Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Làm từ thiện đúng cách: Tưởng dễ mà không hề dễ

Miền Trung những ngày qua chìm trong nước lũ và sạt lở tang thương. Những con số thống kê chồng chất đau thương không ngừng tăng. Trong đục ngầu nước lũ và đặc sánh bùn đất có máu thịt của những chiến sĩ đã hi sinh, những người dân tử nạn; có nước mắt đớn đau của đồng bào.



Nấu bánh chưng tiếp tế cho người dân vùng lũ.

Xót thương khúc ruột miền Trung, người dân cả nước đã chung tay “lá lành đùm lá rách”, không ngừng ủng hộ sức người, sức của để cứu trợ cho nhân dân các vùng bị thiệt hại. Khi QL1A còn ngập nước mênh mông đã có hàng đoàn xe cứu trợ chở lương thực, thực phẩm, quần áo, xếp hàng chờ tiếp tế.

Bất chấp giao thông ngập lụt, sạt lở, nhiều nhóm thiện nguyện sau khi huy động được hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng; tìm mọi cách thuê cano, thuê thuyền, xắn quần lội đến những vùng ngập sâu, trao tiền và hiện vật tận tay người dân... Tất cả những điều ấy đã góp phần sưởi ấm lòng người trong thiên tai.

Và câu chuyện “làm từ thiện như nào cho đúng pháp luật” lại một lần nữa được bàn đến khi hàng loạt cá nhân, tổ chức tự phát đều đứng ra vận động quyên góp. Nguy cơ những ồn ào quanh chuyện từ thiện tự phát một lần nữa lại xảy ra.

Lại nóng chuyện từ thiện

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai. Để công tác vận động quyên góp và hỗ trợ đúng quy định và thiết thực, Thủ tướng yêu cầu Trung ương Hội Chữ thập đỏ và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ, bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP.

Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để chỉ đạo, giám sát việc quyên góp, vận động hỗ trợ theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi trong vận động, quyên góp hỗ trợ.

Nhiều người có lẽ đã đặt câu hỏi: “Thiện nguyện là tốt, ai làm được gì thì làm. Tại sao phải chấn chỉnh hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai?”.

Đây không phải vấn đề mới. Cách đây vài năm, Báo PLVN cũng đã có bài phản ánh báo động tình trạng lợi dụng từ thiện để lừa đảo. Khi đó, bà Phạm Thu Bảo Vân - Trưởng nhóm từ thiện Chia sẻ yêu thương khu vực TP HCM đã chia sẻ: “Từ thiện thời nay vô cùng phức tạp. Làm từ thiện sao cho đúng cách tưởng dễ mà không hề dễ. Để giúp đỡ người khác hiệu quả không chỉ bằng trái tim mà còn cần cả lý trí. Và với thực trạng từ thiện hiện nay, người có lòng hảo tâm nên cần tìm hiểu qua một vài tổ chức, nhóm hội có uy tín hoặc qua địa phương, qua bệnh viện, tìm hiểu kĩ lưỡng rồi hãy giúp… để lòng tốt được đặt đúng chỗ.

Hỗ trợ đúng và vừa đủ để tránh tình trạng “nước chảy về chỗ trũng”, đồng tiền không tập trung vào một chỗ mà đến đúng lúc, đúng người cần, điều đó mới đúng với tinh thần thiện nguyện, hữu ích cho đời”.

Với những người đứng ra kêu gọi quyên góp tự nguyện cũng phải đối diện với những vấn đề: Kêu gọi quyên góp như thế có đúng pháp luật không? Phải làm như thế nào khi đối diện với những nghi vấn về tính minh bạch trong sử dụng nguồn tiền kêu gọi được?

Đã có những tấm gương gặp thị phi liên quan đến hoạt động từ thiện như nam diễn viên Phan Anh. Cuối năm 2016, Phan Anh đã kêu gọi được hàng chục tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do lũ quét tại Vị Xuyên, Hà Giang. Nhưng ngay sau đó, nam diễn viên này đã vướng “lùm xùm” chi tiêu thiếu minh bạch số tiền trên. Hay nữ MC Thu Uyên cũng vướng tin đồn “ăn chặn” tiền từ thiện của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Mặc dù cả Phan Anh và Thu Uyên đều khẳng định sự trong sạch của mình.

Để lòng tốt vẹn toàn

Hiện nay, nữ ca sĩ Thủy Tiên đang “gây sốt” trong cộng đồng khi huy động được hơn 100 tỷ đồng ủng hộ miền Trung. Nhiều nghệ sĩ và người nổi tiếng và những cá nhân khác cũng đang ra sức kêu gọi, sẵn sàng đi đến tận nơi có thiên tai để trao tiền, trao quà cho người dân.



Thủy Tiên đi làm từ thiện ở miền Trung trong đợt mưa lũ vừa qua.

Cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương bị thiên tai đã phải khẩn trương thực hiện một loạt động tác để vừa cứu hộ, cứu nạn cho người dân, vừa phối hợp với các đoàn thiện nguyện để tiếp nhận, phân phối hàng hoá cứu trợ.

Ngày 14/10/2020, UBND huyện Hải Lăng, Quảng Trị có công văn: “Phối hợp thực hiện việc tiếp nhận, phân phối hàng hoá cứu trợ mưa lũ” với nội dung: Mấy ngày qua, công tác cứu trợ nhân dân trên địa bàn được nhiều tổ chức, cá nhân đặc biệt quan tâm, có nhiều phần quà được các nhà hảo tâm trực tiếp trao tặng, góp phần giúp nhân dân vượt qua khó khăn. “Tuy nhiên, để đảm bảo điều tiết hàng cứu trợ một cách hợp lý, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đoàn cứu trợ, UBND huyện đề nghị:

Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu hỗ trợ thì liên hệ và hỗ trợ trực tiếp tại Tổ tiếp nhận hàng hóa cứu trợ của huyện do UBMTTQ của huyện là cơ quan thường trực. Trường hợp các tổ chức, cá nhân muốn trực tiếp trao quà cho người dân cũng liên hệ để các cơ quan địa phương sắp xếp lực lượng và phương tiện, đảm bảo an toàn trong quá trình cứu trợ.

Không chỉ huyện Hải Lăng, nhiều địa phương bị mưa lũ ảnh hưởng vừa qua cũng phải kêu gọi các nhóm thiện nguyện liên hệ với địa phương để có thông tin cần thiết như tình trạng giao thông, địa chỉ người dân, danh sách vật phẩm cần thiết...

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã nhanh chóng công bố danh sách các đầu mối của Ban cứu trợ ở các cấp, các địa bàn để các đoàn từ thiện chủ động liên hệ nắm bắt thông tin hoặc nhờ dẫn đường.

Ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban Vận động cứu trợ tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Tại địa phương, việc vận động quyên góp đều thực hiện theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Trong điều kiện Hà Tĩnh còn ngập nặng, Ban Vận động cứu trợ tỉnh cũng phải “đóng quân” tại một khách sạn ở trung tâm thành phố để thuận tiện cho công tác tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp.

Ông Hùng cho biết, con số đóng góp đến MTTQ tỉnh đến ngày 22/10 đã là 15 tỷ đồng. Tất cả các nguồn hỗ trợ sẽ được thực hiện công khai, đúng mục đích, đúng đối tượng để kịp thời giúp đỡ bà con bị thiệt hại bởi mưa lũ, đặc biệt là những khu vực đang ngập nặng và cô lập.

Ngoài những nguồn đóng góp thông qua Ban Vận động cứu trợ, còn rất nhiều đoàn thiện nguyện đến trực tiếp trao quà cho các hộ dân. Để thuận tiện cho các đoàn, Hà Tĩnh đã công bố số điện thoại của các thành viên Ban cứu trợ các cấp trên phương tiện thông tin đại chúng, trên facebook, zalo...

Theo ông Hùng, các đoàn và cá nhân khi đi cứu trợ người dân gặp thiên tai nên liên hệ với địa phương để phối hợp, tư vấn, hỗ trợ. Ngoài thông tin chính xác về tình hình địa bàn và các hộ dân, địa phương còn có thể cử các thành viên Ban cứu trợ, lực lượng vũ trang đi cùng để có phương tiện vận chuyển hàng hóa đến người dân.

“Tôi nghĩ rằng nếu các đoàn thiện nguyện đi một mình, không có phương tiện phù hợp, trong điều kiện mưa gió và địa bàn sông nước như này rất nguy hiểm. Chúng tôi rất cảm ơn các nhà hảo tâm và luôn sẵn sàng phối hợp để công tác thiện nguyện của các đoàn có hiệu quả nhất”, ông Hùng nói.
Hôm qua (22/10), một nam sinh 17 tuổi ở Hà Tĩnh đã bị lật bè chuối tử vong giữa dòng nước lũ. Nỗi xót xa càng nhân lên khi có thông tin cho rằng nạn nhân gặp nạn khi chèo bè đi nhận cơm cứu trợ. Cứu trợ của chính quyền hay cứu trợ của các đoàn tự do? Mặc dù chính quyền địa phương nói thực phẩm đã đưa đến cho gia đình trước đó, nam sinh trên đi thả lưới mới bị đuối nước, nhưng đây vẫn là câu chuyện buồn khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ đến công tác cứu trợ người dân trong thiên tai.

Không có nhận xét nào: