Anh Trần Văn Đức (sinh năm 1988, ngụ ấp 1, xã Vĩnh Xương, An Giang) khởi nghiệp thành công với mô hình nghề chế biến cá khô để làm giàu trên quê hương.
Nghề chế biến cá khô từ lâu trở thành nghề truyền thống ở xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu, An Giang). Đã có nhiều gia đình vươn lên làm giàu từ nghề cá khô cũng như những thanh niên trẻ nuôi chí lập nghiệp từ đây. Điển hình là mô hình khởi nghiệp với nghề chế biến cá khô để phát triển kinh tế của anh Trần Văn Đức (sinh năm 1988, ngụ ấp 1, xã Vĩnh Xương).
Sau khi học hết lớp 12, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không thể theo đuổi ước mơ ở giảng đường đại học, nhưng ý chí làm giàu trong anh Đức lúc nào cũng mãnh liệt. Với ý nghĩ đó, anh chọn cho mình nghề chế biến cá khô, nghề truyền thống của gia đình và quê hương. Năm 2010, anh Trần Văn Đức quyết định khởi nghiệp, thành lập Cơ sở sản xuất khô Đức Phát với các sản phẩm khô mang đậm hương vị dân dã truyền thống được người tiêu dùng đón nhận.
Sau 10 năm xây dựng và không ngừng đầu tư phát triển, anh Trần Văn Đức đã thành công với đứa con tinh thần của mình. Nhớ lại những ngày đầu khi nối nghiệp nghề cá khô của gia đình anh đã gặp không ít khó khăn: sản phẩm cá khô qua chế biến bị hư hỏng, thời gian sử dụng ngắn, quy trình tẩm ướp chưa đạt yêu cầu.
Anh Đức chia sẻ: “Thời gian bắt đầu khởi nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn dù được thừa kế kinh nghiệm của cha mẹ để lại. Bởi, kinh nghiệm bản thân còn yếu. Kế đó là việc tìm mua nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm. Với những con cá đồng ngày xưa, rất dễ để làm khô. Còn cá nuôi như hiện nay quy trình sản xuất khó hơn do thịt không săn chắc, hàm lượng mỡ cao hơn cá đồng nên quy trình muối đòi hỏi chặt chẽ hơn, nhiều công đoạn hơn”.
Sau nhiều lần thất bại, chàng trai trẻ đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong quy trình chế biến. Đối với công thức tẩm ướp, gia vị được xem là yếu tố tạo nên sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại. Để sản phẩm khô đạt như mong đợi, những mẻ khô đầu tiên, anh đã gửi cho bạn bè, người thân dùng thử. Từ sự phản hồi đó, cùng với những “bí quyết” được cha mẹ truyền lại, cộng với sự mày mò, học hỏi, nghiên cứu thêm, anh Đức đã có được công thức tẩm ướp riêng mình. Xác định khô là mặt hàng dễ bị cạnh tranh nên sản phẩm không chỉ có công thức tẩm ướp tốt mà nguyên liệu đầu vào cũng phải đảm bảo.
Anh Đức bộc bạch: “Không thông qua thương lái như trước mà mua trực tiếp từ vùng nuôi nên nguyên liệu làm khô giờ khá ổn định. Nhờ uy tín và sự ổn định về chất lượng nên khách hàng tin tưởng, từ đó đầu ra cho sản phẩm rất ổn định. Thị trường của tôi hiện nay ở TP. Long Xuyên và TP. Hồ Chí Minh là nhiều nhất”.
Quá trình thành phẩm khô của anh Đức được thực hiện theo một quy trình an toàn và sạch. Cá được ủ bằng nước đá và muối ngăn không cho cá sình, hư. Nơi làm cá được xây từ gạch bông chống trơn trợt và bẩn. Chất thải được thải xuống ao nuôi cá cho các loại cá khác ăn và tiếp tục phát triển. Đầu cá lóc được giữ lại ủ thành mắm. Cá sau khi được làm sạch, được tẩm ướp, mang ra phơi nắng từ 1-3 ngày; phơi ngoài trời nắng, che phủ bởi màng kín chống bụi bẩn. Khi kiểm tra cá khô đã đủ nắng, sẽ đưa vào kho đóng gói theo hình thức hút chân không để thời gian bảo quản được dài hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với cách nghĩ, cách làm của riêng mình, anh Đức đã từng bước phát triển nghề chế biến cá khô của gia đình. Hiện nay, việc kinh doanh đã ổn định và phát triển, mỗi tháng Cơ sở sản xuất khô Đức Phát của anh cung ứng cho thị trường bình quân từ 2-3 tấn khô, với sản phẩm khô chủ lực là cá sặc rằn và cá lóc, đồng thời cơ sở còn chế biến thêm cá loại cá khô theo mùa như: cá chốt, cá lăng, cá chạch… Vào những dịp lễ, Tết, đơn hàng của cơ sở tăng gấp đôi so với ngày bình thường.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xương Châu Văn Nguyên cho biết: “Xã Vĩnh Xương là địa phương có truyền thống đối với nghề khô. Thời gian qua, địa phương đã tạo điều kiện cho những doanh nghiệp chế biến cá khô phát triển, trong đó có cơ sở cá khô của anh Trần Văn Đức.
Anh Đức là thanh niên trẻ, có ý chí vươn lên làm giàu, phát triển ngành nghề truyền thống của quê hương. Cơ sở của anh còn tạo việc làm thêm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương có được thu nhập ổn định. Đặc biệt, khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được cơ sở đặt sức khỏe người tiêu dung lên hàng đầu. Ngoài ra, địa phương liên kết với các ngành chuyên môn mở lớp tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên cho các cơ sở”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét