Có một thực tế là các nhà đầu tư và buôn bán chứng khoán nghiệp dư, và thậm chí phần lớn những người chuyên nghiệp đều đã và đang đầu cơ dựa vào những sự kiện ĐÃ xảy ra. Ví dụ, thu nhập của ngành đường sắt được công bố cho thấy có sự tăng trưởng ròng. Rất nhiều người sẽ ngay lập tức lập luận một cách non nớt rằng: “Lợi nhuận tăng có nghĩa là cổ tức cũng sẽ tăng. Giá cả sẽ lên. Tôi sẽ mua vào.” Nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Lẽ ra phải nói rằng: “Giá cả đã tăng một khoảng tương đương với mức tăng trưởng lợi nhuận rồi, trừ khi có một yếu tố khác đã bù đắp sự tăng trưởng đó của giá cả. Vậy tiếp theo sẽ ra sao đây?” Con người thường tin vào điều mà chúng ta cho là hiển nhiên rằng hiện tại sẽ luôn luôn tiếp diễn như nó vốn có. Cuộc sống của chúng ta dường như vẫn đang diễn ra dựa phần lớn vào giả định đó. Khi giá bột mì lên cao, người nông dân tăng sản lượng của họ vì cho rằng trồng lúa mì sẽ có lợi hơn, khi giá cả thấp họ lại giảm sản lượng đi. Tôi nhớ một lần nói chuyện với một người nông dân trồng khoai tây, ông ta nói đã kiếm được rất nhiều tiền bằng cách đơn giản là đi ngược lại lối suy nghĩ trên. Khi giá khoai tây thấp ông ta trồng rất nhiều; khi giá cao ông ta trồng rất ít vì cho rằng những người khác chắc chắn sẽ làm điều ngược lại. Một con người bình thường không hay được Chúa trời ban phát cho – hay là bắt gánh lấy, tùy theo cách bạn nhìn nhận nó – một bộ não biết phân tích. Chúng ta đều nhìn cuộc đời qua một “lăng kính tối màu.” Tư tưởng của chúng ta thường bị những màn sương mờ ảo bao quanh và suy luận của chúng ta thường chỉ mãi đi theo một lối mòn mà phải rất khó khăn, thậm chí là không thể nào, thoát ra nổi. Rất nhiều cảm xúc và hành động của chúng ta chỉ là những phản ứng tự nhiên không chủ đích đối với các tác nhân bên ngoài. Một ví dụ minh họa đơn giản cho điều này là mối ác cảm mà chúng ta dành cho chiếc đồng hồ báo thức vẫn ngày ngày gọi chúng ta dậy vào buổi sáng. Chúng ta đã cẩn thận đặt giờ và để nó cạnh giường, và nó hữu ích tới mức nếu một ngày nào đó nó không hoạt động nữa, có lẽ chúng ta sẽ lâm vào những hoàn cảnh vô cùng khó xử. Ấy vậy mà tất cả những gì chiếc đồng hồ trung thành nhận được chỉ là sự ghét bỏ của chúng ta. Mỗi khi một chuyến tàu điện bị hoãn lại, chín trong số mười người đang đứng đợi trên sân ga sẽ liên tục nghển cổ lên nhìn xem liệu nó sắp đến hay chưa, trong khi những hành khách đang ngồi trên chuyến tàu bị chậm đó, những người đang có nguy cơ rất cao là sẽ lỡ những cuộc hẹn quan trọng, thì tỏ ra vô cùng căng thẳng, cứ như thể làm như thế sẽ khiến đoàn tàu đi nhanh hơn. Qua đó chúng ta nhận ra một quy luật là thay vì phân tích và tính toán, dường như chúng ta đã lãng phí quá nhiều năng lượng, cả về thể chất lẫn tinh thần để suy nghĩ về việc đạt được điều gì đó. Đối với những vấn đề phức tạp như giá cổ phiếu, sự mơ hồ của chúng ta tăng lên, tỷ lệ thuận với độ phức tạp của vấn đề cũng như sự thiếu hiểu biết mà chúng ta dành cho nó. Từ những gì đọc, quan sát và trao đổi được, chúng ta tự tiêm nhiễm vào đầu mình rất nhiều ý tưởng mà dựa vào đó chúng ta kết luận rằng thị trường đang đi lên hay đi xuống. Ngay cả cách diễn đạt “thị trường đang đi xuống” – chứ không phải là “thị trường sẽ sớm đi xuống” – cũng chỉ ra rằng chúng ta đang để hiện tại làm lu mờ tương lai bằng chính những phán xét thiếu cơ sở của mình. Bất cứ một tay buôn bán cổ phiếu thành thật nào cũng sẽ thừa nhận rằng giá cả sẽ ở mức cao nhất khi những tin tức tại thời điểm đó là những thông tin tốt nhất; vì thế bạn sẽ thấy anh ta mua cổ phiếu SAU khi những tin tức đó xuất hiện với hy vọng đón được xu hướng của thị trường. Trong hầu hết những sự kiện sắp diễn ra, những dấu hiệu thường xuất hiện từ trước đó, và những nhà đầu cơ thông minh nên lấy chúng làm cơ sở cho hành động của mình. Sự biến động giá theo chiều hướng đón đầu một sự kiện như vậy thường được gọi là “sự dự báo” và quá trình này rất đáng để chúng ta xem xét một cách kỹ lưỡng. Suy nghĩ đầu tiên đến với chúng ta có lẽ sẽ là có một vài sự kiện không thể dự báo trước được, thậm chí cả với những trí tuệ được cho là sáng suốt nhất cũng như các liên minh ngân hàng lớn mạnh nhất – điều mà từ góc độ thực tế chỉ là sự ảo tưởng. Trận động đất kinh hoàng diễn ra tại San Francisco là một ví dụ chuẩn mực về những sự kiện không thể dự báo trước được; nhưng cũng không nhất thiết phải là những thứ do “Chúa Trời” gây ra kiểu như vậy mới là không thể dự báo. Chắc chắn là những chủ ngân hàng hàng đầu nước Mỹ cũng mù mờ chẳng kém gì một khách hàng khiêm nhường nhất tại một văn phòng môi giới chứng khoán vô danh về chuyện một vị quan tòa tại Tòa án tối cao sẽ đưa ra lời phán xử cuối cùng ra sao. Nếu tác động của một sự kiện nào đó không thể khiến người ta cảm nhận được nó trước khi nó xảy ra thì sau khi nó xảy ra chắc chắn người ta cũng phải cảm thấy nó. Trong khi thảo luận về sự dự báo, chúng ta phải luôn ghi nhớ điều này để không bị lạc quá xa khỏi chủ đề. Mặt khác, một sự kiện đôi khi còn bị dự báo quá lên. Nếu cổ tức của một cổ phiếu nào đó sẽ tăng từ 4 lên 5%, những tay đầu cơ hăng hái nhất sẽ sẵn sàng tung tin đồn rằng tỷ lệ cổ tức mới sẽ có thể là 6 hay 7%, để đến khi tin tức chính thống đưa ra con số 5% thì đó sẽ được coi như một sự thất vọng và làm giá của cổ phiếu đó xuống thấp. Nói chung, bất cứ sự kiện nào dưới sự kiểm soát của những nhà tư bản lớn, hay những yếu tố tài chính chịu sự chi phối của các liên minh ngân hàng đều có thể được dự báo trước. Và với một điều chắc chắn sẽ xảy ra, sẽ luôn luôn có những nguồn lực xuất hiện giúp người ta tận dụng được nó, cho dù nó chỉ là chắc chắn hoặc có thể dự báo trước đối với một số rất ít người. Song mức độ biết trước về môi trường kinh doanh trong tương lai của những “người trong cuộc” lại thường bị thổi phồng quá mức. Do quá bị phụ thuộc vào các vụ mùa, thái độ của người dân cũng như chính sách của các nhà cầm quyền, đặc biệt là ở Mỹ, viễn cảnh về môi trường kinh doanh đã trở thành một vấn đề khá phức tạp. Không một thế lực nào có thể điều khiển được người dân Mỹ. Bởi vậy mà bất cứ một âm mưu nào như thế đều phải được thực hiện một cách rất khôn khéo và tinh vi. Hơn nữa, ý kiến của công chúng đang ngày càng trở nên dễ bị lung lay hơn bởi sự phổ biến của thông tin và sự lớn mạnh nhanh chóng của bộ phận những người quan tâm tới thời cuộc. Thật dễ hiểu khi một nhà tài chính có kinh nghiệm cũng phải thốt lên rằng: “Giá mà tại thời điểm năm 1870 tôi có được nguồn vốn khổng lồ như bây giờ để đầu tư” hay “Giá mà ngày hôm nay cũng giống như năm 1870!” Một kết luận chính xác nhất về thời điểm kết thúc sự tác động của một sự kiện nào đó có thể được rút ra từ việc phân tích kỹ lưỡng hoàn cảnh từ mọi góc độ. Câu hỏi lớn ở đây là, khi nào xu hướng bán hoặc mua trở nên phổ biến và rõ ràng nhất? Ví dụ như năm 1907, thời điểm an toàn và thuận lợi nhất để mua những cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức cao nhất là vào ngày thứ Hai sau khi hàng loạt các nhà băng công bố tỷ lệ dự trữ của họ giảm mạnh. Thị trường mở cửa ở mức thấp hơn vài điểm do sức ép thanh khoản, nhưng sau cùng, những cổ phiếu chủ đạo vẫn giữ được giá. Có thể giải thích sự việc này một cách đơn giản là tình hình đã không còn có thể xấu hơn được nữa và tất cả các bên liên quan sẽ phải hợp sức để cùng nhau giải quyết nếu không muốn chứng kiến một sự đổ vỡ kinh hoàng. Trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 1900 cũng vậy, giá cổ phiếu đã xuống mức thấp nhất khi Bryan được đề cử. Tất cả đều như đồng thanh thốt lên: “Ông ta không thể trúng cử được.” Chính vì vậy, việc ông ta được đề cử đã là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra và đó cũng chính là thời điểm của các tin tức thời sự bi quan nhất. Sau đó, sự thất bại của Bryan ngày càng trở nên rõ ràng và chắc chắn hơn, giá cổ phiếu vì vậy cũng phục hồi trở lại, phản ánh đúng tình hình kinh tế và tài chính lúc bấy giờ. Tuy nhiên, đối với các nhà tư bản, việc dự báo trước các sự kiện có thể diễn ra không phải là khó khăn lớn nhất. Trở ngại lớn nhất chính là sự không chắc chắn trong chiều hướng tác động của các sự kiện ấy. Nó khiến những đầu óc minh mẫn nhất và những thông tin chính xác nhất cũng chỉ có thể giải quyết được những khả năng mang tính cân bằng, có phạm vi bó gọn trong một xu hướng nhất định. Trong một số trường hợp, sự không chắc chắn này còn gây ra nhiều áp lực hơn cả những hậu quả tồi tệ nhất khi sự kiện đó thực sự diễn ra. Một ví dụ điển hình là quyết định của tòa án tối cao về một chính sách vốn vẫn không rõ ràng khiến cho rất nhiều doanh nghiệp lo lắng và thậm chí còn không dám tiến hành một dự án hay ký kết một hợp đồng quan trọng nào có liên quan. Đó là thời điểm công ty Northern Securities bị kiện vì độc quyền năm 1904. “Những công ty lớn” khó có thể tự đánh giá được liệu mình có đang “độc quyền” hay không. Chính sự không chắc chắn đó làm cho thị trường đi xuống. Chính vì vậy, một kết cục bất lợi là điều đã được nhiều người dự đoán trước, cho dù cuối cùng chưa chắc mọi chuyện đã tồi tệ đến vậy. Tuy nhiên, điều đó lại không đúng với trường hợp vụ kiện của tập đoàn Standard Oil và American Tobacco vào năm 1911, bởi quyết định của tòa lúc đó chính là điềm báo về những rắc rối sẽ đến. Đầu tiên, nó được đón nhận bởi hàng loạt động thái tích cực trên thị trường do mọi mối nghi ngờ đã được phá bỏ. Nhưng một đợt đi xuống lại bắt đầu ngay sau đó và không hề được ngăn chặn cho đến khi chính phủ tuyên bố khởi kiện Tập đoàn thép The United States Steel Corporation. Đây được xem là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, và theo sau đó là điều tốt đẹp hơn, thị trường tăng điểm trở lại. Thường thì khi có một sự kiện không chắc chắn nào đó xảy ra, thị trường sẽ đóng vai trò là người đánh giá chính xác nhất các khả năng. Mỗi người tham gia vào đó đều có lý lẽ để hậu thuẫn cho quan điểm của mình, và anh ta sẽ biện minh cho nó một cách mạnh mẽ nếu cảm thấy tự tin và vừa phải nếu vẫn còn đôi chút nghi ngờ. Kết quả của những ý kiến trái chiều nhau có thể là một mức giá không biến động hay biến động trong một khoảng hẹp, hoặc là thay đổi theo cả hai chiều hướng, nhiều hay ít còn phụ thuộc vào tỷ lệ mạnh yếu giữa bên mua và bên bán. Đương nhiên, chúng ta vẫn cần nhớ rằng tiền mới là thứ quyết định chứ không phải là số lượng người bán hay mua. Quan điểm mà một vài nhà tư bản tầm cỡ có được thông qua các kênh thông tin đáng tin cậy về một sự kiện nào đó sắp diễn ra có thể là đối trọng đáng kể cho quan điểm trái ngược của hàng nghìn nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong thực tế, đó là điều rất thường thấy, như những gì đã được giải thích trong chương trước. Thậm chí, hành động của cá nhân một nhà đầu tư cũng có ảnh hưởng đến giá cả theo chiều hướng mà anh ta tin tưởng. Khi tin rằng giá đang thấp trong khi mọi thứ đang cho thấy một xu hướng đi lên, anh ta sẽ tập trung nguồn lực để tích lũy càng nhiều cổ phiếu càng tốt. Sau khi giá đã tăng một mức nhất định, nếu nhận thấy một vài yếu tố có thể làm cho giá giảm, thì dù không thực sự tin vào điều đó cho lắm, anh ta vẫn cho rằng sẽ là khôn ngoan hơn nếu bán bớt những gì đã tích lũy được trước đó và thu lời một cách an toàn. Sau đó, nếu thấy giá đã “đủ cao”, anh ta sẽ là một người bán hàng rất dễ tính; và nếu cảm thấy những bất trắc có thể xảy ra, anh ta sẽ “bán sạch sẽ” và thoải mái đón nhận bất cứ kết quả nào. Nhưng rồi nếu những gì anh ta cho là một sự đầu cơ thiếu an toàn lại vẫn cứ khiến cho giá tiếp tục đi lên, anh ta sẽ muốn bán khống một vài trăm cổ phiếu nào đó, như là một cách giải tỏa đống tiền vừa thu về cũng như cho chính đầu óc của anh ta. Tuy nhiên, chính sự khác biệt trong quan điểm của các nhà đầu tư mới là thứ có ảnh hưởng lớn nhất khiến thị trường phản ứng lại với những thay đổi. Một sự kiện khiến một nhà đầu tư phải xả bớt số cổ phiếu anh ta đang cầm giữ đôi khi lại là một diễn biến vô hại, thậm chí là có lợi với một ai đó, khiến người này án binh bất động hay thậm chí là mua thêm vào. Bằng tập hợp muôn màu sắc của những ý kiến, tính cách, thông tin đối lập và đa dạng, giá cả được xác định, và đó mới chính là chỉ số thực của môi trường đầu tư. Từ những phân tích trên, chúng ta cần thấy rằng không chỉ có các khả năng, mà thậm chí cả những khả năng xa xôi nhất về những điều sắp xảy ra cũng đều được phản ánh trên thị trường. Thật khó có một sự kiện nào với tầm quan trọng đủ để thu hút sự quan tâm chung của tất cả mọi người lại dẫn đến mâu thuẫn trong cách nhìn nhận về xu hướng tác động của nó lên thị trường. Và cũng sẽ chẳng có gì là lạ khi một câu hô hào xuất hiện trên mặt báo rằng: “những hành động cần thiết của toàn thể dân tộc chín mươi triệu người đã tạo ra và duy trì khối lượng giao dịch lớn” sẽ khiến một vài kẻ lạc quan mù quáng mua vào 100 cổ phiếu Union đồng thời khiến những kẻ bi quan tội lỗi coi đó là bằng chứng rõ ràng về sự thiếu vắng các tin tức tốt lành trên thị trường và sẵn sàng bán khống 100 cổ phiếu Union để thể hiện sự chắc chắn của mình về điều đó. Chính những kẻ đầu cơ trên phạm vi quá rộng mới là thủ phạm gây ra phần lớn những biến động ngớ ngẩn nhất trên thị trường. Bởi việc khiến một tay đầu cơ dạng này mua vào khi số lượng cổ phiếu anh ta vay để bán khống đã “ngập tới tận cổ” là việc quá dễ dàng. Một tin tức bị coi là không có mấy ý nghĩa những lúc khác đối với anh ta sẽ có một tầm quan trọng đáng kể vào lúc đó. Nỗi sợ hãi của anh ta tăng theo cấp số mũ so với tốc độ tăng của khối lượng cổ phiếu mà anh ta cần mua lại. Tương tự, một tay đầu cơ đang ngập trong cổ phiếu có thể sẽ “ném cổ phiếu qua cửa sổ” khi nghe thấy một câu chuyện ngớ ngẩn về cuộc chiến tranh nào đó giữa Honduras và Roumania trong khi chẳng buồn để mắt xem vị trí địa lý của hai đất nước xa xôi đó là ở đâu trên bản đồ. Những biến động do những sự ngu xuẩn như vậy gây ra thường tương đối nhỏ. Và nguyên nhân thường là nỗi sợ hãi bị phóng đại quá mức về những gì “người khác” có thể làm. Về mặt cá nhân, có lẽ anh ta sẽ không sợ hãi cuộc chiến giữa Honduras và Roumania; nhưng biết đâu những tay đầu cơ khác lại tìm cách lan truyền tin đồn đó hòng phá giá thị trường? Và bạn thì đang có quá nhiều cổ phiếu để có thể ngồi yên mà nhìn chuyện đó xảy ra. Hơn nữa, cho dù những người này không có ý định phá thị trường, thì biết đâu lại chẳng có một cơ số những kẻ khác cũng sẽ nghĩ giống bạn, cũng sợ một cuộc tấn công như vậy, cũng sẽ cố bán ra càng nhiều cổ phiếu càng tốt và làm cho thị trường đi xuống thực sự? Một nhà kinh doanh chuyện nghiệp, nếu suy nghĩ theo chiều hướng này thì trong ngắn hạn, hành động của anh ta sẽ không dựa trên thực tế thị trường mà dựa trên tin tưởng các sự kiện sẽ khiến những người khác hành động – hay chính xác hơn, là dựa trên những quan sát của anh ta về các sự kiện đang khiến người khác hành động, bởi lẽ bàn tay của anh ta luôn có xu hướng đặt sẵn lên nút nhấn đặt lệnh mua hay bán. Tuy nhiên, các tay không chuyên sẽ không đời nào để đầu óc của mình đi lạc quá sâu vào ma trận bí ẩn về những gì người khác có thể sẽ làm. Tương tự như lý thuyết về “HỌ”, đó là một nơi đầy nguy hiểm, nó khiến chúng ta đánh mất sự tỉnh táo để nhìn nhận những điều bình thường nhất; hơn nữa, những kẻ khác có thể sẽ không ngu ngốc như chúng ta nghĩ về họ. Thậm chí ngay cả khi thị trường có xu hướng gói gọn trong một khả năng, chúng ta lại có quá nhiều khả năng để có thể lựa chọn ra một khả năng có lợi nhất. Xét về khía cạnh dự báo trước, cũng như trong phần lớn những sự kiện diễn ra trên thị trường, phương pháp đối phó tốt nhất chính là cố gắng tránh không đơn giản hóa những biến động về giá cả thành các quy luật, các chỉ số hay các trường hợp tương tự. Cần phải phân tích từng trường hợp cụ thể. Việc so sánh chúng với các sự kiện đã diễn ra trong lịch sử đều dẫn đến những sai lầm. Mỗi sự kiện xảy ra đều cần được xem xét từ dữ kiện thực tế của chính nó cũng như những đánh giá có được từ các sự kiện liên quan. Trong phần lớn các trường hợp, vấn đề nào cũng có thể được giải quyết, nhưng người nghiên cứu nó cần học cách nhìn vào tương lai và coi hiện tại chỉ như một sự chỉ dẫn cho tương lai đó. Giá cả sẽ biến động đến cực điểm khi tin tức mà mọi người đang chờ đợi trở nên rõ ràng nhất và được phát tán rộng rãi nhất. Và khi thời điểm đó đã qua, câu hỏi sẽ luôn là: “Tiếp theo sẽ thế nào đây?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét