Sáng 31/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Báo cáo tóm tắt kết quả, Phó trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Đoàn giám sát đã làm việc, giám sát trực tiếp với Chính phủ, 15 bộ, ngành, cơ quan trung ương, 15 địa phương và khối cơ quan Tư pháp. Các bộ, ngành, địa phương, bao gồm cả HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cung cấp 580 văn bản, báo cáo và hệ thống các phụ lục khoảng 100 nghìn trang tài liệu.
Kết quả giám sát được phản ánh tập trung vào khu vực công trên địa bàn cả nước, với 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
|
Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.Ảnh: QH |
Theo đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước. Trong đó, một số kết quả cụ thể được nêu như tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn 2016-2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,37% GDP. Nợ công giảm mạnh từ 63,7% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,9% GDP cuối năm 2020 và được cơ cấu lại bền vững, an toàn.
Hàng nghìn dự án chậm tiến độ
Tuy nhiên, Phó trưởng đoàn giám sát Nguyễn Phú Cường cho hay, kết quả giám sát cũng cho thấy việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.
Cụ thể, việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm và hằng năm của các cấp, các ngành còn chậm, nhìn chung còn nặng về hình thức, chưa trọng tâm, trọng điểm.
Đáng chú ý, Đoàn giám sát nêu thực trạng hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ.
Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó: năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án; trong đó có nhiều dự án phải xử lý hình sự.
|
Phó trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường. Ảnh: QH |
Một hạn chế nữa được báo cáo chỉ ra là giai đoạn 2016-2020, cổ phần hóa, thoái vốn chỉ đạt 30% kế hoạch. Vốn nhà nước đầu tư tại một số doanh nghiệp chưa được bảo toàn. Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí. Cơ bản các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than, hóa chất chậm tiến độ nhiều năm,... rủi ro có thể gây thất thoát, lãng phí rất lớn và ảnh hưởng đến cân đối năng lượng nếu không có giải pháp xử lý kịp thời.
Hàng nghìn dự án thuộc đối tượng nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, nhưng chưa quan tâm xử lý, thu hồi. Theo báo cáo chưa đầy đủ của 61/63 tỉnh tính đến ngày 31/12/2021, có 908 dự án có khó khăn, vướng mắc với diện tích là 28.155 ha chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng, nhưng mới xử lý thu hồi đất và chấm dứt hoạt động 172 dự án với diện tích là 6.922 ha; chưa xử lý 404 dự án với diện tích là 18.308 ha.
Nhiều dự án “treo” 10-15 năm, gây lãng phí đất đai
Đoàn Giám sát của Quốc hội cho biết, hầu hết các địa phương trong cả nước không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn phổ biến, quy hoạch treo, dự án treo còn lớn, gây lãng phí lớn.
Cụ thể, chỉ tính riêng 7/15 địa phương Đoàn Giám sát có báo cáo thông tin, trong kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt, số công trình, dự án phải tuyên bố hủy bỏ do sau 3 năm không triển khai thực hiện đã lên tới 1.739 công trình, dự án, với tổng diện tích đất 12.013 ha.
Báo cáo của Đoàn Giám sát cũng cho biết, tình trạng công trình, dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục còn nhiều. Thời gian chậm đưa đất vào sử dụng của các công trình, dự án thuộc trường hợp này phổ biến từ 1-2 năm, cá biệt có dự án sau 15 năm kể từ ngày được bàn giao đất đến nay đất vẫn bỏ hoang.
Chẳng hạn, Dự án Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân khu vực Đông Nam Bộ (tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu), do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích trên 2,1 ha, đã được tỉnh bàn giao đất cho chủ đầu tư từ năm 2007 theo hình thức không thu tiền sử dụng đất, nhưng đến nay sau 15 năm hiện trạng khu đất có tường rào kiên cố, chưa xây dựng công trình, chưa đưa đất vào sử dụng.
Báo cáo của Đoàn Giám sát cũng cho thấy, số lượng, diện tích đất chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương. Rất nhiều dự án vi phạm kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, nhưng chưa được khắc phục, xử lý.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ của Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2021 vẫn còn 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa đã xử lý thu hồi là 49.541,6 ha . Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ cả giai đoạn chỉ có 286 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này thì có nhiều, trong đó có việc nhiều bộ, ngành, địa phương cơ quan, đơn vị, cá nhân có chức năng liên quan đến thiếu trách nhiệm, năng lực yếu kém, buông lỏng quản lý trong quản lý, sử dụng đất đai hoặc cố tình thực hiện trái pháp luật.
Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra thất thoát, lãng phí
Đoàn giám sát cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục đối với 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 có thất thoát, lãng phí; 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quy hoạch và Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030.../.