Theo báo Business Insider ngày 8-5, tổ chức từ thiện Car for Ukraine vừa bàn giao một chiếc SUV mẫu Porsche Cayenne 3.0 cho quân đội Ukraine.
Chiếc xe sang này được các nhà hảo tâm người Đức quyên góp cho tổ chức Car for Ukraine hồi tháng 3-2023. Trước khi giao xe cho quân đội Ukraine, tổ chức này đã "độ" chiếc xe thành xe chỉ huy chiến trường.
Một trong những thay đổi nổi bật là việc lắp thêm hệ thống camera nhìn đêm. Nhờ hệ thống này, người điều khiển xe có thể di chuyển dễ dàng qua các khu vực gần nơi đóng quân của lính Nga vào ban đêm mà không cần bật đèn.
Hệ thống Internet vệ tinh Starlink của Tập đoàn SpaceX cũng được lắp đặt, giúp chỉ huy trên xe có thể duy trì liên lạc liên tục với binh sĩ.
Bên cạnh đó, Car for Ukraine cũng biến một phần của chiếc xe thành chỗ chứa vũ khí, đồng thời nâng cấp hệ thống điều khiển để giúp chiếc xe có thể vượt nhiều loại địa hình hơn.
Chiếc Porsche hiện đã được phân về Lữ đoàn cơ giới 24 và sẽ sớm lăn bánh trên "chảo lửa" Bakhmut.
Tổ chức Car for Ukraine viết trong thông báo chính thức: "Chúng tôi quyết định trao chiếc xe cho chỉ huy Lữ đoàn cơ giới 24. Anh ấy là một chiến binh 26 tuổi với mật danh ‘Bò rừng’. ‘Bò rừng’ đã tham chiến từ năm 2014, được quý trọng bởi cả chỉ huy cấp cao và chiến sĩ dưới quyền".
Đến nay, Car for Ukraine đã tiếp nhận, hoán cải 244 phương tiện giao thông thành xe quân sự và chuyển giao cho quân đội Ukraine.
Những mẫu xe thường được quyên tặng là các mẫu bán tải như Toyota Hilux, Ford Ranger, Isuzu D-Max… Những chiếc này sẽ được trang bị giáp thép, lắp bục súng máy hoặc các dòng tên lửa chống tăng như Javelin, Stinger...
Đặc biệt, binh lính Ukraine rất thích các mẫu xe từ Anh. Với thiết kế ghế lái ở bên phải, những chiếc xe này đã cứu mạng nhiều binh sĩ khỏi các viên đạn bắn tỉa ngắm vào vị trí ghế lái bên trái thông thường.
Đảo Mắt Rồng nằm trong vùng lõi của vịnh Hạ Long bị một số cá nhân xây dựng công trình, tổ chức hoạt động du lịch trái phép.
Đảo Mắt Rồng rộng khoảng 30 ha, cách hang Sửng Sốt 12 km, có cảnh quan hoang sơ. Giữa đảo là hồ nước lớn chứa nhiều san hô, bao quanh là núi đá. Nhìn từ trên cao, đảo giống như đầu rồng, hồ nước là mắt rồng, được đánh giá là đẹp nhất vịnh Hạ Long.
Nhiều năm qua, một số người tổ chức hoạt động du lịch, xây dựng công trình trái phép trên đảo Mắt Rồng. Tour du lịch ra đảo được quảng cáo trên mạng. Cơ quan chức năng đã phát hiện từ những năm 2018 nhưng chưa xử lý dứt điểm.
Cuối tuần qua, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh Quảng Ninh, đi kiểm tra hòn đảo Mắt Rồng, ghi nhận một nhà sàn xây trái phép, có nhiều đồ ăn, đồ dùng cho thấy dấu hiệu tổ chức ăn uống đông người.
Khẳng định những tồn tại trên đảo Mắt Rồng do sự lỏng lẻo trong quản lý của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, ông Ký đã yêu cầu TP Hạ Long rà soát tổng thể, đề xuất phương án xử lý và "xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan, không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Vịnh Hạ Long rộng 1.553 km2, gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi. Trong đó vùng lõi của vịnh là 335 km2 quần tụ 775 hòn đảo. Năm 1994, vùng lõi của vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ hai với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất, địa mạo vào năm 2000.
Theo Quyết định năm 2016 về quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy di sản vịnh Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh quy định 17 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có cấm xây dựng công trình trên khu vực di sản vịnh Hạ Long chưa được cấp thẩm quyền cho phép; cư trú trái phép trong khu vực di sản vịnh Hạ Long.
Sau 15 năm hoạt động, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng doanh thu 1,7 triệu tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 44.000 tỷ, nộp ngân sách 207.000 tỷ đồng.
Thông tin trên được ông Bùi Ngọc Dương - Giám đốc Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất) - nêu tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập đơn vị vận hành nhà máy, ngày 9/5.
Ông Dương cho biết riêng năm ngoái, BSR sản xuất và bán hơn 7 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt gần 169 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách trên 19.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 14.700 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành.
Con số này đóng góp đến 56% ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi năm ngoái, đưa tỉnh này vào top hai trong 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đứng thứ 18 trong 63 tỉnh thành, nằm trong top 10 tỉnh thành có số thu nội địa trên 20.000 tỷ đồng.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, được xây dựng 26 năm trước để đảm bảo an ninh năng lượng, tạo động lực phát triển cho tỉnh Quảng Ngãi và miền Trung.
Nhà máy có công suất thiết kế 6,5 triệu tấn một năm, dùng nguyên liệu chính là dầu thô từ mỏ Bạch Hổ. Giai đoạn đầu xây dựng, Việt Nam hợp tác với Nga. Từ 2003, liên doanh Vietross (công ty Liên doanh Nhà máy lọc dầu Việt Nga) giải thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lập Ban Quản lý dự án đầu tư Nhà máy lọc dầu Dung Quất để quản lý và triển khai dự án theo hình thức Việt Nam tự đầu tư.
Năm 2005, Ban Quản lý Dự án nhà máy lọc dầu đã ký hợp đồng với Tổ hợp nhà thầu quốc tế Tecnip để xây dựng nhà máy lọc dầu. Công trình vận hành chạy thử từ năm 2008. Tháng 2/2009, dòng sản phẩm thương mại đầu tiên của nhà máy xuất xưởng. Đến nay, sau 15 năm, công ty đã chế biến hơn 94 triệu tấn dầu thô, xuất bán ra thị trường hơn 86 triệu tấn sản phẩm. Hiện BSR có hơn 1.500 nhân sự có trình độ kỹ thuật cao.
Công ty này sản xuất các sản phẩm truyền thống như xăng RON A92/95, dầu Diesel ôtô, khí Propylene và hạt nhựa Polypropylene, khí hóa lỏng (LPG), dầu hỏa, nhiên liệu phản lực Jet A1 và dầu nhiên liệu (FO). Ngoài ra, BSR đã nghiên cứu sản xuất thêm nhiều chủng loại sản phẩm mới, trong đó có nhiên liệu phản lực Jet A-1K, dầu diesel L-62 sử dụng cho các thiết bị quân sự chiến lược của Bộ Quốc phòng.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi đánh giá Khu Kinh tế Dung Quất là hạt nhân tăng trưởng của tỉnh với trái tim là Nhà máy lọc dầu Dung Quất. "Nhà máy này đã đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, ngân sách phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Trung ương trở thành tỉnh có đóng góp lớn cho ngân sách", ông Minh nói.
Phó tổng giám đốc tập đoàn dầu khí Nguyễn Mạnh Hùng, cho rằng thời gian tới BSR cần nghiên cứu tối ưu hóa quy trình, đa dạng hóa sản phẩm, thích nghi để đáp ứng việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực từ năm 2024. Đồng thời, công ty cần triển khai thành công Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Hiện Việt Nam có hai nhà máy lọc dầu là nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn, vận hành với tổng công suất 14 triệu tấn xăng dầu một năm, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước. Trong đó, Lọc dầu Dung Quất đóng góp khoảng 35%.
Anh Võ Văn Thạnh, ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên nghỉ công việc kỹ sư địa chất về quê trồng hơn 20 loại hoa súng, mỗi tháng thu 50 triệu đồng.
Sáng đầu tháng 5, anh Võ Văn Thạnh, 28 tuổi, ra hồ hoa súng trong vườn ngắt lá già để có khoảng trống cho cây phát triển và vệ sinh hồ sạch sẽ. Đây là công việc hai năm qua anh gắn bó.
Tốt nghiệp ngành địa chất Trường Đại học Khoa học Huế năm 2017, anh Thạnh làm việc cho một công ty ở TP Đà Nẵng lương tháng 15 triệu đồng. Năm 2020, dịch Covid-19 nên anh ở nhà, tìm ý tưởng kinh doanh.
Học theo một người ở Thừa Thiên Huế, anh Thạnh đầu từ hơn 100 triệu đồng mua bạt về lót trong vườn nhà rộng 600 m2 trồng hoa súng. Anh chia làm nhiều hồ nước, mỗi hồ rộng khoảng 30-50 m2.
Anh Thạnh mua các loại cây giống từ Thái Lan và Australia. Súng Thái Lan ra hoa quanh năm, còn súng Australia phát triển từ tháng 3 đến 11.
Hành trình của anh Thạnh với cây súng chưa bao giờ dễ dàng. "Có lần tôi mua hoa Thái Lan hơn 10 triệu đồng, nhưng vận chuyển mất 2 tuần nên bị chết", Thạnh kể. Hay lần anh lấy nước ao hồ bị nhiễm phèn, hoa súng trồng xuống bị chết. Để khắc phục, anh khoan giếng hơn 30 m lấy nước.
Một giống súng nhập về được ươm trong chậu. Mỗi củ súng sẽ nảy 2-10 mầm cây. Khoảng nửa tháng, anh Thạnh sẽ tách cây, lúc này cây cao 20 cm, có rễ, lá đứng.
Ban đầu, cây được trồng trong chậu đường kính 10 cm, sau 2 tuần sẽ chuyển sang chậu lớn đường kính 50 cm. Trung bình sau 1,5 tháng, súng sẽ ra hoa.
Ngoài các loại giống nhập về, anh Thạnh còn tự lai tạo. Anh lấy phấn bông hoa hòa vào nước, sau đó phết vào hoa cây khác.
Cây súng giống hassabadin giá bán 15 triệu đồng, riêng củ giá 5 triệu đồng. Loại này đắt nhất trong vườn của anh Thạnh.
Ngoài việc bán hoa giống, anh Thạnh còn bán hoa 5.000 đồng mỗi bông. Hiện anh Thạnh sở hữu vườn súng rộng 1.000 m2 với 20 loại nhập ngoại, hơn 30 loại tự lai tạo.
Những cây súng được nhổ lên đem bán. "Mỗi tháng tôi bán cả nghìn cây, giá dao động 150.000 đồng đến 15 triệu đồng, trừ chi phí mỗi tháng lãi bình quân 50 triệu đồng", chủ vườn nói.
Giống hoa súng được cho vào thùng xốp đưa đến nơi chuyển phát nhanh, gửi tới khách hàng. "Hàng hóa được tôi bán online, ngoài thị trường trong nước thì nhiều người nước ngoài đến tận vườn mua", chủ vườn nói. Anh đang liên hệ chính quyền xã thuê 2.000 m2 đất để mở rộng diện tích.
Với nghề công chứng viên, cô gái gốc Việt Angelina Nguyễn kiếm được khoảng 150.000 USD (hơn 3,5 tỷ đồng) trong năm 2022, dù mỗi ngày chỉ làm tối đa 6 tiếng.
Kiếm 150 USD chỉ trong 5 phút
Tới giờ, vẫn có những ngày Angelina Nguyễn ngạc nhiên với công việc mang lại mức thu nhập như hiện tại.
Chia sẻ với CNBC, cô gái gốc Việt 25 tuổi cho biết, với nghề công chứng viên, cô kiếm được 150.000 USD (hơn 3,5 tỷ đồng) trong năm 2022 dù chỉ làm tối đa 6 tiếng mỗi ngày. Thậm chí, có lúc cô thu về 150 USD chỉ trong 5 phút, "dễ" tới mức khiến cô kinh ngạc.
Trước khi trở thành công chứng viên 7 năm trước, chỉ vài tuần sau ngày sinh nhật 18 tuổi của mình, Nguyễn vẫn nghĩ đó chỉ là việc tạm thời để phụ trợ thêm thu nhập.
Cô gái gốc Việt từng hối tiếc vì không kinh doanh sớm hơn (Ảnh: Coriginal).
Tại Mỹ, công chứng viên là người chứng kiến và cho phép các bên ký tài liệu quan trọng như đơn xin cấp hộ chiếu hay hợp đồng bất động sản. Mức phí được tính tùy theo từng đại lý chuyên về tài sản hay cho vay. Hầu hết các công chứng viên sẽ tính phí theo quy định của bang nơi họ sinh sống.
Nguyễn từng nghĩ rằng, công việc của mình chủ yếu để xác minh chữ ký và giải thích tài liệu cho khách hàng. Nhưng càng làm, cô gái gốc Việt càng thấy nghề này mang lại nhiều cảm xúc hơn tưởng tượng. Cô cùng khách hàng chứng kiến nhiều khoảnh khắc vui - buồn nhất trong cuộc sống của họ.
"Tôi từng nhìn thấy cảnh người mua hạnh phúc có được căn nhà đầu tiên, hay buồn khi thấy họ phải bán nơi ở quen thuộc mà bản thân không muốn. Từ điều này, tôi muốn mình trở thành điểm tựa để họ được lắng nghe, quan tâm và thấu hiểu trong khoảnh khắc quan trọng đó", cô tâm sự.
Hai năm trước, Nguyễn quyết định biến nghề công chứng viên thành công việc toàn thời gian, mở công ty riêng tại San Jose, California. Đây cũng là bước ngoặt mới trong cuộc đời cô gái trẻ.
"Không nhất thiết phải vào đại học để thành công"
Động lực khiến Nguyễn khởi nghiệp chính từ phía cha mình. Ông Chau Nguyễn vốn là một nhà môi giới bất động sản.
Suốt quãng thời gian Nguyễn còn trên ghế nhà trường, khi bạn bè cô đang hoang mang về điểm số và tìm hoạt động ngoại khóa phù hợp để "làm đẹp" hồ sơ, ông Chau từng khuyên con gái "không nhất thiết phải vào đại học mới thành công".
Trong quá trình làm nghề môi giới bất động sản, ông Chau nhận thấy nhu cầu việc công chứng giấy tờ bất động sản khá cao. Hầu hết các tiểu bang ở Mỹ, muốn trở thành công chứng viên, ứng viên cần nộp đơn đăng ký và hoàn thành bài kiểm tra lý lịch.
Nhưng tại California, các ứng viên cần tham gia khóa đào tạo 6 giờ, vượt qua bài thi. Chi phí học nghề dao động từ 275 USD đến 442 USD (6,4 triệu đồng - 10,3 triệu đồng).
Ông Chau gợi ý con gái nên mở đại lý công chứng chuyên biệt. Nguyễn mất khoảng 3 tháng để hoàn thành quy trình, thêm một tháng đào tạo vào năm 2021.
Dù hoàn thành các chứng chỉ từ năm 2015 nhưng Nguyễn vẫn chưa tin rằng muốn trở thành một công chứng viên toàn thời gian.
Cô từng làm giao dịch viên ngân hàng vào năm 2016. 5 năm tiếp theo, cô thử nhiều công việc khác nhau như làm đại lý bất động sản hay đại lý bảo hiểm.
Nhưng rồi, Nguyễn nhận thấy chưa có công việc nào bản thân thực sự yêu thích như nghề công chứng.
Làm việc tối đa 6 tiếng mỗi ngày
Khi gắn bó với nghề công chứng, Nguyễn tìm thấy niềm đam mê.
"Đó là công việc có giờ giấc linh hoạt. Tôi nhận thấy mình đang tạo ra những khác biệt trong cuộc sống của mọi người", cô tâm sự.
Khi thành lập công ty vào tháng 11/2021, Nguyễn bắt tay xây dựng nhóm khách hàng. Cô tới thăm các công ty bất động sản, tạo tài khoản mạng xã hội trên nhiều nền tảng và nhờ bạn bè kết nối, giới thiệu về công việc kinh doanh mới.
Hiện trang TikTok cá nhân là công cụ tiếp thị thành công nhất của Nguyễn với gần 30.000 người theo dõi. Nhiều người ở San Jose nơi cô sinh sống đã liên hệ nhắn tin, yêu cầu dịch vụ công chứng.
Tùy từng bản hợp đồng và loại tài liệu, cô tính phí từ 75 USD đến 200 USD (1,7 triệu đồng - 4,6 triệu đồng). Một số tài liệu chỉ mất vài phút hoàn thành, nhưng cũng có loại phức tạp thì tốn nhiều thời gian hơn.
Cô gái 25 tuổi cho biết thường sắp xếp để hoàn thành công việc từ 9 giờ sáng tới 3 giờ chiều, làm tối đa 6 tiếng mỗi ngày. Đôi khi, cô nhận thêm các lịch hẹn vào cuối tuần.
Đến nay, Nguyễn vẫn tỏ ra hối tiếc vì không mạnh dạn kinh doanh sớm hơn.
"Tôi thích việc mình tự lên lịch trình, chủ động tài chính và hỗ trợ cha mẹ khi cần. Thêm cơ hội giúp đỡ người khác khiến tôi thấy hoàn toàn mãn nguyện", Nguyễn bộc bạch.