Thứ Năm, 13 tháng 7, 2023

Cách nấu bún riêu vị Sài Gòn

Khác với bún riêu cua truyền thống Hà Nội, bún riêu của vị Sài Gòn thường thêm nhiều loại topping như giò heo, huyết heo…

Cách làm

1. Sơ chế

  • Ốc bắt về rửa sạch, ngâm qua đêm trong nước cùng vài quả ớt cắt lát để ốc nhả sạch bùn bẩn ngậm bên trong. Cho ốc đã ngâm lên bếp luộc khoảng 10 phút, lúc ốc bung nắp, tắt bếp để nguội rồi khều lấy thịt ốc. 

  • Cua rửa sạch với nước nhiều lần. Khi rửa khuấy nhanh cua trong nước theo vòng tròn cho nhanh sạch, cách này cũng khiến cua bị “say”, dễ sơ chế hơn. Lột mai và yếm cua, rửa lại với nước một lần nữa rồi đem giã nhuyễn. Cho thịt cua đã giã ray lấy nước, bỏ xác. Áng chừng lấy khoảng hai lít nước cua là được. 

  • Giò heo chặt khúc vừa ăn, rửa sạch để ráo. Huyết heo, đậu hũ rửa sạch, chần sơ nước sôi cắt khúc vuông vừa ăn. Cà chua rửa sạch cắt múi cau.

2. Chế biến

  • Bắc nồi nước cua lên bếp đun sôi rồi cho giò heo với huyết vào. Hạ lửa nhỏ nấu thêm 15 phút để giò heo chín mềm, thịt cua tan vào nước cho nước ngọt và đậm đà hơn. 

  • Lấy một cái chảo khác thắng màu điều cùng nửa chén dầu ăn. Khi hạt điều đã ra hết màu vàng, vớt bỏ hạt rồi cho cà chua, ốc, đậu hũ vào xào đến khi săn lại, màu vàng đẹp, trút tất cả vào nồi nước cua. Bật lửa to cho sôi bùng trở lại rồi lại hạ lửa liu riu. Nêm gia vị vừa ăn theo sở thích, thả ngò gai vào cho dậy mùi, để sôi thêm tầm ba phút tắt bếp. 

  • Chia bún ra tô, chan nước dùng nóng vào xâm xấp, rắc thêm hành lá, ngò gai vào cho thơm. Món này ăn kèm rau sống chấm mắm tôm, mùa mưa cũng như mùa nắng đều rất ngon. 

3. Yêu cầu thành phẩm

  • Nước dùng của bún riêu phải thanh ngọt đậm vị, không nên quá mặn hay quá nhạt. Thịt ốc giòn mềm vừa độ, giò heo béo ngậy, huyết heo thấm vị bùi bùi quyện cùng đậu hũ mềm thơm. Vắt chút nước cốt chanh rồi đảo nhẹ nhàng và thưởng thức thì bao nhiêu hương vị bịn rịn nơi đầu lưỡi, đánh thức mọi giác quan. 

Mộc Anh

'Đơn xin' - xin gì?

 Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần ở Hà Tĩnh từng có hành động bất ngờ khi đề nghị ứng viên đã qua sơ loại viết lại đăng ký tuyển dụng trước khi tham gia vòng phỏng vấn. Chị lưu ý, đơn không sử dụng từ “xin”.

Theo chị, mối quan hệ giữa nhà tuyển dụng và người lao động là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Người lao động có sức khỏe, trí tuệ, kinh nghiệm, kỹ năng và đó là thứ hàng hóa đặc biệt để đổi lấy chế độ đãi ngộ, tiền lương tương xứng. Nhà tuyển dụng có chương trình, kế hoạch làm việc, phương án sản xuất kinh doanh và cần một đội ngũ nhân sự đáp ứng được yêu cầu trong từng vị trí. Thỏa mãn được yêu cầu này thì hai bên cùng xây dựng mối quan hệ để thực hiện công việc. Nói cách khác, ở đây không ai cho không ai bất cứ điều gì. Vậy tại sao lại phải bắt đầu lá đơn bằng ba chữ "Đơn xin việc"?

Sau yêu cầu này, ứng viên dự tuyển đã có những sự sáng tạo như "đơn đăng ký làm việc", "đơn đề nghị tham gia ứng tuyển", "đơn trình bày nguyện vọng công việc"... Chị nói, những cách diễn đạt mới này nghe có thể không quen tai, nhưng sau rất nhiều lần miễn cưỡng chấp nhận chữ "xin" trong sự ác cảm, chị muốn góp phần nhỏ thay đổi một quan niệm cũ, đồng thời định hướng ngay từ đầu cho nhân sự về văn hóa doanh nghiệp trong công ty của mình.

Pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền học tập, lao động, quyền sở hữu tư liệu sản xuất, quyền tìm hiểu thông tin. Tất cả những quyền cơ bản đều được hiến định. Nói cách khác công dân có quyền và được thực hiện quyền công dân của mình. Ngược lại cơ quan thẩm quyền có nghĩa vụ đáp ứng mọi yêu cầu chính đáng của người dân trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Do đó mọi sự xin xỏ đều không hợp lý.

Hiện nay, thủ tục hành chính đã có nhiều thay đổi, các mẫu đơn từ trong hệ thống văn bản hành chính nhà nước đã có những cải cách rõ rệt. Chẳng hạn, "đơn xin ly hôn" theo mẫu chuẩn hiện nay là Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự... Hoặc Thông tư 11/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sử dụng từ "đề nghị" trên các mẫu đơn được ban hành như: Đơn đề nghị cấp chứng chỉ định giá đất, Đơn đề nghị cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất...

Nhưng các sửa đổi này vẫn chưa đồng bộ và triệt để. Cũng trong Thông tư 11/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phụ lục số 1 vẫn sử dụng diễn đạt "Đơn xin giao đất/ cho thuê đất/ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất" trong tên mẫu đơn, hoặc trong các hướng dẫn như "Ghi rõ đơn xin giao đất hoặc xin thuê đất hoặc xin chuyển mục đích sử dụng đất"...

Không chỉ vấn đề câu chữ, mà đó là kết quả của lối quan niệm, tư duy cũ, bởi khi đã "xin" nghĩa là sẽ tương ứng với "cho". Và khi người dân đặt mình trong tâm thế phải "xin" đồng nghĩa cán bộ, công chức, chủ doanh nghiệp, dễ tự cho mình quyền được ban ơn, ban phát. Đây là một trong những căn nguyên dẫn tới tệ quan liêu của một bộ phận cán bộ, công chức; thậm chí trong nhiều trường hợp còn là sự hạch sách, vòi vĩnh. Người dân nhìn cán bộ cũng trở nên kém thân thiện hơn.

Từ "xin" trên các lá đơn không đơn giản chỉ là một thói quen, mà là sự nhầm lẫn về quyền và nghĩa vụ của cả hai phía. Điều này không chỉ kéo lùi sự bình đẳng trong các mối quan hệ, mà còn hình thành tâm lý xin - cho, biến giao dịch hành chính thành những giao dịch mang màu sắc cá nhân.

Vậy từ "xin" nên thay bằng từ gì là phù hợp? Trong tiếng Anh, mở đầu các lá đơn thường là: "Application for..." nghĩa là đơn về điều gì, đơn cho cái gì. Giới từ "for" trong các lá đơn chính là sự yêu cầu về nội dung hướng đến và không mang sắc thái xin xỏ, ân huệ. Chẳng hạn khi đề xuất nguyện vọng nghỉ phép, lá đơn bắt đầu bằng cụm từ: "Application for leave of absence"; hay đề xuất cấp visa sẽ là: "Application for visa"... Nên chăng đơn từ trong tiếng Việt có thể bắt đầu bằng dòng chữ: Đơn đề nghị/ Đề xuất... như: Đơn đề nghị nhập học, Đơn đề nghị ứng tuyển, Đơn đề nghị cho thuê đất...

Đề nghị là quyền và giải quyết đề nghị là trách nhiệm. Xác định rõ bản chất mối quan hệ công việc là cơ sở thay đổi tâm thế và thái độ làm việc giữa người làm đơn và người tiếp nhận đơn.

Trần Long