Hàng ngàn hành khách xếp hàng chờ soi chiếu tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm qua 18.4
Tuần lễ ùn tắc
Sau khi loạt hình ảnh trẻ em khóc lóc, người già vật vờ, người khuyết tật, ngồi xe lăn chen chúc nhau trước
khu vực an ninh soi chiếu được đăng tải trên Thanh Niên cùng nhiều phương tiện truyền thông, đơn vị trực tiếp quản lý sân bay là Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất chỉ phát đi duy nhất một thông báo khuyến cáo hành khách chủ động sắp xếp lịch trình ra sân bay sớm,
khai báo y tế trước do nhu cầu đi lại tăng cao. Phương án giải quyết được gói gọn trong 1 câu “đã chủ động yêu cầu các hãng hàng không/đơn vị phục vụ mặt đất tăng cường nhân sự phối hợp triển khai các biện pháp nhằm giải tỏa nhanh nhất hành khách khi làm thủ tục hàng không; tại các điểm kiểm tra an ninh cảng đã bố trí thêm lực lượng hỗ trợ và mở tối đa hệ thống máy soi”. Đáng nói, thông cáo báo chí trên cũng không được phía cảng chủ động phát đi mà do công ty “mẹ” là Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) chuyển tải tới người dân thông qua các cơ quan truyền thông.
Tân Sơn Nhất và Nội Bài là 2 sân bay đi/đến lớn nhất cả nước, nên phải điều tiết khoa học hơn, “bung” hết các cửa an ninh để làm sao khách được bay nhanh nhất, giảm thời gian chờ
Đại diện một hãng hàng không
Trao đổi với
Thanh Niên sau sự việc sáng 15.4, đại diện Văn phòng ACV cho biết nguyên nhân gây ùn tắc là do lượng hành khách tăng đột biến giai đoạn sáng sớm. Theo thống kê, số lượng khách di chuyển qua Cảng Tân Sơn Nhất ngày 15.4 tăng hơn 8.000 lượt, tương đương khoảng 15% so với ngày 14.4. Song song đó, Cảng Tân Sơn Nhất thực hiện tăng cường kiểm tra an ninh theo chỉ đạo của Cục Hàng không, dẫn đến ùn tắc cục bộ. Chưa kể, có rất nhiều người dân không biết cách khai báo y tế, thời gian làm thủ tục kéo dài, khiến ách tắc càng trở nên nghiêm trọng. “Sau khi chúng tôi thông tin để hành khách chủ động khai báo y tế, tình trạng ùn tắc đã giảm hẳn. Tất cả các cửa soi chiếu và nhân viên an ninh, nhân viên các hãng đều đã được tăng cường phối hợp giải tỏa hành khách. Nếu nói do lỗi quản lý yếu kém thì không thể nào giải quyết nhanh như vậy được”, vị này khẳng định.
Sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt người về quê ăn tết - Video tư liệu
|
Ngày 16.4, Cục Hàng không cũng đã có buổi làm việc đột xuất với Cảng Tân Sơn Nhất về tình trạng ùn tắc, yêu cầu cảng điều chỉnh công tác thí điểm tăng cường kiểm tra an ninh phù hợp, phối hợp nhịp nhàng cùng các hãng hàng không khai thác, đơn vị phục vụ mặt đất... để nâng cao công tác phục vụ chung cho hành khách, nhất là dịp 30.4 - 1.5 sắp tới.
Thế nhưng, liên tiếp những ngày 16, 17 và tới trưa qua 18.4, hình ảnh “biển người” chen chúc nối đuôi nhau chờ qua cửa an ninh vẫn tiếp tục được ghi nhận.
Hàng ngàn hành khách xếp hàng chờ soi chiếu tại sân bay Tân Sơn Nhất từ sáng đến trưa qua 18.4 |
Nguy cơ “vỡ trận” dịp lễ
Theo dự báo từ kế hoạch khai thác của các hãng đã được Cục Hàng không phê duyệt, lượng khách di chuyển qua Cảng HKQT Tân Sơn Nhất dịp 30.4 - 1.5 tới tăng khoảng 15% so với cùng kỳ 2019, tức còn nhộn nhịp hơn giai đoạn trước dịch
Covid-19.
Thực tế việc xếp hàng chờ làm thủ tục quá lâu không chỉ xảy ra tại Tân Sơn Nhất. Đáp chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM hôm qua 18.4, anh P.Q.V (ở Hà Nội) cho biết, mới khoảng 7 giờ sáng nhưng lượng hành khách đã rất đông. Tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) khu vực soi chiếu hành lý không bị ùn tắc nhưng khâu chờ làm thủ tục an ninh như kiểm tra vé, CMND phải chờ 20 - 30 phút mới đến lượt. Trong khi đó, anh A.V (Hà Nội) thì có trải nghiệm “tắc” khác khi phải chờ gần 20 phút mới qua được cổng soát vé ô tô để vào sân bay Nội Bài đón người nhà trưa 17.4. “Xe ô tô dồn ứ đợi rất lâu mới qua được cổng, xe từ lối xuống tầng 2 đan xen với xe vào cổng phía dưới tầng 1 nên lại càng tắc. Khu vực soát thẻ xe của Nội Bài nên áp dụng thu phí tự động thì mới giảm tải được vì lượng hành khách tự lái xe lên và xe
công nghệ rất đông”, anh V. chia sẻ.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, ACV đã có chỉ thị về vấn đề tăng cường, đảm bảo an ninh hàng không, trong đó bố trí lực lượng trực, bố trí trang thiết bị... Tại Tân Sơn Nhất, khu vực cửa kiểm tra an ninh tổ chức thành 3 luồng, 1 luồng cho khách đi bình thường, 1 luồng lọc khách giờ chót và 1 luồng dành cho hành khách ưu tiên như người già, trẻ em, phụ nữ có thai... Nhân viên các hãng sẽ phối hợp lọc tìm khách giờ chót, sử dụng lối đi riêng để đảm bảo không chậm giờ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch mở tối đa quầy soi chiếu, bổ sung tăng cường tối đa phương tiện, nhân viên an ninh, kể cả lực lượng phục vụ từ ngoài nhà ga, khai thác ga, cho tới chăm sóc dịch vụ hành khách... từ bên nhà ga quốc tế để hỗ trợ ga quốc nội, hạn chế tối đa ùn tắc dịp cao điểm và các khung giờ cao điểm.
Đại diện Cảng HKQT Nội Bài cho biết, dù tất cả các làn thu phí đều đã mở để phục vụ hành khách, song vẫn có tình trạng ùn tắc tại lối vào sân bay một số thời điểm. Lý do, lượng hành khách tăng cao thời gian gần đây đã vượt quá công suất thiết kế, tăng 20% so với cùng kỳ 2019 (khách nội địa), đặc biệt vào cuối tuần.
Đại diện một hãng hàng không thừa nhận, dù mới bắt đầu vào cao điểm hè nhưng các hãng đã phập phồng lo. Hãng này nhận xét: Sân bay Tân Sơn Nhất và cả sân bay Nội Bài thường không bố trí đủ nhân sự làm ở cổng an ninh nên thường bị dồn ứ ở khâu này. Nói là khuyến nghị hành khách đến sớm hơn giờ bay 2 tiếng để tránh bị ùn tắc, nhưng thực tế như thế còn tắc hơn vì lượng khách dồn về sớm rất đông. Nếu không áp dụng các biện pháp hiệu quả để giải tỏa hành khách thì tới đúng lễ 30.4 các sân bay sẽ rơi vào khủng hoảng khi lượng hành khách dự kiến tăng đột biến do nghỉ lễ dài ngày.
