Dù khởi nghiệp khó khăn nhưng họ chung hoài bão xây dựng thương hiệu riêng, mang lại giá trị cho sản phẩm đặc trưng; tạo việc làm cho vùng nông thôn
Xuất thân từ vùng nông thôn, ông Đào Nguyên Quang Kiệt (SN 1979; chủ cơ sở tre, gỗ Cường Thịnh; xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) không còn xa lạ với các vật dụng chân quê được làm thủ công từ tre, dùng trong sinh hoạt hằng ngày, như đũa, muỗng, ống đũa, thúng... Vì vậy, ông quyết chí khởi nghiệp từ chính loài cây gắn bó với quê hương này.
Lập doanh nghiệp từ 150.000 đồng
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ông Kiệt trải qua nhiều công việc. Trong một lần đi thực tế ở khu vực Tây Nguyên, ông bắt gặp nhiều sản phẩm của người dân tộc thiểu số làm bằng tre rất độc đáo. Kể từ lần ấy, trong đầu ông luôn đau đáu cho một tương lai với các sản phẩm từ tre.
Năm 2006, ông Kiệt bỏ ngang công việc đang ổn định, trở về quê hương để thỏa niềm đam mê với sản phẩm từ tre. Song, khó khăn đầu tiên ông vướng phải là nguồn vốn. "Khởi đầu với số vốn vỏn vẹn 150.000 đồng, tôi chỉ mua được chiếc máy mài cũ để gia công sản phẩm. Cơ sở vật chất chủ yếu sử dụng những thứ có sẵn của gia đình. Thời điểm này, chủ yếu tôi chỉ gia công đồ dùng thiết yếu gia đình, quà tặng nhỏ... theo đặt hàng của nhiều người quen trong địa phương" - ông Kiệt kể.
Loay hoay hơn 7 năm, ông Kiệt cũng tích lũy được một ít vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Sản phẩm của cơ sở dần được nhiều người biết đến, đơn đặt hàng ngày một tăng, ông phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm như: đồ dùng dạy học; đồ chơi gỗ; quà tặng du lịch; đồ nội thất, dịch vụ quán ăn, nhà hàng... Hiện nay, mỗi tháng cơ sở của ông Kiệt nhận được hơn 2.000 đơn đặt hàng trong nước. Ngoài ra, ông còn nhận đặt hàng xuất khẩu sản phẩm sang Canada, Nhật Bản, Ý… Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo việc làm ổn định cho 55 người tại địa phương.
Mày mò sáng tạo
Không học qua trường lớp thiết kế nhưng qua đôi bàn tay khéo léo, anh Nguyễn Hữu Minh (SN 1994; ngụ xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) đã thổi hồn vào các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng tre nứa của mình với sự sinh động, độc đáo và đẹp mắt...
Theo anh Minh, qua gần một năm khởi nghiệp, đến nay đã có hơn 40 mô hình thủ công mỹ nghệ bằng tre, trúc được khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua. Điểm độc đáo và thu hút khách chính là sự chuyển động của các vật thể trên mô hình, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân như cối xay bột, giã gạo, chiếc xuồng, lu nước...
Anh Minh kể trước đây tình cờ thấy mô hình mỹ nghệ làm bằng tre trên internet, bản thân anh rất thích và muốn mua về trưng bày. Tuy nhiên, do việc vận chuyển khó khăn nên anh không sở hữu được sản phẩm yêu thích. Để thỏa đam mê, anh mày mò làm thử một vài sản phẩm. "Lúc đầu thực hiện mô hình thủ công mỹ nghệ bằng tre trúc chỉ vì thích. Sau khi đăng lên mạng xã hội thì được bạn bè khen và đặt hàng khá nhiều nên tôi tích cực sản xuất để đáp ứng nhu cầu khách hàng" - anh Minh nhớ lại.
Bắt tay vào thực hiện ý tưởng, anh Minh cũng gặp nhiều khó khăn. Thời gian đầu, anh sử dụng loại tre có sẵn ở địa phương nhưng kết quả không như mong đợi do dễ bị nứt. Dần dà anh cũng hoàn thiện kỹ thuật chế tác, tìm ra nguồn nguyên liệu thích hợp.
Theo ông chủ trẻ này, công đoạn khó nhất của các mô hình tre nứa cỡ nhỏ (kích thước 20 cm x10 cm) dùng để bàn là gắn động cơ hỗ trợ. Riêng những mô hình lớn đặt vào hồ cá, hồ nước thì công đoạn tạo bộ trục quay là khó thực hiện nhất. Mất nhiều thời gian học hỏi, nghiên cứu, cuối cùng anh chọn giải pháp sử dụng nhông để gắn vào bên trong sản phẩm giúp toàn bộ mô hình chuyển động, tạo nét độc đáo.
Về giá, anh Minh cho biết đối với mô hình lớn phải mất 2 tuần mới hoàn thành nên bán khoảng 3 triệu đồng/sản phẩm. Mô hình nhỏ, làm nhanh nên rẻ hơn, dao động từ 250.000-300.000 đồng/sản phẩm. "Mỗi nghề đều có những khó khăn nhất định, vấn đề là bản thân phải có sự đam mê và kiên trì thì mới thành công. Thời gian tới, để khách hàng biết đến sản phẩm của mình nhiều hơn, ngoài việc tận dụng mạng xã hội để quảng bá, tôi dự định làm thêm khoảng 20 mô hình loại nhỏ để giới thiệu tại địa phương" - anh Nguyễn Hữu Minh nói.
Không chạy theo phong trào
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, chính quyền địa phương xác định thúc đẩy khởi nghiệp trên nền tảng đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị. Theo đó, các phong trào khởi nghiệp không chỉ là chuyện của doanh nghiệp mà là chuyện của địa phương theo phương châm "bước qua rào cản tư duy nhiệm kỳ", chính quyền các cấp cần là cầu nối để đồng hành cùng các dự án khởi nghiệp. Xây dựng địa phương khởi nghiệp không có nghĩa là Đồng Tháp chạy theo phong trào mà sẽ hướng tới phát triển chiều sâu, căn bản, khuyến khích sáng tạo phù hợp với thực tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét