Tôi đã nhiều lần tham gia hoặc dẫn dắt các đoàn thiện nguyện vào cứu trợ các tỉnh miền Trung, đặc biệt vào các năm 2005, 2011, 2013 Ý nghĩa thì rất tốt, không phải bàn đến. Nhưng tôi nhận thấy: Dù quà có đưa được tận tay đến bà con vùng thiên tai hoạn nạn, thì vẫn xảy có tình trạng chồng chéo và bập bõm. Nghĩa là chỗ nhiều, chỗ ít. Vùng sâu, vùng xa, cách trở giao thông, bà con cần quà thì không được mấy đoàn đến. Vùng gần đường đi lối lại , tình hình không đến nỗi quá khó khăn, thì lại được quá nhiều quà.
Tôi đã từng ăn ngủ cắm rễ ở một xã trọng điểm lũ lụt, lốc xoáy miền Trung năm 2013, trong thời gian hơn một tuần liền. Mục đích để đón các Đoàn cứu trợ có mối liên hệ với Câu lạc bộ nhà báo nữ VN từ ngoài HN lần lượt vào tới. Và đó chính là dịp để tôi quan sát được tình hình khá kỹ lưỡng.
Các Đoàn từ trong Nam và ngoài Bắc ùn ùn đến. Xe cộ tắc nghẽn hàng đoạn đường dài. Gạo mỳ, đường sữa, dầu ăn, nước mắm, chăn màn, quần áo, sách vở chất ngất, xếp đầy trụ sở ủy ban xã, hoặc các nhà văn hóa thôn làng. Ấy là do nhiều Đoàn không chở quà đến được, mà phải nhờ chính quyền địa phương mua hộ hàng quà, để sẵn đấy, đợi người vào sau phát quà. Cũng là rất tiện lợi. Nhưng giá gạo mì, hàng hóa mua tại vùng bị bão lũ đó, đương nhiên cao hơn nhiều so với giá thị trường. Thôi, đắt rẻ cũng không nói tới nữa. Mà cái đáng nói là những món quà ấy quá nhiều. Để dành không có chỗ, mà bán thì khó coi.
Tôi đã dành cả một buổi sáng đứng trên tầng 2 trụ sở UBND xã trọng điểm đó quan sát cảnh tặng quà và nhận quà của 4 đoàn cứu trợ của cả HN và SG, khi mà các Đoàn của CLB nhà báo nữ vừa trở về hay chưa kịp tới.
Vốn không phải là người tinh mắt lắm, nhưng tôi đã rất ngạc nhiên khi để ý đến một chị nông dân mặc chiếc áo xanh hồ thủy khá nổi bật. Chị cứ đôn đáo chạy từ góc sân này qua góc sân khác để nhận quà, tay bưng, đầu đội rất vất vả. Xếp quà ra một góc vườn xa xa rồi lại tất tả chạy vào nhận tiếp. Và các cán bộ địa phương đọc danh sách ở bốn nhóm phát quà, đều xác nhận chị đúng là người nhận quà 100%. Lúc đó tôi mới bắt đầu nhìn rộng ra hơn thì thấy không chỉ chị áo xanh mà rất nhiều người áo nâu, áo tím, áo vàng... cũng hoạt động con thoi như chị.
Hỏi ra thì mới biết, chị áo xanh là con dâu nhà nọ và lại là con gái nhà kia, thuộc danh sách của chính gia đình mình, và lại cũng thuộc danh sách của gia đình con trai con dâu chị, cũng thuộc danh sách nhà con gái con rể của chị. Và nhà nào cũng vậy thôi. Thế mới biết chính quyền và đoàn thể địa phương cũng biết vận dụng khá thông minh khéo léo trong khi làm danh sách. Chuyện gia đình bị nạn 10, khai thành 12, ví dụ thế, là thường thấy.
Bởi vậy có tờ báo thống kê : Có những gia đình được nhận tới 96 thùng mỳ ăn liền và hàng trăm chai xì dầu nước mắm, chưa kể đến các món quà khác, là chuyện không hề nói sai.
Nói vụng, có thành viên Đoàn thiện nguyện còn chỉ cho chính tôi nhìn thấy cảnh có những nhà lượn SH hay Dyland gì đó, ( tôi vốn không biết đi xe máy nên không để ý ) vèo vèo đến lĩnh quà từ thiện, chứ không đùa. Lúc ấy tôi cứ xấu hổ cứ như chính mình làm sai vậy.
Trong khi nhu cầu về nhu yếu phẩm của bà con vùng bão lũ chỉ cần độ 1/10 như thế, thì nhu cầu của bà con về vật liệu sửa chữa nhà cửa, bếp nước, chuồng trại như gạch ngói, gỗ lạt, nhu cầu giống vốn cây trồng , vật nuôi lại rất lớn. Thì các Đoàn hầu như hiếm khi đáp ứng được
Bởi vậy, vai trò của Mặt trận Tổ Quốc và Hội Chữ thập đỏ ở các cấp trong những đợt quà cứu trợ khẩn cấp này rất quan trọng trong việc quyên góp , điều phối hàng và quà
Và nên quan tâm tới việc mua sắm, chuyển tới cho bà con những hoàng hóa cần thiết để khôi phục sản xuất, chăn nuôi trồng trọt , ổn định cuộc sống sau bão lũ.
Xuất phát từ những trải nghiệm thực tế nhiều đợt cứu trợ, đại diện cho CLB nhà báo nữ VN, tôi xin bày tỏ ý định không tổ chức các chuyến cứu trợ như cũ. Vừa chồng chéo, vừa cồng kềnh, vừa không sát thực lắm, dù là đã đưa được tận tay bà con.
Mỗi chuyến đi như vậy, các thành viên trong Đoàn thiện nguyện ngoài chuyện đóng góp tiền của, cỡ 1-2.000.000 đ hoặc hơn thế, còn phải đóng góp thêm khoảng 1.200.000đ đến 1.500.000 đ, là kinh phí cho 3-4 ngày ăn ở và tiền thuê xe cộ chở người và chở hàng. Ý nghĩa quan tâm đến đồng bào và thể hiện tình người rất quý hóa. Nhưng tiền của, nếu quy ra các loại vật dụng cần thiết như mong muốn, dù lên tới một vài trăm triệu mỗi chuyến cũng chỉ đủ trợ giúp cho vài ba chục gia đình mua vật liệu xây dựng hay cây giống, vật nuôi.
Theo tôi, giá chúng ta dành số tiền đó chuyển sang đóng góp cho một vài địa phương hay gia đình nạn nhân cụ thể, tận xã hay tận phường ( theo các mối liên hệ đáng tin cậy như qua các đồng nghiệp Báo Đài địa phương, thống kế thiệt hại, khó khăn....), từ đó chuyển TIỀN MẶT để các hộ dân cụ thể thuộc các địa phương đó, cho bà con MUA SẮM CÁC LOẠI VẬT LIỆU XÂY DỰNG, GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI.... Rồi đại diện Đoàn cứu trợ sẽ nhờ các đồng nghiệp báo đài địa phương giúp cho việc giám sát, đưa tin. Hoặc Đoàn cử một vài người trong Đoàn thiện nguyện vào đối chiếu, kiểm tra. Có lẽ hữu hiệu hơn chăng?
Cho nên, CLB nhà báo nữ VN chủ trương KHÔNG TỔ CHỨC các Đoàn cứu trợ nhu yếu phẩm như các năm trước mà sẽ tìm những phương án phù hợp hơn.
Những tháng ngày này, chúng ta, gia đình, cá nhân nào cũng nhiệt tâm tham gia đóng góp cứ trợ Miền Trung thông qua cơ quan, trường học, các đoàn thể : Công đoàn, Thanh niên, Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ Quốc, Hội CTĐ. ...Vậy càng nên tích cực hơn nữa. Cụ thể là đóng góp cao hơn so với quy định tối thiểu.
Chỉ mong các cơ quan đoàn thể hữu trách hãy cố giữ vững vai trò , tích cực hoạt động, đáp ứng lòng tin cậy của các tầng lớp nhân dân. Để cho việc cứu trợ được đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, đúng cảnh.
Tất cả vì đồng bào Miền Trung thân thương của chúng ta!