Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

Hướng dẫn đọc biểu đồ nến Nhật và cách nhận biết một số mẫu hình đảo chiều thông dụng

Hiện nay trên thị trường chứng khoán, biểu đồ nến đã trở nên rất phổ biến trong giới đầu tư. Đây là loại đồ thị được tạo ra ở Nhật Bản và được phổ biến bởi Steve Nison ở bán cầu Tây. Đồ thị nến Nhật hiện nay đã trở thành lựa chọn tốt nhất của nhà đầu tư bởi tính tượng hình và dễ hiểu, các mẫu hình cũng có những hàm ý riêng rất độc đáo. Chủ đề hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách đọc và sử dụng biểu đồ nến và nhận biết các mẫu hình đảo chiều thông dụng. Hãy cùng theo dõi nhé.

Hướng dẫn đọc biểu đồ nến
Hướng dẫn đọc biểu đồ nến

Cấu tạo biểu đồ nến Nhật

Để đọc và hiểu được biểu đồ nến Nhật, nhà đầu tư cần phải nắm được các cấu tạo cơ bản của nến và đồ thị.

Cấu tạo của nến

Cấu tạo nến Nhật trong chứng khoán
Cấu tạo nến Nhật trong chứng khoán

Về bản chất, nến cũng có tính chất như biểu đồ thanh. Bao gồm: Giá mở cửa, giá đóng cửa, giá cao nhất, giá thấp nhất. Với đồ thị nến nhật, khi thân nến có màu xanh, nghĩa là giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa. Ngược lại khi nến có màu đỏ, nghĩa là giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa. Những đường mỏng ở trên và dưới thân nến gọi là bóng nến. Đỉnh của bóng nến trên là mức giá cao nhất trong phiên, đáy của bóng nến dưới là mức giá thấp nhất trong phiên.

Cách hình thành nên biểu đồ nến

Biểu đồ nến được tạo nên bởi các tập hợp các nến của từng phiên. Tùy vào xu hướng tăng hay giảm mà chúng ta có thể thấy biểu đồ có những lúc lên xuống khác nhau.

Ví dụ:

Biểu đồ chỉ số VN-INDEX trong xu hướng tăng
Biểu đồ chỉ số VN-INDEX trong xu hướng tăng
Biểu đồ VN-INDEX trong xu hướng giảm
Biểu đồ VN-INDEX trong xu hướng giảm

Các loại hình nến thường gặp

Trong biểu đồ nến, ngoài loại hình nến thông dụng còn có những nến khác như: Nến Doji, nến Marubozu, nến dù, nến con quay.

Các loại hình nến thường gặp
Các loại hình nến thường gặp
  • Nến Doji: Có thân rất nhỏ hoặc không có, bóng nến dài rất nhiều lần so với thân nến. Nến Doji được chia thành nhiều loại, các mẫu hình thường gặp đó là: Doji bia mộ, Doji chuồn chuồn và Doji chân dài.
  • Nến Marubozu: Phần nến lớn và gần như không có bóng nến. Giá mở cửa hoặc giá đóng cửa cũng là mức giá cao nhất trong phiên.
  • Nến dù: Có bóng nến dưới rất dài và thân nến nhỏ và bóng nến trên rất nhỏ và gần như là không có.
  • Nến con quay: Phần thân nến khá nhỏ, nhưng không nhỏ như nến Doji. Phần bóng nến trên và dưới dài hơn rất nhiều lần thân nến.

Nhận biết các mẫu hình đảo chiều thông dụng trên biểu đồ nến

Khi kết hợp các nến đơn vào một số trường hợp nhất định, ta sẽ thấy được các mẫu hình báo hiệu trên đồ thị nến. trong bài viết này, DNSE sẽ đưa ra một số mẫu hình đảo chiều thông dụng.

Nến búa (Hammer):

Đây là dấu hiệu lực bán đã suy yếu, đồng nghĩa lực mua đang dần chiếm ưu thế. Khi gặp mẫu hình này trong một xu hướng giảm, thể hiện thị trường có xu hướng đảo chiều xu hướng giảm sang đi ngang hoặc tăng giá.

Ví dụ:

Nến búa ở biểu đồ nến cổ phiếu BCG
Nến búa ở biểu đồ nến cổ phiếu BCG

Nến búa xuất hiện ngày 30/7/2020 báo hiệu xu hướng đảo chiều tăng. Một cây nến của phiên tiếp theo đã xác nhận sự đảo chiều này vì có giá đóng cửa cao hơn phiên trước.

Nến người treo cổ (Hanging man):

Đây là dấu hiệu lực mua đã suy yếu, lực bán chiếm ưu thế. Khi thấy mẫu hình này xuất hiện ở xu hướng tăng, thị trường có xu hướng đảo chiều xu hướng tăng sang đi ngang hoặc giảm.

Ví dụ:

Nến người treo cổ ở biểu đồ nến cổ phiếu BCG
Nến người treo cổ ở biểu đồ nến cổ phiếu BCG

Nến người treo cổ xuất hiện vào ngày 12/4/2019 báo hiệu xu hướng đảo chiều giảm. Một cây nến ở phiên tiếp theo có giá đóng cửa thấp hơn phiên trước đã xác nhận xu hướng đảo chiều giảm.

Mẫu hình nhấn chìm tăng:

Đây là mẫu hình thông báo tín hiệu quan trọng với nến đỏ bị nhấn chìm bởi nến xanh. Chỉ báo này chỉ đúng khi thị trường đang trong một xu hướng giảm.

Ví dụ:

Mẫu hình nhấn chìm tăng ở biểu đồ nến cổ phiếu BCG
Mẫu hình nhấn chìm tăng ở biểu đồ nến cổ phiếu BCG

Nến đỏ ngày 29/7/2019 bị nhấn chìm hoàn toàn bởi nến xanh của phiên tiếp theo khi thị giá cổ phiếu có xu hướng giảm dù rất nhỏ. Điều này báo hiệu giá cổ phiếu sẽ đảo chiều tăng.

Mẫu hình nhấn chìm giảm:

Mẫu hình này thông báo tín hiệu đảo chiều giảm khi nến xanh bị nhấn chìm bởi nến đỏ. Tín hiệu màu chỉ đúng khi thị trường đang trong xu hướng tăng.

Ví dụ:

Mẫu hình nhấn chìm giảm ở biểu đồ nến cổ phiếu BCG
Mẫu hình nhấn chìm giảm ở biểu đồ nến cổ phiếu BCG

Nến xanh ngày 26/6/2017 bị nhấn chìm hoàn toàn bởi nến đỏ của phiên tiếp theo trong một xu hướng tăng. Điều này báo hiệu giá cổ phiếu sẽ đảo chiều giảm.

Mẫu hình mây đen bao phủ:

Đây là tín hiệu đảo chiều vùng đỉnh. Khi nến xanh bị chiếm sâu bởi nến đỏ ở phiên tiếp theo có giá mở cửa cao hơn sau đó đóng cửa sâu vào thân nến xanh vào cuối phiên. Nến đỏ nên xâm lấn hơn 50% thân nến xanh.

Ví dụ:

Mẫu hình mây đen bao phủ ở biểu đồ nến cổ phiếu HPG
Mẫu hình mây đen bao phủ ở biểu đồ nến cổ phiếu HPG

Nến xanh ngày 7/6/2018 bị nến đỏ ở phiên tiếp theo đóng cửa sâu hơn 50% thân nến xanh một xu hướng tăng. Chứng tỏ, thị trường đã đạt đỉnh và chuẩn bị đảo chiều giảm.

Mẫu hình xuyên thấu:

Đây là tín hiệu đảo chiều vùng đáy. Khi cây nến đỏ bị xâm lấn bới cây nến xanh có giá mở cửa thấp hơn và đóng cửa sâu vào bên trong nến đó ở phiên tiếp theo. Mức độ xâm lấn của nến xanh phải hơn 50% thân nến đỏ.

Ví dụ:

Mẫu hình xuyên thấu ở biểu đồ nến cổ phiếu VCB
Mẫu hình xuyên thấu ở biểu đồ nến cổ phiếu VCB

Nến đỏ ngày 27/7/2017 bị xâm lấn bởi một cây nến xanh có giá mở cửa thấp hơn và đóng cửa sâu hơn 50% thân nến đỏ. Chứng tỏ thị trường đã tạo đáy và chuẩn bị đảo chiều tăng.

Kết luận

Biểu đồ nến đã và đang là lựa chọn tốt nhất của nhà đầu tư dùng để phân tích thị trường. Với các loại nến bắt mắt và mẫu hình đa dạng, nhà đầu tư có thể dễ dàng nhận biết được các tín hiệu trên biểu đồ. Hy vọng bài viết hôm nay giúp các bạn đọc và hiểu được biểu đồ nến. Những mẫu hình đảo chiều sẽ rất hữu ích, hãy cố gắng sử dụng thật tốt nhé.

Xác định thời điểm mua bán cổ phiếu – Điều quan trọng để chiến thắng thị trường

Xác định thời điểm mua bán cổ phiếu là một trong những kỹ năng quan trọng trong đầu tư chứng khoán. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể tìm được các cổ phiếu tiềm năng nhưng không phải ai cũng có thể mua bán cổ phiếu đúng thời điểm để tối ưu lợi nhuận thu được. Mỗi nhà đầu tư muốn thành công đều phải bỏ túi cho mình phương pháp xác định thời điểm mua bán cổ phiếu phù hợp. Bài viết hôm nay sẽ giúp các bạn giải đáp câu hỏi tại sao phải xác định thời điểm mua bán cổ phiếu và xác định như thế nào. Hãy cùng theo dõi nhé.

Xác định điểm mua bán cổ phiếu
Xác định điểm mua bán cổ phiếu

Tại sao phải xác định thời điểm mua bán cổ phiếu?

Đầu tư cổ phiếu không chỉ dừng lại ở việc tìm ra được cổ phiếu tiềm năng. Điều quan trọng nhất chính là mua, bán như thế nào để có thể thu về lợi nhuận. Hiện nay rất nhiều bộ lọc cổ phiếu, giúp nhà đầu tư tìm được cổ phiếu tiềm năng, thậm chí là siêu cổ phiếu.

Tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư đã không tận dụng được cổ phiếu tốt chỉ vì mua, bán không đúng lúc. Do đó, việc xác định điểm mua và bán cổ phiếu rất quan trọng. Khi đã biết cách xác định, nhà đầu tư không chỉ có lãi để chốt, mà còn có thể tối ưu số tiền lời đến mức tốt nhất có thể.

Một số phương pháp xác định thời điểm mua bán cổ phiếu phổ biến hiện nay

Xuyên suốt bề dày lịch sử hình thành thị trường chứng khoán, đã có rất nhiều nhà đầu tư lỗi lạc xuất hiện. Mỗi người đều có những cách thức và trường phái đầu tư khác biệt. Từ đó, các phương pháp phân tích kỹ thuật được ra đời như Bollinger Band, MACD,…. Điều này giúp nhà đầu tư tăng khả năng chính xác khi mua cổ phiếu với giá thấp và bán ra với giá cao.

Cách xác định thời điểm mua bán cổ phiếu bằng đồ thị nến Nhật

Sử dụng đồ thị nến Nhật là một trong những phương pháp phân tích kỹ thuật phổ biến nhất hiện nay. Nến Nhật có thể dễ dàng kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật khác để tìm ra vùng hỗ trợ và kháng cự tiềm năng. 

Tuy nhiên, không phải cứ học thuộc nằm lòng các mẫu hình nến là bạn sẽ làm chủ được kỹ thuật này. Nến Nhật đòi hỏi người sử dụng phải biết kết hợp các mẫu hình với các công cụ phân tích kỹ thuật khác. Điều này giúp họ tối ưu giá mua và giá bán một cách tốt nhất.

Kết hợp nến Nhật với khối lượng giao dịch

Những phiên bùng nổ khối lượng (thanh khoản) đi kèm với mẫu hình nến phù hợp chính là dấu hiệu đảo chiều nhà đầu tư cần nắm. 

Ví dụ về xác định điểm mua

Xác định điểm mua cổ phiếu SHS
Biểu đồ tuần cổ phiếu SHS

Bạn có thể thấy cặp nến nhấn chìm tăng ở 2 nến kết thúc tuần liên tiếp (25/05/2021 và 01/06/2021). Đây dù chỉ là mẫu hình nến cơ bản nhưng mang lại độ chính xác cao khi kết hợp với thanh khoản giao dịch tương ứng. 

Ở trường hợp này, sau giai đoạn tích lũy khá lâu, SHS đã có một phiên bùng nổ thanh khoản để xác định xu hướng tăng cho mẫu hình nến này. Những phiên giao dịch sau đó là những phiên leo dốc làm ấm lòng nhà đầu tư. Do đó, điểm mua tối ưu nhất chính là phiên có nến xanh nhấn chìm tăng.

Ví dụ về xác định điểm bán

Xác định điểm bán cổ phiếu TDC
Biểu đồ ngày cổ phiếu TDC

Vào ngày 02/11/2021 và 03/11/2021, cổ phiếu TDC đã xuất hiện cặp nến nhấn chìm giảm. Bạn có thể thấy nến đỏ nhấn chìm hoàn toàn nến xanh với thanh khoản tăng đột biến. Trong trường hợp này, cặp nến nhấn chìm giảm sẽ giữ vị trí làm vùng kháng cự mạnh trong biểu đồ ngày. 

Ngày 12/11, 23/12 và 12/01/2022, giá cổ phiếu đã 3 lần muốn chinh phục vùng kháng cự này nhưng đã thất bại. Sau đó, giá cổ phiếu giảm mạnh và tiếp tục tạo nền.

Ở ví dụ này, điểm bán tối ưu nhất chính là phiên giao dịch có nến nhấn chìm giảm với khối lượng đột biến. Nhà đầu tư có thể chờ đợi và bán vào những lần chạm ngưỡng kháng cự khác với hy vọng giá cổ phiếu tiếp tục tăng. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến họ bị chôn vốn và mất rất nhiều thời gian để có thể đem số tiền này đi tái đầu tư.

Kết luận

Hiện nay, có rất nhiều cách xác định thời điểm mua bán cổ phiếu. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên tìm ra phương pháp phù hợp nhất đối với bản thân và dùng nó để tối ưu khoản đầu tư của mình. Hy vọng phương pháp sử dụng nến Nhật kết hợp với khối lượng có thể giúp ích trong việc giao dịch cổ phiếu của bạn.