Hầu hết những người kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp trên thị trường sẽ đều phải thừa nhận rằng những biến động giá cả không đáng kể – dao động trong khoảng từ năm đến mười đô-la – xảy ra ở những cổ phiếu có tính đầu cơ cao – phần lớn đều là do vấn đề tâm lý. Chúng là kết quả của rất nhiều cách phản ứng khác nhau của đám đông, hay nói chính xác hơn là thái độ của những người đang tham gia thị trường tại thời điểm đó. Những biến động giá cả như vậy thường bắt nguồn từ những “yếu tố kinh tế cơ bản” – nghĩa là những thay đổi thật sự trong chính sách trả cổ tức hay sự biến động trong khả năng sinh lời của một công ty niêm yết nào đó. Tuy nhiên, nó cũng có thể hoàn toàn không phải vậy. Thông thường, những biến động lớn trên thị trường trong vòng một vài tháng hay thậm chí là một vài năm là kết quả của những thay đổi trong khía cạnh tài chính; nhưng những biến động nhỏ và ngắn hạn hơn thường là kết quả của những thay đổi trong suy nghĩ của đám đông các nhà đầu tư và kinh doanh, thứ có thể có hoặc không trùng khớp với những thay đổi trong các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Để bạn đọc thấy rõ hơn yếu tố tâm lý đang từng ngày từng giờ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán như thế nào, ta sẽ cùng nghe lại một mẩu đối thoại giữa những người kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp, và đây hoàn toàn là những điều có thể được nghe thấy hàng ngày trên Phố New hay tại các quán cà phê quanh đó. “Thế nào, anh biết được gì rồi?” Một người hỏi bạn anh ta. Câu trả lời là: “Có vẻ như thiên hạ đều đã bán khống và giờ đang nợ cổ phiếu . Vậy nên tôi vừa mới mua lại số cổ phiếu Steel của mình rồi ”. “Những người tôi gặp đều nghĩ hệt như anh. Ai cũng ra sức mua lại vì nghĩ những người khác đã bán khống – trong khi thị trường thì vẫn chưa có dấu hiệu đi lên rõ rệt. Tôi cho là lúc này không mấy người cần mua lại cổ phiếu nữa đâu, và nếu đúng là như thế thì thị trường sẽ còn giảm nữa.” “Đúng thế, chỉ có điều bây giờ ai cũng nói như anh cả – tất cả họ đã bán vì nghĩ những người khác đã mua rồi. Tôi nghĩ bán khống lúc này vẫn có lợi như trước đây thôi.” Rõ ràng là chuỗi tư duy đó có thể sẽ tiếp diễn không bao giờ ngừng. Những thay đổi nhanh chóng trong đánh giá về thị trường của mọi người khiến ta liên tưởng tới trò chơi bập bênh, trong đó mỗi bên lần lượt giành phần thắng cho mình trong chuỗi tư duy liên tục và cuối cùng chẳng có ai đi tới cái đích cụ thể nào cả. Suy luận của hai nhân vật này dựa vào một điểm mấu chốt, họ cho rằng suy nghĩ của một người đang đầu tư (hay đầu cơ) theo giá lên sẽ hoàn toàn khác so với suy nghĩ của một người đang đầu cơ theo giá xuống. Và do đó, trong những cuộc hội thoại như thế này, điều mà họ đang nói tới chính là thái độ của đám đông những người đang tham gia vào thị trường lúc bấy giờ ra sao. Nếu phần đông các nhà đầu tư lướt sóng , vốn rất dễ lung lay, lạc quan cho rằng thị trường sẽ đi lên thì bất cứ dấu hiệu nào của điều ngược lại cũng sẽ khiến họ nhanh chóng bán ra, kết quả là thị trường sẽ đi xuống. Trong khi đó, nếu phần đông những người này cho rằng thị trường đang đi xuống thì một dấu hiệu đi lên sẽ lại khiến họ lập tức mua vào và cùng với nó thị trường sẽ đi lên. Vấn đề tâm lý trong đầu cơ có thể được xem xét từ hai khía cạnh với tầm quan trọng tương đương. Một là, tâm lý của công chúng sẽ có tác động như thế nào tới thị trường? Và một thị trường bị ảnh hưởng bởi tâm lý như vậy sẽ diễn biến ra sao? Hai là, tâm lý của cá nhân một nhà đầu tư hay kinh doanh sẽ ảnh hưởng thế nào tới khả năng có được lợi nhuận của chính anh ta?. Liệu anh ta có vượt qua được trở ngại do chính những kỳ vọng, nỗi sợ hãi, sự dè dặt cũng như ngoan cố của bản thân gây ra hay không?. Và nếu có thì anh ta sẽ làm được tới đâu?. Hai khía cạnh này trong thực tế liên quan tới nhau chặt chẽ đến mức khả năng xem xét chúng một cách riêng rẽ là hầu như không có. Đầu tiên chúng ta cần nghiên cứu vấn đề tâm lý đầu cơ một cách tổng thể, rồi sau đó mới có thể thử đưa ra các kết luận về cả những tác động của nó lên thị trường cũng như ảnh hưởng của nó tới khả năng thành bại của cá nhân các nhà đầu tư. Để cho thuận lợi có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng cách tìm lại nguồn gốc sâu xa của một chu kỳ đầu cơ điển hình, một kịch bản lâu nay vẫn lặp đi lặp lại, hết lần này đến lần khác, hết năm này sang năm khác ở các thị trường chứng khoán và đầu cơ trên toàn thế giới – và có lẽ sẽ còn tiếp diễn chừng nào giá cả vẫn được định đoạt thông qua quá trình tranh giành lợi ích giữa người bán và người mua còn con người thì vẫn mải miết chạy đua tìm kiếm lợi nhuận và tránh xa khỏi thua lỗ. Ban đầu, giao dịch không hề sôi động, giá cả biến động rất ít còn công chúng thì hầu như chẳng để tâm chút nào tới thị trường. Sau đó giá cả có dấu hiệu nhích lên đôi chút, nhưng mơ hồ đến nỗi khó mà cảm nhận được. Không có lý do hợp lý nào giải thích cho điều này và mọi người đều cho rằng nó chỉ là hiện tượng nhất thời gây ra bởi một vài giao dịch của các nhà kinh doanh chuyên nghiệp. Tất nhiên, trên thị trường lúc này, cũng như mọi thời điểm khác, luôn có một lượng cổ phiếu nào đó đã được bán khống, đang “ngủ yên” chờ đợi thời cơ được mua để trả lại. Bởi một cổ phiếu có tính đầu cơ cao hiếm khi có thể thoát khỏi vòng xoáy của hoạt động đầu cơ kiểu này. Tuy nhiên, vào giai đoạn đầu của chu kỳ, hoạt động đầu cơ trong công chúng vẫn còn khá hiếm hoi, chỉ có một số ít người sẵn sàng bán cổ phiếu mình đang sở hữu để hưởng phần chênh lệch khi giá tăng, do đó giá cả đã không hề bị ảnh hưởng bởi hoạt động chốt lời trên quy mô lớn. Tuy nhiên, số ít những nhà kinh doanh chuyên nghiệp thì lại nhìn nhận theo một hướng khác. Cho rằng một sự nhúc nhích nhỏ là điểm sáng duy nhất có thể hy vọng vào thời điểm này và cơ hội dù nhỏ vẫn cần được tận dụng nếu muốn kiếm chút lợi nhuận, họ nhanh chóng đi vay cổ phiếu và bán ra thị trường. Làn sóng đó khiến cho giá cả gần như quay trở về mức nguội lạnh ban đầu. Ít lâu sau, một đợt tăng điểm khác lại diễn ra, lần này mạnh mẽ hơn lần đầu đôi chút. Một số nhà kinh doanh nhạy bén ngay lập tức nắm bắt xu hướng và bắt đầu mua vào. Nhưng công chúng thì vẫn thờ ơ còn lượng cổ phiếu đang chờ được mua lại vẫn tiếp tục “ngủ yên” bởi phần lớn trong số chúng đã được vay để bán ra với giá cao hơn giá hiện tại rất nhiều. Dần dần, giá cả tăng mạnh hơn và bắt đầu ở vào mức cao. Một số người đang nợ cổ phiếu tỏ ra e ngại, họ tiến hành mua vào, hoặc là để bảo toàn một phần lợi nhuận, hoặc là để tránh không thua lỗ. Xu hướng tăng trở nên rõ rệt và một làn sóng mạnh mẽ những người kinh doanh bắt đầu nhận ra điều đó, họ nhào theo con sóng và tích cực mua vào. Công chúng cũng nhận thấy sự tăng giá và một mặt bắt đầu nghĩ rằng thị trường có thể sẽ còn tiến xa hơn nữa; thế nhưng mặt khác vẫn cho rằng cơ hội để mua vào vẫn còn đang ở phía trước khi thị trường có phản ứng điều chỉnh. Chẳng lấy gì làm lạ khi kịch bản ấy không hề diễn ra. Những người chần chừ đã không có được cơ hội để mua vào nữa. Giá cả càng lúc càng vọt lên nhanh hơn. Đương nhiên cũng có những khoảng thời gian nó có vẻ chững lại nhưng cứ mỗi lần như thế thị trường lại có vẻ “quá mong manh để có thể mạo hiểm”. Và đến khi tăng trở lại, giá cả thường diễn biến rất nhanh với mức tăng nhảy vọt khiến cho những-nhà-đầu-tư-hay-do-dự này bị tụt lại phía sau ngày càng xa hơn. Dần dần, ngay cả những tay bán khống lì lợm nhất cũng phải lo lắng trước khoản nợ đang tăng lên từng ngày từng giờ và bắt đầu mua vào với số lượng lớn. Với họ, những kẻ luôn theo dõi sát sao thị trường thì có vẻ như nó đang “sôi lên sùng sục” và có thể lập đỉnh mới vào bất cứ thời điểm nào. Dù niềm tin của họ vào xu hướng giá giảm có chắc chắn đến đâu thì rốt cuộc, họ cũng phải đầu hàng sau khi chứng kiến hết đợt tăng điểm này đến đợt tăng điểm khác. Họ buộc phải mua lại tất cả những gì có thể rồi tự an ủi rằng mình sẽ không phải gánh thêm khoản thua lỗ nào nữa. Lúc này, đám đông công chúng bắt đầu kết luận rằng thị trường hiện nay “quá vững chắc để có thể đảo chiều” và điều duy nhất nên làm là “mua vào bằng bất cứ giá nào”. Suy nghĩ này lại làm xuất hiện một làn sóng mua vào mạnh mẽ hơn nữa và điều này – đến lượt nó – lại đẩy giá cả lên những mặt bằng mới, cao hơn. Để rồi những kẻ nhanh tay mua vào lại có cơ hội hỉ hả với nhau về những món lời kiếm được một cách dễ dàng và nhanh chóng của mình. Có người mua ắt có kẻ bán – hay, nói cho chính xác hơn, có bao nhiêu cổ phiếu được mua vào thì cũng sẽ có bấy nhiêu cổ phiếu được bán ra, bởi ở giai đoạn này, trên thực tế, số lượng người mua lớn hơn rất nhiều so với số lượng người bán. Vào thời gian đầu của đợt tăng giá, nguồn cung cổ phiếu thường nhỏ giọt và thưa thớt; nhưng khi giá cả tăng cao hơn, ngày càng có nhiều người nắm giữ cổ phiếu thỏa mãn với mức lợi nhuận của mình và sẵn sàng bán ra. Những kẻ vẫn gan lì tin vào xu hướng giảm cũng bắt đầu tìm cách hãm bớt đà tăng điểm bằng việc bán khống mỗi khi giá cả vọt lên với hy vọng đó sẽ là đỉnh cao nhất và sau khi đã đạt đỉnh, giá nhất định phải đi xuống. Nhưng những mức đỉnh mới cứ tiếp tục được lập ra và họ tiếp tục chịu sức ép phải mua lại với giá cao hơn hết lần này đến lần khác, mỗi lần chịu thêm một chút lỗ cho đến khi cái đỉnh thực sự được xác lập. Việc bán ra trong giai đoạn này, theo quy luật, không xuất phát từ những người đang nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất. Những người này thường có khả năng phán đoán đủ chính xác hoặc có những mối quan hệ đủ sâu rộng để đảm bảo rằng họ luôn có lợi nhuận; và cả hai điều này đã ngăn cản họ bán ra trong giai đoạn đầu của đợt tăng điểm, khi việc tiếp tục nắm giữ cổ phiếu đang hứa hẹn sẽ còn mang lại những khoản lợi nhuận lớn hơn rất nhiều. Việc giá cả bị đẩy lên cao tới mức nào sẽ tùy thuộc vào tình trạng của nền kinh tế. Nếu tín dụng được thả lỏng và các ngành kinh doanh nói chung đang trong giai đoạn phát đạt thì có thể hy vọng vào một đợt tăng điểm kéo dài; còn nếu các ngân hàng siết chặt cho vay trong khi sản xuất kinh doanh chẳng lấy gì làm sôi động thì sức tăng chắc chắn sẽ chỉ ở một mức giới hạn nào đó. Nếu môi trường kinh tế vĩ mô không thuận lợi thì những đợt bán ra ồ ạt từ những tay bán khống – trên thực tế – sẽ chấm dứt đà tăng của thị trường; nhưng nếu thị trường được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định thì đà tăng sẽ được duy trì cho đến khi xuất hiện lực bán ra từ những người mua cổ phiếu để đầu tư thực sự, và những người này sẽ chỉ bán ra khi cho rằng giá cả đã đạt đỉnh. Ở một khía cạnh nào đó, thị trường luôn là sàn đấu giữa những người đầu tư và đầu cơ. Mối quan tâm chủ yếu của các nhà đầu tư thực sự là tỷ lệ lãi suất , nhưng họ cũng không ngần ngại kiếm lời bằng cách mua thấp bán cao. Những người này sẵn sàng đầu tư vào một cổ phiếu mà họ cho là có tiềm năng ở mức giá có thể đem lại tỷ lệ lãi suất 6% một năm; song họ cũng có thể bán chúng ra ngay lập tức để đổi lấy mức lời chỉ 4%. Trong khi đó, một tay đầu cơ chẳng bao giờ thèm quan tâm tới tỷ lệ lãi suất. Anh ta muốn mua vào trước khi giá tăng và bán khống trước khi giá giảm. Anh ta cũng có thể mua ngay cả khi giá đang ở đỉnh của một đợt tăng điểm mạnh, miễn là anh ta biết sẽ còn những đợt tăng tiếp theo. Bởi vậy, khi thị trường đi lên, các nhà đầu tư lần lượt cảm thấy thỏa mãn với tỷ lệ lãi suất đạt được và quyết định bán cổ phiếu của mình đi. Do đó, lượng cổ phiếu được quay vòng bởi các nhà đầu cơ sẽ liên tục tăng lên tựa như một quả cầu tuyết càng lăn lại càng phình to ra. Thông thường, trong một đợt biến động giá ở mức trung bình, với mức tăng từ 5 đến 20 đô-la một cổ phiếu, giao dịch của các nhà đầu tư là ít hơn nhiều so với các nhà đầu cơ. Cứ mỗi một trăm cổ phiếu bán ra ở mức giá 150, nhà đầu tư thu được 15.000 đô-la; nhưng cũng với số tiền trên, nhà đầu cơ có thể dễ dàng quay vòng lượng cổ phiếu lớn hơn đến mười lần. Lý do khiến lượng cổ phiếu được các nhà đầu tư bán ra thị trường tạo được ảnh hưởng lớn đến như vậy không nằm ở số lượng cổ phiếu được bán ra thị trường vào thời điểm đó, mà bởi vì chúng có lượng cung cố định và không bao giờ bị thiếu cho đến khi giá cả bị xuống thấp một cách đáng kể. Ngược lại, những người đầu cơ có thể sẽ mua lại những gì chính anh ta hay những nhà đầu cơ khác đã bán đi ngày hôm trước. Đến một lúc nào đó, dường như tất cả đều đang mua vào. Giá cả trở nên rối loạn. Một cổ phiếu có thể tăng vọt và khiến những tay bán khống kiên cường nhất cũng phải hốt hoảng. Một cổ phiếu khác cũng tăng mạnh tương tự, nhưng rồi sau đó lại lặng lẽ hạ nhiệt ngay lập tức trong khi còn chưa có ai kịp để mắt tới nó, giống như một chú ếch con bất ngờ nhảy ra khỏi giếng rồi lặn mất tăm. Một vài cổ phiếu khác cũng dao động mạnh không kém, tuy chỉ là quanh một mức nhất định, giống như chiếc tàu khổng lồ chạy bằng guồng nước đang cố thoát khỏi chỗ cạn trên bãi cát ở cửa sông. Nhưng rồi cuối cùng, thị trường cũng phải đi xuống chút ít, nếu không nói là điều chỉnh mạnh, nó tròng trành như thể chiếc thuyền đang bị cơn bão lớn đe dọa nuốt trôi tất cả hàng hoá trên boong. Đây lại được xem như một “sự điều chỉnh tích cực”, mặc dù nó chẳng có lợi cho ai ngoài những nhà đầu cơ theo giá giảm. Nhưng sau chút sóng gió, giá cả lại trở lại mức cao như cũ và mọi người đều hài lòng, ngoại trừ một vài kẻ bảo thủ nhất vẫn còn ảo tưởng về xu hướng đi xuống vững chắc của thị trường. Họ sẽ lập tức bị coi như những kẻ tầm thường chỉ đáng làm chủ đề cho những câu chuyện phiếm. Kỳ lạ thay, dù giá cả đang ở mức cao và mọi người đều đang mua vào nhưng dường như vẫn luôn có đủ cổ phiếu chào bán cho những người mới muốn tham gia vào thị trường. Và một vài tư duy đủ kỳ quặc để dành thời gian làm bận đầu mình với những điều như thế còn nhận ra rằng giá cổ phiếu nói chung giờ đây không còn tăng mạnh như trước nữa, nếu không muốn nói là đang dậm chân tại chỗ. Những tay đầu cơ nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất nhận thấy thị trường giờ đã đủ lớn để hấp thụ lượng cổ phiếu khổng lồ của họ nên đang bán ra dần dần. Và như vậy là vẫn luôn có đủ cổ phiếu quay vòng trên thị trường. Những nhà đại tư bản của chúng ta hiếm khi nào lại ở trong tình trạng “hết hàng”. Họ chỉ đơn giản là có nhiều cổ phiếu hơn khi giá thấp và ít cổ phiếu hơn khi giá lên cao mà thôi. Hơn nữa, rất lâu trước khi nguồn cung cổ phiếu có nguy cơ cạn kiệt, rất nhiều cổ phiếu mới đã ra đời. Khi thị trường đang sôi động với lượng người tham gia đông đảo, một lượng bán chốt lời có thể được hấp thụ trong vòng ba, bốn ngày hay một tuần, sau đó giá cả mới giảm xuống. Nhưng nếu lượng đầu cơ không nhiều, thị trường sẽ có thể trụ vững ở mức đỉnh trong vài tuần, thậm chí là vài tháng. Những người nắm nhiều cổ phiếu sẽ có cơ hội kiếm được những món lợi nhuận lớn nhờ bán dần nhiều đợt với số lượng nhỏ ra thị trường trước khi giá cả chìm sâu. Những tay bán khống quy mô lớn hóa ra lại không phải là những người hùng không thể bị đánh bại. Họ thường bán ra quá sớm và sau đó ngậm ngùi chứng kiến thị trường liên tiếp lập những kỷ lục mới, hoặc là nắm giữ quá lâu và phải chịu thua lỗ nặng trước khi thoát khỏi thị trường. Trong những đợt bán chốt lời như thế này, các nhà đầu tư giá lên sẽ vô tình nhận được rất nhiều sự giúp đỡ không chủ ý từ phía các nhà đầu tư giá xuống. Tuy nhiên, dù những kẻ chịu ơn này có cẩn trọng che giấu động thái bán ra của mình đến đâu chăng nữa thì họ cũng vẫn sẽ bị các chuyên gia phân tích và những người thường xuyên theo dõi biểu đồ diễn biến của thị trường phát hiện. Và một lượng đáng kể các giao dịch bán khống nhỏ lẻ sẽ diễn ra trong khi thị trường dao động trong khoảng một vài điểm quanh mức đỉnh của nó. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao ở những cổ phiếu có tính đầu cơ cao thường có sự biến động giá cả ngắn và ít hơn so với những cổ phiếu khác – và điều này ngược lại với những gì mọi người vẫn lầm tưởng. Hình thức bán khống rất khó tồn tại trong thị trường hạn hẹp. Một khi khoảng trùng trình ở đỉnh thị trường bị phá vỡ, đà sụt giảm sẽ có tốc độ nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng giá trước đó, nguồn cung nhanh chóng tăng lên và cổ phiếu được chuyển qua chuyển lại hết nhà đầu cơ này đến nhà đầu cơ khác với mức giá ngày một thấp hơn. Đôi khi chúng được giữ lại khá lâu bởi bàn tay của những kẻ ngoan cố nhất định chờ giá lên rồi mới bán ra, khiến một bộ phận những người đang nợ cổ phiếu phát hoảng và phải mua ngay lại. Thị trường nhờ vậy mà có được một đợt hồi phục đáng kể. Song nhìn chung, chừng nào lượng cổ phiếu đó vẫn còn trôi nổi trên thị trường thì xu hướng chung của giá cả vẫn sẽ là tiếp tục đi xuống. Trước khi các nhà đầu tư và tư bản đầu cơ tầm cỡ quay trở lại thị trường, lượng cổ phiếu được nắm giữ bởi đám đông các nhà đầu cơ giá lên vẫn tiếp tục tăng lên khá đều đặn. Trong khi đó, nguồn cung trôi nổi các cổ phiếu trên Phố Wall vẫn không hề giảm sút và các giao dịch bán khống cũng ngày càng gia tăng. Dĩ nhiên, các nhà đầu cơ theo giá lên sẽ phải gánh cả lượng cổ phiếu bán khống cũng như lượng cổ phiếu trôi nổi đó, bởi lẽ có kẻ bán ắt phải có người mua, cho dù đó là cổ phiếu đầu cơ theo giá lên hay giá xuống. Trên thực tế, các cổ phiếu đã được bán khống cũng liên tục được mua trả lại mỗi khi thị trường giảm sâu, nhưng trong hầu hết trường hợp các nhà đầu cơ đều trở lại vòng quay và bán khống lần nữa, ở mức giá cao hơn hoặc thấp hơn tùy vào cơ hội mà họ nắm bắt được. Tính trung bình, lượng cổ phiếu được bán khống sẽ lớn nhất khi giá cả ở những mức thấp, mặc dù tại một vài thời điểm trong suốt quá trình đi xuống của thị trường, lượng bán khống sẽ nhiều hơn tại thời điểm thị trường chạm đáy, khi đó, chính lượng cổ phiếu được mua vào để trả nợ lại chính là cứu cánh cho những cơn hoảng loạn cực độ của đám đông. Sự đi xuống của thị trường, cũng giống như lần đi lên trước đó, một lần nữa sẽ phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế cơ bản; bởi nếu nền kinh tế đang vận hành trơn tru thì các nhà đầu tư và tư bản đầu cơ sẽ trở lại thị trường sớm hơn so với khi dòng vốn đầu tư đang khan hiếm và viễn cảnh của các ngành sản xuất kinh doanh không có gì tươi sáng. Như một quy luật, lượng người mua vào sẽ không tăng mạnh cho đến ngày “đại hạ giá”, thời điểm một lượng rất lớn cổ phiếu được bán ra với giá thấp bằng hàng loạt các lệnh bán cắt lỗ. Các nhà kinh doanh trực tiếp trên sàn lập tức nắm lấy cơ hội này để dìm giá xuống và hậu quả là hàng loạt cổ phiếu mất giá mạnh trên diện rộng. Thị trường bỗng nhiên tràn ngập các cổ phiếu rẻ bất ngờ và những nhà đầu tư và đầu cơ khôn ngoan – cả lớn lẫn nhỏ nhưng phần nhiều là lớn hoặc sắp trở nên như vậy – liền mải mê thu nhặt chúng. Giới hạn giá của rất nhiều nhà đầu tư cũng bắt đầu bị phá vỡ do thị trường liên tục phá đáy và họ không thể tiếp tục mua vào nữa. Những người này sẽ không mua vào trở lại cho tới khi một chu kỳ tăng giá mới bắt đầu. Rất nhiều cổ phiếu khống cũng được mua lại tại những thời điểm thị trường thủng đáy như thế này, nhưng không phải tất cả. Và cái kết của một ngày “đại hạ giá” chính là sự xuất hiện một lượng lớn cổ phiếu khống cần được mua lại. Giá cả nhờ thế mà hồi phục đôi chút nhưng khi lượng cầu tạm thời này qua đi, thị trường lại tiếp tục quay đầu đi xuống và rơi vào trạng thái ảm đạm kéo dài. Và đây cũng chính là tình trạng tại thời điểm bắt đầu của vòng quay đầu cơ mà chúng ta vừa phân tích. Những diễn biến trong một chu kỳ của thị trường như trên thường rất giống nhau hết lần này đến lần khác, dù nó có thể kéo dài một tuần, một tháng hay là một vài năm. Một chu kỳ dài thường trải qua rất nhiều giai đoạn chuyển tiếp, những giai đoạn này đến lượt chúng lại bao gồm những vòng quay tương tự. Các nhà đầu tư thường sẽ không tham gia vào một chu kỳ nhỏ, nhưng những yếu tố liên quan tới một chu kỳ biến động giá trong khoảng ba điểm sẽ hầu như giống với những gì liên quan tới một đợt biến động trong khoảng 30 điểm, mặc dù sẽ rất khó để nhận ra chúng. Đến đây chúng ta chợt nhận ra một sự thật hiển nhiên rằng những gì được mô tả ở trên thực chất là câu chuyện về những niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của con người; về những diễn biến tâm lý xuất phát từ chính trạng thái của một nhà đầu tư hay đầu cơ trên thị trường chứ không phải từ những đánh giá khách quan về tình hình thực tế của họ; về sự phản chiếu không hề chắc chắn của một hiện tại chủ quan vào một tương lai bất định dù không phải là hoàn toàn không thể dự đoán trước, được thực hiện bởi trí tưởng tượng phong phú của đám đông công chúng. Tạm thời gạt sang một bên ảnh hưởng của những yếu tố cơ bản của nền kinh tế, nhiệm vụ của chúng ta là tìm kiếm cả nguyên nhân lẫn ảnh hưởng của những yếu tố tâm lý này tới hoạt động đầu cơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét