Chia sẻ của ba nhà khởi nghiệp đã xây dựng nên những mô hình kinh doanh nhằm đối phó với sự cô đơn trong đại dịch COVID-19.
Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nơi đã quay trở lại áp dụng các biện pháp cách ly xã hội. Trong khi cách ly xã hội là một thách thức đối với nhiều người, một số khác đã biến cuộc khủng hoảng thành một cơ hội lớn. Dưới đây là chia sẻ của ba nhà khởi nghiệp đã xây dựng nên những mô hình kinh doanh nhằm đối phó với sự cô đơn trong đại dịch COVID-19.
Khắc phục khoảng cách về vật lý
Ngay cả trước khi virus corona bùng phát, sự cô đơn đã trở nên ngày càng phổ biến trong xã hội. Trong thời đại của kết nối và các ứng dụng xã hội, sự cô đơn càng có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Ngày nay, gần hai phần ba (61%) người trưởng thành ở Mỹ cho biết họ cảm thấy cô đơn - tăng từ con số 54% trong năm 2018.
Điều đó có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người. Các nghiên cứu cho thấy những người mắc chứng cô đơn có thể dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe hơn, chẳng hạn như đột quỵ, bệnh tim và tử vong sớm.
Thấu hiểu điều này, Karen Dolva, 29 tuổi, đã đồng sáng lập ra "No Isolation".
Trong 5 năm qua, những nhà khởi nghiệp người Na Uy đã nghiên cứu nhằm giải quyết nỗi cô đơn và các vấn đề sức khỏe liên quan đối với trẻ em và người già, thông qua một loạt các sản phẩm công nghệ. Những sản phẩm này có tác dụng bắt chước tương tác vật lý và khiến việc giao tiếp trở nên dễ dàng hơn, bao gồm một robot cảm biến cho trẻ em và một máy tính bảng đơn giản cho người già. Nhưng cho đến khi đại dịch bùng phát, vấn đề này mới trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Các sản phẩm đã giúp nhiều người cao tuổi liên lạc với những người thân yêu khi họ phải ở trong nhà. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, trung bình mỗi người dùng máy tính bảng nhận được hơn tám cuộc gọi mỗi tuần - tăng từ con số hai cuộc gọi trong những tháng trước. Dolva cho biết điều này phản ánh sự gia tăng những người đăng ký và chia sẻ video với các thành viên lớn tuổi trong gia đình.
"Thật tuyệt vời khi thấy nó hoạt động như thế nào, bởi ngày càng có nhiều người sử dụng", Dolva nói. "Người dùng đã nhận được trung bình 17 bức ảnh mỗi tuần. Đối với những người lớn tuổi, mỗi bức ảnh đều có ý nghĩa như một tấm bưu thiếp."
Quản lý sức khỏe tâm thần
Bên cạnh tác động vật lý, sự cô lập còn có thể gây ra những trở ngại lớn về mặt tâm lý.
Vào tháng 3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra các hướng dẫn nhằm đối phó với các ảnh hưởng sức khỏe tâm thần do đại dịch corona.
Đó là điều mà Calvin Benton, đồng sáng lập Spill - có trụ sở tại U.K., đã cố gắng giải quyết. Kể từ khi ra mắt vào năm 2018, nền tảng sức khỏe tâm lý này đã cung cấp nơi trị liệu trực tuyến thông qua công cụ nhắn tin Slack.
Khi ngày càng có nhiều người phải làm việc tại nhà, dịch vụ này đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhà sáng lập 27 tuổi chia sẻ.
"Trong hai tháng qua, có quá nhiều điều bất ngờ xảy ra. Chúng tôi đã nhận được nhiều yêu cầu gửi đến Spill hơn so với cả hai năm trước đó", Benton, người đã phải xây dựng phương thức nhằm rút ngắn thời gian đăng ký xuống dưới 10 phút.
Nhu cầu không chỉ đến từ các nhà tuyển dụng. Khi các cá nhân phải đối mặt với những lo lắng mới xung quanh công việc và sức khỏe, các nhân viên đã sử dụng các dịch vụ của Spill nhiều hơn gấp bốn lần so với thông thường, Benton cho biết.
"Điều mà chúng ta thật sự nhìn thấy là sự gia tăng trong nhu cầu được hồi đáp. Có rất nhiều sự không chắc chắn về việc những gì sẽ xảy ra trong những tuần tới, tháng tới, và tôi cho rằng một điều khá thú vị ở đây là các nhà trị liệu của chúng tôi ít nhất có thể dự đoán được khía cạnh cảm xúc của con người trước những việc trên sẽ diễn ra như thế nào."
Đó cũng là tín hiệu tốt cho các nhà trị liệu, những người đã có thể bổ sung nguồn thu nhập bị mất từ các cuộc hẹn trực tiếp bằng các lựa chọn trực tuyến. Trong khi đó, Spill đã triển khai các dịch vụ công cộng - chẳng hạn như ‘hỏi-đáp các chuyên gia trị liệu" trên các story của Instagram, và các buổi trị liệu miễn phí cho những người đã nghỉ việc để giúp đỡ họ. Benton cho biết: "Chúng tôi biết rằng những việc chúng tôi đang làm rất tuyệt vời, và nó giống như một chiến dịch nâng cao nhận thức."
Đánh bại sự buồn chán
Trong khi sự cô lập có thể gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho một số người, thì sự nhàm chán cũng đang gây ra ngột ngạt cho không ít người khác.
Đó là điều mà Danielle Baskin, đồng sáng lập của "QuarantineChat", một ứng dụng kết nối người lạ thông qua các cuộc gọi điện thoại hàng ngày ngẫu nhiên, hướng tới giải quyết.
Cô cùng đồng sáng lập của mình, Max Hawkins, đã xây dựng dịch vụ này trên ứng dụng trò chuyện Dialup đã được lập trình trước của họ vào tháng 3, ngay sau khi thông báo ở nhà được thực hiện ở Mỹ. Nhưng ý tưởng này đã được truyền cảm hứng từ rất lâu trước đó, khi Baskin có trải nghiệm bị cách ly do bệnh bệnh bạch cầu đơn nhân, còn được gọi là sốt viêm tuyến bạch cầu.
"Lúc đó, tôi chỉ nghĩ sẽ thật tuyệt nếu có thể được trò chuyện ngay bây giờ với một ai đó có cùng hoàn cảnh. Vì vậy, khi virus corona trở nên nghiêm trọng, ý tưởng này đã quay trở lại sau nhiều năm". Và ứng dụng đã ra đời. Hiện tại, QuarantineChat chịu trách nhiệm cho 2.300 giờ - hoặc hơn 95 ngày - số lượng các cuộc gọi mỗi tuần trên 183 quốc gia.
"Chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ là một cách rất đơn giản để mọi người động viên nhau, hoặc đó là những khoảnh khắc nói chuyện với một barista hoặc nói chuyện với hàng xóm của bạn", Baskin nói. "Nhưng điều quan trọng ở đây là mọi người đã thực sự nói chuyện điện thoại trong một khoảng thời gian dài và trở thành bạn bè."
"Tôi làm việc này có lẽ đến 18 giờ một ngày. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng một hệ thống trong ứng dụng, mà nếu bạn muốn nói chuyện với ai đó, bạn có thể kết nối lại với họ sau đó. Đây là một yêu cầu mà tất cả mọi người đều mong muốn", Baskin cho biết.
Triển vọng dài hạn
Xây dựng một doanh nghiệp giữa đại dịch là điều không dễ dàng. Ngoài những khó khăn về tài chính và hậu cần, rất khó để nắm bắt về môi trường và các hướng đi trong tương lai, cũng như xu hướng của người tiêu dùng sẽ như thế nào.
Tuy nhiên, Eric Ries, tác giả của cuốn sách kinh doanh bán chạy nhất "The Lean Startup", chia sẻ rằng bây giờ có thể là thời điểm tốt để tìm giải pháp cho những vấn đề thực sự mà mọi người đang gặp phải, bởi "hầu hết các công ty vĩ đại nhất mà bạn biết đều sinh ra trong khủng hoảng."
Tuy nhiên, Ries nói rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty mới khởi nghiệp, nên xây dựng một tầm nhìn dài hạn thay vì chỉ trả lời các vấn đề cụ thể cho thời điểm này.
"Chúng ta sẽ không ở trong tình trạng khẩn cấp này mãi mãi. Một trong số những doanh nghiệp này sẽ chứng kiến một sự gia tăng lớn về nhu cầu và sau đó khi bình thường lặp lại, sự sụt giảm sẽ đến. Chúng tôi thực sự muốn suy nghĩ sâu sắc về khuôn khổ dài hạn mà có thể đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của công ty, ngay cả khi sự bình thường quay trở lại."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét