Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

Cuộc chiến với cây ngân hạnh

Mùa thu năm 2020, liên quan đến vấn đề cây xanh đường phố, đỉnh điểm có ngày Seoul nhận được trên 30 khiếu kiện của người dân về cây ngân hạnh.
Loài cây này đẹp nhưng trái của nó hễ đụng phải sẽ gây mùi hôi khó chịu. Phía thưa kiện - là người dân - quyết lòng muốn đốn bỏ, trong khi chính quyền ra sức giữ lại "mạng sống" cho 106.205 cây ngân hạnh, chiếm 35% tổng số cây hiện có lúc bấy giờ trên khắp Seoul. Vụ kiện được đặt tên "cuộc chiến với cây ngân hạnh".
Cùng thời điểm, tại Hà Nội, người dân cũng dấy lên làn sóng phản đối khi từng ngày phải chứng kiến 262 cây phong lá đỏ nhập khẩu trụi lá, sống lắt lay. Nhiều chuyên gia cho rằng, nhà quy hoạch đã hời hợt trồng nhanh, tính vội mà thiếu phương án trồng thử, đặc biệt là với giống ngoại lai. Cuối cùng, thành phố phải bứng bỏ gần hết số cây trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ngân sách tốn một khoản không nhỏ.
Hai câu chuyện không hoàn toàn giống nhau về bản chất, nhưng có một đặc điểm chung liên quan đến việc chọn phương án "mặc áo xanh" nào để đô thị vừa đẹp, nhà nước vừa tiết kiệm, lại không gây phiền toái cho người dân.
Cây xanh và hạ tầng đô thị là hai yếu tố song hành, tạo thành một không gian sống. Vấn đề ở chỗ cây xanh là thực thể sống, cần chăm sóc. Chọn loại cây gì, kỹ thuật trồng và chăm sóc ra sao để cảnh quan đô thị luôn được xanh, sạch, đẹp là vấn đề không đơn giản.
Phần vì như vậy, trong phương án trả lại không gian đô thị sau khi tuyến Metro số 1 hoàn thành, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM đề xuất "lắp mái che" dọc vỉa hè đường Lê Lợi, có kinh phí dao động 20-30 tỷ đồng, với lời hứa tạo bóng mát, che nắng mưa, hình thành không gian đi bộ cho du khách và người dân.
Tôi thử hình dung, phố đã rộng, lại thêm các công trình như được đề xuất, mỹ quan đô thị chắc sẽ thêm phần hiện đại. Ở các nước tôi có dịp ghé thăm, công trình kiểu này không phải là mới. Đặc biệt ở Seoul, những ngày "đại tuyết" (ngày tuyết rơi nhiều nhất), được đứng trong những mái che như thế thì còn gì bằng. Song, với xứ nóng, đặc biệt là TP HCM, thì mái che kia liệu có như lời hứa, hay sẽ góp phần tạo thêm sự ngột ngạt?
Trở lại "cuộc chiến với cây ngân hạnh", chính quyền sở tại đã không "chiều" lòng dân, không "đoạt mạng sống" của hơn 100.000 cây ngân hạnh, thay bằng cây đô thị khác, hoặc mở chiến dịch làm mái che. Ngược lại, họ đầu tư kinh phí tuyên truyền cho người dân hiểu vì sao "hôi nhưng vẫn nên trồng". Chính quyền còn đầu tư các trang thiết bị tối tân dùng thu hoạch trái, để bớt gây "khó chịu" cho người bất cẩn đạp phải trái cây.
Và quan trọng là chính quyền đã nghiên cứu rất kỹ phương án cây trồng đô thị để nhìn thấy ưu điểm của cây ngân hạnh. So với nhiều loài khác, cây này không che tầm nhìn bảng hiệu trên các tòa nhà như cây bạch dương (được trồng nhiều nhất tại Seoul vào những năm 1980), không lan phấn hoa như cây liễu rủ, gây dị ứng da cho người đi đường. Cây ngân hạnh còn tạo nên sắc vàng, đánh thức sự lãng mạn vào mùa thu, gây nức lòng du khách. Thân cây cũng dày, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc.
Bây giờ, một trong những điểm nhấn với du khách khi đến Seoul vào mùa thu là sắc vàng của cây ngân hạnh mà không có nhiều nơi trên thế giới này có được.
Hiện, chính quyền nơi đây cũng phát hiện ra chỉ có cây "cái" mới cho quả nên sắp tới, họ sẽ phủ đầy cây đực bằng biện pháp can thiệp phát hiện "giới" thật sớm. Đó là những nỗ lực đáng nể của người Hàn Quốc trong việc tạo không gian xanh đô thị, tạo điểm nhấn cho ngành du lịch của thành phố bên bờ sông Hán này.
Nhiều năm qua, trong quy hoạch không gian sống, đặc biệt là không gian đô thị, Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu lớn: tạo cảnh quan đô thị, xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, thành phố đáng sống, cải thiện môi trường sống, điểm nhấn du lịch... Để đạt được mục tiêu như vậy, không thể thiếu việc "mặc áo" bằng cây xanh cho đô thị.
Khó trồng, khó chăm không thể là lý do để loại bỏ cây xanh, thay bằng phương án dễ làm, tại bất cứ đô thị nào trên thế giới. Điều thật sự cần là tính toán kỹ để chính quyền không tốn kém trồng rồi phải thay, và người dân được hưởng những lợi ích hơn cả mong đợi.

Không có nhận xét nào: