Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cơ chế miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt ở TP HCM.
Dự thảo hồ sơ xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM nêu hàng loạt ưu đãi nhằm thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại thành phố.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan soạn thảo) đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm với lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung.
Bộ cũng đề xuất miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn thành phố.
HĐND TP HCM quyết định tiêu chí, điều kiện chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo được hưởng các ưu đãi; đồng thời quy định tiền lương, công, chế độ phúc lợi, chính sách ưu đãi với chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, dựa trên trình độ, năng lực và yêu cầu công việc.
Dự thảo cũng nêu khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn thành phố được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp mới. HĐND TP HCM quy định tiêu chí, lĩnh vực thử nghiệm, giải pháp công nghệ, nội dung hỗ trợ. Ngân sách thành phố hỗ trợ không hoàn lại chi phí ươm tạo khởi nghiệp sáng tạo như chi phí tuyển chọn, thuê chuyên gia, công lao động, dịch vụ hỗ trợ, sử dụng cơ sở vật chất.
Theo cơ quan soạn thảo, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư, được xác định là khâu đột phá cho thành phố thời gian tới. Muốn vậy, chính sách phải đủ mạnh với cơ chế khuyến khích và ưu đãi hấp dẫn để thu hút nhân tài đến làm việc.
Thông qua các ưu đãi, TP HCM sẽ thu hút nguồn vốn từ bên ngoài, thúc đẩy phát triển ngành, lĩnh vực ưu tiên; khuyến khích tạo việc làm; thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng sản phẩm nội địa; phát triển khoa học công nghệ. Trong thời gian ngắn, các chính sách này có thể giảm nguồn thu ngân sách, nhưng dài hạn sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tích lũy năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo hiệu ứng lan tỏa cho các lĩnh vực khác.
Chính sách này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự ra đời của các tổ chức khoa học và công nghệ; tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - nguồn lực quan trọng trong tương lai để phục vụ các chương trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
"Ưu đãi về thuế thu nhập với những người làm trong lĩnh vực này sẽ giúp TP HCM xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có lợi thế cạnh tranh trong khu vực. Thành phố sẽ tạo được nguồn lực quan trọng, cho ra các sản phẩm ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong 5 hoặc 10 năm tới", ban soạn thảo lý giải.
TP HCM có khoảng 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó 65% thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Thành phố có gần 300 chuyên gia tư vấn, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Có nhiều đóng góp nhưng những người này chưa được hưởng chính sách ưu đãi, nhất là về thuế thu nhập cá nhân.
Thay vì mang hàng trăm tỷ USD từ bán dầu đến phương Tây như trước, Vùng Vịnh giờ tự lập quỹ đầu tư và tài trợ các đồng minh Arab.
Chiến sự và các lệnh trừng phạt của phương Tây đẩy giá dầu mỏ tăng, giúp các nhà xuất khẩu ở Trung Đông ngập trong tiền. Công ty tư vấn Rystad Energy cho rằng họ đã bỏ túi 600 tỷ USD từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch vào 2022.
Hầu hết doanh thu thuộc 4 thành viên chủ chốt của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm Kuwait, Qatar, UAE và Saudi Arabia. Công ty dữ liệu Exante ước tính tổng thặng dư tài khoản vãng lai của "bộ tứ" này năm 2022 là 350 tỷ USD. Năm nay, nếu giá dầu ở mức gần 85 USD thì "bộ tứ" có thể đạt thặng dư 300 tỷ USD.
Những đợt bùng nổ giá dầu trước đây, họ sẽ mang tiền kiếm được đến các thị trường vốn phương Tây, thu mua các tài sản có tính thanh khoản cao ở các ngân hàng nước ngoài. Cơ sở của điều này là một thỏa thuận bất thành văn: Mỹ sẽ cung cấp viện trợ quân sự và mua dầu từ Saudi Arabia và những nước đồng minh. Đổi lại, họ sẽ bù đắp thâm hụt tài khoản vãng lai cho Mỹ bằng USD.
Nhưng quy trình này đang dần đổi khác. Mỹ - nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn, là đối tác mà Trung Đông ít chú ý hơn, bị thu hút bởi châu Á và mong muốn hàn gắn quan hệ với Israel, Iran. Họ không còn phải lôi kéo Nhà Trắng bằng mọi giá.
Hôm 2/4, Saudi Arabia và đồng minh khiến Mỹ tức giận khi cắt giảm sản lượng dầu xuống gần 4 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 4% sản lượng toàn cầu. Không chỉ thế, những nước này dần tự do hơn khi sử dụng hàng núi tiền mặt của mình theo cách họ muốn.
The Economist ước tính giai đoạn 2022-2023, thặng dư tài khoản vãng lai của các quốc gia dầu mỏ ở Vùng Vịnh có thể đạt hai phần ba của 1.000 tỷ USD. Để biết tiền đi đâu, họ xem xét các tài khoản của chính phủ, thị trường tài sản toàn cầu và các công ty được giao nhiệm vụ đầu tư.
Kết quả, tiền từ bán dầu đang quay lại phương Tây ít hơn. Dự trữ của các ngân hàng trung ương trong GCC cũng hầu như không tăng. Sự can thiệp của họ vào thị trường ngoại tệ cũng rất hiếm. Vậy núi tiền từ bán dầu đã đi đâu?
Nghiên cứu của Economist cho thấy chúng đã được sử dụng theo 3 cách mới. Đầu tiên là trả nợ. Từ 2014 đến 2016, dư thừa nguồn cung do sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ đã khiến giá dầu giảm từ 120 USD một thùng xuống còn 30 USD. Vào 2020, Covid-19 đẩy giá xuống 18 USD vào tháng 4.
Thu nhập kém khiến Vùng Vịnh phải thanh lý tài sản ở nước ngoài. Các ngân hàng trung ương của họ đã bán một phần ngoại tệ dự trữ. Nhưng vẫn không đủ, buộc họ vay thêm nhiều ngoại tệ trên thị trường vốn phương Tây.
Abu Dhabi, tiểu vương quốc giàu có nhất của UAE, đã hoàn trả 3 tỷ USD kể từ cuối năm 2021 - khoảng 7% tổng số dư nợ, theo Moody's. Nợ của Qatar giảm 4 tỷ USD, tương đương 4%. Nợ của Kuwait giảm một nửa kể từ năm 2020.
Thứ hai, Vùng Vịnh đang chung tay giúp đỡ những đồng minh đang khó khăn. Đầu 2022, ngân hàng trung ương của Ai Cập nhận được 13 tỷ USD tiền gửi từ Qatar, Saudi Arabia và UAE. Những năm gần đây, Saudi Arabia cho phép Pakistan hoãn thanh toán các khoản mua dầu trị giá hàng tỷ USD. Bù lại, Saudi Arabia yêu cầu Ai Cập và Pakistan thực hiện các cải cách kinh tế. Một số hỗ trợ cũng dùng để đổi cổ phần trong các công ty sở hữu nhà nước của các quốc gia gặp khó.
Thổ Nhĩ Kỳ được xem là điểm đáng chú ý nhất. Khi túng thiếu, Ankara thường tìm đến IMF, hoặc các ngân hàng châu Âu. Nhưng gần đây, khi lạm phát gia tăng và động đất đẩy đất nước đến bờ vực, Vùng Vịnh chìa tay hỗ trợ bằng nhiều hình thức.
Vào ngày 6/3, Saudi Arabia cho biết sẽ gửi 5 tỷ USD tại ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ. Qatar và UAE cũng đã thiết lập các giao dịch hoán đổi tiền tệ trị giá 19 tỷ USD với tổ chức này. Cả ba nước đã cam kết tham gia vào cuộc đấu giá trái phiếu chính phủ sắp tới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Qatar là đồng minh lâu đời của Thổ Nhĩ Kỳ. Saudi Arabia và UAE gần đây mới tranh nhau để giành ảnh hưởng. Douglas Rediker, một cựu quan chức IMF dự đoán khi ngày càng có nhiều nước láng giềng đối mặt khủng hoảng, tín dụng song phương sẽ trở thành chiến lược cốt lõi của các lãnh đạo GCC.
Thứ ba, và chiếm phần lớn vốn là dùng để đầu tư tại nước ngoài. Trước đây, các nước Vùng Vịnh gửi tiền mặt tại các ngân hàng phương Tây hoặc mua trái phiếu chính phủ. Chỉ có Qatar, được mệnh danh là "cao bồi của Trung Đông" táo bạo hơn khi mua câu lạc bộ bóng đá, tòa nhà chọc trời.
Nhưng kể từ năm 2015, khi Thái tử Muhammad Bin Salman đóng vai trò điều hành Saudi Arabia, tiềm kiếm được từ bán dầu thay vì chảy vào tay ngân hàng trung ương thì lại chuyển nhiều hơn cho Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia (PIF), nơi Thái tử cũng là chủ tịch.
Chỉ trong vài năm, PIF và các quỹ tương tự trong khu vực đã tăng quy mô. Giá dầu đạt giá tốt càng giúp những quỹ này phình to. Ví dụ, Cơ quan đầu tư Abu Dhabi (ADIA) quản lý 1.000 tỷ USD. Cơ quan đầu tư Qatar (QIA) và Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF) mỗi đơn vị nắm xấp xỉ 500 tỷ USD.
Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho biết ban đầu các quỹ này mang tiền đi gửi các ngân hàng nước ngoài. Ví dụ, Saudi Arabia đã gửi 81 tỷ USD tính đến tháng 9/2022, theo Capital Economics. Cùng với đó, dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho hay các nước xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông đã mua ít trái phiếu kho bạc nước này hơn dự kiến trước đây.
Bù lại, họ đang hứng thú với cổ phiếu Mỹ, thường được mua thông qua các nhà quản lý tài sản châu Âu. Giám đốc một công ty quản lý tài sản nói rằng khách hàng Vùng Vịnh đã nạp tiền vào tài khoản chứng khoán Mỹ của họ rất nhiều trong những tháng gần đây. Họ đầu tư cổ phiếu thông qua các quỹ chỉ số, nhưng ngày nay, "tài sản thay thế" - vốn cổ phần tư nhân, bất động sản, cơ sở hạ tầng và quỹ phòng hộ - chiếm từ 23% đến 37% tổng tài sản của ba quỹ lớn nhất vùng Vịnh, theo công ty dữ liệu Global SWF.
Max Castelli, Giám đốc chiến lược bộ phận quản lý tài sản toàn cầu của UBS cho biết ngoài đầu tư gián tiếp, những khoản đầu tư trực tiếp - giao dịch trên thị trường tư nhân hoặc mua lại cổ phần trong các công ty niêm yết - đang tăng rất nhanh. Riêng PIF đã chi đạt 18 tỷ USD đầu tư hình thức đó trong năm tính đến tháng 9/2022, so với 48 tỷ USD cho các khoản đầu tư phương thức cổ điển hơn.
Kể từ năm ngoái, các quỹ Vùng Vịnh đã thành lập các nhóm chuyên gia để khảo sát Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. "Đây là nơi họ sẽ bán nhiều dầu hơn, vì vậy họ muốn đầu tư vào các ngành sử dụng dầu đó", ông chủ của một ngân hàng đầu tư lớn cho biết. Và vào thời điểm mà các nhà đầu tư khác ngại đổ tiền vào Trung Quốc vì nước này căng thẳng với Mỹ, Vùng Vịnh tăng gấp đôi lượng vốn.
Tất cả chỉ ra một kế hoạch quan trọng của Vùng Vịnh là triển khai sức mạnh mềm. PIF lỗ phần lớn số tiền 45 tỷ USD rót vào quỹ Vision chuyên đầu tư startup nhưng nhờ đó đã nâng cao vị thế của Saudi Arabia trong giới đầu tư toàn cầu. Các quỹ cũng đang dành vốn để rót vào các nước láng giềng, thúc đẩy ảnh hưởng của họ trong khu vực. PIF đã thành lập các công ty con ở Ai Cập, Iraq, Jordan, Bahrain, Oman và Sudan để bơm vào 24 tỷ USD.
Vị thế lớn hơn mở ra những cơ hội mới để đầu tư vào các ngành "chiến lược", bao gồm năng lượng tái tạo. Vào tháng 10, quỹ Mubadala của UAE chi 2,5 tỷ USD cho một nhà phát triển gió ngoài khơi của Đức. QIA mua 10% cổ phần của công ty điện RWE (Đức), để tiếp cận kinh doanh năng lượng mặt trời ở Mỹ. Những khoản đầu tư này thường được thực hiện với mục đích tái nhập khẩu kiến thức hoặc vốn.
Minh họa rõ nhất về chiến lược phát triển của các quỹ đầu tư Vùng Vịnh là Abu Dhabi. ADIA, quỹ lâu đời nhất UAE đang nhận được ít tiền từ dầu mỏ hơn so với trước đây. Thay vào đó, phần lớn thuộc về ADQ, quỹ trị giá 157 tỷ USD mới 4 năm tuổi, chuyên thâu tóm các công ty năng lượng, thực phẩm, vận tải và dược phẩm - những ngành UAE coi là cốt lõi đối với an ninh.
Chuyển dịch cách Vùng Vịnh dùng tiền là tin xấu cho phương Tây. Các nhà điều tra tài chính cho rằng một phần thu nhập từ dầu mỏ của Nga được gửi vào các ngân hàng ở Vùng Vịnh, nơi nó được trộn lẫn với tiền của các quỹ địa phương để không theo dõi được.
Các quốc gia dầu mỏ cũng sắc sảo hơn về mặt địa chính trị, tạo cơ hội cho các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ thoát lệ thuộc vào các thể chế tài chính do phương Tây lãnh đạo. Hai thập kỷ trước, khi các quỹ tài sản quốc gia của Vùng Vịnh bùng nổ, một số người cho rằng chúng có thể được sử dụng để theo đuổi các chương trình nghị sự chính trị. Nhưng suy đoán đó bị cho là thổi phồng vào thời điểm đó. Còn bây giờ, chúng cỏ vẻ hợp lý.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến lấy lại lợi nhuận dương trong năm nay, sau 3 năm liên tiếp kinh doanh thua lỗ.
Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (công ty mẹ) năm nay muốn có doanh thu hơn 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp này dự kiến nộp ngân sách Nhà nước khoảng 115 tỷ.
Nếu thành công, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ ghi nhận lợi nhuận dương sau ba năm liên tiếp kinh doanh dưới giá vốn. Theo thống kê sơ bộ, năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này bắt đầu phục hồi sau dịch và có lãi từ kinh doanh vận tải. Doanh thu của tổng công ty đạt hơn 7.700 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ và vượt 16% kế hoạch năm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn âm 130,5 tỷ đồng. Song kết quả trên giúp doanh nghiệp giảm lỗ hơn 400 tỷ đồng so với năm 2021.
Lợi nhuận sau thuế: 3
Năm nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phấn đấu không lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Ban lãnh đạo xác định hoạt động sản xuất kinh doanh còn chưa phục hồi hoàn toàn, trong khi vẫn gặp nhiều áp lực cạnh tranh trong vận tải hành khách từ tuyến hàng không và đường bộ. Vận tải hàng hóa cũng bị ảnh hưởng do tuyến đường biển đã giảm giá cước và cung tải tàu biển cũng tăng trở lại như trước dịch.
Trong quý đầu năm, ngành đường sắt ghi nhận sự phục hồi tốt. Trong đó, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, sản lượng hành khách đạt hơn 800.000 người, tăng trưởng khoảng 200% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hành khách đạt khoảng 300 tỷ đồng, cùng tăng 200%. Tương tự, Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn ghi nhận sản lượng hành khách đạt hơn 660.000 người, tăng khoảng 136%. Doanh thu vận tải hành khách đạt hơn 360 tỷ đồng, tăng hơn 147%.
Ngoài rơi vào cao điểm đi lại dịp đầu năm, ban lãnh đạo cho biết nguyên nhân khiến lượng khách và doanh thu tăng cao là nhờ áp dụng chính sách giá vé thu hút nhu cầu vào các ngày thấp điểm, giảm từ 50-65% tùy loại chỗ. Ngành đường sắt cũng chạy các chương trình khuyến mãi khác như mua ba vé tặng một vé với các tuyến nhất định, giảm giá cho khách đoàn của các hiệp hội du lịch, giảm giá nếu mua nguyên phòng hoặc nguyên toa.
Áp lực điều chỉnh khiến nhiều mã bất động sản vừa tăng giá trong phiên hôm qua, nay mất đà và giảm mạnh, không ít mã trắng bên mua.
Sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện ngành bất động sản khi lực bán chủ động xuất hiện mạnh trong phiên chiều. Hôm nay có gần 30 mã mất hơn 2% thị giá so với tham chiếu. Các mã tăng giá mạnh hôm qua như NVL, HDG, PDR, KDH đều quay đầu giảm. Trong đó, NVL mất giá sâu nhất với 3,7%.
Nhóm bất động sản có hai mã giảm sàn gồm MGR và LDG. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu có thanh khoản tốt cũng điều chỉnh thị giá mạnh như CEO, VIC, VHM, IDC, HQC, VRE. Điều này khiến bất động sản trở thành nhóm có chỉ số ngành giảm mạnh nhất hôm nay.
Tuy nhiên, vẫn có một số cổ phiếu giữ được sắc xanh. DIG và DXG vừa có thanh khoản lớn, vừa có thị giá tăng lần lượt 1,2% và 0,4%. CII và KBC cũng tích lũy thêm với biên độ tốt.
Không chỉ nhóm địa ốc, cổ phiếu hầu hết ngành hôm nay đều kém khả quan, nhất là nhóm tiêu dùng, nguyên vật liệu và tài chính. Diễn biến trên đưa VN-Index xuống dưới tham chiếu từ cuối buổi sáng. Chốt phiên hôm nay, chỉ số này mất hơn 5 điểm về khoảng 1.064,3 điểm. Sàn HoSE có 268 mã giảm, nhiều hơn gấp đôi so với 121 mã tăng.
Tuy nhiên, cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và y tế là điểm sáng của thị trường hôm nay. Nhóm này có ba mã tím trần gồm AMV, LDP và JVC. Nhiều cổ phiếu tích lũy từ 2% trở lên nhưng giá trị giao dịch thấp nên không đóng góp lớn cho thị trường.
Thanh khoản thị trường hôm nay giảm hơn 15%, nhưng vẫn trong mức trung bình gần 10.700 tỷ đồng. Khối ngoại giao dịch thận trọng khi tổng giá trị mua vào chỉ đạt hơn 530 tỷ đồng, thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2021. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng gần 300 tỷ đồng, chủ yếu là các mã VND, HPG, STB.
Theo thống kê của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tính đến 14h, thanh khoản bán chủ động chiếm gần một nửa thị trường. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn còn.
Chủ tịch Thủ Đức kiến nghị UBND TP HCM điều chỉnh quy hoạch để xây thêm hai tuyến đường mới, và sớm triển khai 4 dự án đã phê duyệt.
Kiến nghị về giao thông được Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng đưa ra tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành uỷ thành phố do Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì, chiều 13/4.
Chủ tịch Hoàng Tùng đề xuất UBND TP HCM điều chỉnh quy hoạch đầu tư đoạn đường kết nối tuyến D1 - khu công nghệ cao và đường Nguyễn Xiển dài một km, số vốn hơn 750 tỷ đồng. Nếu được duyệt, công trình có thể khởi công cuối năm 2024 và hoàn thành vào 2025.
Dự án này nhằm giảm tải cho phường Long Bình, Long Thạnh Mỹ - khu vực đô thị phát triển nhanh, đông dân, nhưng kết nối giao thông hạn chế. Lý giải đề xuất này, ông Tùng cho biết sau khi dự án khu dân cư của Vingroup hoàn thành, quy mô dân số khu vực này tăng lên trên 100.000 người. Tuy nhiên, kết nối giao thông hiện hữu chỉ 10-15 m như đường Nguyễn Văn Tăng, Nguyễn Xiển, thường xuyên ùn tắc, áp lực giao thông lớn.
TP Thủ Đức cũng kiến bổ sung điểm kết nối thứ 4 giữa TP Thủ Đức và Vành đai 3 tại phường Long Bình, từ nguồn vốn đã bố trí cho Vành đai 3. Theo thiết kế được duyệt, TP Thủ Đức có ba vị trí kết nối lên xuống với Vành đai 3 tại: cao tốc TP HCM- Long Thành - Dầu Giây; nút giao Gò Công; gần cảng ICD Long Bình - nút giao Tân Vạn.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa điểm kết nối số 2 và 3 nêu trên cách nhau hơn 7 km. Trong khi đó, phường Long Bình có tốc độ đô thị hóa rất cao, lại chỉ có thể kết nối vào nút giao Gò Công là không thuận lợi, cần bổ sung điểm kết nối.
Ngoài hai dự án mới, TP Thủ Đức muốn UBND sớm triển khai đầu tư 4 dự án đã được duyệt trên địa bàn này, tổng vốn đầu tư 30.050 tỷ đồng.
Cụ thể là dự án xây dựng đường Vành đai 2 - đoạn từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía đông đến xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái), dài 3,5 km, tổng vốn đầu tư 8.600 tỷ đồng. Đoạn kết nối từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng (bao gồm nút giao Phạm Văn Đồng - Vành đai 2) dài 2,9 km, cần 8.450 tỷ đồng.
Tuyến khép kín đường nối ngã ba Gò Công đến nút giao trạm 2, dài 6 km, tổng vốn 4.500 tỷ đồng. Cuối cùng là bổ sung tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu dài 6,6 km (trong đó có 3,2 km cầu), tổng đầu tư 8.500 tỷ đồng.
Về dự án xây dựng đường Vành đai 2 - đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đầu tư xây dựng theo hình thức PPP, ông Tùng cho biết còn thiếu 96 tỷ đồng để hoàn tất đền bù, giải phóng mặt bằng. TP Thủ Đức đề nghị UBND TP HCM sớm bố trí vốn để dứt điểm việc bồi thường, khép kín đoạn này.
Ngoài phát triển tuyến giao thông mới, ông Tùng cho biết TP Thủ Đức dự kiến tuyến đường Xuân Thuỷ (quận 2 cũ) sẽ thành phố đi bộ, đồng thời khai thác tuyến ẩm thực đêm quốc tế. Bởi khu vực này có nhiều điểm giao thông thuận lợi cho phát triển du lịch, giải trí như nhà ga Thảo Điền thuộc metro Bến Thành - Suối Tiên, bến tàu Thảo Điền kết nối với quận 1 khoảng 10-15 phút chạy cano. Hiện, địa phương chưa công bố kế hoạch chi tiết.
Phản hồi đề xuất của TP Thủ Đức, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng đồng tình điều chỉnh quy hoạch để thực hiện đề án xây dựng đường kết nối tuyến D1 - khu công nghệ cao và đường Nguyễn Xiển. Ông đề nghị nếu UBND TP HCM duyệt nên giao TP Thủ Đức lập đề án.
Còn việc tăng điểm kết nối giữa TP Thủ Đức với Vành đai 3, ông Bằng không đồng tình. Bởi lẽ dự án Vành đai 3 đã được ngành giao thông nghiên cứu rất kỹ theo tiêu chuẩn thiết kế cao tốc. Việc đề xuất tăng điểm kết nối, thành phố cũng từng đề xuất với các bộ, ngành nhưng không được thống nhất.
Nếu Valentine đỏ 14/2 được coi là dịp các bạn nữ tặng quà các bạn nam, Valentine trắng 14/3 là cơ hội để con trai đáp lễ con gái thì ý nghĩa ngày Valentine đen lại không liên quan gì đến các cặp đôi đang yêu.
Valentine đen 14/4 là ngày gì?
Nếu như ngày 14/2 Valentine đỏ là ngày lễ để các chị em phụ nữ tỏ tình với người mình yêu, 14/3 Valentine trắng là để các chàng trai đáp lại tấm chân tình ấy bằng những lời hứa hẹn, món quà tặng độc đáo,.. thì 14/4 Valentine đen lại có ý nghĩa hoàn toàn khác.
Valentine đen 14/4 có khái niệm không hề liên quan đến tình yêu, mà đây là ngày dành riêng cho những người độc thân trên thế giới. Nó dành cho những ai vẫn chưa kiếm được một nửa của mình hoặc người tôn thờ chủ nghĩa độc thân.
Đây cũng chính là ngày để những người còn đang độc thân tụ họp lại với nhau với mục đích “ăn mừng” sự độc thân hoặc có thể nhân dịp này “tranh thủ” kiếm được một nửa còn lại phù hợp với bản thân mình.
Valetine Đen có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Vào ngày này, những người bạn độc thân sẽ cùng mặc đồ đen, cùng nhau ăn món mì Jachang truyền thống (món mì với nước sốt đậu đen của Hàn Quốc) và chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn của đời FA.
Valentine đen ai tặng quà cho ai?
Nếu như Valentine đỏ 14/2 là ngày để các chị em tặng quà cho phái nam, ngược lại Valentine trắng 14/3 để cánh đàn ông trao gửi món quà cho cô nàng của mình, thì Valentine đen không có bất kỳ quy định nào về việc ai phải tặng quà cho ai.
Chính vì vậy, vào ngày Valentine đen 14/4, những người độc thân thường tụ tập và trao cho nhau những món quà ý nghĩa và độc đáo. Mục đích của những món quà này chính là giúp gây ấn tượng với đối phương, để cả hai có thêm cơ hội trò chuyện và thân thiết.
Ý nghĩa của ngày Valentine đen 14/4
Trên thế giới có hẳn 2 ngày Valentine đỏ và trắng dành để tôn vinh tình cảm của các cặp đôi, cớ gì tự yêu chính bản thân mình lại không có ngày nào để kỷ niệm. Vì vậy, ngày lễ Valentine đen ra đời, giúp những người theo đuổi chủ nghĩa độc thân có được kỷ niệm đáng nhớ. Valentine đen cũng có ý nghĩa cũng tình yêu, nhưng là yêu chính bản thân mình.
Có mặt đầu tiên tại Hàn Quốc, sau đó ngày Valentine đen 14/4 này nhanh chóng được hưởng ứng bởi đông đảo các tín đồ chủ nghĩa độc thân trên toàn thế giới. Cho đến hiện nay, Valentine đen được tổ chức khá lớn ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các nước phương Tây.
Với những ai tôn thờ chủ nghĩa độc thân thì ngày ngày Valentine Đen 14/4 chính là cơ hội để bạn dành cho nhiều hoạt động vui chơi, giải trí thú vị. Bạn có thể mặc những bộ trang phục đẹp nhất, cùng nhóm bạn thân dạo phố, thư giãn cùng các dịch vụ tại spa, đi mua sắm hoặc ăn uống.
Trên thực tế, không phải đợi đến ngày Valentine Đen 14/4 các bạn trẻ độc thân mới có cơ hội tụ tập ăn uống với nhau. Ngay cả vào những ngày Valetine Đỏ (14/2) và Valentine Trắng (14/3), hội những người độc thân vẫn gặp và vui vẻ bên nhau.
Được mời thi công dự án mới đúng lúc đang phải "xoay" tiền trả ngân hàng, lo lương cho hơn 260 nhân viên, nhưng CEO công ty xây dựng - Lê Quang Lộc vẫn từ chối.
"Chúng tôi làm nhiều công trình cho họ rồi nhưng vẫn chưa thu hồi được hết nợ. Nếu nhận làm, lại bị nợ tiếp, càng chết", ông Lộc, Tổng giám đốc Công ty Vietekcons lý giải.
Nói "không" với chủ đầu tư thiếu vốn, nhưng ông Lộc lại phải cạnh tranh bằng mọi giá với những nhà thầu khác để được giao dự án từ các công ty bất động sản còn dòng tiền. Số này hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. "Họ nắm đằng cán, còn nhà thầu chấp nhận làm lỗ cũng chưa chắc có việc", ông miêu tả tình thế của doanh nghiệp xây dựng.
Khi các "ông chủ" trong ngành xây dựng - bất động sản tụt dốc thì những lao động như anh Nguyễn Quốc Tuấn bị ảnh hưởng đầu tiên. Tháng trước, kỹ sư 29 tuổi quyết định rời bỏ công việc giám sát xây dựng sau 6 năm gắn bó với công ty thuộc top 10 Việt Nam.
Anh Tuấn từng nhận lương 20 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng Covid-19 ập đến, thu nhập của anh trồi sụt theo ngành xây dựng suốt hai năm liên tiếp.
Hết dịch, các công trường lại tấp nập. Nhà thầu như ông Lộc hay kỹ sư Tuấn đều hồ hởi. Ngành xây dựng và bất động sản cùng tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào mức tăng GRDP 9% của TP HCM, cao hơn con số 8% của cả nước.
Niềm vui kéo dài không lâu. Thị trường bất động sản lao dốc từ những tháng cuối năm ngoái. Theo dữ liệu của Cushman & Wakefield - công ty nghiên cứu đa quốc gia, thanh khoản căn hộ trong quý IV/2022 chỉ còn 70% so với cùng kỳ dù giá giảm 40-50%. Nhiều chuyên gia nhận định, khủng hoảng trái phiếu cùng với việc lãnh đạo một số doanh nghiệp địa ốc lớn vướng lao lý đã ảnh hưởng đến thị trường
Bất động sản - xây dựng tê liệt, ngành sản xuất công nghiệp của TP HCM cũng suy giảm. Ba "trụ cột" lung lay khiến tăng trưởng của thành phố quý I chỉ đạt 0,7%.
"Đầu tàu" kinh tế rơi xuống chót bảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 8 từ dưới lên trong 63 địa phương. Con số thống kê được 13 năm qua cho thấy, chỉ số tăng trưởng này cũng ở mức thấp nhất, ngoại trừ giai đoạn dịch.
Thực tế, kinh tế thành phố tăng trưởng âm nếu trừ mức lạm phát 4,5%, theo TS Phạm Thị Thanh Xuân, người chủ trì nhóm nghiên cứu báo cáo kinh tế hàng quý của Đại học Kinh tế - Luật TP HCM. "Sức khỏe kinh tế của thành phố hiện tại chỉ tương đương 80% năm 2019 - mức trước dịch", bà đánh giá.
'Cú sốc' của các trụ cột
Tại công ty của ông Lê Quang Lộc, số nhân sự đã giảm gần một phần ba từ sau Tết. Nếu tình hình ba tháng tới chưa khởi sắc, ông lo con số này có thể còn tăng lên.
Khoảng 90% dự án bất động sản tại TP HCM đóng băng, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nêu tại cuộc họp Thành ủy ngày 4/4. Xây dựng và kinh doanh bất động sản cùng tăng trưởng âm gần 20% trong quý I, là những nhóm ngành suy giảm nặng nề nhất.
Chỉ chiếm 3,7% GRDP thành phố nhưng bất động sản là ngành có tác động lan tỏa. Lĩnh vực này gặp khó sẽ kéo theo nhiều ngành sản xuất "chịu trận".
"Thở oxy" là từ Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP HCM (SACA) Đinh Hồng Kỳ miêu tả tình trạng hiện tại của 40% doanh nghiệp trong ngành, theo khảo sát của đơn vị này. "Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải sa thải, hoặc cho người lao động chỉ làm việc 2-3 ngày mỗi tuần", ông Kỳ nói.
Với ngành công nghiệp, từ giữa năm ngoái, đơn hàng xuất khẩu cạn dần do nhu cầu ảm đạm của các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ.
Tại Secoin, một trong những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lớn của TP HCM, nơi ông Kỳ làm chủ tịch, doanh thu từ thị trường nước ngoài sụt 70%, còn doanh số trong nước cũng giảm 60%. Công ty của ông Kỳ là minh chứng cụ thể của việc nền kinh tế TP HCM chịu "cú sốc kép".
Ba tháng đầu năm, 70% ngành công nghiệp quan trọng đều suy giảm, sâu nhất là các lĩnh vực truyền thống gồm may mặc, da giày - khoảng 20%. Khảo sát nhanh của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cuối tháng 2 cho thấy, chỉ còn 65% doanh nghiệp duy trì được lương tháng bình quân từ 10 triệu đồng. Giữa năm ngoái, vẫn có 80% doanh nghiệp trả được mức này.
Một trung tâm thương mại vắng khách, tình cảnh dễ thấy ở nhiều điểm mua sắm của TP HCM trong quý I. Ảnh: Phong Anh
Thu nhập giảm, người lao động thắt chặt hầu bao, ngành dịch vụ - chiếm hai phần ba cơ cấu kinh tế thành phố, cũng đi xuống. Đại diện Guardian - chuỗi bán lẻ có gần 80 cửa hàng ở TP HCM dẫn chứng, kể cả với sản phẩm thiết yếu như dầu gội, người tiêu dùng cũng chọn thương hiệu giá rẻ hơn trước.
Không chỉ các "ông lớn", những hộ kinh doanh như gia đình chị Ngô Thị Hường tại TP Thủ Đức cũng giãn nhập hàng sau Tết. Trước đó, hàng xóm vẫn thường gọi chị giao cả thùng bia vào ngày cuối tuần, nhưng giờ chỉ mua vài lon. Mấy đứa trẻ chỉ mua ly nước ngọt 5.000 đồng thay vì cả chai như trước.
Theo TS Xuân, lương đi xuống, giá cả đi lên cùng đánh vào nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Tình hình tại TP HCM càng khó khăn do lạm phát cao hơn các địa phương khác, vì độ mở kinh tế lớn nhất cả nước.
Quý vừa qua lần đầu ghi nhận sức mua của TP HCM tăng thấp hơn cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ chỉ tăng 5% so với cùng kỳ, trong khi toàn quốc là 14%.
"Chưa bao giờ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa, dịch vụ của thành phố chỉ bằng một phần ba cả nước", TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế theo sát TP HCM từ những năm 80, thốt lên.
Nền kinh tế 'khó tiêu tiền'
Trong khi người dân dè sẻn chi tiêu, doanh nghiệp đói vốn, đầu tư công lại ì ạch khiến dòng tiền không thể chảy vào nền kinh tế.
Từ tháng 9 năm ngoái, lãi suất tiền gửi liên tục lập đỉnh mới, có thời điểm lên đến 12% mỗi năm. Tình hình càng căng thẳng hơn sau sự cố người dân đổ xô rút tiền tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB). Cùng với cuộc khủng hoảng trái phiếu, ngân hàng càng khó huy động tiền. Các chủ doanh nghiệp cũng "sợ" vay vì lãi tín dụng tăng cao.
Hệ quả, ba tháng đầu năm, vốn vay ngân hàng của người dân, doanh nghiệp tại TP HCM chỉ tăng 0,3%, bằng một phần năm cả nước. Ở phía ngược lại, tiền gửi giảm 5% so với cuối năm trước. Đây là những con số thấp bất thường với trung tâm kinh tế của cả nước nhưng phù hợp với mức tăng trưởng vỏn vẹn 0,7% quý vừa qua, theo TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP HCM). Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân nhỏ giọt, huy động vốn cũng ì ạch theo.
TS Huân đánh giá doanh nghiệp hiện không muốn vay để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Bởi lẽ, mặt bằng lãi suất cao, cộng với sức cầu yếu cả trong và ngoài nước. Người dân cũng trong tâm thế chờ lãi suất giảm mới nghĩ đến việc vay để tiêu dùng.
Riêng doanh nghiệp bất động sản, khó lại chồng khó vì cơ chế. TP HCM hiện có hơn 150 dự án đất đai vướng về pháp lý. Bất chấp nỗ lực họp hàng tuần của thành phố nhằm tháo gỡ vướng mắc, ba tháng qua, thành phố chỉ có thêm 5 dự án nhà ở được chấp thuận huy động vốn.
Kinh tế quý I xuống đáy là nguy cơ đã được các chuyên gia chỉ ra cho TP HCM từ cuối năm 2022. Để ứng phó, lãnh đạo thành phố nhiều lần đôn đốc thuộc cấp phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, coi đây như giải pháp "nhóm lại bếp lửa" khi tiền của dân và doanh nghiệp chực "tắt".
Lãnh đạo ra tận các công trình hạ tầng trọng điểm "cầm tay chỉ việc". Nhiều tổ công tác được thành lập, họp mỗi tuần, để tìm và gỡ vướng. Chủ đầu tư giải ngân dưới 30% sẽ bị cắt thu nhập tăng thêm.
Thế nhưng, sau tất cả nỗ lực, ba tháng qua, TP HCM chỉ giải ngân được 4% vốn đầu tư công, khoảng 1.608 tỷ trong tổng số 43.450 tỷ đồng vốn phải tiêu trong 2023. Trong khi đó, mức chi đầu tư phát triển của Đà Nẵng đạt gần 4.000 tỷ đồng, còn Hải Phòng là hơn 3.200 tỷ đồng, dù hai địa phương này có quy mô kinh tế nhỏ hơn nhiều so với TP HCM.
Khi doanh nghiệp thiếu vốn, người dân giảm chi tiêu, công cụ cuối cùng là đầu tư công. Dù vậy, TS Huân nhìn nhận, sự e dè của bộ máy thực thi là một trở ngại, dù chính quyền đưa nhiều chính sách thúc đẩy giải ngân.
Cùng với đó, thủ tục hành chính cũng đang là những rào cản khiến doanh nghiệp chậm tiến bước. Theo khảo sát của HUBA, đất đai và xây dựng vẫn là các lĩnh vực hành chính bị doanh nghiệp đánh giá thấp nhất. Gần 60% đơn vị được khảo sát trả lời hiệu quả hỗ trợ của cơ quan quản lý hai mảng này ở mức kém và trung bình.
Trong khi nhiều địa phương có cải thiện thứ hạng Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 - một trong những chỉ báo đánh giá khả năng xây dựng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của chính quyền, TP HCM lại giảm 13 bậc, xuống vị trí thứ 27. Trong 63 địa phương, TP HCM xếp nhóm gần chót nhiều hạng mục trong cấu phần PCI. Điểm sáng hiếm hoi là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có kết quả tốt nhất cả nước.
Sau hơn một thập niên khởi công và nhiều lần đổi chủ, dự án One Central HCM tiếp tục dừng thi công vào tháng 10/2022. Ảnh: Thanh Tùng
Giải phóng nguồn tiền
"Đoàn tàu đang chạy nhanh nhưng đột ngột phanh lại, mọi gia tốc, quán tính tích lũy đều biến mất hết. Muốn chạy lại như vận tốc ban đầu, phải cần thời gian lấy lại đà", TS Huân nói.
Theo chuyên gia, nghẽn về tiền thì phải khơi lại được dòng tiền. Thời gian qua, giải pháp kích cầu, khuyến mãi của Sở Công Thương để tăng sức mua chưa hiệu quả.
Điểm mấu chốt, theo chuyên gia tư vấn doanh nghiệp Đỗ Hòa, TP HCM cần giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí. Trong khi việc giảm thuế, phí thuộc thẩm quyền cấp Trung ương, giải pháp TP HCM có thể triển khai ngay là tạm thời nới lỏng quy định quản lý đô thị như tăng thời gian, các tuyến đường xe chở hàng, khách du lịch được lưu thông. Theo ông, điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển, qua đó có thể giảm giá bán, có thêm khách hàng trong giai đoạn khó khăn hiện tại.
Quan trọng hơn, khi sản xuất, xuất khẩu phụ thuộc vào "sức khỏe" của các nền kinh tế lớn trên thế giới, các chuyên gia cho rằng TP HCM chỉ có thể làm chủ một công cụ: đầu tư. Đây là cách tốt nhất để đưa tiền vào nền kinh tế.
Chủ tịch TP Phan Văn Mãi cũng xác định khi khó khăn, phải tập trung vào những gì đang có trong tay. Trong đó, đầu tư công sẽ đi đầu, tiếp theo là tháo gỡ vướng mắc cho các dự án của khu vực tư nhân. Hiện, thành phố còn khoảng 42.500 tỷ đồng vốn ngân sách chờ chi tiêu trong 9 tháng cuối năm.
Đại diện nhóm doanh nghiệp xây dựng và vật liệu, ông Đinh Hồng Kỳ mong muốn hoạt động giải ngân đầu tư công quyết liệt hơn. Trong bối cảnh thị trường trong nước và thế giới vẫn chưa rõ khi nào hồi phục, doanh nghiệp càng khao khát tiếp cận các dự án đầu tư công để duy trì việc làm cho người lao động, đi qua khó khăn.
Để giải ngân dòng tiền này, cần vốn và cơ chế, theo TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, đồng thời là đại biểu HĐND. Ông Thắng cho rằng, thành phố không thiếu nhân tài nhưng mấu chốt nằm ở lòng tin của cán bộ công chức. "Yêu cầu dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo được nhắc đi nhắc lại nhưng phạm vi cho phép lại chưa được xác định cụ thể. Kết quả là cán bộ chỉ làm theo đúng quy trình, tiến độ đã được giao, hạn chế nguy cơ bị yêu cầu giải trình, kiểm điểm", ông Thắng nói.
Chính quyền thường giải thích việc tiêu tiền chậm vào quý đầu năm là đúng kế hoạch do giai đoạn này thường làm thủ tục, tiền chưa ra khỏi Kho bạc Nhà nước dù dự án vẫn có tiến triển. Ông Thắng cho rằng cách giải thích này không sai, nhưng bối cảnh hiện tại đòi hỏi sự đột phá của đội ngũ cán bộ.
"Sao cứ phải thận trọng, bám theo kế hoạch mà không chạy nhanh, chạy mạnh ngay từ đầu năm?", ông Thắng đặt câu hỏi. "Làm càng nhanh, càng tốt cho kinh tế. Còn càng kéo dài, càng tổn thất. Hãy khen thưởng cho những người làm vượt tiến độ".
Con số tăng trưởng 0,7% không chỉ là việc của riêng TP HCM, mà còn là vấn đề chung. Với vai trò đóng góp hơn 25% tổng ngân sách của cả nước, việc TP HCM chậm phục hồi sẽ ảnh hưởng lớn đến cả nước.
Vì vậy, ông Thắng đề xuất Trung ương giao quyền tự quyết mạnh hơn cho TP HCM. "Thành phố phải có sự tự chủ cao hơn. Lúc thuận lợi thì khác, còn lúc khó khăn thấy rõ sự phân phối quyền lực, trách nhiệm chưa hợp lý", vị đại biểu nêu.
Cùng quan điểm, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường đánh giá những người chịu trách nhiệm dường như đang ngần ngại nên cần có chính sách khuyến khích thích đáng. Bên cạnh đó, ông khuyến nghị Trung ương nên đặt nặng chính sách tăng trưởng hơn, tức ưu tiên nới lỏng bằng việc tiếp tục giảm lãi suất và cắt giảm thuế, phí cho doanh nghiệp.
TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần công bố định hướng điều hành chính sách tiền tệ rõ ràng để giải phóng nguồn tiền. Khi người dân, doanh nghiệp còn mù mờ về xu hướng lãi suất, không rõ tăng - giảm, họ không thể lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư hiệu quả. Đến khi chính sách được ban hành, doanh nghiệp mới bắt tay vào làm, tác động đến nền kinh tế sẽ có độ trễ lớn.
Tháng ba, bối cảnh vĩ mô bắt đầu "dễ thở" hơn khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành. Các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng chậm lại. Đây là cơ hội để TP HCM giải quyết các vấn đề hiện có, lấy lại tốc độ phát triển trước khi các biến động mới ập đến.
Đầu năm 2023, TP HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5-8%. Thế nhưng, đi hết một phần tư chặng đường, "đầu tàu" kinh tế chỉ tăng 0,7%. Để hoàn thành kế hoạch, 9 tháng còn lại thành phố sẽ phải chạy hết tốc lực, tăng trưởng đều đặn hai chữ số.
Chọn đúng ưu tiên và giải quyết sự trì trệ của bộ máy là hai điểm mấu chốt để TP HCM đi lên từ đáy tăng trưởng quý I, theo TS Trần Du Lịch. "Phải phân bổ, tính toán cụ thể công việc phải làm của từng tháng, từng ngày. Không nói chung chung những câu như đẩy mạnh, tăng cường nữa. Như vậy, cả hệ thống mới có chuyển biến", TS Lịch nói khi tư vấn cho thành phố trong buổi họp đầu tháng 4.