Bà Nguyễn Hải Thanh, CEO AVSE Corp cho rằng bất cứ phát kiến vĩ đại nào cũng từng là một ý tưởng, điều quan trọng là phải bắt tay vào thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Hải Thanh (Nicole Nguyễn) hiện là CEO của AVSE Corp - doanh nghiệp xã hội tiên phong về đổi mới và bền vững - được hỗ trợ bởi Tổ chức nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE Global. Bà cũng là Trưởng ban tổ chức Hack4Growth - cuộc thi đổi mới đổi mới sáng tạo do AVSE Global tổ chức, dưới sự bảo trợ của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao.
Bà có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc quản lý các hoạt động và dự án tại các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức phi chính phủ và các công ty khởi nghiệp; đồng thời là nhà tổ chức loạt sáng kiến cho startup tại Việt Nam thời gian qua.
Dưới đây là những chia sẻ của bà Thanh nhằm khích lệ các cá nhân phát triển các ý tưởng sáng tạo:
Gần 50 năm trước, nếu như Arthur Fry không cảm thấy phiền hà vì mẩu giấy đánh dấu sách thánh ca của ông liên tục rơi ra, thì có lẽ giấy note đã không được phát minh. Hai thập kỷ trước, nếu như Mark Zuckerberg chần chừ không biến ý tưởng FaceMash - vốn vẫn còn rất sơ khai, trở thành những dòng code, thì có lẽ Facebook đã không tồn tại.
Trước khi trở thành những nhân vật được ghi tên trong lịch sử nhân loại, bất cứ ai trong số họ cũng là những người bình thường. Tôi không biết họ có chút nào chần chừ không khi bộc lộ những ý tưởng của mình cho mọi người. Nhưng tôi tin chắc rằng, hiện nay có rất nhiều người trẻ đang ôm ấp những ý tưởng lẫn lý tưởng trên mặt giấy, nhưng vẫn chưa đủ tự tin để thể hiện.
Mọi người thường nghĩ ý tưởng của mình là viển vông
Ý tưởng vào lúc đầu chắc chắn phải "có vẻ viển vông, hoang đường", bởi nếu không, nó không thể là ý tưởng mà sẽ là những thứ gì đó người khác đã biết đến. Phát kiến tạo ra máy bay từng bị Ferdinand Foch, đại tướng, Tư lệnh đồng minh của Pháp trong Thế chiến thứ nhất cho rằng chỉ là món đồ chơi và chẳng hề có tác dụng thật sự. Trước khi bóng đèn sợi đốt ra đời, người ta cũng từng không tin rằng sẽ có cái gì đó có thể phát sáng, trừ lửa.
Bạn nghĩ ý tưởng của mình là viển vông, nên không dám công khai? Nếu không viển vông, thì đó chắc chắn không phải là ý tưởng.
Lo lắng ý tưởng của mình là nhỏ bé
Việc người khác trông đợi vào những điều lớn lao đôi lúc khiến chúng ta nghĩ rằng những thứ nhỏ bé bản thân đang sở hữu sẽ khiến họ thất vọng. Nếu không có những ý tưởng nhỏ bé đó, thì bất kỳ sứ mệnh lớn lao nào cũng không thể thực hiện được.
Để có một cánh đồng bát ngát và mùa gặt bội thu, chúng ta phải chấp nhận gieo từng hạt lúa. Chẳng có ý tưởng nào hoàn hảo và đủ vĩ mô để chỉ mình nó là có thể thay đổi cả thế giới. Ý tưởng nhỏ bé của bạn sẽ không thay đổi hoàn toàn một cục diện nào đó, nhưng chắc chắc nó sẽ thay đổi một phần. Ý tưởng của người khác cũng thế. Vì vậy, hãy yên tâm và tự tin trước những ý tưởng bé nhỏ của mình.
Ý tưởng của bạn xứng đáng được biết đến
Bên trong mỗi người, luôn có "một đứa trẻ đang gào thét đòi thoát ra". Đứa trẻ ấy có những ý tưởng điên rồ, có thể mang lại điều khác biệt cho thế giới. Nhưng bản thể người lớn của bạn, với những lo toan, trù tính và sợ hãi, liệu có quyết định giam cầm đứa trẻ ấy lại vĩnh viễn. Những ý tưởng đó có thể sẽ chỉ nằm trong trí nhớ, quyển sổ tay hay một ghi chú trong máy tính. Chúng ta được dạy rằng hãy trưởng thành lên, bớt hoang tưởng lại, và ổn định cuộc sống đi. Nhưng không ai nói với chúng ta rằng, nhân lúc còn trẻ, còn sức lực, còn đam mê và còn đủ liều lĩnh để "điên", thì hãy mở cánh cửa kia ra, để "đứa trẻ" bên trong bạn tung hoành một lần cuối.
Dù là một ý tưởng tồi, nhưng không có nghĩa quá trình thực hiện ý tưởng đó không thú vị. Nếu lo lắng thất bại, startup đừng nghĩ đến kết quả mà hãy bắt tay vào thực hiện ý tưởng và tận hưởng quá trình biến ước mơ thành hiện thực. Dù sau đó bạn có được công nhận hay không, thì bạn cũng đã có được khoảng thời gian hạnh phúc, ít nhất thì bạn đã thử rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét