Nhiều kho giữ tang vật, vi phạm giao thông ở TP HCM quá tải, hàng nghìn xe phơi nắng mưa, trong khi việc xử lý vướng nhiều quy định, tốn thời gian.
Nhiều năm qua, hơn 1.300 xe máy phủ đầy bụi nằm chất đống bên trong kho giữ xe tang vật rộng hơn 2.000 m2 của Công an quận 6. Không ít xe vỡ nát giàn áo, hư hỏng dựng thành hàng trong kho có mái che, xung quanh bức tường là dây diện chằng chịt. Do hết sức chứa, hàng trăm xe khác được đưa ra dựng bên cạnh, xung quanh cỏ mọc um tùm. Để phòng cháy nổ, thỉnh thoảng người trông coi kho kéo ống nước xịt để giảm nhiệt.
Cách đó 10 km, hàng nghìn xe máy, ba gác cũng nằm ngổn ngang trong kho tang vật, vi phạm rộng khoảng 3.500 m2 của Công an quận Bình Tân. Bên cạnh xe cũ, bạc màu sơn, nhiều xe tay ga khá mới nằm chồng chất lên nhau. Giữa trời nắng oi bức, một số hàng xe được xếp kéo dài cả trăm mét nhưng không có hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động hay bình chữa cháy mini. Bao quanh kho là hàng rào tôn cao chừng 2 m, phía trong không mái che.
Theo Nghị định 138/2021, kho bãi tạm giữ tang vật vi phạm hành chính phải đảm bảo an toàn, có hệ thống hàng rào bảo vệ, hệ thống phòng cháy chữa cháy... Kho ngoài trời phải bố trí mái che phòng chống mưa, nắng. Tuy nhiên, công an nhiều quận, huyện ở TP HCM chưa có kho, bãi giữ xe tang vật đúng quy chuẩn, khiến hàng nghìn xe phơi nắng mưa nhiều năm qua. Hiện, TP HCM thu giữ khoảng 90.000 xe máy, ôtô vi phạm.
Các kho giữ xe tang vật quá tải tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Hồi tháng 6/2022, khoảng 300 xe máy, 4 ôtô bị thiêu rụi trong bãi giữ tang vật tại TP Thủ Đức của Cảnh sát giao thông TP HCM khi xảy ra hỏa hoạn. Trước đó, bãi giữ xe của CSGT TP Thủ Ðức bốc cháy đã thiêu rụi hơn 70 xe máy cũ, không có giấy tờ.
Đại diện Công an quận 6 cho biết địa bàn quận có nhiều chợ, người dân thường sử dụng xe tự chế, xe không có giấy tờ để chở hàng, bị cơ quan chức năng bắt giữ và tịch thu. Ngoài ra, nhiều chủ xe giá trị thấp bị phạt ở mức cao (theo Nghị định 100/2019) đã bỏ xe, không đóng phạt. Qua thời gian, lượng xe ngày càng tăng trong khi diện tích kho bãi hạn chế, dẫn đến quá tải.
Do chưa có quỹ đất và kinh phí nên quận 6 phải chi trả 107 triệu đồng thuê nơi tạm giữ. Theo quy định, chi phí thuê kho, bãi, quản lý phải lấy từ khoản đấu giá, thanh lý phương tiện. Tuy nhiên ba năm qua, Công an quận 6 chỉ bán đấu giá xe vi phạm được 200 triệu đồng trong khi số tiền thuê hơn ba tỷ đồng. Đơn vị sau đó phải đề xuất Bộ Công an ứng kinh phí bù đắp vào khoản thiếu để duy trì kho.
Ngoài khó khăn khi lưu giữ xe, quy trình phát mãi, xử lý xe tang vật, vi phạm kéo dài cũng dẫn đến tình trạng kho quá tải. Lãnh đạo Công an TP Thủ Đức cho biết, trong 7 kho tang vật, vi phạm của thành phố chủ yếu là xe rẻ tiền, bị bỏ không đóng phạt. Khi một phương tiện quá thời hạn tạm giữ 30 ngày sẽ được cơ quan công an thông báo hai lần, trong vòng nửa tháng trên phương tiện truyền thông để xác minh chủ sở hữu hoặc người quản lý.
Hết hạn một năm kể từ ngày thông báo lần hai, công an ra quyết định tịch thu nếu không xác định được chủ xe. Sau đó, chính quyền phải lập hội đồng gồm nhiều sở, ngành để định giá, giám định, đấu giá, phát mãi phương tiện. Việc này khiến quá trình thanh lý xe tang vật mất khoảng 2 năm, trong khi mỗi tháng lại có khoảng 300 xe đưa về kho nên lượng xe tồn đọng kéo dài.
Về giải pháp, thiếu tá Trần Thái Nam, Đội phó CSGT quận 6, đưa ra đề xuất giảm thời gian xác định chủ phương tiện từ một năm xuống ba tháng để rút ngắn thời gian xử lý, thanh lý xe nhằm giảm tải cho kho chứa. Ngoài ra, thiếu tá Nam cho rằng nên bổ sung một số quy định ràng buộc đối với việc bỏ xe không đóng phạt. Ví dụ, người dân muốn mua xe mới nhưng xe cũ đang bị tạm giữ quá thời hạn thì phải xử lý xe này trước khi được đăng ký phương tiện mới.
"Hình thức này cũng giống việc ôtô bị phạt nguội buộc phải đóng phạt rồi mới được đăng kiểm", thiếu tá Nam nói.
Trước tình trạng này, Ban pháp chế HĐND TP HCM đã thành lập đoàn giám sát tình hình quản lý, bảo quản và xử lý xe tang vật, vi phạm hành chính bị tạm giữ. Đoàn sẽ kiểm tra thực tế nhiều nơi giữ xe tang vật, vi phạm của các quận, huyện và TP Thủ Đức đến hết tháng 3.
Theo bà Phạm Quỳnh Anh, Trưởng đoàn giám sát, hiện mỗi quận, huyện còn gặp nhiều khó khăn khác nhau khi xử lý xe tang vật, vi phạm. Đoàn sẽ tổng hợp các vướng mắc, để bàn với Công an TP HCM tìm biện pháp tháo gỡ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét