Thông tin về việc năm 2021 - 2022, làn sóng chuyển dịch nhân lực y tế công sang tư, Bộ Y tế có đánh giá và giải pháp ra sao? Bộ Y tế cho hay, trong 5 năm trở lại đây, quá trình xã hội hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều đơn vị y tế tư nhân tham gia vào công tác khám chữa bệnh, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho nhân lực y tế nói chung, đặc biệt là nhân lực y tế có chuyên môn cao. Khi tìm được cơ hội đáp ứng mong mỏi, nhân viên y tế sẽ dịch chuyển sang khu vực y tế tư nhân.
Thu nhập thấp, áp lực công việc lớn
Trong một báo cáo của Bộ Y tế về vấn đề này cho biết, báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế về số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ ngày 1/1/2021 đến 30/6/2022 trên cả nước có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác).
Về nguyên nhân dịch chuyển nhân lực từ y tế công sang tư, theo Bộ Y tế là do áp lực công việc trong khu vực công cao, nhưng thu nhập ở các đơn vị y tế công lập thấp hơn so với tư nhân. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, cán bộ, viên chức y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn khi số lượng ca mắc mới tăng, số người phải cách ly, xét nghiệm, điều trị tăng cao, nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
Áp lực công việc cao cộng với thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc trong năm 2021 và 2022.© Được VTC cung cấp
Mặt khác, do phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành y tế.
Lương và chế độ phụ cấp với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Nguyên nhân, tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp.
Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
"Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập vì mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập"- thông tin của Bộ Y tế nêu rõ.
Nguyên nhân thứ hai được Bộ Y tế nêu ra là do ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua, dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng: công tác đấu thầu thuốc và vật tư y tế bị tạm dừng, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập thiếu điều kiện, thiết bị để phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Thiếu thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật cao, thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các vật tư tiêu hao, các dụng cụ, trang thiết bị thông thường kể cả thiếu thiết bị bảo hộ cần thiết đã làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế nên viên chức y tế có xu hướng dịch chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân có điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn.
Nguyên nhân thứ 3, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế cũng bị giảm đi, làm cho thu nhập nhân viên y tế giảm mạnh.
Thậm chí nhiều đơn vị được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên (nguồn chi trả lương và phụ cấp cho viên chức y tế được trích từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị thông qua giá dịch vụ y tế), trong khi giá dịch vụ y tế cho người có thẻ Bảo hiểm y tế thấp (do chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế), nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp, từ đó không có kinh phí để chi trả lương nên đã chậm chi trả lương cho nhân viên y tế.
Nguyên nhân thứ tư, do áp lực của xã hội, gia đình và người thân. Theo Bộ Y tế, các cán bộ viên chức y tế, cũng như những người lao động khác đều có nỗi lo về bảo đảm cuộc sống gia đình, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu về ăn mặc ở, lo lắng các chi phí về điện nước, học hành ngày càng cao do sự gia tăng giá cả nên khi mức thu nhập đối với nhân viên y tế công lập thấp trong khi công việc lại quả tải, cường độ và thời gian lao động tăng; chế độ thu hút, đãi ngộ hạn chế hoặc không có nên dẫn đến tình trạng cán bộ y tế xin thôi việc, nghỉ việc tăng...
Giải pháp nào giữ chân nhân lực y tế công?
Theo Bộ Y tế cần kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, công tác phòng, chống dịch COVID- 19.
Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với nhân viên y tế, tạo môi trường làm việc thân thiện, bố trí, sử dụng cán bộ y tế hợp lý, trong đó ưu tiên cho những lĩnh vực khó khăn và cho y tế cơ sở.
Cùng đó, quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế. Huy động các nguồn lực khác của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành y tế. Tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là viên chức có trình độ chuyên môn cao.
Việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế là rất cần thiết.© Được VTC cung cấp
Xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế, thực hiện việc mua sắm đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc theo nhu cầu sử dụng của viên chức y tế, giúp cho nhân viên y tế có thể cung cấp các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của người dân...
Đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế, nhất là tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên.
Đề nghị Chính phủ có chính sách chưa thực hiện giảm số lượng người làm việc (giảm biên chế sự nghiệp) của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, cho phép tăng định mức số lượng người làm việc tối thiểu tại trung tâm y tế huyện, tại trạm y tế xã, điều chỉnh số lượng người làm việc tại trạm y tế xã theo quy mô dân số giúp các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nhất là y tế cơ sở có đủ nguồn nhân lực làm việc cần thiết, giảm cường độ làm việc cho cán bộ viên chức ngành y tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét