Những năm qua, cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều hình thức hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Từ các hoạt động của hội đã tạo động lực cho nhiều chị em mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo ở các quy mô lớn hơn mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm cho nhiều lao động.
Để thu lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng như hiện nay, chị Nguyễn Thị Yến, hội viên phụ nữ tổ 31, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, chủ cơ sở sản xuất cầu đá, cầu lông bước đầu khởi nghiệp gặp không ít khó khăn. Chị Yến cho biết: Lúc đầu, khó khăn nhất với chị là vốn rồi đến thị trường tiêu thụ. Cũng may mắn là sự có mặt kịp thời của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường đã giúp chị kết nối vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất. Lúc đầu được vay 20 triệu đồng, sản xuất, kinh doanh có lãi, chị được vay lên 50 triệu đồng để mở rộng quy mô. Chị đã trả hết vốn vay, thu nhập mỗi năm một tăng và tạo việc làm cho 30 lao động với thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên. Chị Yến cho biết thêm: Cũng từ tổ chức hội phụ nữ, chị được tham gia tập huấn khởi sự doanh nghiệp, được giao lưu, học tập và mở rộng mối quan hệ giúp chị tự tin hơn trong sản xuất, kinh doanh.
Còn tại xã Đông Hà (Đông Hưng), từ chăn nuôi ngan, gà, vịt, cá, chị Nguyễn Thị Vân, hội viên phụ nữ thôn Liên Hoàn đã thu lãi từ 200 – 300 triệu đồng/năm. Chị Vân cho biết: Để đạt được thành công rất cần phải có sự giao lưu, học hỏi, chia sẻ của mọi người. Chính vì vậy, tôi luôn nhiệt tình tham gia và động viên mọi thành viên trong gia đình tham gia các hoạt động của địa phương. Đặc biệt tham gia các phong trào, các cuộc vận động mà các tổ chức phát động như cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của hội phụ nữ, phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương… Qua sinh hoạt chi hội phụ nữ và được tham gia học tập các chuyên đề do hội phụ nữ xã tổ chức, tôi đã tiếp thu được nhiều kiến thức rất bổ ích, thiết thực nhất là các chuyên đề về chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, các kiến thức để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Theo chị Nguyễn Thị An, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Thái Bình: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp được Hội LHPN thành phố xác định là nhiệm vụ ưu tiên xuyên suốt trong quá trình công tác. Bởi vậy, Hội LHPN thành phố đã chỉ đạo các cấp hội thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ phát huy nội lực, chủ động tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tổ chức các phong trào thi đua để vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống; các mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã… tạo điều kiện cho phụ nữ được nâng cao kiến thức, tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo báo cáo của Hội LHPN tỉnh, để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đạt hiệu quả, năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn cho 68 chị là thành viên ban quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; phối hợp tổ chức tập huấn cho 473 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, cán bộ, hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh tiêu biểu. Các cấp hội tiếp tục quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ủy thác của các ngân hàng với dư nợ hơn 1.962 tỷ đồng cho 52.747 thành viên vay. Quỹ Hỗ trợ phụ nữ tỉnh Thái Bình (trực thuộc Hội LHPN tỉnh) đã cho 883 thành viên vay 10,23 tỷ đồng để xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh hộ gia đình và phát triển kinh tế. Cùng với đó, các cấp hội tiếp tục vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia nhiều hình thức tiết kiệm với dư nợ hơn 161 tỷ đồng, đẩy mạnh các hoạt động tương trợ giúp đỡ nhau thông qua các hình thức với giá trị hơn 4,3 tỷ đồng để chị em phát triển kinh tế.
Đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, trong thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục khảo sát, lựa chọn đối tượng để tham gia lớp khởi sự kinh doanh, quản lý kinh doanh và có hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Đặc biệt quan tâm đến hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn có ý chí tiếp cận thị trường, ưu tiên cho các mô hình kinh tế tập thể, hộ kinh doanh có ý tưởng sáng tạo hiệu quả, hộ tham gia vào các ngành nghề tạo ra sản phẩm chủ lực của địa phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét