Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Tái Hiện Lịch Sử 947 Năm Thời Kỳ Phong Kiến Tự Chủ Việt Nam (938-1885) | Sử Đồ

Lịch Sử Việt Nam Thời Kỳ Sơ Khai Đến Khi Lập Quốc

Chứng khoán bị bán tháo cuối phiên

VN-Index đi ngang gần tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng bất ngờ lao dốc chỉ trong vài phút nửa cuối phiên chiều, đóng cửa giảm 35 điểm.

Đồ thị của thị trường chứng khoán phiên hôm nay là một đường đi ngang kéo dài hết phiên sáng, sau đó là đà lao dốc thẳng đứng, biểu thị cho diễn biến bất ngờ đã diễn ra.

VN-Index mở cửa trên tham chiếu, nối dài đà phục hồi từ cuối phiên hôm qua. Tuy nhiên, lực mua không quá đột biến khi thị trường giao dịch quanh ngưỡng tâm lý 1.100 điểm. Trạng thái giằng co giữ cho chỉ số của sàn HoSE đi ngang đến trước giờ nghỉ trưa. Sang phiên chiều, thị trường tiếp tục giữ nhịp này cho tới trước 14h, rồi đột ngột lao dốc. Áp lực bán tăng dần rồi trở thành một đợt sóng bán tháo ồ ạt.

Lệnh thị trường (MP) - bán bằng mọi giá - được đẩy vào liên tục khiến nhiều cổ phiếu đột ngột giảm mạnh. Nhiều mã đang giao dịch gần tham chiếu bị ép về giá sàn. VN-Index cũng lao dốc thẳng đứng. Chỉ trong hơn 15 phút, chỉ số của sàn HoSE mất hơn 30 điểm, sắc đỏ bao trùm bảng điện.

Khác với những phiên trước khi dòng tiền bắt đáy được kích hoạt mỗi nhịp giảm sâu, đà bán tháo quá mạnh trong vài phút phiên hôm nay khiến nhà đầu tư lo ngại vì không hiểu chuyện gì đã xảy ra. VN-Index, vì thế, chốt phiên ở mức thấp nhất, giảm hơn 35 điểm (3,17%) xuống 1.075,97 điểm. VN30-Index mất gần 37 điểm (3,29%), về dưới 1.090 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index mất gần 3%, còn UPCOM-Index giảm hơn 1%.

VN-Index giảm hơn 35 điểm sau phiên 1/2. Ảnh: VNDirect

VN-Index giảm hơn 35 điểm sau phiên 1/2. Ảnh: VNDirect

Sắc đỏ chiếm áp đảo với 351 mã giảm trên HoSE, so với 89 mã tăng. Riêng nhóm vốn hóa lớn, 23/30 bluechip đóng cửa dưới tham chiếu.

Trong VN30, GVR giảm kịch sàn, SSI mất 6,7%, VPB, MSN, VHM, VRE thấp hơn tham chiếu gần 6%, STB, TPB, VIB giảm hơn 5%, các cổ phiếu ngân hàng khác giảm 3-4%. Ở chiều ngược lại, NVL, HDB, MWG, PDR chốt phiên trong sắc xanh. Trước đó, NVL và PDR có lúc tăng kịch trần trước khi thu hẹp trong nửa cuối phiên chiều.

Trong nhóm vốn hóa trung bình, diễn biến có phần tiêu cực hơn. Nhiều nhóm cổ phiếu chốt phiên ở trạng thái "trắng bảng bên mua". Các mã nhóm thép, xây dựng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp đều lao dốc.

Thanh khoản thị trường tăng cao với giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 17.600 tỷ đồng, trong đó riêng nhóm VN30 giao dịch gần 7.200 tỷ. Khối ngoại giao dịch cân bằng với quy mô mua-bán quanh ngưỡng 1.500 tỷ đồng trên HoSE.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu than 'bị bỏ rơi, chèn ép'

Thị trường xăng dầu vừa qua tái diễn bất ổn và theo các doanh nghiệp, cơ chế điều hành, nhất là ở khâu bán lẻ, đang chưa phù hợp.

Trong và sau Tết Nguyên đán lại ghi nhận tình trạng loạt cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm đóng, treo biển hết hàng. Trước những bất ổn này, nhà chức trách đã quyết định điều hành sớm hai ngày, vào tối 30/1, thay vì tới 1/2 theo quy định.

Sau tăng giá bán lẻ thêm gần 1.000 đồng ngày 30/1, chiết khấu - mức hoa hồng mà đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại cho doanh nghiệp bán lẻ - có trở lại nhưng vẫn thấp, phập phù.

Tại các kho khu vực phía Bắc, mức chiết khấu với dầu diesel khoảng 700 đồng một lít, phía Nam 800-900 đồng. Chiết khấu của xăng chỉ 100-200 đồng mỗi lít. Theo các doanh nghiệp bán lẻ, mức này chưa đủ tiền vận chuyển hàng từ kho về cửa hàng (150-250 đồng một lít tuỳ khoảng cách kho tới cửa hàng). Nếu cộng các chi phí khác như vận hành cửa hàng, chi phí nhân công, hao hụt..., doanh nghiệp bán lẻ vẫn lỗ trên mỗi lít xăng bán ra.

Do đó, họ cho biết mức chiết khấu này chỉ giúp bán cầm chừng, không có lãi và tình trạng này tiếp tục, sẽ tái diễn cảnh thiếu hụt xăng dầu cục bộ như đợt trong Tết Nguyên đán.

Nguồn cơn dẫn tới những bất ổn của thị trường vừa qua được các doanh nghiệp bán lẻ giãi bày tại cuộc làm việc với đại diện Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 31/1. Theo họ, cơ chế điều hành, quản lý hiện nay chưa phù hợp, nhất là ở khâu bán lẻ, thậm chí có doanh nghiệp cho rằng mình "đang bị bỏ rơi, chèn ép".

Xăng dầu là mặt hàng bình ổn và kinh doanh có điều kiện nên doanh nghiệp bán lẻ không được ngưng bán hàng, nếu dừng phải có lý do chính đáng, được sự chấp thuận từ cơ quan quản lý. Không dưới hai lần làm đơn xin tạm ngừng bán nhưng đại diện một doanh nghiệp bán lẻ tại TP HCM sở hữu 8 cây xăng cho biết, họ không được cơ quan quản lý địa phương chấp thuận dù đã nêu lý do "quá thua lỗ, không thể kinh doanh tiếp".

Ông ví tình huống này của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu như ở vào "thế đường cùng", vì bán thì tiếp tục thua lỗ, còn đóng cửa thì bị cơ quan quản lý xử phạt. Doanh nghiệp buộc phải "cắt máu, cắt thịt" duy trì cửa hàng.

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ đang ở vào thế bất lợi, bị triệt tiêu cạnh tranh về chiết khấu, quan hệ giao dịch. Điều này dẫn tới hệ quả, họ bị lỗ kéo dài, thị trường đứt đoạn dù nguồn cung có thể không thiếu.

Ông phân tích, công thức tính giá cơ sở điều hành giá bán lẻ hiện nay gồm các chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, từ các đầu mối xuống các thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ thì quy định chiết khấu lại khó kiểm soát. Đầu mối có thể đơn phương cắt chiết khấu, cũng với lý do bị lỗ.

Một cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội treo biển tạm thời hết xăng hôm 27/1. Ảnh: Phùng Minh

Một cửa hàng bán lẻ ở Hà Nội treo biển tạm thời hết xăng hôm 27/1. Ảnh: Phùng Minh

Bất lợi của các doanh nghiệp bán lẻ, theo ông Giang Chấn Tây, là quy định các doanh nghiệp chỉ được lấy hàng từ một nguồn (đầu mối hoặc thương nhân phân phối), nên rủi ro khi nguồn cung ứng gặp trục trặc, bị bắt chẹt nếu muốn có hàng để lấy.

"Nhà phân phối muốn cho chiết khấu bao nhiêu thì cho, 100 đồng, 200 đồng hay 500 đồng, thậm chí 0 đồng là tuỳ ở họ, chúng tôi không được quyền đàm phán, xin thêm 5 đồng cũng không được. Không chấp nhận thì không lấy được hàng, không có hàng bán thì bị cơ quan chức năng xử phạt", ông Giang Chấn Tây nói.

Tình huống "dở khóc dở cười" được một đại diện doanh nghiệp xăng dầu tại Hà Giang kể, khi lực lượng chức năng đến kiểm tra bồn thực tế thấy không còn hàng, yêu cầu doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với nhà phân phối. Sau khi đàm phán qua điện thoại nhà phân phối đồng ý xuất kho một lô hàng với mức chiết khấu 0 đồng, doanh nghiệp đồng ý chuyển tiền ngay để lấy hàng. Nhưng sau khi lực lượng chức năng ra về, nhà phân phối gọi lại nói từ chối bán hàng, trả lại tiền.

"Họ chỉ đồng ý bán lúc có mặt lực lượng chức năng ở đó để qua mặt họ. Còn sau đó nếu muốn lấy hàng chúng tôi còn phải trả thêm khoản bên ngoài 200-700 đồng một lít, tuỳ thời điểm", đại diện doanh nghiệp này tiết lộ.

Điểm bất hợp lý nữa được các đơn vị bán lẻ nêu, là quy định với các thương nhân phân phối hiện nay, khi họ vừa được bán buôn, mua hàng từ nhiều đầu mối, lại vừa được tham gia bán lẻ. Khi thị trường bất ổn, quy định này dẫn tới tình trạng, khâu trung gian này "cắt" hết hoa hồng, chèn ép nhà bán lẻ.

Chưa kể, thương nhân phân phối được lấy từ nhiều nguồn đồng nghĩa các cửa hàng bán lẻ sở hữu của họ cũng bán từ nhiều nguồn. Trong khi các doanh nghiệp bán lẻ khác chỉ được nhập hàng từ một nhà cung cấp. Thực tế này, theo các đơn vị bán lẻ, khiến họ bị thua thiệt, khi thị trường biến động nhà phân phối có vấn đề là nguồn hàng đứt gãy, xoay xở không kịp.

Từ những bất ổn này, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị, khi sửa Nghị định 83Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu tới đây, cơ quan quản lý cần bỏ hoặc giảm số thương nhân phân phối để hạ chi phí trung gian. Nếu vẫn để loại hình thương nhân phân phối thì không cho các đơn vị này hoạt động bán lẻ, để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh.

Ngoài ra, họ đề xuất ấn định mức chiết khấu cố định tối thiểu cho doanh nghiệp ở mức phù hợp. Tỷ lệ chiết khấu tối thiểu, theo ông Giang Chấn Tây, có thể là 5% hoặc ở mức tỷ lệ hợp lý theo tính toán của cơ quan chức năng, song cần thiết phải có để doanh nghiệp duy trì được hoạt động, được đối xử công bằng trong chuỗi cung ứng xăng dầu.

Đồng thời, doanh nghiệp bán lẻ cần được lấy hàng từ 3 nguồn thaychỉ một nguồn như hiện nay, để triệt tiêu sự độc quyền, đa dạng nguồn hàng và tránh bị động khi nguồn cung căng thẳng.

"Không thể để mãi cảnh doanh nghiệp bán lẻ lấy tiền nhà ra bù lỗ để bán xăng dầu phục vụ thị trường, hay những lúc thị trường gặp khó, chúng tôi còn phải trả thêm tiền cho các nhà phân phối ngoài giá mua để được lấy hàng", đại diện một doanh nghiệp tại phía Bắc nói.

Hiện thị trường xăng dầu có khoảng 17.000 cửa hàng, trong đó có 3.000 cửa hàng của hai doanh nghiệp Nhà nước, còn lại thuộc về các doanh nghiệp bán lẻ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, kiêm Phó tổng thư ký VCCI cho rằng, những vấn đề, bất cập trên thị trường xăng dầu được các doanh nghiệp nêu không còn là chuyện của một vài đơn vị. Vai trò của hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tư nhân cung ứng cho thị trường ngày càng lớn, nên những quy định tới đây khi sửa đổi, theo ông, cần làm rõ vai trò của họ, đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng cho thị trường.

Thêm doanh nghiệp thép báo lỗ nghìn tỷ

Thép Pomina tiếp tục lỗ thêm 460 tỷ quý IV, khiến lợi nhuận cả năm 2022 của doanh nghiệp này âm hơn 1.100 tỷ đồng.

Quý IV/2022, doanh thu của Công ty cổ phần Thép Pomina tiếp tục lao dốc, chỉ còn khoảng 1.800 tỷ đồng, kém hơn một nửa cùng kỳ năm 2021 và cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2010 của doanh nghiệp này. Do vậy, Pomina có quý kinh doanh dưới giá vốn thứ hai liên tiếp với khoản lỗ gộp hơn 240 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế kỳ này của Pomina âm hơn 461 tỷ đồng. Cũng như các doanh nghiệp cùng ngành thép, sóng gió ập đến với Pomina từ giữa năm ngoái khi công ty lỗ lần lượt 61 tỷ và 707 tỷ trong quý II và III. Luỹ kế cả năm 2022, doanh nghiệp thép này lỗ hơn 1.127 tỷ, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 238 tỷ đồng.

Đến hết 31/12, nguồn vốn của Pomina giảm hơn gần 4.000 tỷ so với đầu năm, còn khoảng 11.000 tỷ đồng. Trong đó, công ty này nợ hơn 8.500 tỷ, giảm gần 2.800 tỷ, vốn chủ sở hữu giảm gần 1.200 tỷ, còn hơn 2.500 tỷ đồng.

Trước Pomina, một loạt công ty thép cũng báo lỗ nặng. Ông lớn Hoà Phát lỗ gần 2.000 tỷ đồng trong quý IV năm ngoái. Quý lỗ thứ hai liên tiếp khiến lợi nhuận cả năm của "vua thép" giảm hơn ba phần tư, từ mức hơn 34.580 tỷ đồng về còn khoảng 8.400 tỷ đồng.

Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng báo lỗ hơn 410 tỷ đồng trong quý cuối năm. Luỹ kế cả năm, VNSteel lỗ hơn 820 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lãi gần 860 tỷ đồng. Đây là lần đầu công ty này lỗ kể từ năm 2014 và cũng là mức lớn nhất kể từ khi công bố thông tin vào năm 2011.

Tương tự, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm hơn 350 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 450 tỷ đồng. Với hai quý lỗ liên tiếp, lợi nhuận doanh nghiệp này quay về mức âm sau 10 năm. Cả năm 2022, NKG lỗ 67 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi khoảng 2.225 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán VNDirect dự báo năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn sẽ đối diện với loạt khó khăn trong bối cảnh nhu cầu xây dựng giảm, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng... Kỳ vọng của ngành thép năm nay là giải ngân đầu tư công dự kiến tăng 20-25% so với năm 2022.

Theo VNDirect, về xuất khẩu, trợ lực của ngành là giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc ổn định sau khi mở cửa với nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, phục hồi thị trường bất động sản. Nhưng nhìn chung, ngành thép vẫn khó khăn ở nửa đầu năm và có thể chỉ thực sự khởi sắc vào nửa cuối năm.