Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

Thất thoát, lãng phí vẫn còn diễn ra trong tất cả các ngành, lĩnh vực

 

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Các ĐBQH cho rằng, thất thoát, lãng phí vẫn còn diễn ra trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Kỷ luật, kỷ cương, quản lý, sử dụng tài chính, quản lý ngân sách nhà nước không nghiêm dẫn đến còn nhiều thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn này.

ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nhiều địa phương chưa rõ nét, có nơi chưa cương quyết, có tình trạng buông lỏng, quan liêu là tác nhân gây lãng phí, song chưa rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. “Tình trạng lãng phí biểu hiện muôn mặt, nói nhiều nhưng chuyển biến chậm, thậm chí phức tạp hơn, tăng cả quy mô và tính chất... Tất cả đều là lãng phí, thất thoát nguồn lực quốc gia, ảnh hưởng lòng tin của nhân dân. Lãng phí tai hại hơn tham ô, tham nhũng” – ĐB Thanh Thúy nhấn mạnh; đồng thời cho rằng, vừa qua chúng ta rất quyết liệt nghiêm trị tham ô, tham nhũng, nhưng với lãng phí lại chưa thực sự nghiêm trị.

Theo ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội), các lĩnh vực quan trọng vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, vẫn còn những vi phạm, sai sót ở những mức độ khác nhau. Đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên khoáng sản…

ĐB Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, chúng ta cần nhận diện lãng phí là kẻ thù, đánh giá toàn diện tình hình cả tình hình thực hành tiết kiệm và tình hình chống lãng phí theo mức độ, diễn biến, cơ cấu và tính chất. Phải đánh giá thực trạng lãng phí đang ở mức độ nào. Ví dụ như tham nhũng được đánh giá ở mức rất nghiêm trọng. Công tác đánh giá cần đặc biệt tập trung vào những lĩnh vực có khả năng gây nhiều lãng phí và những hậu quả nặng nề đến nguồn lực của đất nước.

“Cần đánh giá kỹ nguyên nhân chủ quan, nhất là nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi nếu người đứng đầu có nhận thức, có ý thức và có trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì chắc chắn cơ quan, tổ chức, đơn vị đó sẽ thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.” - ĐB Đỗ Đức Hồng Hà chỉ rõ.

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) bức xúc, vụ kít xét nghiệm Việt Á không chỉ dừng làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công mà còn thất thoát, lãng phí tài sản khác có giá trị quý giá hơn, quan trọng hơn, đó là lãng phí niềm tin của nhân dân. Bởi vì có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin thì nguy hại khôn lường.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, liên quan đến các vấn đề về thị trường vốn, ngân hàng, tiền tệ và các vấn đề như chứng khoán, lãng phí trong đầu tư công, trong quản lý khoáng sản, quản lý rừng, tinh giản biên chế…, Bộ Tài chính sẽ tập trung tham mưu các giải pháp cho Chính phủ và tăng cường thanh tra, kiểm tra để thực hiện tốt việc quản lý, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả. Hoàn thiện và khắc phục những tồn tại, trong đó, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ngân sách, đầu tư công, quản lý tài sản công…

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Hà NộiĐại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Hà Nội

Giải trình ý kiến các ĐBQH về lãng phí trong chậm giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, vốn đầu tư công hiện nay đã phân cấp cơ bản đầy đủ, từ lựa chọn dự án, lập dự án, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh vốn, giao vốn, tổ chức đấu thầu giải phóng mặt bằng. Chúng ta cũng đã thay đổi tư duy, phương pháp lập kế hoạch từ ngắn hạn hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, từ điều hành bằng các văn bản dưới luật thì đã xử lý, quản lý bằng các Luật Đầu tư công cũng như các luật liên quan; từ cơ chế theo dõi tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo sự linh hoạt trong việc triển khai nhưng vẫn đảm bảo được hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước… Nhờ vậy, những hạn chế cơ bản về đầu tư công của thời gian trước đã được cơ bản khắc phục như đầu tư dàn trải, không có chủ trương, không gắn với mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không gắn với nguồn vốn, không gắn với khả năng cân đối vốn; đầu tư dàn trải, phân tán, kéo dài, kém hiệu quả, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; ứng trước kế hoạch vốn; không có nguồn để trả…..

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, lĩnh vực đầu tư công hiện nay vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế và cần tiếp tục khắc phục, đổi mới. Chỉ rõ các nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến ĐBQH, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có các giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ của các dự án đầu tư công.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, ĐBQH cho rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều tồn tại, hạn chế xảy ra ở hầu hết các cấp, các ngành, các lĩnh vực dẫn đến thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước như: việc ban hành văn bản hướng dẫn luật còn chậm, tình trạng ách tắc, sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, đấu thầu mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; giải ngân chậm, nguồn vốn ODA chưa được khắc phục, tiến độ thực hiện và khả năng hoàn thành kế hoạch một số dự án trọng điểm. Việc triển khai thực hiện các công trình quan trọng quốc gia còn xảy ra tình trạng chậm trễ, gây lãng phí nguồn lực.

Các ĐBQH đề nghị Chính phủ cần làm rõ kết quả tiết kiệm, sử dụng nguồn tiết kiệm, đánh giá rõ hơn về sắp xếp bộ máy, về chất lượng, về nguyên nhân chủ quan, chỉ rõ nơi nào ai làm tốt, nơi nào ai làm chưa tốt hoặc vi phạm pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trung Kiên

Không có nhận xét nào: