Nếu một người hoàn toàn xa lạ với thị trường chứng khoán phải dành ra vài ngày để nghe ngóng những cuộc nói chuyện, trao đổi của các nhà đầu tư và những người kinh doanh chứng khoán hòng thu thập thông tin về nguyên nhân của những biến động về giá cả thì có lẽ câu hỏi cấp bách nhất trong đầu họ sau khoảng thời gian ngắn ngủi khó khăn này sẽ là: “‘HỌ’ là ai?” Đi đến đâu anh ta cũng nghe về “HỌ”. Tại phòng giao dịch của một công ty chứng khoán không tăm tiếng, anh ta bắt gặp một gã đàn ông trẻ tuổi, chỉ giao dịch vẻn vẹn mười cổ phiếu nhưng lại đang tranh luận một cách rất hiểu biết về những điều mà “HỌ” sẽ làm tiếp theo. Cả các chuyên gia lẫn những tay nghiệp dư sẽ cho anh ta biết rằng “HỌ” đang tích lũy cổ phiếu Steel hay đang phân phối cổ phiếu Reading. Những người kinh doanh trực tiếp trên sàn giao dịch cũng như thành viên của sở giao dịch sẽ thầm thì to nhỏ với nhau rằng “HỌ” đang đưa thị trường đi lên hay đi xuống, tùy vào tình hình. Cả những nhà đầu tư điềm tĩnh nhất cũng có thể cho anh ta biết rằng, mặc dù thị trường hiện tại đang rất ảm đạm, chắc chắn “HỌ” sẽ phải tạm thời kéo thị trường lên cao nhằm tống khứ lượng cổ phiếu khổng lồ mà “HỌ” đang nắm giữ đi. Lý thuyết về “HỌ” xem ra rất phổ biến cả trong giới kinh doanh thành công cũng như những người mới vào nghề – nhóm này có vẻ đông đảo hơn nhiều. Người ta cũng có thể tranh cãi về lý do tại sao, nhưng bản thân điều đó là một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi. Cho dù “HỌ” có là một truyền thuyết hay là một thực thể rõ ràng hiện hữu đi chăng nữa thì rất nhiều người cũng đang kiếm tiền nhờ nghiên cứu thị trường xét từ lăng kính này. Nếu bạn thử dạo quanh Phố Wall và hỏi các nhà kinh doanh xem “HỌ” là ai, bạn sẽ nhận được vô số các câu trả lời khác nhau tương đương với số người được hỏi. Một người sẽ nói: “Tập đoàn Morgan”; người khác lại cho rằng: “Standard Oil và các thế lực có lợi ích liên quan” – câu trả lời này quả là rộng lớn; người khác: “Nhóm tư bản ngân hàng”; lại một người khác: “Các nhà kinh doanh chuyên nghiệp trên sàn”; người thứ năm: “Nhóm những người nắm giữ các cổ phiếu có giá trị trên thị trường ít nhiều có mối quan hệ làm ăn với nhau”; người thứ sáu có thể nói: “Những nhà đầu cơ khôn ngoan và thành công, dù họ là ai hay ở đâu”; trong khi đối với người thứ bảy: “HỌ” có thể là những nhà kinh doanh nhạy bén trên thị trường nói chung, người chủ động “làm giá” bằng cách mua vào hoặc bán ra trước những người khác. Thực ra, một tác giả với khối kiến thức uyên bác về tình hình thị trường tin rằng toàn bộ diễn biến của thị trường chứng khoán New York đều nằm dưới sự kiểm soát của một cá nhân nào đó, theo cách này hay cách khác, là đại diện theo cách này hay cách khác của những liên minh lợi ích to lớn. Tìm kiếm hay xác định nguồn gốc cũng như dấu vết của những thế lực nắm quyền kiểm soát như thế là điều không thể. Bởi các thị trường chứng khoán trên thế giới thường diễn biến tương tác với nhau thành những chu kỳ liên hoàn, nếu quả có một thế lực nào như thế thì hẳn nó phải là liên minh tài chính lớn có tầm cỡ toàn cầu, nắm quyền kiểm soát tất cả các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới. Một nhà quan sát bình thường có lẽ cũng sẽ thấy khó mà tiêu hóa được một giả thuyết như vậy. Tôi tin rằng chính những cố gắng nhằm biến toàn bộ các kỹ năng đầu cơ và đầu tư thành những điều rõ ràng đến không tưởng và đơn giản đến lý tưởng là nguyên nhân của rất nhiều thất bại. A.S. Hardy, một nhà ngoại giao, nguyên là giáo sư toán học với nhiều tác phẩm về phương pháp đại số biểu diễn phép quay (tổ hợp quaternion) và phép tính vi phân, đã từng nhận xét rằng toán học là một môn khoa học nghèo nàn, bởi nó không kích thích tư duy phê phán của con người. Với những định đề cố định và chắc chắn, một nhà toán học sẽ đưa ra một kết luận chính xác; tuy nhiên, trong những vấn đề thực tế, cái khó lại nằm ở việc bạn phải chọn định đề nào. Vậy là, những nhà nghiên cứu thị trường theo trường phái toán học sẽ luôn tìm kiếm một quy luật hay một chuỗi các quy luật – một “điều chắc chắn” như các nhà kinh doanh vẫn nói. Anh ta hẳn sẽ không tìm kiếm những quy luật như thế nhằm tìm kiếm thành công trong việc kinh doanh hoa quả hay buôn đồ cũ; ngược lại, anh ta sẽ phân tích từng tình huống cụ thể nảy sinh và hành động cho phù hợp với hoàn cảnh ấy. Đối với tôi, thị trường chứng khoán hoàn toàn là một vấn đề của thực tế. Các phương pháp khoa học có thể được áp dụng cho bất cứ ngành kinh doanh nào, từ chứng khoán cho đến chăn nuôi gia cầm, nhưng nó hoàn toàn khác với việc cố gắng đơn giản hóa những biến động trên thị trường thành những định đề chắc chắn đúng của toán học. Bởi vậy, khi thảo luận về danh tính của “HỌ”, chúng ta buộc phải chấp nhận những sự thật hiển nhiên như nó vốn có mà không cố nhào nặn ra những lý thuyết tốt đẹp và chuẩn mực theo ý mình. Khái niệm “HỌ” có chút cơ sở thực tế nếu được hiểu theo ba nghĩa. Thứ nhất, “HỌ” có thể và thường được hiểu là những nhà kinh doanh trên sàn tại Sở giao dịch chứng khoán. Họ chính là những người có mối liên hệ trực tiếp với các lệnh chào bán và mua, lập nhóm nhằm kiểm soát một cổ phiếu nào đó hay những cá nhân đang thao túng thị trường. Các nhà kinh doanh trên sàn có ảnh hưởng quan trọng tới những biến động tức thời của giá cả trên thị trường. Giả sử, họ quan sát thấy có rất ít các lệnh chào mua cổ phiếu Reading. Dù giá có giảm nhưng thanh khoản vẫn không được cải thiện và chỉ có một số rất ít lệnh mua và bán được khớp ở mức giá cao. Họ bắt đầu cảm thấy rằng nếu không có biến động lớn nào xảy ra thì Reading sẽ không giảm giá mạnh. Một điều tự nhiên mà họ có thể làm đó là mua vào mỗi khi giá xuống thấp. Vậy là ngay khi cổ phiếu được chào bán với giá hời, họ sẽ ngay lập tức chộp lấy. Kết quả của sự “vơ vét” này là cổ phiếu Reading bắt đầu trở nên khan hiếm và các nhà kinh doanh trên thị trường bắt đầu tin rằng giá sẽ tăng lên. Họ bắt đầu “làm giá”. Điều này hoàn toàn không khó bởi tất cả họ trong thời điểm này đều đang đồng tình ủng hộ một mặt bằng giá cao hơn. Giả sử thị trường đang khớp lệnh ở mức 161⅛, chào bán ở mức 161¼. Họ nhận thấy là chỉ có 100 cổ phiếu được chào mua ở mức ¼, và 200 cổ phiếu ở mức ⅜. Và họ không chắc có bao nhiêu cổ phiếu đang được chào mua ở mức giá ½, nhưng như vậy là đủ dữ liệu cho một phán đoán khôn ngoan. Một hay nhiều nhà kinh doanh sẽ mua vào khoảng 500 cổ phiếu, và buộc thị trường phải khớp giá ở mức ½. Các nhà kinh doanh khác tất nhiên sẽ không sẵn sàng chấp nhận mức chênh lệch còn quá ít ỏi này và sẽ chờ xem liệu có ai đó ngoài thị trường chú ý tới biến động nhỏ vừa diễn ra hay không, và nếu có thì anh ta sẽ đặt lệnh mua hay bán. Nếu có một vài lệnh mua, nó sẽ đẩy giá khớp lên đến ⅝ hoặc ¾. Còn nếu là lệnh bán thì có thể nói là họ đã thành công, họ sẽ mua những lệnh chào với giá thấp và lại lặp lại toàn bộ kịch bản vào ngày hôm sau, có khi là chỉ vài giờ sau. Cuối cùng, bằng cách nắm lấy mọi cơ hội thuận lợi có thể, họ đã đẩy giá cổ phiếu lên khoảng hai tới ba điểm mà không cần phải mua vào lượng cổ phiếu nhiều hơn những gì họ mong muốn. Nếu một biến động như vậy lại được tiếp nối bởi một biến động khác, thị trường có thể dễ dàng tăng lên mười điểm mà không cần bất cứ một sự thay đổi thực sự nào trong triển vọng kinh doanh của Reading – mặc dù một thay đổi như vậy có thể chính là nguyên nhân khiến cổ phiếu Reading trở nên khan hiếm trước khi biến động về giá cả này diễn ra. Còn ngược lại, nếu một lượng cổ phiếu lớn bị bán tháo ngay khi giá tăng lên vài điểm thì những hậu quả khi bong bóng giá cả vỡ tung cũng hết sức nhẹ nhàng đối với các nhà kinh doanh trên sàn. Việc một liên minh được hình thành để nắm quyền kiểm soát một cổ phiếu nào đó không diễn ra thường xuyên và phổ biến như người ta vẫn nghĩ. Có rất nhiều trở ngại cần phải vượt qua trước khi một liên minh như thế được hình thành, đoàn kết lại với nhau và cùng hành động một cách thành công. Cách đây không lâu, chúng ta đã có cơ hội chứng kiến trường hợp của Hocking Coal & Iron. Nhưng nếu một liên minh như thế thực sự đã tồn tại thì hoạt động của nó thường là sự áp dụng lặp lại trên quy mô lớn và trên cơ sở những thỏa thuận ràng buộc các phương pháp mà giới kinh doanh trên sàn đã thực hiện với quy mô nhỏ và trên cơ sở sự hợp tác tình nguyện, không ràng buộc, bắt nguồn từ những lợi ích chung mà tất cả cùng hướng đến. Còn trường hợp của cá nhân muốn thao túng thị trường thì đơn giản đó là một liên minh chỉ bao gồm một thành viên. Thứ hai, nhiều người cho rằng “HỌ” là liên minh các nhà tư bản đầy quyền lực, những người có thể cùng lúc tiến hành những chiến dịch có quy mô lớn trên các thị trường chứng khoán chủ chốt trên toàn thế giới. Có thể nói rằng một liên minh bền vững và cố định như thế chắc chắn không tồn tại, mặc dù hoàn toàn không dễ dàng để chứng minh điều này. Tuy nhiên, khi một thế lực lớn nhưng đơn lẻ nào đó nắm quyền kiểm soát thị trường, những thế lực khác sẽ tạm thời chấp nhận khoanh tay đứng nhìn hoặc cùng tham gia nhưng với quy mô nhỏ hơn hoặc chờ đợi cơ hội thuận lợi để đón đầu xu hướng mới. Đến đây chắc độc giả cũng có thể hình dung những cái tên như Standard Oil, Gates, Morgan và Harriman, trong quá khứ chắc chắn đã không chỉ một lần cùng nhau nắm quyền kiểm soát trong một chiến dịch quy mô. Hiện tại, những nhóm lợi ích lớn có thể chia làm ba nhánh: Morgan, Standard Oil và Kuhn-Loeb. Một thỏa thuận rõ ràng giữa các nhóm lợi ích này chắc chắn là điều không thể, trừ khi chúng phục vụ cho những lợi ích cụ thể và tạm thời. Mà những mục đích như thế càng không có nhiều bởi các nhà tài phiệt vĩ đại này chẳng mấy tin tưởng lẫn nhau và bản thân mỗi liên minh lợi ích dạng này cũng chỉ là một sự ràng buộc không chắc chắn của rất nhiều thành phần đa dạng với một điểm chung duy nhất – quyền kiểm soát vốn. Một liên minh như thế không phải là một đội quân, kẻ phản bội không bao giờ bị đưa ra tòa án binh và bị xử bắn. Đó là một kiểu băng nhóm, và nó cần được dẫn dắt chứ không phải chỉ huy. Tất nhiên kẻ phản bội bị phát hiện cũng có thể bị xử tử, song chỉ về mặt tài chính, nhưng trong thị trường chứng khoán, kẻ phản bội không thể bị phát hiện. Trừ khi hoạt động của hắn ta quá công khai và diễn ra trên quy mô lớn, còn không hắn sẽ luôn ẩn mình khỏi sự chú ý của đồng minh. Xét từ phương diện này thì “HỌ” có lẽ không thường xuyên hoạt động một cách có hiệu quả trên thị trường. Các chiến dịch lớn thường chỉ được tiến hành một cách an toàn ở những thời điểm mà tại đó viễn cảnh tương lai được đảm bảo chắc chắn ở một mức độ nhất định nào đó. Một khi tương lai còn bị bỏ ngỏ, khi hàng loạt các sự kiện hỗn độn vẫn thường xuyên xen vào đời sống chính trị và tài chính, thì các nhà tài phiệt sẽ vẫn vui vẻ thu hẹp hoạt động của mình ở phạm vi cá nhân, hoặc ít nhất là cũng trì hoãn không để một hoạt động trên quy mô lớn nào diễn ra cho đến khi mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Thứ ba, “HỌ” có thể được hiểu một cách đơn giản là các nhà đầu cơ và đầu tư nói chung – một tập hợp hỗn tạp rất nhiều cá nhân thuộc nhiều thành phần khác nhau, rải rác khắp nơi trên toàn thế giới, trong đó mỗi người đều đóng góp một phần rất nhỏ bé của mình vào những cơn biến động giá cả trên thị trường chứng khoán. Xét theo quan điểm này thì ta có thể hoàn toàn chắc chắn về sự tồn tại của “HỌ” và “HỌ” ở đây cũng chính là vị quan tòa cuối cùng quyết định xem giá cả sẽ ở mức nào. Nói cách khác, đây chính là những khách hàng đích thực trên thị trường chứng khoán, những người mà tất cả chúng ta đang dự định, sớm hay muộn, trực tiếp hay gián tiếp, sẽ bán cổ phiếu cho họ. Bạn có thể dẫn một chú ngựa đến bên dòng suối, nhưng không thể bắt nó uống nước. Bạn hay tôi hay bất cứ một nhà tài phiệt giàu có nào cũng có thể đưa ra một mức giá cho cổ phiếu của mình, nhưng không thể bắt “HỌ” phải mua chúng, trừ khi “HỌ” thực sự có nhu cầu và sức mua. Vậy thì trong mọi trường hợp, luôn có một khái niệm về “HỌ” giúp chúng ta có cơ sở để lý giải những gì đang diễn ra. Trong trường hợp một chiến dịch lớn đang được tiến hành, lý thuyết giá trị của “HỌ” chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều trong quyết định tích lũy hay phân phối cổ phiếu. Trong thực tế, ở giai đoạn sau của một đợt tăng giá có chủ ý, những lập luận phổ biến mà ta thường được nghe sẽ tương tự như sau: “Phải, giá cả đang cao và khả năng sẽ diễn ra một đợt tăng giá lớn nữa là không sáng sủa lắm – nhưng cổ phiếu đang được nắm giữ bởi những tay có quyền lực và “HỌ” sẽ phải đưa giá lên cao hơn nữa để dễ bề bán ra.” Tương tự, sau một đợt giảm điểm kéo dài, chúng ta thường nghe được thông tin rằng một vài người đang gặp rắc rối và “HỌ” sẽ còn phải hạ giá xuống nữa cho đến khi một đợt mua vào với số lượng lớn và ổn định diễn ra. Tất cả những điều này thực chất chỉ là màn kịch dùng để che mắt những tay đầu cơ ngu xuẩn nhất. Mặc dù khi giá cả đã quá cao so với thực tế của nền kinh tế và không lý do gì hợp lý để biện minh cho việc nó sẽ còn tăng hơn nữa, một vài người vẫn cố tình mua vào bởi lý do “HỌ” cũng có thể sẽ làm như vậy. Hoặc nếu đám đông không thể mua thêm vào với số lượng lớn nữa thì những người này cũng không dám bán khống vì sợ hãi “HỌ” sẽ làm như vậy. Một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp những tình trạng của thị trường – người kiếm tìm lợi ích cả ngắn hạn lẫn dài hạn – đều tỏ ra rất chắc chắn khi đưa ra quyết định chủ yếu dựa trên những điều anh ta nghĩ “HỌ” sẽ làm. Hình dung về “HỌ” trong tư tưởng của anh ta giống như những gì chúng ta đã nhắc đến trong giả thuyết thứ nhất – những nhà môi giới, các nhóm đầu cơ hay những kẻ muốn thao túng thị trường. Quả thực anh ta thu được rất nhiều từ điều này bởi lẽ nó làm anh ta tạm quên đi những tin tức nóng hổi hay những tin đồn đang lan tỏa xung quanh và ngăn không cho những quyết định của anh ta bị ảnh hưởng bởi tình trạng hiện tại của thị trường. Khi thị trường rơi vào trạng thái đuối sức nhất, những tin tức xấu nhất liên tục xuất hiện, khi ai ai cũng đều cảm thấy rằng thị trường đang ở đáy của một đợt giảm giá mạnh, đó là lúc thích hợp để mua vào, điều mà kẻ khờ khạo nhất cũng hiểu. Nhưng nếu một người biết rằng khi những tin tức xấu vừa xuất hiện, một cơn lũ cổ phiếu đang tràn ra tứ phía nhưng chẳng có ai buồn đếm xỉa đến chúng thì anh ta cũng sẽ gần như không dám lao vào cơn lũ đó. Nhưng mặt khác, nếu anh ta cho rằng “HỌ” chỉ đang cố tình giáng cho thị trường một đòn thật mạnh hòng tạo cơ hội mua lại đám cổ phiếu mà “HỌ” đã bán khống với giá cao trước đó ít lâu, anh ta sẽ có đủ dũng khí để mua vào. Quan điểm đó có thể đúng mà cũng có thể sai, nhưng ít nhất anh ta cũng tránh được việc mua vào ở đỉnh và bán ra ở đáy và hơn nữa còn có đủ dũng khí để mua vào khi thị trường đang ở mức thấp và bán ra ở mức cao. Nguyên nhân vì sao khái niệm về “HỌ” theo quan điểm của một người kinh doanh chứng khoán điển hình lại mơ hồ đến vậy là vì anh ta chỉ quan tâm đến việc “HỌ” hành động như thế nào trên thị trường. Còn việc “HỌ” là ai thì anh ta lại không tò mò cho lắm. Tuy nhiên, phân tích một cách rõ ràng và chính xác tình hình luôn tốt hơn chỉ hiểu mơ hồ về nó, một nhà đầu tư sẽ làm tốt hơn rất nhiều nếu loại bỏ được ra khỏi suy nghĩ quan niệm về “HỌ”. “HỌ” sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có một định nghĩa rõ ràng được nhắc tới ở phần trước. Và nếu cứ dùng từ đó thường xuyên trong tình trạng như vậy thì thật là một sự cẩu thả trong ngôn từ. “HỌ”, theo nghĩa là các liên minh lợi ích ngân hàng lớn có thể sẽ trái ngược với “HỌ” theo nghĩa là những cá nhân đang thao túng thị trường; và những cá nhân đó cũng có thể lại mẫu thuẫn với “HỌ” theo nghĩa là những nhà kinh doanh trực tiếp trên sàn chứng khoán. Thực tế, diễn biến thị trường không thể được phán đoán dựa trên những phát biểu thiếu cơ sở về việc “HỌ” sẽ hành động ra sao. Bạn không thể xác định được thái độ đối với thị trường của từng cá nhân đang tham gia vào đó, nhưng chắc chắn là bạn có thể xác định được nguồn gốc của các lệnh bán và mua sắp được đưa ra, những động cơ sẽ khuyến khích các nhà đầu tư và đầu cơ, và trạng thái của những cổ phiếu ngắn hạn cũng như dài hạn. Tóm lại, sau khi đã quan sát và nghiên cứu, bạn sẽ có được một định nghĩa rõ ràng về “HỌ” và chắc chắn sẽ có được điều đó nếu hành động dựa trên thực tế thị trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét