Ước tính Việt Nam có đến 8,8 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí, tương đương 3,9 tỉ USD, khoảng 2% GDP của Việt Nam.
Mấy nhân viên lại rủ tôi ăn hộ bánh trung thu, ăn hộ đúng nghĩa kèm các câu động viên: “Đằng nào chả béo rồi, ăn đi rồi tăng thêm thời gian tập là đẹp anh ạ. Bánh ngon đấy, thương hiệu nổi tiếng mà sắp hết hạn rồi. Còn mấy loại không có tên tuổi em vứt hết đi rồi”.
Dịp Tết trung thu ở đâu không biết, chứ ở quê tôi thành thông lệ đi biếu bánh trung thu cho các mối quan hệ, đối tác...
Tôi băn khoăn tự hỏi mình: Trung thu bây giờ là của trẻ con hay thành của người lớn mất rồi? Trẻ con đâu còn rước đèn, phá cỗ trông trăng ngắm chị Hằng, xem múa lân như ngày nào. Khu nào tổ chức “Đêm hội trăng rằm” cũng đều giống như sự kiện, cỗ bàn rình rang, ăn uống hát hò, có khi hết chương trình mà các em chẳng một lần nhìn thấy thấy trăng.
Sau trung thu, không biết bao nhiêu hộp bánh trung thu bị vứt bỏ? Những vỏ hộp rất đẹp, sang trọng nhưng vô giá trị vì chẳng biết dùng vào việc gì? Bánh trung thu trẻ con thành phố không đụng đến, người lớn thì hò nhau mang đến chỗ làm việc, chia mời nhau ăn cố, nhưng ai cũng nhấp nháp chút rồi lại bỏ. Nào sợ béo, tăng cân, lên đường... những miếng bánh bị cắt ra rồi vứt đi đầy thùng rác thực sự lãng phí.
Mấy chục năm trước thì một cái bánh bằng bột mì khô như ngói cũng quý giá chứ nghĩ sao được có ngày bánh nhân thập cẩm cho đến nhân bào ngư, hải sâm, vi cá… cũng chung số phận với vỏ hộp in ấn công phu, thiết kế cầu kỳ, sang trọng lại hội ngộ cùng phần ruột là bánh ở trong thùng rác. Càng nhà giàu có, quyền thế, có điều kiện thì càng được biếu nhiều dù họ không ăn bánh trung thu. Họ có chế độ ăn đảm bảo sức khỏe, không có nhiều chất béo, chất đường, tinh bột, đạm... là thành phần chính trong bánh.
Việt Nam chưa giàu có mà trong sinh hoạt, lối sống, có số ít người có sự lãng phí có thể theo thói quen hoặc tính “sĩ diện hão”. Từ cái tư tưởng ăn gì cũng phải để thừa lại một ít để thể hiện sự ý nhị không phải hạng “phàm phu tục tử”, thành ra luôn bỏ thừa đồ ăn ở các chốn đông người. Đi ăn nhà hàng gọi ra thật nhiều bày đầy bàn thức ăn, chỉ để sĩ diện chứng tỏ ta là người rộng rãi chứ không ăn hết nổi.
Nếu chỉ có đàn ông với nhau thì say sưa chúc tụng rồi uống, có khi không động đũa đến món ăn. Phụ nữ thì lo tăng cân, thừa mỡ nên ăn rất chấm mút cầm chừng. Số thực phẩm tiêu thụ có khi chỉ chiếm 30% tổng giá trị hóa đơn. Để rồi số thức ăn bị bỏ lại lại thành gánh nặng rác thải phải xử lý.
Ước tính Việt Nam có đến 8,8 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí.
Do có vị trí địa lý thuận lợi cùng chính sách đúng đắn của nhà nước nên lương thực, thực phẩm, hoa quả, sản phẩm nông lâm, ngư ở Việt Nam dồi dào, phong phú, chi phí cho sinh hoạt không quá đắt, nhất là chi phí cho ăn uống. Chẳng thế mà nhiều người nước ngoài, nhất là người Nhật ngạc nhiên và thích thú khi thanh toán các bữa ăn thịnh soạn ở nhà hàng mà khi quy đổi so với bên Nhật thì đó là bữa tiệc khá là xa hoa.
Dẫn đến các con số thống kê ước tính Việt Nam có đến 8,8 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí, tương đương 3,9 tỉ USD, khoảng 2% GDP của Việt Nam.
Đấy là ở các bữa tiệc sự kiện, nhà hàng. Còn ngay trong gia đình người Việt cũng khá lãng phí thức ăn. Điều này không phải là thói quen truyền thống. Ông bà ngày xưa luôn dạy con cháu căn cơ, xem hạt cơm là của “ngọc thực” không được bỏ thừa, bỏ mứa, ăn cơm phải vét bát cho sạch đến hạt cuối cùng.
Thế mà ngày nay con cháu:
“Có cháo thì lại đòi chè
Có cơm nếp đỗ thì lè nhè đòi xôi”.
Gặp bữa không có món vừa miệng, đúng ý là sẵn sàng bỏ lại, vứt đi không thương tiếc.
Chả mấy ai còn nhớ câu ca:
“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
Đi siêu thị ra sức nhặt về nhét chật tủ lạnh rồi quên đi không sử dụng, đến khi quá hạn sử dụng lại vứt bỏ đi.
Bên cạnh đó, việc bảo quản sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp chưa được chú trọng đúng mức. Năm 2020, theo một khảo sát của Bộ NN&PTNT, tỉ lệ thất thoát thực phẩm, nông sản trước chế biến trung bình của trái cây Việt Nam là 10%, rau củ là 20 - 50%, thủy hải sản từ 30 - 35%. Tổn thất lương thực vào khoảng 10 - 15%.
Như vậy sự lãng phí sẽ kéo theo cái vòng luẩn quẩn, số lượng sản phẩm nông nghiệp phải tăng lên để bù đắp vào số lãng phí bỏ đi, làm đất đai nhanh chóng thoái hóa, bạc màu. Rác thải thực phẩm thải ra làm ô nhiễm môi trường phải xử lý, tốn kém mà vẫn không thể triệt để góp phần tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Không kể đến nhiều nơi vẫn có những hộ dân còn chật vật với công cuộc “xóa đói, giảm nghèo”.
Bỏ đi sự lãng phí, hãy sử dụng lương thực, thực phẩm hợp lý ngay từ trong ngôi nhà của bạn, đó là cách thể hiện lương tâm, trách nhiệm với xã hội, cộng đồng của mỗi người Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét