Ngày 02/3, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng OCOP cấp tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo sở, ngành, đơn vị, địa phương; đại diện các chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, toàn tỉnh có hơn 100 sản phẩm được đề xuất tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh. Qua đánh giá, phân hạng có 99 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, nâng số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh lên 205 sản phẩm. Trong đó, 31 sản phẩm đạt 4 sao, 174 sản phẩm 3 sao, tăng 73 sản phẩm so với năm 2021, vượt hơn 2 lần so với kế hoạch giao năm 2022.
Trong năm, Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá, phân hạng, công nhận được 1 sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven của Hợp tác xã (HTX) Thân Trường, huyện Yên Thế; 1 sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân đủ tiêu chuẩn 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận.
Có nhiều chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá là thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo cao. Qua đó, tạo ra phong trào khởi nghiệp sâu rộng ở các địa phương với nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia.
Để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, năm 2023, tỉnh phấn đấu có ít nhất 230 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, tăng 25 sản phẩm so với năm 2022; phấn đấu xây dựng, phát triển ít nhất 01 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Đồng thời tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn…
Tại hội nghị, các chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã tham luận chia sẻ những kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện nâng hạng các sản phẩm OCOP; hiệu quả kinh tế - xã hội sau khi được công nhận sản phẩm OCOP. Cùng đó, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình OCOP. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các chủ thể, các bên liên quan thamg gia vào hoạt động quản lý và phát triển nhãn hiệu cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP…
Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Dương Thanh Tùng cho biết, năm 2022 là năm thứ 4 tỉnh Bắc Giang thực hiện Chương trình OCOP; đây là năm tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP tham gia đánh giá nhất từ trước đến nay. Nhiều địa phương trong tỉnh được Hội đồng OCOP tỉnh ghi nhận với nhiều sản phẩm có chất lượng cao như: Gà đồi Yên Thế; Vải thiều Lục Ngạn; Giấm Kim Ngân; Trà hoa vàng; Ổi Tân Yên của HTX Quyên Phong… Điều đó cho thấy tính đa dạng của các sản phẩm và sự nỗ lực, sáng tạo của các chủ thể, doanh nghiệp khi tham gia phát triển các sản phẩm là thế mạnh của địa phương.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu Chương trình OCOP năm 2023, đồng chí đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội thực hiện Chương trình đảm bảo đúng tiến độ thời gian và hiệu quả.
Đẩy mạnh hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương. Tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; các sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương.
UBND các huyện, thành phố khi tổ chức đánh giá, chấm điểm phân hạng sản phẩm OCOP cần tuân thủ nghiêm các quy định trong Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đảm bảo khách quan, chính xác chất lượng các sản phẩm tham gia Chương trình.
Các chủ thể sản xuất, các HTX, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương.
Các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP; đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các báo, đài, các trang thông tin điện tử ở các cấp, trên mạng xã hội, website của Chương trình nhằm lan tỏa Chương trình OCOP. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung, cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch địa phương.
Tại hội nghị, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh công bố, trao Giấy công nhận 99 sản phẩm đạt OCOP năm 2022.
Nguyễn Miền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét