Tổ chức công đoàn đưa ra gói 300 tỷ đồng hỗ trợ lao động bị cắt giảm, song điều kiện bị đánh giá quá siết chặt, nên hàng chục nghìn công nhân không thể tiếp cận.
Cuối năm ngoái, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có Quyết định 6696 hỗ trợ lao động gặp khó khăn do doanh nghiệp sụt đơn hàng. Tổ chức công đoàn dự kiến chi tiền mặt cho hơn 100.000 lao động bị ảnh hưởng thời gian từ 1/10/2022 đến 31/3/2023, mỗi người 1-3 triệu đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ 300 tỷ đồng.
Điều kiện để được hỗ trợ, lao động bị giảm và ngừng việc từ 14 ngày trở lên có thu nhập một tháng thấp hơn lương tối thiểu vùng; bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương từ 30 ngày liên tục trở lên do doanh nghiệp ít đơn hàng; bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 3, số liệu ban đầu từ 26 địa phương và công đoàn, 53.592 hồ sơ của người lao động bị giảm, mất việc ở các doanh nghiệp sụt đơn hàng đề nghị được hỗ trợ, với số tiền dự kiến chi gần 80 tỷ đồng. Như vậy, số lượng hồ sơ tiếp nhận chỉ hơn một nửa số dự kiến.
Đáng chú ý, ba địa phương có nhiều lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp giảm đơn hàng là TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai ghi nhận số hồ sơ nộp về không nhiều. Đến 31/3, TP HCM mới tiếp nhận hơn 4.160 trường hợp đề nghị hỗ trợ, Đồng Nai là 6.127 và Bình Dương khoảng 16.000.
Công ty LR Vina ở Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP Thủ Đức, TP HCM) có hơn 6.000 lao động bị ảnh hưởng đợt vừa qua, nhưng sau khi rà soát không người nào đủ điều kiện được hỗ trợ. Bà Nguyễn Thùy Vân, Chủ tịch công đoàn công ty, cho biết rất khó đáp ứng điều kiện công nhân có tổng thu nhập không vượt mức lương tối thiểu 4,68 triệu đồng mới được hỗ trợ.
"Bởi ở công ty, khi lao động nghỉ luân phiên trong tuần vẫn được nhận mỗi ngày 180.000 đồng, thời gian đi làm hưởng nguyên lương. Như vậy, dù nghỉ nửa tháng, công nhân vẫn thu nhập cao hơn mức tối thiểu", bà Vân nói và cho biết mức 4,68 triệu đồng khó để công nhân duy trì cuộc sống ở TP HCM vốn đắt đỏ.
Theo bà Vân, quy định cũng cần xem xét điều kiện không hỗ trợ cho lao động bị cắt giảm nếu được nhận bảo hiểm thất nghiệp. Bởi rất nhiều trường hợp nhận trợ cấp nhưng mức hưởng bằng 60% lương đóng bảo hiểm xã hội, nên chỉ lãnh hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này này khó để người lao động các thành phố lớn đảm bảo cuộc sống.
Lý giải việc công nhân khó tiếp cận gói hỗ trợ, ông Nguyễn Vinh Quang, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam), cho rằng kinh phí công đoàn có hạn và đã chi rất nhiều cho đợt bùng dịch năm 2021 nên ở đợt hỗ này phải chọn những trường hợp khó khăn nhất.
"Lương tối thiểu vùng là tiêu chí phù hợp để xét trong bối cảnh này. Lao động có thu nhập thấp hơn sẽ được bù đắp một phần để đảm bảo được mức sống cơ bản", ông Quang nói. Hiện, các địa phương xử lý hồ sơ đến cuối tháng 4. Sau khi tổng kết, Tổng liên đoàn sẽ đánh giá toàn diện, tháo gỡ và xem xét tiếp tục thực hiện hỗ trợ hay không.
Lê Tuyết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét