Với tâm nguyện làm cầu nối giúp người trẻ có cái nhìn mới hơn về văn hóa Việt xưa, Lương Hoài Trọng Tính (23 tuổi) đã tự thân lặn lội đi khắp nơi để nghiên cứu về nét đẹp truyền thống rồi lập Đại Nam hội quán.
Đại Nam hội quán giới thiệu về văn hóa xưa bằng các bài viết trên mạng xã hội, thu hút những người có chung đam mê xích lại gần nhau.
Dự án độc đáo
Từ nhỏ, chàng trai người Trà Vinh đã được dạy nhiều lễ nghi trong cách ăn nói, đi đứng cho tới may vá... một cách khuôn phép. Cậu nhận thấy các giá trị này đang dần bị lãng quên.
Sự khắc khoải về một sân chơi quy tụ những người chung niềm đam mê về văn hóa xưa giống mình mạnh lên khi Tính lên TP.HCM trọ học. Giữa môi trường hiện đại, sôi nổi ở TP, chàng sinh viên năm nhất ngành quy hoạch đô thị (ĐH Tôn Đức Thắng) lúc ấy mới bắt đầu ấp ủ ý tưởng.
"Ở Sài Gòn còn nhiều tòa nhà mang dáng dấp xưa, khiến tôi nhớ về những nét đẹp thuở nhỏ. Lúc đó tôi chỉ muốn lôi kéo thêm ai chung đam mê để chia sẻ, tìm hiểu kỹ hơn về các nét đẹp văn hóa. Đến cuối năm 2017, tôi mới bắt đầu thực hiện được ý định" - Tính chia sẻ về duyên cớ để lập nên Đại Nam hội quán.
Khởi đầu của Đại Nam hội quán là một trang mạng xã hội với vài chục lượt yêu thích. Nhiều bài viết về các giá trị xưa ở nhiều lĩnh vực được nhóm đăng tải lên Facebook. Nhưng rồi, ngay cả bản thân Tính cũng không ngờ chuyện xưa cũ được viết dưới cái nhìn của một người trẻ lại có thể thu hút nhiều bạn trẻ theo dõi và bình luận đến vậy.
Hiện ngoài hơn 20 thành viên chủ chốt (đa số là 9X), trang Facebook của nhóm đã thu hút gần 30.000 lượt yêu thích, theo dõi. Mỗi bài viết của nhóm đều luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng.
"Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... có ngành công nghiệp văn hóa rất phát triển, bởi họ biết cách lan tỏa văn hóa truyền thống, nhất là khi đưa nét đặc sắc này vào trường học, phim ảnh. Còn với chúng ta, tôi cảm thấy giới trẻ ngày nay đang say mê với văn hóa phương Tây hơn những nét cổ xưa, mê mạng xã hội hơn tìm đọc sách vở. Đánh vào tâm lý, tôi bắt đầu câu chuyện về văn hóa xưa trên nền tảng công nghệ thời 4.0. May mắn hướng đi đó đã đúng" - Tính nói.
Tính chuyện khởi nghiệp
Có thêm bạn đồng hành, Tính cùng mọi người dành nhiều thời gian tìm hiểu, thu thập tài liệu. Mỗi tháng, cả nhóm sẽ dành ra một buổi để trao đổi kiến thức lẫn chia sẻ về cuộc sống. Qua mỗi chuyến đi về các tỉnh miền Tây, ngoài việc tìm hiểu về văn hóa, lối sống của người dân, Tính còn nhờ những người lớn tuổi kể lại nếp sống ngày xưa. Cậu ghi chép từng lời kể, đối chiếu với sách vở rồi chọn ra những thông tin chung nhất, chia sẻ lên Đại Nam hội quán.
Không dừng lại ở việc chia sẻ thông tin lên mạng xã hội, Tính và nhóm của mình còn bỏ tiền tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, giao lưu để tái dựng những nét văn hóa xưa. Đó là các chương trình như Kể chuyện xưa nghe chơi, Áo dài xưa hay Tất niên cuối năm... Ở mỗi chương trình, nhóm đều lồng ghép vào đó một nội dung như tình yêu gia đình, lễ nghĩa, cách xưng hô, trang phục xưa..., giới hạn số lượng người tham gia, chỉ chừng 40-60 người mỗi chương trình.
"Đây là chương trình đặc thù, phải tổ chức trong một không gian cố định, mọi người đều có thể trò chuyện cùng nhau. Thay vì đông người, bán nhiều vé, âm thanh được khuếch đại lên các loa lớn thì ta sẽ trình diễn bằng nhạc mộc, âm thanh có thể nhỏ hơn nhưng phần đọng lại cho người nghe mới là điều quan trọng" - Tính tâm sự.
Mới đây, Tính cùng những người bạn trong dự án tổ chức một chương trình tái dựng lễ cưới xưa. Họ mặc trang phục truyền thống, cô dâu chú rể bước vào bàn nghi lễ trong không gian ấm cúng với bộ kỷ đèn, mâm quả, lễ cưới đậm chất Nam Bộ xưa.
Không chỉ tái hiện, nhóm còn giải thích một cách bài bản, cụ thể về từng lễ nghi, phong tục để người xem không khỏi thắc mắc. Nhiều bạn trẻ tham gia chương trình vô cùng thích thú vì lần đầu được nhìn thấy những nét xưa đặc biệt này.
Tính nói, để tái hiện được những nét văn hóa xưa, ngoài tìm được nơi mượn vật dụng thì việc tìm hiểu, xác minh tư liệu cũng rất khó khăn và đòi hỏi cả một quá trình. "Vui nhất có lẽ là hầu như chương trình nào cũng có khán giả nước ngoài. Họ là những nhà nghiên cứu độc lập, nghiên cứu sinh Việt Nam học đến từ các nước như Mỹ, Pháp, Ấn Độ... Sau chương trình, họ hay đưa ra câu hỏi, phản biện và trao đổi rất sôi nổi. Đó là dấu hiệu ban đầu và cũng là cơ hội để ta có thể nghĩ về chuyện đưa các nét văn hóa xưa của Việt Nam ra thế giới" - Tính bộc bạch.
Thú chơi đắt tiền
Theo Khẩu Cao Nhựt Phúc (17 tuổi, Q.7, thành viên trẻ tuổi nhất nhóm), ngoài thời gian thì việc thỏa đam mê trong tìm hiểu văn hóa xưa cũng tiêu tốn không ít tiền bạc, nếu không muốn gọi là thú chơi đắt tiền. Một bộ áo dài hiện đại chỉ có giá từ 300.000-700.000 đồng thì áo dài xưa đắt hơn nhiều. Chưa kể đến việc để có được một bộ áo dài xưa "ưng ý", được thêu nhiều chi tiết hơn lại càng khó.
"Sinh hoạt ở hội quán được hơn nửa năm rồi, vì hiện mình vẫn chỉ là học sinh lớp 11, chưa có nhiều tiền nên vẫn phải mượn áo dài mỗi lần đi chương trình của nhóm. Để sắm bộ áo dài hiện đại thì khá dễ, nhưng để có được một bộ áo dài xưa thì chắc ngốn vài chục buổi ăn sáng bởi bộ rẻ cũng phải trên dưới 2 triệu đồng" - Phúc nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét