Chương trước, chúng ta đã đề cập tới khó khăn lớn nhất mà một nhà đầu tư gặp phải là làm sao giữ cho đầu óc tỉnh táo và khách quan khi anh ta thực sự tin vào xu hướng tăng hay giảm của thị trường. Nhưng vô tình anh ta lại cho phép quyết định của mình bị dao động bởi chính những kỳ vọng của bản thân. Một nhà đầu cơ tầm cỡ tại Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn Chicago (Chicago Board of Trade), sau một thời gian dài bi quan cho rằng thị trường bột mì chắc chắn sẽ đi xuống, trong một ngày tình cờ đã làm cho tất cả bạn bè của mình phải ngạc nhiên khi mua lại toàn bộ các hợp đồng đã bán khống trước đây, đồng thời mua thêm một lượng lớn các hợp đồng nữa để tích lũy. Ông ta còn lớn tiếng cho rằng thị trường giờ đã đến lúc đảo chiều đi lên. Trong hai ngày sau đó, ông ta tiếp tục duy trì trạng thái của mình, nhưng thị trường vẫn không nhúc nhích lên chút nào. Vậy là ông ta quay lại tin vào xu hướng đi xuống của thị trường một cách chắc chắn hơn nữa. Xét ở một mức độ nào đó thì hành động của ông ta giống như một phép thử với thị trường, nhưng phần nhiều là phép thử cho bản thân – để xem liệu việc thay đổi chiến lược và hành động ngược với những gì mình đang theo đuổi có thể khiến ông ta tự thuyết phục chính mình thay đổi quan điểm bi quan hiện tại về thị trường hay không. Và khi không thay đổi được, ông ta lại càng thêm chắc chắn về quan điểm cũ và sẵn sàng hành động quyết liệt hơn nữa. Thực ra đó cũng là điều dễ hiểu, bởi nếu cảm thấy thật khó khăn để giữ cho tư duy tỉnh táo và độc lập khi thực hiện các cam kết trên thị trường, thì cũng chẳng dễ dàng gì khi phải làm điều tương tự với những thứ liên quan trực tiếp tới lợi ích cá nhân. Giống như một quy luật, chúng ta có thể tìm ra muôn vàn lý do để làm những điều mình muốn và không làm những điều mình không muốn. Câu ngụy biện: “Dù thế nào điều đó cũng đúng” được hầu hết chúng ta thay đổi thành một câu dễ sử dụng hơn: “Bất cứ điều gì tôi muốn cũng đúng.” Lúc này hẳn trong đầu bạn đọc đã hiện ra tên của một nhân vật xuất chúng, người vẫn thường hành động theo phương châm này. Nếu Smith và Jones có một thỏa thuận miệng với nhau mà sau cùng, thỏa thuận đó hóa ra lại có lợi cho Jones, Smith sẽ luôn luôn nhớ rằng đó chỉ là một thỏa thuận không chính thức và có thể bị xóa bỏ bất cứ lúc nào, trong khi Jones lại cho rằng đó rõ ràng là một bản hợp đồng hợp pháp, và hoàn toàn có thể ràng buộc các bên nếu như nó được viết ra. Talleyrand nói rằng ngôn ngữ có một mục đích đó là che giấu suy nghĩ thật của con người. Và dường như nhiều người cho rằng sự lô-gic được dùng để biện hộ cho những mong ước của chúng ta. Chỉ có một số rất ít người có khả năng tự xem xét bản thân và họ có thể biết được khi nào những chiều hướng có lợi cho bản thân xuất hiện và khi nào nó biến mất. Số người cố gắng làm bằng được điều này lại càng ít hơn. Phần lớn chúng ta đều hướng cách nhìn nhận của mình theo những quyền lợi ích kỷ của bản thân. Đối với chúng ta, vấn đề không phải là liệu chúng ta đã nhận thức đúng vấn đề hay chưa mà là liệu chúng ta có thể “vượt qua nó” để bảo toàn niềm tin của mình hay không. Nhưng khi chúng ta tiến hành hoạt động mua và bán, điều đó sẽ không được phép xảy ra. Thị trường rất nghiệt ngã. Nó sẽ không bao giờ bị sự ngụy biện của chúng ta làm lung lay. Nó sẽ phản ứng lại chính xác hành động của tất cả các lực lượng và cá nhân đang tham gia trong đó. Chúng ta không thể chỉ hành động vì lợi ích của riêng mình như ở những ngành kinh doanh khác – điều duy nhất chúng ta có thể làm đó là khiến những lợi ích của chúng ta phù hợp với tình hình mà thôi. Để có được thành công vĩ đại nhất, một nhà kinh doanh cần phải hoàn toàn quên đi trạng thái của anh ta trên thị trường, quên đi cả lợi nhuận lẫn thua lỗ, sự chênh lệch giữa giá cả hiện tại và mức giá mà anh ta đã mua vào hay bán ra và phải gắn suy nghĩ của anh ta vào trạng thái của thị trường. Nếu thị trường đi xuống, anh ta cần bán ra, bất kể đang có lãi hay là thua lỗ, bất kể đã mua vào cả năm hay chỉ vừa mới hai phút trước. Thông qua hội thoại, chúng ta sẽ thấy một nhà đầu tư bình thường xa rời thực tế trên như thế nào, nó cũng cho thấy rất nhiều lý thuyết về đầu cơ hoàn toàn không đáp ứng được khái niệm này. Một tay môi giới đưa ra lời khuyên: “Anh đã có 5% lợi nhuận rồi, anh nên chốt lời đi thôi.” Điều đó có thể chấp nhận được trong trường hợp bạn không hề hiểu biết gì về thị trường; nhưng chỉ cần có một chút kiến thức thôi thì bạn cũng sẽ hiểu rằng thời điểm chốt lời là khi xu hướng tăng điểm đã đạt đến cực điểm, bất kể trạng thái của bạn có thế nào. “Hãy cắt lỗ đi, hãy để lợi nhuận của anh tăng lên mà không cần phải bù đắp thua lỗ nữa”, đó là câu nói được xem như vô cùng khôn ngoan đối với một kẻ mới vào nghề. Nhưng vấn đề là ở chỗ khi nào thì nên cắt lỗ và nên để lợi nhuận tăng đến mức nào. Nói cách khác, thị trường sẽ làm gì? Nếu bạn có thể biết được điều này thì lỗ và lãi sẽ không còn là vấn đề nữa. Một người nào đó thậm chí đã tính toán rất kỹ càng và tỏ ra rất hài lòng về kết luận mà mình đưa ra rằng 7% là lãi suất tối đa nên duy trì khi đầu cơ vào cổ phiếu Union Pacific còn thua lỗ thì chỉ nên được hạn chế ở 2 hay 1,5%. Không gì có thể ngu ngốc hơn những con số này. Ông ta đang cố ép thị trường phải phù hợp với việc mua bán của ông ta thay vì điều ngược lại, làm cho việc mua bán của ông ta phù hợp với thị trường. Ở bất cứ một văn phòng môi giới chứng khoán nào, bạn cũng sẽ để ý thấy rằng phần lớn các câu chuyện đều xoay quanh lỗ và lãi của các nhà đầu tư. Brown đã lãi tới 10%, vậy mà sau đó lại để nó vuột mất. Anh bạn thông thái của anh ta nói: “Scott vĩ đại ơi! Anh còn muốn gì nữa nào? Anh còn chưa hài lòng với 10% lợi nhuận hay sao?” Cho dù hiếm khi ta nghe thấy, nhưng câu trả lời đáng lẽ phải là: “Tất nhiên là không, nếu tôi biết rằng thị trường sẽ còn lên cao hơn nữa.” Một lần, một tay môi giới nói với một người: “Hãy để họ chốt lời với một khoản lợi nhuận nhỏ thôi. Nếu không họ sẽ giữ chúng mãi và sẽ phải chịu thua lỗ đấy. Họ chẳng bao giờ chịu hài lòng với lợi nhuận có được đâu.” Có thể đó sẽ là một chiến lược tốt nếu như cả người môi giới và khách hàng của anh ta đều không hề hiểu biết gì về thị trường; nhưng sẽ thật là vô nghĩa đối với một người muốn hướng tới tính hợp lý và khoa học, cho dù ở mức độ nhỏ nhất. Sự thực là một nhà đầu tư càng để cho đầu óc anh ta tập trung vào trạng thái của mình trên thị trường bao nhiêu thì những suy luận của anh ta sẽ càng trở nên méo mó bấy nhiêu và kết quả là anh ta sẽ không tiếp nhận những gì đi ngược lại với quan điểm đã định sẵn trong đầu anh ta. Bạn phải thử thì mới biết được bản thân vô lý như thế nào khi đã quá tin tưởng vào một xu hướng nào đó của thị trường. Nhưng trong chứng khoán, kiên quyết có nghĩa là ngoan cố, và sự thực là một người với ý chí mạnh mẽ và tư duy lô-gic lại thường không có được thành công như những kẻ bị xem là nông cạn, dễ dao động và sẵn sàng nghiêng theo chiều gió như một chiếc phong vũ biểu đo thời tiết. Đó là vì trong trường hợp này, những người cương quyết đang tham gia vào một hoạt động kinh doanh trong đó anh ta không thể sử dụng được sức mạnh hay ý chí của bản thân để thực hiện – cái duy nhất anh ta có thể tận dụng chỉ đơn giản là khả năng quan sát thực tế và lý giải nó mà thôi. Thế nhưng, về lâu dài, người có chút đầu óc vẫn sẽ là người thành công hơn, bởi cuối cùng anh ta cũng sẽ học được cách thức tiếp cận những thực tế đó của thị trường với thái độ khách quan và tỉnh táo hơn. Những người với đầu óc đơn giản hơn, sau khi đã đi theo một chiều hướng nào đó của thị trường, thường dễ dàng bị ảo vọng của bản thân làm cho lung lạc. Họ có thể mua vào do giá cả biến động đi lên. Nếu giá đã lên đến một mức nào đó, họ thấy thị trường “có vẻ mạnh” đi kèm với đó là một loạt các tin tức tốt xuất hiện và họ lại hy vọng có được lợi nhuận lớn hơn. Sau khi đã tăng năm điểm, họ lại hy vọng nó sẽ tăng thêm mười, và khi đạt đến mười họ lại muốn mười lăm, hai mươi điểm nữa. Mặt khác, nếu giá cả đi xuống, họ quy kết rằng ai đó đã “thao túng thị trường” hay “phá giá để dễ bề tích lũy” và hy vọng thị trường sẽ phục hồi. Đối với họ, những tin tức xấu dường như là để đẩy cho thị trường xuống thấp hơn nữa. Nhưng đến khi sự giảm sút đó gây ra tổn thất nặng nề cho họ, họ bèn đi đến kết luận rằng: “Nếu ‘HỌ’ có thể đẩy giá xuống mức thấp đến như vậy thì liệu sự chống chọi yếu ớt của chúng ta sẽ có tác dụng gì?” Và thế là bằng một loạt lệnh bán khống, chính những người này lại đẩy giá xuống thấp đúng như chính họ dự báo. Những nhà đầu tư như vậy, hầu hết đều mắc phải sai lầm do họ còn quá trẻ, hoặc do chưa có được sự nhạy bén trong kinh doanh, thậm chí là cả hai. Họ sẽ có cả quãng thời gian dài phía trước để học hỏi, và nếu kiên trì, chắc chắn họ sẽ thành công. Chỉ có điều, đa phần lại không đủ nhẫn nại để đạt được điều đó. Phần đông những người thông minh hơn một chút, những người có thể được coi như những nhà đầu tư thực thụ, không để cho trạng thái của mình làm mờ mắt mà luôn để tâm xem xét tin tức và biến động của hoàn cảnh. Tuy nhiên, họ lại không nhìn nhận một cách đúng đắn yếu tố quan trọng nhất – mức độ tác động của những thay đổi lên giá cổ phiếu. Họ mua cổ phiếu với kỳ vọng là tình hình sẽ tốt lên. Tình hình sau đó quả thực có biến chuyển và giá cả đã tăng. Chiều hướng ngược lại có xảy ra nhưng không có gì quá nghiêm trọng. Tin tức tốt vẫn tràn ngập thị trường. Trong hoàn cảnh đó, họ sẽ thấy chẳng có lý do gì để bán ra cả. Nhưng có thể đã có một lý do vô cùng quan trọng để họ bán ra đó là giá cả đã tăng với mức vừa đủ tương ứng với sự tốt lên của tình hình – và họ sẽ nhận thấy và nắm lấy thực tế đó nếu đang ở trong vai trò của một người quan sát khách quan, không hề có lợi ích gì liên quan. Một trong những lý do cơ bản giải thích tại sao các nhà đầu tư thuộc nhóm này lại cho phép mình đánh giá sai lầm tác động của giá cả là một thị trường giá lên thường cao một cách vô lý trước khi đạt đỉnh. Trong những ví dụ trước, nhà đầu tư có thể đã bán ra ở mức mà anh ta cho là hợp lý, nhưng sau đó lại đứng nhìn thị trường tiếp tục đi lên và tiếc nuối rằng giá mà anh ta giữ lại thì giờ đây đã có được lợi nhuận gấp hai lần. Trong những trường hợp như vậy, những kiến thức chuyên sâu về đầu cơ là rất cần thiết. Nếu nhà đầu tư không có được những hiểu biết này và cũng không thể xin được lời khuyên của ai thì anh ta sẽ buộc phải bằng lòng với mức lợi nhuận khiêm tốn có được và bỏ qua kỳ vọng sẽ nhận được phần lời tối đa. Nhưng với một kiến thức tương đối về thị trường, anh ta sẽ nắm bắt được đà tăng giá của cổ phiếu bất chấp trạng thái của mình và thường có được lợi nhuận cao hơn là khi chỉ đơn giản dựa vào những hiểu biết thông thường. Sai lầm là khi anh ta, vốn không có chút hiểu biết nào, vẫn tự cho phép mình giữ cổ phiếu lại với hy vọng giá sẽ còn lên cao hơn trong khi thực tế là nó đã lên đến mức cao nhất có thể tương xứng với sự cải thiện tình hình lúc đó. Trong số một nghìn nhà đầu tư chắc chắn chưa có tới một người có thể có được kinh nghiệm dày dạn và sự chuyên nghiệp cao tới mức có thể hoàn toàn vượt qua được những ảnh hưởng do trạng thái của mình gây ra đối với suy luận của bản thân. Chúng thường xuất hiện một cách âm thầm và khó nắm bắt. Một trong những khó khăn cơ bản mà một chuyên gia phải vượt qua là làm sao ngăn trí tưởng tượng phong phú của bản thân khiến anh ta tìm thấy những gì mình đang tìm kiếm chỉ bởi vì anh ta đang tìm kiếm chúng. Một ví dụ sẽ làm rõ điều này. Cứ cho là một chuyên gia rút ra từ kinh nghiệm của bản thân rằng sự xuất hiện của “những hố đen” trên thị trường là một biểu hiện cho thấy sự đuối sức của nó. “Những hố đen” ở đây có nghĩa là tình trạng trong đó thị trường, một cách đột ngột, không hấp thụ tiếp cổ phiếu nữa. Một vài trăm cổ phiếu có tính thanh khoản tương đối cao được chào bán. Xu hướng chung hiện tại của thị trường là đi lên, nhưng không có người mua nào xuất hiện cho đến khi giá của nó hạ xuống nửa điểm hay một điểm. Điều này, đối với một cổ phiếu có tính thanh khoản cao là không bình thường; và mặc dù giá của nó có thể hồi phục sau đó nhưng các chuyên gia thì sẽ không quên sự thất bại trong phút chốc đó của thị trường và sẽ không chấp nhận mua vào với mức giá cao như cũ nữa. Đối với anh ta đó là biểu hiện của một thị trường đã “hết lực mua”. Giờ hãy giả sử một nhà đầu tư đã tính toán rằng giai đoạn tăng trưởng của thị trường sắp kết thúc và thực hiện bán khống theo đúng như dự báo của anh ta. Anh ta dự đoán rằng các nhà đầu tư khác giờ đã chất đầy cổ phiếu vào tài khoản của họ, chỉ có điều là không hoàn toàn chắc chắn về điều đó. Trong hoàn cảnh này, bất cứ sự xuống dốc rất nhỏ nào cũng có thể là “hố đen” đối với anh ta, cho dù trong những hoàn cảnh khác anh ta thậm chí sẽ không buồn để ý hay nghĩ ngợi gì về nó. Lúc này, anh ta đang kiếm tìm dấu hiệu cho thấy thị trường đã đuối sức và điều nguy hiểm là ở chỗ trí tưởng tượng sẽ cho anh ta thấy điều mình đang tìm kiếm cho dù nó có thực sự tồn tại hay là không! Điều tương tự cũng xảy ra trong trường hợp ai đó muốn xác định xem thị trường đang ở giai đoạn tích lũy hay phân phối. Nếu bạn muốn một sự phân phối sau đợt tăng điểm mạnh, khả năng rất cao là bạn sẽ nhận thấy nó. Nếu bạn đã bán ra và muốn một phản ứng ngược lại của thị trường để có thể mua lại, bạn sẽ thấy rất nhiều dấu hiệu của sự phục hồi. Có một câu ngạn ngữ mà Phố Wall rất hay sử dụng đó là không có ai tin tưởng rằng thị trường sẽ đi xuống mạnh mẽ bằng anh chàng vừa bán hết cổ phiếu của mình và đang muốn mua lại. Khi nghiên cứu những yếu tố “kỹ thuật” của thị trường như vậy, một tình huống có thể được hiểu theo hai chiều hướng khác nhau. Những dấu hiệu từ cả hai phía đều rất nhiều và cân bằng nhau, một vài dấu hiệu thậm chí còn có thể được lý giải theo hai cách trái ngược; và một nhà đầu tư vào thời điểm đó còn chưa mấy quan tâm tới thị trường sẽ chọn cách mà anh ta cho là khôn ngoan hơn cả, đó là đứng ngoài cuộc cho đến khi nhận thấy những dấu hiệu rõ ràng hơn của xu hướng mà anh ta nghĩ là đang diễn ra. Trong những hoàn cảnh không rõ ràng như thế, bạn sẽ nhận thấy một quy luật gần như bất biến rằng một nhà đầu tư đã tích cực mua vào ít lâu trước đó sẽ lý giải rằng đó là những yếu tố cho thấy thị trường đang đi lên, trong khi một người khác, đã và đang bán khống sẽ nhận thấy dấu hiệu cho dù là mờ nhạt về sự đi xuống của thị trường. Quả là kỳ lạ, nhưng hoàn toàn dễ lý giải. Trong những tình huống như vậy, khi đánh giá của một cá nhân về thị trường đã bị quan điểm của anh ta tác động thì không có câu thần chú nào hiệu nghiệm hơn là “Đừng”. Bởi lẽ, khi một nhà đầu tư đã nhận ra rằng anh ta không còn nhà quan sát khách quan nữa thì có nghĩa anh ta đã đạt được một bước tiến lớn. Nhận thức này sẽ giúp anh ta không mù quáng tin tưởng vào điều mà lúc đó anh ta tin là một sự suy luận hợp lý trong khi lại chỉ đơn giản là một sự thôi thúc quá mạnh mẽ của lòng tham. Các nhà phân tích nhận thấy phần lớn đám đông công chúng thường tin rằng thị trường sẽ còn đi xuống khi nó đã ở đáy, và ngược lại, còn đi lên khi đã đạt đỉnh nên họ lại là những người chiến thắng và đánh bại các triệu phú trong chính trò chơi của mình bằng cách đơn giản là làm ngược lại những gì họ cho là đúng đắn – mua khi cảm thấy cần bán và bán khi cảm thấy cần mua. Tom Lawson – trong thời kỳ hoàng kim của mình – dường như từng có lần mơ tưởng rằng công chúng sẽ bán lại cho các nhà tư bản của tập đoàn Standard Oil những cổ phiều đã mua từ họ và dồn tất cả vào một chỗ – chắc chắn Thomas, với sự nhân ái của mình, là người đầu tiên áp dụng phương pháp bán khống trên thị trường. Nhưng công chúng giờ đây đã không còn ngây ngô và ương ngạnh như xưa nữa. Rất nhiều nhà đầu tư nhỏ mua vào và bán ra một cách thông minh và số lượng người xem việc tham gia thị trường chỉ như trò cá cược may rủi đã giảm đáng kể – chắc ai cũng hài lòng về điều đó, trừ các tay môi giới trước nay vẫn làm giàu nhờ sự ngây ngô của các vị khách hàng đáng kính của mình. Tuy nhiên, có một điều sẽ vẫn luôn luôn đúng đó là thời điểm thị trường có vẻ sung sức nhất cũng là lúc nó gần đạt đỉnh nhất, và thời điểm khi giá dường như bắt đầu rơi tự do là lúc nó gần đáy nhất. Bởi vậy, phương pháp thực tế nhất một nhà đầu tư có thể dùng để áp dụng nguyên tắc này là sẵn sàng bán ra khi niềm tin về xu hướng đi lên của thị trường đã lan rộng khắp nơi, và mua vào khi công chúng đang ở trạng thái bi quan nhất. Nguyên tắc này đặc biệt quan trọng và nhà đầu tư nhất thiết phải ghi nhớ nếu muốn có được lợi nhuận từ những quan điểm của mình về thị trường, vì sẽ đến lúc lợi ích của anh ta trùng khớp với xu hướng giá cả của thị trường. Tóm lại, một nhà kinh doanh hay đầu tư chứng khoán đã nghiên cứu về chứng khoán đủ lâu để đọc cuốn sách này, có khả năng sẽ không thể kiếm lợi nhuận bằng cách đi ngược lại chính suy nghĩ của mình, thậm chí nếu điều đó là có thể; nhưng anh ta có thể cố gắng để đưa ra những đánh giá khách quan, không định kiến và nghiên cứu tâm lý của đám đông, đặc biệt là khi nó được thể hiện qua sự biến động của giá cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét