Trên thế giới, diện tích các hoang mạc chiếm khoảng 1/3 diện tích đất liền của Trái Đất, chỉ tính riêng 10 khu vực hoang mạc hóa lớn nhất thế giới đã có diện tích lên đến 43.967 triệu km2. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sa mạc hóa là giai đoạn cuối của suy thoái đất. Tuy nhiên, có những vùng đất là sa mạc hóa tự nhiên do không trải qua quá trình hình thành đất đầy đủ.

Tại Việt Nam diện tích sa mạc tự nhiên khoảng 400.000 ha. Tại khu vực đất canh tác sự suy thoái đất ở Việt Nam được phân chia thành bốn mức độ: nhóm diện tích đất có nguy cơ suy thoái là khoảng 6,7 triệu ha; nhóm diện tích đất có dấu hiệu suy thoái vào khoảng 2,4 triệu ha; nhóm diện tích đất đã bị suy thoái là khoảng 1,3 triệu ha; cuối cùng là đất bị suy thoái thành sa mạc nhân tạo chỉ chiếm diện tích ít ỏi, vài nghìn ha.

Phát triển rừng chống sa mạc hóa

Để thực hiện trách nhiệm thành viên và yêu cầu của Công ước Chống sa mạc hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia phòng chống sa mạc hóa giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020.

 Tích cực trồng rừng để chống sa mạc hóa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và tái cơ cấu ngành chính là giải pháp căn bản để chống sa mạc hóa và suy thoái đất ở Việt Nam. Đến nay Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha, hệ số che phủ đạt 42%, cao hơn mức bình quân thế giới (29%).

Năm 2020, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước tính đạt hơn 0,26 triệu ha, giảm 3,2% so với năm trước. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 94,6 triệu cây. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.464,3 ha, giảm 45,6% so với năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 645,3 ha, giảm 67,8%; diện tích rừng bị chặt phá là 819 ha, tăng 19,4%.

Thu giữ nước ngầm dưới chân đồi cát

Các đồi cát ven biển là nơi trữ nước mưa trong mùa mưa. Nước trữ ngầm trong đồi cát tạo dòng chảy ngầm ngấm dần dưới chân đồi. Nhưng nếu không có biện pháp lưu trữ, nguồn nước ngầm này nhanh chóng bị bốc hơi vì nắng nóng.

Lợi dụng khả năng tạo dòng chảy ngầm trong đồi cát, mô hình thu trữ nước ngầm bằng hệ thống ống hình xương cá và giếng tập trung đã được xây dựng tại xã Phước Hải (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận). Hệ thống thu nước bằng ống lọc có đường kính 5-10cm, chôn chìm dưới mực nước ngầm ít nhất 50cm. Nước được thu vào các đường ống dẫn về 4 giếng tập trung và tăng áp dọc theo chiều dài tuyến thu nước. Cuối cùng nước được dẫn về hệ thống bể lọc và phân phối cho các hộ gia đình.

Mô hình trồng rừng ven đồi cát 

Sau 4 năm thực hiện, hệ thống vận hành ổn định, mỗi ngày mùa khô thu được khoảng 20m3 nước, hệ thống không bị tắc. Tuy nhiên để mô hình này phát huy hiệu quả, phải có cơ chế rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm giữa các hộ dân, cộng đồng và chính quyền.

Mô hình này được đánh giá là một trong những giải pháp cấp nước chống hạn và phòng chống sa mạc hóa có tính khả thi cao ở những vùng đồi cát có nước ngầm ngấm ra chân đồi.

Quy hoạch đồng cỏ cho chăn nuôi

Một trong những nguyên nhân gây hoang mạc hóa là chăn thả gia súc quá mức, tàn phá thảm thực vật đến mức cạn kiệt. Các địa phương cần tiến hành quy hoạch đồng cỏ, trồng cây thức ăn gia súc để kiểm soát chăn thả. Ninh Thuận từ không có diện tích đồng cỏ nay đã có 2.000 ha. Chuyển đổi chăn nuôi chăn thả sang bán chăn thả và có kiểm soát. Mô hình góp phần nâng năng suất và hiệu quả chăn nuôi, bước đầu tạo thói quen trong chăn nuôi.

Tuy nhiên để nhân rộng mô hình, cần chú ý đến quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, khả năng thực hiện của khu dân cư, nhận thức của người dân và cộng đồng…


PN (tổng hợp)