Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Động lực thực sự đến từ đâu? Sách Nhà Giả Kim

Sách nói Đắc nhân tâm. Phần cuối. Chuyển hóa người khác mà không gây ra sự chống đối hay oán giận.

Đang ở đỉnh cao sự nghiệp thì xuống tóc đi tu, mấy ai làm được? | Bước Ngoặt Cuộc Đời

Cung Đường Vượt Biên Từ Thuỵ Điển Đến Nauy - TRYSIL NORWAY

Bắc Giang triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2023

 

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2023.
Tiếp tục chuẩn hoá quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Việc triển khai kế hoạch nhằm tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.

Tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; phát triển một số sản phẩm thế mạnh hướng tới thị trường xuất khẩu. Đồng thời, duy trì các sản phẩm OCOP đã được công nhận; nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia và phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Cụ thể, năm 2023 toàn tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu có tối thiểu 25 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2-3 sản phẩm; phấn đấu xây dựng, phát triển ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; có tối thiểu 2 sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái và điểm du lịch nhằm thu hút du khách, quảng bá hoạt động du lịch của tỉnh; nâng hạng sao từ 3-5 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được công nhận OCOP.

Để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuẩn hoá quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương, bao gồm: Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.

Phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương. Khuyến khích các chủ thể sản xuất đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến sản phẩm.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch. Tổ chức xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số, ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với khai thác lợi thế về du lịch nông thôn.

Về tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm được chia làm 2 đợt, cấp huyện đợt 1 trước ngày 10/6/2023; đợt 2 trước ngày 10/10/2023. Đối với cấp tỉnh, đợt 1 trước ngày 30/6/2023; đợt 2 trước ngày 30/10/2023. Tổng kinh phí dự kiến triển khai  thực hiện năm 2023 là 6,8 tỷ đồng từ nguồn vốn từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền Chương trình. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng, triển khai Chương trình OCOP ở địa phương, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình ở các huyện, thành phố.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phát triển điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh, hỗ trợ các chủ thể OCOP ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị, lồng ghép thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, đề án thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động thương mại trực tuyến, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường từ nguồn vốn khuyến công.

UBND các huyện, thành phố tùy điều kiện, đặc điểm cụ thể xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa của địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP; triển khai các bước theo quy định của Chu trình OCOP; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình...

Xem chi tiết Văn bản tại đây./.

Nguyễn Miền

Bắc Giang: Tổng kết, trao Giấy công nhận 99 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2022

 

Ngày 02/3, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng OCOP cấp tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo sở, ngành, đơn vị, địa phương; đại diện các chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị.

Năm 2022, toàn tỉnh có hơn 100 sản phẩm được đề xuất tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh. Qua đánh giá, phân hạng có 99 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, nâng số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh lên 205 sản phẩm. Trong đó, 31 sản phẩm đạt 4 sao, 174 sản phẩm 3 sao, tăng 73 sản phẩm so với năm 2021, vượt hơn 2 lần so với kế hoạch giao năm 2022.

Trong năm, Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá, phân hạng, công nhận được 1 sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven của Hợp tác xã (HTX) Thân Trường, huyện Yên Thế; 1 sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân đủ tiêu chuẩn 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận.

Có nhiều chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá là thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo cao. Qua đó, tạo ra phong trào khởi nghiệp sâu rộng ở các địa phương với nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia.

Để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, năm 2023, tỉnh phấn đấu có ít nhất 230 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, tăng 25 sản phẩm so với năm 2022; phấn đấu xây dựng, phát triển ít nhất 01 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Đồng thời tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn…

Tại hội nghị, các chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã tham luận chia sẻ những kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện nâng hạng các sản phẩm OCOP; hiệu quả kinh tế - xã hội sau khi được công nhận sản phẩm OCOP. Cùng đó, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình OCOP. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các chủ thể, các bên liên quan thamg gia vào hoạt động quản lý và phát triển nhãn hiệu cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Dương Thanh Tùng phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Dương Thanh Tùng cho biết, năm 2022 là năm thứ 4 tỉnh Bắc Giang thực hiện Chương trình OCOP; đây là năm tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP tham gia đánh giá nhất từ trước đến nay. Nhiều địa phương trong tỉnh được Hội đồng OCOP tỉnh ghi nhận với nhiều sản phẩm có chất lượng cao như: Gà đồi Yên Thế; Vải thiều Lục Ngạn; Giấm Kim Ngân; Trà hoa vàng; Ổi Tân Yên của HTX Quyên Phong… Điều đó cho thấy tính đa dạng của các sản phẩm và sự nỗ lực, sáng tạo của các chủ thể, doanh nghiệp khi tham gia phát triển các sản phẩm là thế mạnh của địa phương.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu Chương trình OCOP năm 2023, đồng chí đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội thực hiện Chương trình đảm bảo đúng tiến độ thời gian và hiệu quả.

Đẩy mạnh hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương. Tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; các sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Dương Thanh Tùng trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho các chủ thể.

UBND các huyện, thành phố khi tổ chức đánh giá, chấm điểm phân hạng sản phẩm OCOP cần tuân thủ nghiêm các quy định trong Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đảm bảo khách quan, chính xác chất lượng các sản phẩm tham gia Chương trình.

Các chủ thể sản xuất, các HTX, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương.

Các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP; đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các báo, đài, các trang thông tin điện tử ở các cấp, trên mạng xã hội, website của Chương trình nhằm lan tỏa Chương trình OCOP. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung, cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch địa phương.

Thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh trao Giấy chứng nhận OCOP 3 sao cho sản phẩm .

Tại hội nghị, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh công bố, trao Giấy công nhận 99 sản phẩm đạt OCOP năm 2022.

Nguyễn Miền

Lục Nam triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2023

 

Nhằm phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, huyện Lục Nam vừa triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2023.
Ảnh minh họa.

Theo đó, huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP trên phạm vi toàn huyện, để các tầng lớp xã hội và người dân thấy được lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi tham gia Chương trình OCOP.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường. Tăng cường liên kết bền vững, khả năng truy xuất nguồn gốc giữa chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP với vùng nguyên liệu.

Đẩy mạnh hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương, bao gồm: Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn. Các sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng nổi trội, đặc sắc, trong đó ưu tiên: Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống. Sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức bản địa. Sản phẩm có đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống…

Bên cạnh đó, huyện phát triển sản phẩm OCOP theo 06 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Khuyến khích các chủ thể sản xuất đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Tiến tới xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương. Nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng (đạt 3 sao trở lên) gắn với nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Đồng thời rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các sản phẩm chế biến, sản phẩm truyền thống, làng nghề và sản phẩm du lịch nông thôn. Phấn đấu đạt mục tiêu năm 2023 có tối thiểu 10 sản phẩm mới đạt 3 sao trở lên và đánh giá lại 04 sản phẩm được công nhận năm 2020./.

An Nhiên

Bắc Giang: Năm 2023 có 163 sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, thực hiện kế hoạch Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2023, đến nay đã có 163 sản phẩm của 112 chủ thể sản xuất đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng.
Tập trung phát triển các sản phẩm tiềm năng.

Trong đó, có 124 sản phẩm đăng ký mới, 30 sản phẩm đăng ký đánh giá lại và 09 sản phẩm nâng hạng sao. Các sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng tập trung vào 6 nhóm gồm: Thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh và dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Các địa phương có nhiều sản phẩm đăng ký tham như: Huyện Lục Ngạn (35 sản phẩm); TP. Bắc Giang (19 sản phẩm)….

Để triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2023 đạt kết quả cao, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tư vấn phát triển sản phẩm cho các chủ thể; rà soát, lựa chọn sản phẩm đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm đợt 1 năm 2023 (dự kiến thực hiện vào tháng 6/2023).

Rà soát, tư vấn phát triển sản phẩm tiềm năng nâng hạng lên sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia như: Vải thiều đóng hộp của Công ty cổ phần XNK thực phẩm Toàn Cầu; Mỳ gạo Chũ Thủ dương của HTX sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ gạo Chũ Hiền Phước; Mỳ chũ Thuận Hương của HTX sản xuất kinh doanh và tiêu thụ mỳ Trại Lâm xã Nam Dương.

Phối hợp với các huyện Sơn Động, Lục Ngạn và thành phố Bắc Giang rà soát, tư vấn các địa điểm tiềm năng xây dựng sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch tại: HTX Dịch vụ du lịch văn hóa Đông Bắc; HTX Du lịch Đồng Dao; HTX Du lịch cộng đồng An Lạc; HTX Du lịch Cộng Đồng - Sinh Thái Đồng Cao./.

Ngọc Thọ

Bắc Giang: Công nhận thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành các Quyết định công nhận các xã: Tự Lạn, Vân Trung, Quang Châu, Thượng Lan (huyện Việt Yên) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2022 và xã Tam Hiệp (huyện Yên Thế) đạt chuẩn NTM năm 2022.
Ảnh minh họa.

Sau thời gian nỗ lực phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, đến nay các xã: Tự Lạn, Vân Trung, Quang Châu, Thượng Lan (huyện Việt Yên) đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022 theo các tiêu chí của Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao do UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Chủ tịch UBND tỉnh giao cho UBND huyện Việt Yên và UBND các xã: Tự Lạn, Vân Trung, Quang Châu, Thượng Lan có trách nhiệm tổ chức công bố xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo quy định. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo Quyết định số 167/QĐ-UBND ngày 08/02/2023, Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế đạt chuẩn NTM năm 2022. Chủ tịch UBND tỉnh giao cho UBND huyện Yên Thế và UBND xã Tam Hiệp có trách nhiệm tổ chức công bố xã đạt chuẩn NTM theo quy định; tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; hướng tới xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong thời gian tới.

* Xem chi tiết Quyết định công nhận Tự LạnVân TrungQuang ChâuThượng LanTam Hiệp tại đây./.

Nguyễn Miền

Bắc Giang: Năm 2023, huy động hơn 720 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, năm 2023 tổng nguồn vốn huy động triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh hơn 720 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.

Trong đó, ngân sách Trung ương 270,056 tỷ đồng; ngân sách địa phương các cấp 379,427 tỷ đồng và nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án 70,932 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh sẽ phân bổ giúp các địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, đưa Chương trình MTQG xây dựng NTM đạt hiệu quả cao và bền vững.

Được biết, trong thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay, toàn tỉnh có 6/10 huyện đạt chuẩn huyện NTM, 137/182 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 34 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 239 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 17,1 tiêu chí/xã. Hiện toàn tỉnh cũng có thêm 8 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM và 9 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM nâng cao, các xã này đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao; có 1 xã (xã Quảng Minh, huyện Việt Yên) đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 9 xã đạt chuẩn NTM, 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 93 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu. Các xã đã đạt chuẩn tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 và xây dựng kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong thời gian tiếp theo.

Để hoàn thành các mục tiêu, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương chủ động cân đối nguồn ngân sách địa phương thực hiện các nội dung kế hoạch, đồng thời xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về xây dựng NTM, tăng cường tuyên truyền mô hình hiệu quả tại các xã; tổ chức đào tạo cán bộ cấp cơ sở về nội dung xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn các xã trong quá trình thực hiện xây dựng NTM.

Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với sở, ngành phụ trách các tiêu chí, giúp đỡ các xã hiện nay đang khó khăn trong thực hiện để tìm hướng tháo gỡ phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM./.

Nguyễn Miền

Bắc Giang: Thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành các Quyết định công nhận thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu về an ninh trật tự năm 2022.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh công nhận thêm 05 xã đạt chuẩn NTM bao gồm: Vũ Xá, Bình Sơn, Yên Sơn, Trường Sơn (huyện Lục Nam); Đồng Kỳ (huyện Yên Thế).

Đồng thời công nhận thêm 03 xã NTM nâng cao gồm các xã: Đông Lỗ, Thanh Vân (huyện Hiệp Hòa); Quế Nham (huyện Tân Yên).  

Theo Quyết định 278/QĐ-UBND ngày 01/3/2023, Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Quảng Minh (huyện Việt Yên) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về an ninh trật tự năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện và UBND các xã được công nhận có trách nhiệm tổ chức công bố xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu về an ninh trật tự theo quy định. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.

* Xem chi tiết các Quyết định công nhận: Vũ  Xá, Bình SơnYên SơnTrường SơnĐồng KỳĐông LỗThanh VânQuế NhamQuảng Minh tại đây./.

Nguyễn Miền

Bắc Giang: Công nhận thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành các Quyết định công nhận xã Tuấn Đạo (huyện Sơn Động) đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã Ngọc Châu, Phúc Hòa (huyện Tân Yên) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo Quyết định 389/QĐ-UBND ngày 20/3/2023, Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 383/QĐ-UBND và Quyết định số 390/QĐ-UBND công nhận xã Ngọc Châu và xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện và UBND các xã được công nhận có trách nhiệm tổ chức công bố xã đạt chuẩn nông thôn mớinông thôn mới nâng cao theo quy định. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Như vậy, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 145/182 xã nông thôn mới, chiếm 79,7%, tăng 18 xã so với năm 2020; 42 xã nông thôn mới nâng cao, tăng 36 xã so với năm 2020; 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 239 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 167 thôn so với năm 2020; bình quân đạt 17,1 tiêu chí/xã , tăng 0,8 tiêu chí so với năm 2020.

* Xem chi tiết Quyết định 389/QĐ-UBND, Quyết định  số 383/QĐ-UBND và Quyết định số 390/QĐ-UBND tại đây./.

Nguyễn Miền

Bắc Giang: Gần 4,6 tỷ đồng hỗ trợ các Hợp tác xã nông nghiệp

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp năm 2023 theo Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018, Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 của HĐND tỉnh và Quyết định số 1802/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh, tổng kinh phí dự kiến thực hiện hỗ trợ 4.592 triệu đồng cho 44 lượt HTX nông nghiệp.

 

HTX dứa sạch Hương Sơn (thôn Kép 11, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang) được hỗ trợ chứng nhận VietGap.

Cụ thể, hỗ trợ hơn 3,5 tỷ đồng theo Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND. Trong đó, hỗ trợ hơn 3,4 tỷ đồng cho 7 HTX thực hiện tập trung đất đai; 70 triệu đồng cho 3 HTX thực hiện đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ 20 triệu đồng cho 1 HTX thực hiện tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng theo Quyết định số 1802/QĐ-UBND. Trong đó, hỗ trợ 255 triệu đồng cho 17 HTX thực hiện xây dựng website thương mại điện tử; hỗ trợ 797 triệu đồng cho 15 HTX thực hiện đăng ký chứng nhận chất lượng sản phẩm.

Nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách sự nghiệp kinh tế (ngoài định mức) đã giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT tại Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 20/12/2022 của UBND tỉnh về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ các quy định của Trung ương và của tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, HTX trình tự hồ sơ, thủ tục triển khai thực hiện và tổ chức nghiệm thu, thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ cho các HTX theo quy định.

* Xem chi tiết Quyết định và danh sách các đơn vị được hỗ trợ tại đây./.

Ngọc Thọ

 

Ngày 21/3, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị thường kỳ tháng 3/2023. Đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Lâm Thị Hương Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì hội nghị.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2023 ước đạt 9,02%

Theo báo cáo của UBND tỉnh, quý I năm nay mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,02%. Các ngành sản xuất đều tăng trưởng.

Giá trị sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm toàn tỉnh (giá hiện hành) đạt hơn 115 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11%, đạt 22,7% kế hoạch năm. Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, toàn tỉnh thu hút được khoảng 855 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 2,75 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tổng thu ngân sách nội địa tháng 3 ước đạt trên 780 tỷ đồng; 3 tháng đầu năm đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, bằng 29,7% so với dự toán năm, bằng 85,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm nay hơn 9.925 tỷ đồng. Giá trị khối lượng thực hiện đạt 1.080 tỷ đồng, bằng 11,4% kế hoạch; giá trị giải ngân bằng 8,4% kế hoạch.

Sản xuất nông nghiệp bảo đảm tiến độ, tăng trưởng toàn diện. Môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp (DN) đạt kết quả nổi bật. Các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm mạnh...

Sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ, tăng trưởng toàn diện. Các ngành dịch vụ phục hồi; giá trị xuất nhập khẩu duy trì mức tăng khá. Môi trường đầu tư được cải thiện. Việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển được chú trọng ngày càng hiệu quả. Công tác giao và triển khai kế hoạch đầu tư công được quan tâm thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục phát triển; chất lượng giáo dục được duy trì; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao quy mô lớn được tổ chức đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân; đời sống Nhân dân cơ bản ổn định.

Công tác cải cách hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính và chuyển đổi số được đẩy mạnh. Ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức được cải thiện. Chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được nâng lên. Công tác quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tai nạn giao thông giảm mạnh...

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lê Bá Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển KT-XH của tỉnh; công tác thu ngân sách, toàn tỉnh còn 6/15 khoản thu thấp hơn so với cùng kỳ. Trong đó thu tiền sử dụng đất toàn tỉnh 3 tháng đầu năm chỉ đạt 710 tỷ đồng, giảm hơn 73% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất từ trước đến nay. Giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh còn chậm. 

Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục bị cắt, giảm đơn hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất gia công linh kiện điện tử; may mặc, các doanh nghiệp vendor cấp 2, cấp 3 của Samsung. Thậm chí một số doanh nghiệp lớn cũng phải cho một số công nhân nghỉ việc, giảm giờ làm hoặc phải thu hẹp sản xuất do chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao.

Việc biến động giá xăng dầu và giá các loại nguyên vật liệu xây dựng làm gia tăng chi phí đầu tư xây dựng, gây bất lợi cho các nhà thầu thực hiện các gói thầu xây lắp áp dụng loại hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích cho rằng, dự báo kết quả thu tiền sử dụng đất năm nay của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Đồng chí đề nghị tỉnh thành lập tổ công tác cấp tỉnh rà soát lại tất cả các dự án đầu tư công ở cấp huyện có sử dụng kinh phí từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Trên cơ sở đó cắt giảm dự án không bảo đảm được nguồn vốn, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sát với tình hình thực tế.

Liên quan đến xử lý rác thải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần đánh giá lại các dự án nhà máy rác bảo đảm sát với điều kiện thực tế, tránh lãng phí. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu kết luận.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đạt 14,5%

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh, năm nay dự báo tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do đó để đẩy nhanh quá trình phục hồi phát triển KT-XH của tỉnh, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh về các nhiệm vụ phát triển KT-XH, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời xây dựng kịch bản tăng trưởng của năm nay, từ đó có giải pháp chỉ đạo kịp thời, quyết tâm cao phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của tỉnh đạt 14,5%. 

Tập trung cao đôn đốc giải ngân nguồn vốn và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn hiện có. Tỉnh sẽ thành lập tổ công tác rà soát các dự án thực hiện năm nay, tránh tình trạng các địa phương xây dựng nguồn vốn đầu tư công vượt khả năng thực tế, thiếu khả thi. 

Các ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh các giải pháp thu ngân sách, chú trọng nâng cao kết quả thu tiền sử dụng đất, đôn đốc thu nợ thuế, nợ tiền cấp quyền sử dụng đất, có biện pháp quyết liệt, khả thi.

Sở Công Thương, các địa phương, đơn vị liên quan kịp thời nắm bắt tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp sớm khôi phục, đẩy nhanh, mở rộng quá trình sản xuất. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Có giải pháp bảo đảm quyền lợi cho người lao động, xử lý nghiêm doanh nghiệp cố tình vi phạm.

Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá lại tình hình chăn nuôi, phát triển cây ăn quả, tham mưu tỉnh có giải pháp chỉ đạo phát triển nông nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững. Phối hợp với Sở Công Thương chuẩn bị tốt các giải pháp tiêu thụ vải thiều, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang nhiều nước, kết hợp với tiêu thụ trong nước.

Các ngành liên quan, các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, khoáng sản. Tới đây, tỉnh tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm trong lĩnh vực này. Triển khai công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ bảo đảm kịp thời.

Sở Y tế quan tâm bảo đảm vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh cho người dân, hạn chế chuyển tuyến ra Hà Nội. Chỉ đạo để phát huy hiệu quả của các bệnh viện, trung tâm y tế mới đầu tư, xây dựng.

Ngành Giáo dục tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng và chuẩn bị các điều kiện tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay; tích cực bồi dưỡng học sinh vào đội tuyển đi thi quốc tế.

Các cấp, các ngành nâng cao hơn nữa công tác điều hành, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục quan tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương, góp phần nâng chỉ số cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số. 

Đẩy nhanh tiến độ đánh giá, kiểm điểm cụ thể việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đề án của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIX đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Lực lượng công an triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tích cực giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân; chuẩn bị tốt cho diễn tập khu vực phòng thủ.

* Tại hội nghị, các đại biểu cho ý kiến một số dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh, gồm: Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 292 trên địa bàn huyện Lạng Giang theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao; Quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025; Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2021-2025 một số dự án; Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng; Quyết định chủ trương chuyển loại rừng từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất; Danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang các mục đích khác năm 2023.

Nghị quyết của HĐND tỉnh phê duyệt Đề án đặt tên phố và công trình công cộng huyện Việt Yên; Quy định định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; Quy định mức chi xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và quy chuẩn kỹ thuật địa phương trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành Quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. 

Quyết định thay thế Quyết định số 667/2016/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 của UBND tỉnh quy định thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Xây dựng./.

Dương Thủy

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đối thoại với đoàn viên, thanh niên

Chiều 23/3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Tỉnh Đoàn phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) năm 2023; ký kết Chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh với Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn giai đoạn 2023 - 2027.

Đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Thân Trung Kiên - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Cùng dự có đồng chí Phạm Văn Thịnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và đông đảo ĐVTN tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Thân Trung Kiên - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Mở đầu buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương bày tỏ vui mừng khi chứng kiến tổ chức đoàn, phong trào thanh niên tỉnh Bắc Giang phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh hội nghị đối thoại là dịp để ĐVTN trong tỉnh bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc trong công tác đoàn và phong trào thanh niên; chủ động tham gia hiến kế giúp tỉnh thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Tại hội nghị, trên tinh thần cởi mở, ĐVTN trong tỉnh đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và đề xuất kiến nghị các nội dung liên quan đến bốn nhóm vấn đề gồm: Việc phát huy vai trò của thanh niên tham gia phát triển KT-XH và chuyển đổi số; công tác nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đoàn và đội ngũ cán bộ đoàn các cấp; các nội dung liên quan đến Luật Thanh niên sửa đổi năm 2020, các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến ĐVTN; vấn đề phản ánh nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, tập trung ở các chính sách hỗ trợ về học tập, nghiên cứu khoa học, hướng nghiệp, đào tạo nghề, bảo vệ các quyền lợi chính đáng, các chính sách về xây dựng thiết chế văn hóa. Các ý kiến đã được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành tỉnh trực tiếp trao đổi, giải đáp.

Đồng chí Nguyễn Văn Kiên - Bí thư Đoàn thị trấn Bích Động (Việt Yên) đặt câu hỏi về chính sách dành cho thanh niên.

Đề xuất chính sách cho cán bộ đoàn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Đây là nhóm vấn đề được nhiều ý kiến thảo luận nhất tại buổi đối thoại. Đồng chí Nguyễn Văn Kiên - Bí thư đoàn thị trấn Bích Động (Việt Yên) phản ánh: Hiện nay ĐVTN trong độ tuổi lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm với mức thu nhập cao hơn nhiều lần phụ cấp trách nhiệm của cán bộ đoàn không chuyên trách, dẫn đến khó thu hút nhân sự đảm nhận công tác đoàn ở cấp xã, cấp thôn.

Cùng liên quan đến chính sách cho cán bộ đoàn, đồng chí Vũ Tuấn Anh - Trưởng Ban Tổ chức - Kiểm tra (Tỉnh Đoàn) kiến nghị UBND tỉnh quan tâm tháo gỡ tình trạng ở cơ quan chuyên trách đoàn cấp tỉnh, cấp huyện đang có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ. Thừa do một số cán bộ đoàn quá tuổi đang công tác không phát triển được lên các vị trí cao hơn và thiếu biên chế cho cán bộ trẻ vào công tác.

Đồng chí Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Nội vụ trao đổi tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, hiện Bộ Nội vụ cho biết việc đề nghị tăng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách, mức bồi dưỡng cho trưởng các đoàn thể ở thôn, tổ dân phố và kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội ở cấp xã là nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên việc tăng phụ cấp cần có lộ trình và vào thời điểm phù hợp. Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đóng góp từ các tỉnh, thành phố để chuẩn bị trình Chính phủ điều chỉnh nâng mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở cơ sở. Sau khi Chính phủ sửa đổi Nghị định, Sở Nội vụ sẽ tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện điều chỉnh chế độ cho cán bộ đoàn cơ sở phù hợp với tình hình mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương làm rõ thêm các vấn đề đoàn viên, thanh niên quan tâm.

Về nội dung tình trạng thừa, thiếu cán bộ đoàn, bố trí công tác đối với cán bộ đoàn quá tuổi, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết tới đây tỉnh sẽ ưu tiên luân chuyển cán bộ đoàn trưởng thành từ cơ quan Tỉnh Đoàn chuyển công tác sang các cơ quan khác ở vị trí, việc làm phù hợp với năng lực, trình độ đào tạo. Đồng chí giao Sở Nội vụ trong thời gian tới cần làm tốt công tác quy hoạch, phối hợp với Tỉnh Đoàn, các sở, ngành, UBND các địa phương ưu tiên lựa chọn đối với cán bộ hết tuổi đoàn có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí, việc làm còn khuyết thiếu trước khi tổ chức thi tuyển, xét tuyển mới. Đồng thời, giới thiệu những nhân tố mới nổi trội, có tiềm năng trong khối cơ quan nhà nước chuyển sang công tác tại cơ quan Tỉnh Đoàn, huyện, thành đoàn để phát huy năng lực, thế mạnh.

Làm rõ thêm về câu hỏi bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức trẻ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết thêm, theo Luật Nhà ở quy định có 7 đối tượng được sử dụng nhà ở công vụ, công chức, viên chức trẻ không thuộc đối tượng đó. Tuy nhiên, hiện tỉnh có khu nhà ở sinh viên, có khoảng 50% cán bộ, công chức trẻ thuê ở đó với giá rất ưu đãi. Bên cạnh đó, tỉnh có 14 dự án nhà ở xã hội đang xây dựng, các dự án đều dành một phần để cho thuê, tuy nhiên một số nơi cho thuê còn đắt. Đồng chí đề nghị Sở xây dựng nghiên cứu để tìm giải pháp tạo điều kiện cho cán bộ, công chức trẻ được thuê, mua nhà ở với giá ưu đãi nhằm ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Cùng đó, Ngân hàng chính sách xã hội các cấp có nguồn vốn ưu đãi cho vay mua nhà ở xã hội là rất lớn, các ĐVTN có thể tìm hiểu nguồn vốn này.

Đồng chí Giáp Thị Ngân Hoa - Phó Trưởng Ban Phong trào Tỉnh Đoàn đặt câu hỏi về chuyển đổi số
trong quảng bá phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh.

Hiến kế quảng bá, đưa lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh phát triển lên tầm cao mới

Nhiều ý kiến tâm huyết kiến nghị với tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả các công trình thiết chế văn hóa, thể thao; khai thác thế mạnh của chuyển đổi số trong quảng bá phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh.

Đồng chí Trương Quang Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, năm qua, tỉnh Bắc Giang đã đăng cai và tổ chức thành công bộ môn cầu lông tại SEA Games 31. Nhiều cơ quan, địa phương cũng thành công trong tổ chức hoạt động thể thao như: Giải việt dã Báo Bắc Giang, Giải chạy marathon, Giải chạy chinh phụ đỉnh Non Vua huyền thoại… thu hút đông đảo ĐVTN và người dân ở trong và ngoài tỉnh tham gia. Sở và các đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp nâng tầm tổ chức các giải đấu, góp phần thúc đẩy phong trào thể thao gắn với phát triển văn hóa, du lịch.

Đồng chí Trương Quang Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu trao đổi với đoàn viên, thanh niên.

Đồng chí đánh giá cao ĐVTN thời gian qua đã quan tâm tuyên truyền, quảng bá những hình ảnh đẹp về văn hóa, du lịch Bắc Giang thông qua thực hiện hàng nghìn video, hình ảnh, lập mã QR số hóa các di tích. Các sản phẩm đó có sức lan tỏa sâu rộng đến du khách trong nước và bạn bè thế giới. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Tỉnh Đoàn đẩy mạnh tuyên truyền mã QR tại các nhà hàng, khách sạn, xe buýt, xe khách liên tỉnh quảng bá du lịch của tỉnh với bạn bè trong nước, quốc tế.

Về nội dung, sân chơi cho ĐVTN còn ít, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết, kinh tế Bắc Giang đang phát triển nhanh nhưng tỉnh cũng luôn chú trọng đến phát triển văn hóa, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế. Để tạo ra các sân chơi văn hóa cho ĐVTN, đồng chí giao nhiệm vụ cho ngành Văn hóa nghiên cứu mở rộng thêm nhiều sân chơi văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh cho nhân dân nói chung, trong đó có ĐVTN thông qua các liên hoan, hội thi, hội diễn. Đồng chí đánh giá cao ý tưởng sáng tạo của tổ chức đoàn trong ứng dụng chuyển đổi số quảng bá du lịch. Đồng thời lưu ý trong thời gian tới, các tổ chức đoàn cần phát huy thế mạnh của tuổi trẻ năng động, đổi mới và sáng tạo, tiếp tục tham gia cùng cấp ủy, chính quyền đưa lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch Bắc Giang ngày càng phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng vào thế hệ thanh niên Bắc Giang.

Tổ chức đoàn và thanh niên cần đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia, góp sức xây dựng quê hương

Kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương ghi nhận các kiến nghị của ĐVTN và đánh giá cao phát biểu của đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan tỉnh đã giải đáp thấu đáo nhiều vấn đề ĐVTN quan tâm

Đồng chí bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng vào thế hệ thanh niên Bắc Giang luôn trang bị kiến thức, kỹ năng, lựa chọn hướng đi đúng từ đó vươn lên làm chủ đất nước.

Đồng chí mong muốn ĐVTN cần phát huy lòng yêu quê hương, đất nước luôn hành động vì lợi ích chung của dân tộc. Sống có lý tưởng, hoài bão, tinh thần xung kích, sáng tạo, tiên phong trong mọi lĩnh vực. Thanh niên cần có tri thức, văn hóa, trang bị ngoại ngữ. Luôn có tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp. Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hăng hái học tập, lao động, xây dựng quê hương, đất nước.

Đồng chí mong muốn các cấp bộ đoàn thường xuyên bám sát các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước để cụ thể hóa vào thực tiễn; kịp thời sâu sát nắm bắt tâm tư nguyện vọng của ĐVTN từ đó tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển. Đặc biệt, tổ chức đoàn và thanh niên cần đẩy mạnh và đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia, góp phần đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc.

Đồng chí Thân Trung Kiên - Bí thư Tỉnh Đoàn phát biểu tiếp thu ý kiến.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thân Trung Kiên - Bí thư Tỉnh Đoàn đề nghị các tổ chức đoàn và ĐVTN tiếp thu ý kiến chỉ đạo, chủ động học tập, trau dồi kỹ năng, bổ sung các kiến thức cần thiết. Đồng thời nhấn mạnh tới đây, Tỉnh đoàn sẽ tập huấn, bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính; tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đến đông đảo ĐVTN trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu thời đại hội nhập và phát triển.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương tặng hoa chúc mừng đoàn viên, thanh niên tỉnh Bắc Giang.

Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3 (1931 -2023), thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương tặng hoa chúc mừng ĐVTN tỉnh Bắc Giang.

Lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2023 - 2027.

Nhân dịp này, lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2023 - 2027./.

Dương Thủy