Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

KHỦNG HOẢNG VÀ BỦNG NỔ

 Cả hai hiện tượng khủng hoảng và bùng nổ trên thị trường rõ ràng đều là những hiện tượng mang tính tâm lý. Điều đó không có nghĩa là những yếu tố cơ bản tại những thời điểm đó không đủ để khiến giá cả tăng hay giảm mạnh. Tuy nhiên, “khủng hoảng” tự bản thân nó cũng đã thể hiện một sự sụt giảm nghiêm trọng hơn những gì các yếu tố bên ngoài có thể gây ra, mà thường là bởi trạng thái quá khích của đám đông đi kèm với sự cạn kiệt của các dòng vốn; trong khi đó, từ “bùng nổ” được dùng để chỉ một sự tăng trưởng mang tính đầu cơ cao hơn mức cần thiết. Có những điểm đặc biệt liên quan đến hai hiện tượng khủng hoảng và bùng nổ rất đáng được chúng ta xem xét một cách riêng biệt. Chúng ta sẽ thực sự kinh ngạc khi biết nỗi sợ hãi một cuộc khủng hoảng có tác động lớn như thế nào tới tâm trí các nhà đầu tư. Ký ức về những sự kiện diễn ra trong năm 1907 chắc chắn đã giúp kiềm chế rất nhiều quy mô của các hoạt động đầu cơ trong khoảng thời gian từ đó cho tới nay (Tháng Tư năm 1912). Những cơn hoảng loạn với mức độ nghiêm trọng tương tự chỉ thực sự diễn ra một vài lần, và xác suất để nó diễn ra trong vòng một tháng thậm chí còn nhỏ hơn xác suất thua lỗ của các khoản đầu tư do các công ty nhận vốn bị phá sản. Thế nhưng, bóng ma của những trận cuồng phong đó vẫn thường hiện lên trong đầu của những kẻ non gan, thiếu kinh nghiệm bất cứ khi nào họ nghĩ đến chuyện mua vào. Một nhà đầu tư có thể nói: “Phải, cổ phiếu Reading có vẻ đang rất vững chãi đấy, nhưng hãy xem nó được bán với giá bao nhiêu vào năm 1907 – chỉ có 70 đô-la thôi!” Nhiều người thường cho rằng giá giảm trong một đợt khủng hoảng là do sự bộc phát bất ngờ của nỗi sợ hãi, thứ đến rất nhanh nhưng cũng qua đi chóng vánh. Nhưng không phải vậy. Theo một cách nào đó, nỗi sợ hãi bắt đầu khi giá đã lên gần tới đỉnh. Một vài nhà đầu tư thận trọng bắt đầu lo sợ rằng sự hưng phấn của thị trường đã qua và rằng một đợt sụt giảm nghiêm trọng sẽ đến liền ngay sau khi trào lưu đầu cơ giá lên đã đi quá đà. Họ bán ra dưới tác động của suy nghĩ này. Trong khi thị trường đi xuống, xu hướng này có thể kéo dài đến vài năm, càng ngày càng có nhiều người cảm thấy môi trường tài chính và kinh doanh trở nên khó khăn và họ thanh lý dần cổ phiếu của mình. Sự thận trọng hay nỗi sợ hãi này có biến động, lúc trồi lên, lúc lại sụt xuống như những con sóng, nhưng lại lớn lên sau mỗi lần đã lùi xa bờ. Sự hoảng loạn không hề đến bất ngờ, nó là kết quả của một quá trình tích lũy lâu dài. Đáy sâu thực sự của một đợt khủng hoảng thường là kết quả của sự cùng đường hơn là nỗi sợ hãi. Các nhà đầu tư cảm thấy sợ hãi vì cổ phiếu mình đang nắm giữ bị sụt giá sẽ từ bỏ chúng trước khi giá chạm đáy. Những mức giá thấp nhất thường được tạo ra bởi lệnh bán của các nhà đầu tư mà nguồn vốn của họ đúng trong thời điểm cấp bách như thế lại đang cạn kiệt. Phần lớn họ đều bị bất ngờ và vẫn có thể huy động được số tiền cần thiết để duy trì trạng thái của mình nếu có thêm chút thời gian; thế nhưng trên thị trường chứng khoán, “thời gian chính là điểm mấu chốt của mọi hợp đồng,” và thật không may, luôn là thứ duy nhất họ thực sự không có. Nguyên nhân chính khiến một nhà đầu tư phải gánh thua lỗ nghiêm trọng tại những thời điểm đi xuống của thị trường chính là việc anh ta không giữ đủ tỷ lệ vốn có tính thanh khoản cao. Anh ta bị ràng buộc bởi quá nhiều thỏa thuận đến mức chẳng còn nhận ra điều gì. Anh ta có thể có rất nhiều tài sản, nhưng lại không có một xu tiền mặt. Tình trạng này, đến lượt nó, là hậu quả của lòng tham, sự vội vã, tham vọng và sự tin tưởng quá dễ dàng vào tương lai. Trong các cuộc khủng hoảng, có một điều rất đáng chú ý đó là, một đợt giảm giá thường ập tới khi gần như tất cả mọi người đều nghĩ rằng giá đã xuống tới mức thấp nhất có thể, và do đó, giá cả tiếp tục tụt xuống mức còn thê thảm hơn thế. Kết quả là rất nhiều nhà đầu tư, những tưởng rằng mình đã “chạm đúng đáy”, nhận ra rằng đó chỉ là cái đáy giả và một lần nữa đành đứng nhìn những gì mình vừa mua vào xuống giá thảm hại. Bởi tất cả những gì chúng ta vừa nhắc đến ở trên mà đáy của những cơn khủng hoảng trên thị trường thường là kết quả của sự cùng đường, hơn là những suy nghĩ bi quan. Ví dụ, năm 1907, một người bình thường nhất cũng hiểu rằng cổ phiếu đang ở mức giá thấp hơn giá trị thực của nó – vấn đề là ở chỗ lúc đó, các nhà đầu tư không còn đủ tiền để mua vào nữa. Mặt khác, sau một thời gian dài thị trường đi xuống, giá cả sẽ ở mức thấp, nhưng bản thân nó lại chưa phải là lý do đầy đủ khiến người ta mua vào. Vậy còn lý do nào khác chăng? Chìa khóa của câu hỏi này nằm ở “sự tích lũy vốn có tính thanh khoản cao”, điều có thể dễ dàng nhận thấy bởi sự phục hồi nhanh chóng của số dư tiền gửi so với tổng nợ vay tại các ngân hàng ở New York (tất nhiên là trừ các quỹ đầu tư, nơi các khoản nợ vô cùng đa dạng và khó kiểm soát). Tuy nhiên, chủ đề này có lẽ sẽ đưa chúng ta xa rời chủ đề chính. Chính bởi vì giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng đã diễn ra không phải do quan điểm hay sự sợ hãi của công chúng mà là bước đường cùng của các nhà đầu tư không còn tiền để bảo toàn trạng thái của mình, nên giai đoạn đầu của thời kỳ phục hồi sau đó cũng thường diễn ra mà không cần bất cứ một lý do cụ thể nào. Các nhà kinh doanh chuyên nghiệp sẽ nói: “Thời kỳ khủng hoảng đã qua, nhưng cổ phiếu khó lòng lên giá được trong tình hình không mấy triển vọng như hiện nay.” Thế nhưng điều đó hoàn toàn có thể và cổ phiếu đang thực sự đi lên, bởi vì chính họ đang lấy lại trạng thái mà họ đã phải từ bỏ trước đây – bị buộc phải “bán tháo” cổ phiếu mình đang nắm giữ đi. Có lẽ từ “sợ hãi” đã bị lạm dụng quá nhiều trong khi phân tích thị trường chứng khoán. Nó chỉ bao hàm một số ít những người đã thực sự bán cổ phiếu đi dưới tác động trực tiếp của cảm giác “sợ hãi.” Thế nhưng một cảm giác thận trọng đủ mạnh mẽ khiến người ta bán ra, hay một niềm tin cứng nhắc rằng giá phải giảm cũng sẽ tạo ra một dạng biến thể khác của sự sợ hãi, và cũng đem lại kết quả tương tự. Tác động của sự sợ hãi hay thận trọng trong một đợt khủng hoảng không chỉ dừng lại ở việc người ta đem bán cổ phiếu, mà quan trọng hơn nó còn ngăn người ta mua vào. Ngăn cản một nhà đầu tư trì hoãn mua vào dễ dàng hơn nhiều so với việc khiến anh ta bán ra. Chính vì vậy, chỉ một khối lượng nhỏ cổ phiếu bị đẩy ra thị trường đang hoảng loạn cũng có thể gây ra sự sụt giá mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì nó làm được trong một hoàn cảnh khác. Lệnh bán có thể rất nhỏ, nhưng vấn đề là không ai muốn nó cả. Cũng chính vì yếu tố này mà sự hồi phục sau khủng hoảng thường diễn ra nhanh hơn. Các nhà đầu tư thận trọng, biết chờ đợi rất sợ phải đối mặt với một thị trường còn đầy rẫy những vết tích của khủng hoảng, xong một khi những dấu hiệu đi lên đã xuất hiện, họ sẽ lũ lượt kéo nhau mua vào. Bởi vậy mà sự bùng nổ, theo rất nhiều nghĩa, chỉ là sự đảo chiều của khủng hoảng. Cũng giống như nỗi sợ hãi cứ lớn dần và lan tỏa khắp nơi, sự tự tin và niềm hứng khởi cũng sinh sôi nảy nở ngày càng rộng cho tới khi nó ngự trị trong tâm trí hàng nghìn người, rất nhiều trong số họ còn tương đối trẻ và thiếu kinh nghiệm nhưng đã kiếm cả đống tiền trong suốt thời kỳ giá lên. Những nhà triệu phú hoang tưởng này xuất hiện rất nhiều trong những thời kỳ hưng phấn kéo dài của thị trường, nhưng rồi sau đó rơi rụng gần hết ngay khi giá cả đi xuống. Những kẻ đầu cơ này, thực tế chỉ là những kẻ vô trách nhiệm. Chính sự vô trách nhiệm của họ đã giúp họ kiếm tiền nhanh chóng nhờ giá cổ phiếu lên cao. Những người cẩn trọng thường chỉ kiếm được những khoản lợi nhuận khiêm tốn khi giá lên – nhưng chính họ cuối cùng lại là những người được lợi nhiều nhất. Khi những khoản lợi nhuận khiêm tốn đó đã được tích lũy đủ, thị trường đôi khi tạm thời rơi vào tay những kẻ hoang tưởng liều lĩnh trên. Chính việc mua vào một cách táo bạo đã khiến giá cả tăng lên nữa sau khi nó đã ở mức đủ cao – cũng giống như việc nó tiếp tục hạ xuống sau khi đã đủ thấp. Khi giá cả vượt khỏi ngưỡng bình thường, những người muốn bán khống để khai thác thị trường sau khi nó đạt đỉnh xuất hiện. Ý tưởng của họ thật đúng, chỉ là quá sớm mà thôi. Và trong khi thị trường vẫn tiếp tục đi lên, họ thường phải mua lại với giá cao hơn, một điều thật bất hợp lý xét từ mọi khía cạnh. Xu hướng này khiến những kẻ tính toán vội vàng này phải tạm thời ẩn nấp ở nơi an toàn và chờ đợi cơ hội tốt hơn. Tác động tâm lý trên diện rộng hơn cũng góp phần làm cho thị trường giá lên đạt tới những mức cao đến vô lý. Một thị trường như vậy thường đi kèm với sự tăng giá ở tất cả các ngành kinh doanh, và sự tăng giá như vậy thường khiến các nhà kinh doanh nghĩ rằng công ty của họ đang có lãi hơn so với thực tế. Nguyên do của ấn tượng sai lầm này có thể được khám phá thông qua thị trường hàng hóa. Ví dụ, một người buôn hàng tạp phẩm đang có trong tay lượng hàng hóa trị giá 10.000 đô-la vào tháng 1/1909. Vào thời điểm đó, chỉ số giá hàng hóa của Bradstreet đứng ở mức 8,26. Tháng 1/1910, chỉ số này là 9,23. Nếu giá của rất nhiều loại hàng hóa trong kho hàng của anh ta tăng với tỷ lệ bằng tỷ lệ của Bradstreet và anh ta vẫn giữ nguyên mức dự trữ như vậy thì anh ta đang có trong tay tài sản trị giá 11.168 đô-la vào tháng 1/1910. Vậy là anh ta đã có một khoản lợi nhuận 1.168 đô-la trong vòng một năm mà không cần phải làm gì, và có lẽ cũng chẳng phải tính toán gì? Nhưng khoản lợi nhuận này không hề có thật bởi với số tiền chênh lệch 1.168 đô-la vào tháng 1/1910 đó, những gì anh ta mua được không nhiều hơn so với thời điểm anh ta có thể mua với 10.000 đô-la vào tháng 1/1909. Anh ta đã tự lừa dối khi cho rằng mình đang giàu có hơn, và ý tưởng sai lầm này đã kích thích nhu cầu tiêu dùng trong đời sống và đầu cơ kinh doanh. Hậu quả gián tiếp của ảo tưởng rằng mình đang trở nên giàu có hơn bởi giá cả tăng cao thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả hậu quả trực tiếp của nó. Chẳng hạn, anh chàng buôn hàng tạp phẩm của chúng ta quyết định dùng 1.168 đô-la này để mua một chiếc ô tô. Quyết định này quả rất có lợi cho ngành xe hơi. Nhiều đơn đặt hàng đến sẽ khiến các công ty mở rộng nhà máy sản xuất. Điều đó có nghĩa là họ sẽ mua thêm nhiều nguyên vật liệu và thuê thêm lao động. Nhu cầu tăng khiến giá cả tăng cao ở khắp mọi ngành nghề kinh doanh; và bởi vậy, đến hết năm tiếp theo, có thể anh chàng buôn hàng tạp phẩm của chúng ta lại có thêm một khoản lợi nhuận tưởng tượng nữa, và lần này anh ta dùng nó để mua nhà hay sắm thêm nội thất chẳng hạn. Thị trường chứng khoán đương nhiên sẽ ngay lập tức cảm nhận được những biến động tăng giá này. Nhưng do toàn bộ câu chuyện giàu có ở trên chỉ là trò lừa tâm lý nên sớm hay muộn anh chàng buôn hàng tạp phẩm của chúng ta cũng sẽ phải kiếm tiền thực sự bằng cách lao động chăm chỉ, sống tiết kiệm và tính toán để bù đắp lại khoản chi phí thực sự cho ô tô và đồ nội thất mới của mình. Một lần nữa, giá cổ phiếu và giá hàng hóa lại tương tác với nhau. Nếu anh chàng bán tạp phẩm của chúng ta, thêm vào khoản lợi nhuận tưởng tượng 1.168 đô-la, lại thấy giá của mấy cổ phiếu mà anh ta mua để đầu tư tăng thêm khoảng 10%, chắc anh ta sẽ còn tiêu xài nhiều hơn nữa; và cũng như vậy, nếu các nhà tư bản nhận thấy thị trường đã đi lên khoảng 10%, có thể họ sẽ thuê thêm người làm, nhu cầu của gia đình họ giờ đây tăng lên và bởi vậy họ cần phải mua nhiều hàng tạp phẩm hơn. Cứ như vậy, cảm giác tự tin và hứng khởi cứ lan rộng ra mãi giống như những con sóng được tạo ra trên mặt nước khi ta ném một hòn đá xuống. Và tất cả những diễn biến này đều được phản ánh trung thực trên chiếc phong vũ biểu là thị trường chứng khoán. Kết quả là, trong những năm 1902 hay 1906, giá cổ phiếu cao cũng như sự sôi động trong các hoạt động thương mại hoàn toàn dựa trên những cảm nhận sai lầm bắt nguồn trực tiếp hay gián tiếp từ việc chúng ta đo đạc mọi thứ bằng tiền. Chúng ta cho rằng thước đo này là cố định và không bao giờ thay đổi bất chấp thực tế là giá trị của tiền cũng biến động giống như sắt thép hay khoai tây trên thị trường hàng hóa. Chúng ta đã quen với việc xác định giá trị của bột mì bằng tiền, nhưng lại luôn gặp vấn đề lớn khi phải xác định giá trị của tiền bằng bột mì. Nhưng khi mọi chuyện vỡ lở, thị trường chứng khoán, với vai trò là chiếc phong vũ biểu của nền kinh tế, lại sụt giảm đầu tiên trong khi các ngành kinh doanh khác nhìn chung vẫn hoạt động tốt. Công chúng giờ đây lại quay sang “nguyền rủa” những “con cá mập khát máu của phố Wall” và tất cả chỉ muốn quét sạch chúng nhanh gọn nhất theo cách nào đó. Thị trường chứng khoán, nếu không đi lên thì sẽ chẳng bao giờ được ưa chuộng; song về lâu dài, việc nó đi xuống sẽ làm lợi cho quốc gia hơn rất nhiều bởi những gì xảy đến với nó sẽ làm dịu đi những gì chắc chắn sẽ đến với toàn bộ nền kinh tế, nó cũng cảnh báo trước cho chúng ta những vấn đề cần đối mặt, giúp chúng ta chuẩn bị sẵn sàng cho nó. Nhìn chung, xác định thời điểm kết thúc của một đợt bùng nổ trên thị trường thường khó hơn nhiều so với việc xác định khi nào, một cuộc khủng hoảng đã hoàn toàn đi qua. Tuy nhiên, nguyên tắc cho cả hai việc này lại rất đơn giản. Chính sự dư thừa nguồn cung vốn là điều sẽ khiến thị trường bắt đầu đi lên sau khi khủng hoảng kết thúc. Tương tự, cạn kiệt vốn cũng chính là điều khiến xu hướng đi lên của thị trường chấm dứt. Sự cạn kiệt này có thể được nhận thấy nhờ lãi suất vay đầu tư ngắn hạn tăng, số dư tiền gửi so với tổng nợ vay tại các ngân hàng ở New York, lãi suất chiết khấu các giấy tờ có giá thương mại và phi thương mại cũng tăng dần.

Không có nhận xét nào: