nhu thuận, đắc trung, đắc chính, rất tốt, cho nên bảo là tiếng tăm lừng lẫy về đức Khiêm. Nhưng ngại tiếng tăm lừng lẫy thì dễ ham danh, mà hóa ra quá khiêm đến mức giả nhún nhường hoặc nịnh bợ), nên Hào từ khuyên phải giữ đức trung, chính (trinh) của hào 2 thì mới tốt.

3. 九三: 勞謙, 君子 有終, 吉.

Cửu tam: Lao khiêm, quân tử hữu chung, cát.

Dịch: Hào 3, dương : Khó nhọc (có công lao) mà nhún nhường, người quân tử giữ được trọn vẹn, tốt.

Giảng: hào này có đức dương cương, làm chủ cả quẻ, năm hào âm đều trông cậy vào, như người có địa vị (ở trên cùng nội quái), có tài năng (hào dương ) mà khiêm tốn (vì ở trong quẻ Khiêm), không khoe công, nên càng được mọi người phục, mà giữ được địa vị, đức độ tới cùng.

Theo Hệ từ thượng truyện chương VIII, Khổng tử đọc hào này, giảng thêm: “Khó nhọc mà không khoe khoang, có công với đời mà chẳng nhận là ân đức, đức như vậy là cực dày”.

4. 六四: 无不利, 撝謙.

Lục tứ: vô bất lợi, huy khiêm.

Dịch: Hào 4, âm: Phát huy sự nhún nhường thì không gì là không lợi.

Giảng: Hào này nhu thuận mà đắc chính, tốt đấy, nhưng vì ở trên hào 3 là người có công lao, mà lại ở gần hào 5, là vua, nên càng phải phát huy thêm đức khiêm, mới tránh được mọi khó khăn mà không gì là không lợi.

5. 六五: 不富以其鄰, 利用侵伐, 无不利.

Lục ngũ: Bất phú dĩ kỳ lân, lợi dụng xâm phạt, vô bất lợi.

Dịch: Hào 5, âm: chẳng cần giàu (có thế lực) mà thâu phục đựơc láng giềng (được nhiều người theo); nhưng phải có chút uy, chinh phạt kẻ nào chưa phục mình thì mới không gì là không lợi.

Giảng: Hào này âm nhu, đắc trung, ở địa vị chí tôn, nên tự nhiên thâu phục được nhiều người, nhưng nếu nhu quá, thiếu uy thì không phải là tư cách một ông vua, nên Hào từ khuyên nên dùng uy võ đối với kẻ nào chưa phục mình. Hào này có thể dùng uy được vì ở vị dương (lẻ).

6. 上六: 鳴謙, 利用行師, 征邑國.

Thượng lục: Minh khiêm, lợi dụng hành sư, chính ấp quốc.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Tiếng tăm lừng lẫy về đức Khiêm, được nhiều người theo có thể lợi dụng điều đó mà ra quân, nhưng cũng chỉ trị được những kẻ trong ấp của mình không phục mình thôi.

Giảng: hào này thể nhu, vị nhu, ở vào thời cuối cùng quẻ Khiêm, cho nên khiêm nhu cùng vực, tiếng tăm lừng lẫy, nhiều người theo đấy; nhân đó mà có thể ra quân chinh phạt những kẻ không theo mình, nhưng vì tài kém, nên chỉ trị được những kẻ trong ấp mình thôi, chưa thỏa chí được.

***

Quẻ này hào nào cũng tốt không nhiều thì ít, không kém quẻ Đại hữu bao nhiêu.

Đa số các triết gia Trung Hoa rất đề cao đức Khiêm, nhất là Khổng tử và Lão tử, vì họ cho rằng luật trời hễ đầy quá thì vơi, trong khi đầy phải nghĩ tới lúc sẽ vơi, phải khiêm hạ, đừng tự phụ.

Không thể dẫn hết những châm ngôn của Trung Hoa về đức khiêm được; trong quẻ này chúng ta đã thấy được mấy câu như Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm, nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm, khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục. Trong Đạo đức kinh, cũng rất nhiều câu, như: Hậu kỳ thân nhi thân tiên; Qúi dĩ tiện vi bản, cao dĩ hạ vi cơ; Dục tiên dân tất dĩ thân hậu chi: Bất cảm vi thiên hạ tiên.

Nhưng khiêm nhu của Lão tử có vẻ triệt để, tuyệt nhiên không tranh hơn với ai, mà khiêm nhu trong Dịch thì không thái quá, vẫn trọng đức trung (hào 2).

Điểm khác nhau giữa Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số

     Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong thời gian qua các sở, ngành, địa phương đã đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Nhằm tạo sự thống nhất nhận thức chung về chuyển đổi số, phân biệt rõ giữa ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng như toàn thể người dân, Bộ Thông tin truyền thông đưa ra các điểm khác nhau giữa công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Dưới đây là 17 điểm:

  1. Chuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân, từ tổ chức sang nhân viên, từ doanh nghiệp sang khách hàng
    Công nghệ thông tin tập trung mang lại giá trị cho nhà quản lý nhiều hơn. Phục vụ nhà quản lý, làm dễ việc cho nhà quản lý.
    Chuyển đổi số tập trung mang lại giá trị cho người dùng, cho khách hàng, cho người dân. Lấy người dân làm trung tâm. Lấy người dùng, người sử dụng làm trung tâm.
  1. Chuyển từ chi phí sang tạo ra lợi ích và giá trị
    Công nghệ thông tin nói đến chi phí là bao nhiêu, nói đến đầu tư là bao nhiêu. Nhiều dự án công nghệ thông tin hoành tráng ở chỗ chi nhiều tiền cho nhà cửa, máy móc, phần mềm.
    Chuyển đổi số nói đến mang lại giá trị gì, lợi ích gì. Chuyển đổi số chú trọng đánh giá hiệu quả, giá trị tạo ra trừ đi chi phí có dương không. Giống như một dự án đầu tư.
  1. Chuyển từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số dùng chung
    Công nghệ thông tin chỉ nói đến phần mềm. Phần mềm là viết cho một phòng ban, một tổ chức, một xã, một huyện, một tỉnh.
    Chuyển đổi số thì xuất hiện khái niệm nền tảng số. Nền tảng số là một phần cứng, một phần mềm nhiều người dùng chung trên phạm vi toàn tỉnh, toàn quốc, toàn cầu. Ngoài ra, nền tảng số không chỉ đơn thuần là phần mềm giải quyết một việc nào đó mà là một môi trường làm việc.
  1. Chuyển từ ứng dụng công nghệ sang chuyển đổi cách làm việc
    Công nghệ thông tin thì nói đến ứng dụng công nghệ thông tin. Nó giống như một công cụ. Công nghệ thông tin cung cấp một công cụ để thực hiện tự động hóa một việc cũ, một cách làm cũ, một quy trình cũ.
    Chuyển đổi số thì chuyển đổi là danh từ, số là tính từ. Chuyển đổi cách làm là chính, là mục tiêu, công nghệ số chỉ là phương tiện thực hiện.
  1. Chuyển từ cách làm từng phần sang làm toàn diện
    Công nghệ thông tin thì chỗ làm, chỗ không, cái làm cái không. Phòng kế toán có thể làm nhưng phòng tổ chức cán bộ thì chưa làm. Phòng kế toán làm nhưng mới làm phần kế toán chi phí mà chưa làm phần khai thuế. Như vậy là trong một tổ chức, tồn tại cái trên máy tính, cái trên giấy, cái trong đầu người. Không có cái nào phản ánh toàn diện, và cuối cùng bản giấy vẫn là quyết định, làm cho công nghệ thông tin trở thành một gánh nặng tăng thêm, vẫn máy tính và vẫn giấy.
    Chuyển đổi số là toàn diện, mọi nơi, mọi chỗ, không còn cái gọi là nửa này nửa kia. Chỉ có một môi trường số. Mọi việc sẽ diễn ra trên môi trường số. Công việc của mỗi người mà rời máy tính ra là không làm việc được. Và chỉ khi này thì công nghệ số mới phát huy hiệu quả.
  1. Chuyển trọng tâm từ giám đốc công nghệ thông tin sang người đứng đầu
    Công nghệ thông tin thì công nghệ là nhiều, là tự động hóa cái cũ, không phải thay đổi nhiều về cách làm, cách vận hành tổ chức, nên vai trò quyết định là giám đốc công nghệ thông tin.
    Chuyển đổi số thì chuyển đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức là chính nên người đứng đầu đóng vai trò quyết định. Phá hủy cái cũ, đưa vào cách làm mới thì chỉ một người làm được, đó là người đứng đầu. Người đứng đầu mà không muốn thay đổi cách làm thì sẽ không có chuyển đổi số. Người đứng đầu muốn thay đổi cách làm mà ủy quyền cho cấp phó làm chuyển đổi số thì cũng không có chuyển đổi số.
  1. Chuyển từ máy tính riêng lẻ sang điện toán đám mây
    Công nghệ thông tin là các hệ thống công nghệ thông tin dùng riêng, mỗi xã, mỗi huyện một cái. Đầu tư tốn kém, cần nhiều người vận hành khai thác.
    Chuyển đổi số là dùng chung trên đám mây, đầu tư một chỗ, vận hành khai thác một chỗ, dùng chung toàn tỉnh, toàn quốc. Chuyển đối số thì không còn nhìn thấy các hệ thống máy tính ở mỗi tổ chức.
  1. Chuyển từ đầu tư sang thuê
    Công nghệ thông tin thì nhà nhà đầu tư, để dùng riêng. Cấp xã, cấp huyện đầu tư vì do ít tiền nên không đảm bảo một hệ thống đạt chuẩn, không có người chuyên môn vận hành nên nhiều sự cố, nhất là sự cố an toàn, an ninh mạng. Các hệ thống dùng riêng nên kết nối, chia sẻ dữ liệu luôn luôn là vấn đề. Các hệ thống là riêng biệt nên tổng đầu tư tăng tuyến tính theo số đầu mối. Đầu tư xong không có tiền vận hành khai thác nên hàng năm xuống cấp.
    Chuyển đổi số thì thuê. Thuê như chúng ta dùng dịch vụ điện thoại di động, một mạng di động thì đầu tư nhiều tỷ đô la, nhưng người dùng chỉ trả 60-70 ngàn mỗi tháng. Dùng bao nhiêu thì thuê bấy nhiêu, tăng giảm linh hoạt theo ngày được, còn đầu tư thì giảm không được, muốn tăng thì lại phải đầu tư mới mất hàng năm về thủ tục.
  1. Chuyển từ sản phẩm sang dịch vụ
    Công nghệ thông tin là mua phần cứng, phần mềm về dùng, tức là mua sản phẩm. Một sản phẩm mua về có thể dùng không hết công suất, vì vậy lãng phí. Thống kê cho thấy, các máy tính mua về ít khi dùng hết 20% công suất. Mua sản phẩm về thì phải bỏ tiền, bỏ công ra để nuôi sống sản phẩm.
    Chuyển đổi số thì không mua sản phẩm mà là mua dịch vụ, trả tiền theo tháng, theo năm. Là chi phí thường xuyên. Dịch vụ thì dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Không phải lo nghĩ về việc nuôi sống dịch vụ.
  1. Chuyển đổi trọng tâm từ tổ chuyên gia công nghệ sang tổ công nghệ số cộng đồng
    Công nghệ thông tin chú trọng vào kỹ thuật, công nghệ, chú trọng vào cách làm, vào việc làm ra hệ thống công nghệ thông tin, vì vậy mà hay thành lập tổ chuyên gia về công nghệ.
    Chuyển đổi số chú trọng vào sử dụng, chú trọng vào người dùng biết cài đặt và sử dụng, nhất là người dân. Vì vậy mà cần các tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn bản, đến từng nhà hướng dẫn bà con sử dụng các nền tảng số. Các nền tảng số này thì do các doanh nghiệp công nghệ phát triển làm ra và duy trì.
  1. Chuyển từ chú trọng vào làm như thế nào sang làm cái gì
    Công nghệ thông tin hay chú trọng vào làm như thế nào. Vì vậy mà nhà lãnh đạo rất khó tham gia. Giám đốc công nghệ thông tin nói cái này không làm được thì nhà lãnh đạo cũng đành chịu vậy. Vì vậy mà nhà lãnh đạo thường đứng ngoài cuộc.
    Chuyển đổi số thì nhà lãnh đạo nói muốn gì, cần làm cái gì, cần thay đổi cái gì, và sau đó là việc của nhà kỹ thuật. Công nghệ thông tin thế hệ mới, hay còn gọi là công nghệ số có đủ sức mạnh để làm hầu hết các yêu cầu của nhà lãnh đạo. Vì thế mà nhà lãnh đạo ở vào vị trí trung tâm.
  1. Chuyển trọng tâm từ người giỏi phần mềm sang người giỏi sử dụng
    Công nghệ thông tin tập trung vào người viết phần mềm. Tập trung vào đi tìm người giỏi phần mềm.
    Chuyển đổi số tập trung vào người dùng. Tập trung vào việc đặt ra bài toán, vào việc sử dụng ngay từ giai đoạn phát triển ban đầu và đóng góp cho phần mềm thông minh dần lên. Phần mềm thông minh là mục tiêu cuối cùng, và để làm được việc này thì đóng góp tri thức của người dùng có ý nghĩa quyết định. Người dùng xuất sắc thì tạo ra phần mềm xuất sắc. Người đứng đầu phải là người dùng xuất sắc.
  1. Chuyển từ hệ thống công nghệ thông tin sang môi trường số
    Hệ thống công nghệ thông tin là hệ thống kỹ thuật. Công nghệ thông tin là xây dựng hệ thống kỹ thuật.
    Môi trường số là môi trường sống và làm việc. Chuyển đổi số là xây dựng môi trường sống và làm việc mới. Môi trường thì rộng hơn rất nhiều so với hệ thống kỹ thuật.
  1. Chuyển từ tự động hóa sang thông minh hóa
    Công nghệ thông tin chú trọng tự động hóa công việc, thay lao động chân tay, thay người.
    Chuyển đổi số chú trọng việc hỗ trợ để giúp con người thông minh hơn. Giúp con người ra quyết định dựa trên số liệu nhiều hơn, thông minh hơn, không chú trọng việc thay người.
  1. Chuyển từ dữ liệu của tổ chức sang dữ liệu người dùng
    Công nghệ thông tin xử lý dữ liệu của tổ chức.
   Chuyển đổi số thu thập và xử lý dữ liệu người dùng sinh ra hàng ngày để tối ưu hoá hoạt động.
  1. Chuyển đổi từ dữ liệu có cấu trúc sang dữ liệu phi cấu trúc
    Công nghệ thông tin thu thập và xử lý dữ liệu có cấu trúc, dữ liệu được định nghĩa trước, là tri thức cũ. Công nghệ thông tin tập trung vào tự động hoá cái cũ. Không sinh ra tri thức mới.
    Chuyển đổi số thu thập và xử lý cả dữ liệu phi cấu trúc, phân tích những dữ liệu mới này để sinh ra tri thức mới. Chuyển đổi số tập trung vào tạo ra tri thức mới, tạo ra nhiều giá trị mới.
  1. Chuyển từ công nghệ thông tin sang công nghệ thông tin +
   Công nghệ thông tin là công nghệ thông tin. Chuyển đổi số là công nghệ thông tin + Số hoá toàn diện + Dữ liệu + Đổi mới sáng tạo + Công nghệ số./.