“Tân Sơn Nhất và Nội Bài là 2 sân bay đi/đến lớn nhất cả nước, nên phải điều tiết khoa học hơn, “bung” hết các cửa an ninh để làm sao khách được bay nhanh nhất, giảm thời gian chờ. Nếu tắc cửa an ninh hoặc soi chiếu thì cần tăng cường cửa và nhân lực soi chiếu. Ngoài ra, đợt này dịch không bay quốc tế thì hoàn toàn có thể sử dụng nhà ga quốc tế để giảm áp lực cho nhà ga nội địa, cắt hẳn một số đường bay đông khách sang quốc tế, thay vì dồn hết áp lực vào nhà ga nội địa như hiện nay”, đại diện hãng hàng không khuyến nghị.
Tuy nhiên, phía Văn phòng ACV thông tin về phương án sử dụng nhà ga quốc tế hiện đang “ế khách” để hỗ trợ ga quốc nội, Cục Hàng không đã chỉ đạo, ACV cũng đề xuất phương án nhưng khó khăn lớn nhất là hạ tầng không tương thích. Từ hệ thống phân loại, liên quan tổng thể hành lý đến các quầy check-in đều không tương thích, nếu sử dụng sẽ gây khó khăn trong vấn đề khai thác.
Du lịch “nín thở”
Từ đầu năm đến nay, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ,
Bộ Y tế... đã giúp khách hàng, người dân an tâm và dần trở lại với các hoạt động di chuyển, du lịch. Địa phương dồn lực xây dựng
sản phẩm mới, doanh nghiệp dốc sức kích cầu, dịp lễ 30.4 - 1.5 này được coi là bàn đạp để ngành
du lịch lấy nhịp bứt tốc vào mùa hè, phục hồi sau thời gian dài đóng băng vì dịch bệnh. Thế nhưng hình ảnh hàng ngàn người chen chúc, ken nhau xếp hàng dài tại sân bay Tân Sơn Nhất những ngày vừa qua không chỉ khiến các doanh nghiệp du lịch lo ngại tình trạng trễ chuyến ảnh hưởng lịch trình mà còn phấp phỏng rủi ro lây nhiễm.
Đại diện một công ty du lịch lớn tại TP.HCM cho biết hiện các doanh nghiệp đều đang “nín thở” chờ đợi kết quả sau 30.4 - 1.5. Có nhiều cơ sở để lo dịch bệnh tái phát vì tình hình dịch đang diễn biến căng thẳng tại các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Thái Lan... Không chỉ vùng Tây Nam bộ, phía Lào kết nối với VN mạn hướng miền Trung cũng có nhiều rủi ro. Do đó, Chính phủ và Bộ Y tế về chuyên môn vẫn liên tục đưa ra những cảnh báo phải thận trọng với dịch bệnh, giữ đúng nguyên tắc, khoảng cách an toàn... Tuy nhiên, hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất đang khiến mối lo ngày càng tăng lên khi thể hiện sự lúng túng, thụ động trong xử lý các tình huống liên quan tới thời điểm du lịch, hàng không phục hồi.
“Nói gì chuyện giữ khoảng cách an toàn, chuyện không tụ tập đông người... Lỡ xui rủi trong biển người xếp hàng chen lấn kia, có một người dương tính thì cả năm nay coi như du lịch “tiêu”, bao nhiêu công sức của cả Chính phủ và các doanh nghiệp thời gian qua đổ sông đổ bể”, vị này cảnh báo và đề xuất: Các hãng hàng không cần tăng cường hỗ trợ chăm sóc khách hàng, hướng dẫn check-in online, vận dụng triệt để công nghệ để giảm bớt ùn tắc khu vực quầy làm thủ tục check-in. Cùng với đó, phía Cảng Tân Sơn Nhất bố trí lại khu vực chờ soi chiếu an ninh cho hợp lý, điều động nhân viên xử lý nhanh, giải phóng các điểm nghẽn, không để cảnh ùn tắc tiếp tục tái diễn...