Góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giảm điều kiện chờ rút BHXH một lần sau khi lao động nghỉ việc từ 12 xuống còn 3 tháng. Riêng Bảo hiểm xã hội Hà Nội kiến nghị giải quyết 50% tổng thời gian đóng và không phải chờ 12 tháng, phần còn lại bảo lưu đến tuổi lao động hưởng chế độ.
Các cơ quan lý giải nếu bảo lưu 50% thời gian đóng, lao động vẫn nằm trong hệ thống an sinh, có khoản trợ cấp khi già, nên giữ lại quy định 12 tháng không có nhiều ý nghĩa. Ngược lại, thời gian chờ đợi lâu có thể khiến lao động dễ tìm đến tín dụng đen, hoặc bán sổ BHXH lấy tiền trang trải cuộc sống.
Khảo sát năm 2022 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với hơn 200 công nhân rút BHXH một lần tại Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang, Long An cũng cho kết thấy giữa đi vay và lựa chọn rút BHXH một lần, lao động luôn chọn rút. Nếu chưa đủ một năm sau khi nghỉ việc, lao động chọn cách thế chấp sổ BHXH để nhận ngay khoản chỉ bằng 60% số tiền đáng lẽ họ được nhận.
Nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân phân tích Luật Bảo hiểm xã hội các năm 2006 và 2014 quy định chờ 12 tháng để lao động cân nhắc việc rút BHXH một lần. Nhưng những lần dự định hạn chế hưởng BHXH một lần, cộng với thay đổi chính sách như nâng tuổi hưu đã tác động tâm lý lao động khiến tình trạng rút diễn ra nhanh hơn. Vì thế, giữ lại quy định 12 tháng không còn tác dụng vì trước sau người lao động vẫn rút.
Ông Huân cho rằng nếu đặt mục tiêu người già sau tuổi nghỉ hưu đều được lưới an sinh bao bọc thì không thể để tình trạng rút bảo hiểm kéo dài. Cơ quan soạn thảo cần đặt ra lộ trình "chống sốc" cho lao động bằng cách cho rút 50% đến một năm nhất định, sau đó không giải quyết nữa. Ở góc độ soạn thảo, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, dự báo nếu bỏ quy định chờ 12 tháng chắc chắn lao động rút BHXH một lần sẽ tăng cao. Điều này không phù hợp tinh thần Nghị quyết 28/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là tìm cách giảm thiểu tình trạng rút, như giảm số năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 để hưởng lương hưu. Theo tính toán nếu hạ dần năm đóng, số người hưởng một lần sẽ giảm dần từ 10.000 đến 40.000 người mỗi năm.
Ông Cường phân tích một năm là quãng thời gian chờ cần thiết để lao động vừa tìm việc mới, vừa cân nhắc có rút BHXH một lần hay không. Quy định này cũng đồng bộ với bảo hiểm thất nghiệp khi lao động có thể hưởng trợ cấp tối đa 12 tháng. Họ được tư vấn, giới thiệu việc làm để sớm trở lại thị trường lao động.
Thực tế trong số 4,06 triệu lao động rút một lần có khoảng 1,2 triệu người đã quay lại đóng BHXH khi tìm được việc mới. "Nhiều người hưởng BHXH một lần đã đề nghị trả lại tiền để bảo lưu thời gian đóng nhằm hưởng lương hưu nhưng không được", ông Cường nói.
Thống kê giai đoạn 2016-2021, cả nước có gần 4,06 triệu lao động rút BHXH một lần trong khi 4,25 triệu người tham gia vào hệ thống, tỷ lệ một người gia nhập thì một người rời đi. Lao động hưởng BHXH một lần đông nhất ở nhóm 30-40 tuổi (chiếm hơn 40%); độ tuổi 20-30 chiếm 37%; khoảng 15,4% lao động tuổi 40-50; còn lại trên 50 tuổi.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các nước không cho rút BHXH một lần nếu lao động chưa tới tuổi nghỉ hưu, hoặc siết điều kiện hưởng rất chặt chẽ. Hàn Quốc quy định người rút BHXH một lần phải đủ 60 tuổi và chưa đủ 10 năm đóng BHXH hoặc ra nước ngoài định cư. Trung Quốc cho người đóng BHXH dưới 15 năm được dừng đóng và nhận một lần, nhưng khuyến khích duy trì đóng góp bằng nhiều hình thức. Lào, Pakistan chỉ giải quyết khi lao động đến tuổi hưu (nam 60, nữ 55 tuổi) mà không đủ diều kiện hưởng hưu trí.
Hồng Chiêu