Thứ Năm, 13 tháng 4, 2023

Hàng loạt cổ thụ chết khô ở Hà Nội

Ba cây sưa ở Hồ Gươm và nhiều cây hàng trăm tuổi, đường kính thân hơn 2 m trong công viên Bách Thảo bị chết, chờ chặt hạ.
Ba cây sưa đỏ bị chết nằm rải rác quanh Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm. Cây đối diện ngã 3 Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng (gần cầu Thê Húc) bị chết khô có đường kính 59 cm, cao khoảng 12 m.
Thân cây mọc vươn ra phía hồ, cành khô sà xuống có thể gây nguy hiểm cho du khách dạo ngắm hồ.
Hai cây sưa chết khô gần đồng hồ hoa Thụy Sỹ, sát mép hồ. Một cây đường kính 35 cm, cây còn lại 40 cm.
Phần vỏ cây đã bong tróc gần hết.

UBND quận Hoàn Kiếm cùng các bên liên quan dự kiến chặt hạ ba cây sưa vào ngày 18/4. Phần gỗ, củi của cây sẽ được giao lại cho Sở Xây dựng bảo quản.
Cách khoảng 2 km, trong công viên Bách Thảo, một cây muồng ngủ khoảng 100 tuổi cũng bị chết.

Theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, cây muồng ngủ chết cuối năm 2022. Đơn vị đã cho cắt tỉa cành để tránh rơi vào người.
Cây muồng gốc to khoảng 5 người ôm, nằm sát cổng công viên trên đường Hoàng Hoa Thám. Thông tin về cây vẫn còn thông qua mã QR đặt ở gốc. Trước khi chết, cây muồng ngủ cao 19 m, đường kính tán 23 m, chu vi thân 7,75 m, đường kính thân cây 2,47 m.
Phần gốc cây được dán cảnh báo nguy hiểm. Đây là một trong số những cây cổ thụ hiếm hoi còn sót lại trong công viên Bách Thảo.

Ở Việt Nam, cây muồng ngủ được trồng rộng rãi làm cây xanh đô thị, với nhiều tên gọi muồng ngủ, điệp tây, me tây, còng. Với cành nhánh dẻo dai, cây ít gãy khi trời mưa gió.
Cây xà cừ đường kính hơn một mét, chết đã lâu nhưng chưa được đánh chuyển. Phần gốc cây này đang trở thành chỗ leo của hoa giấy.
Cây cổ thụ chết rải rác trong công viên Bách Thảo.

Xí nghiệp Quản lý cây xanh số 3 - đơn vị chăm sóc trực tiếp các loài cây trong công viên Bách Thảo, cho biết trong công viên có 11 cây cổ thụ đã chết. Đơn vị đã cắt tỉa cành khô, báo cáo Sở Xây dựng để xin phương án chặt hạ, trồng thay thế.
Công viên Bách Thảo rộng hơn 11 ha, được thành lập vào năm 1890, hiện có nhiều loài cây thân gỗ được xếp loại quý hiếm, là nguồn gen có giá trị và lá phổi xanh giữa lòng Thủ đô.

Việt An - Ngọc Thành

Không có nhận xét nào: