Nguyễn Hà Minh Thông nung nấu ý tưởng khởi nghiệp vì không muốn nhìn thấy nhiều sinh viên lãng phí chất xám.
Chứng kiến cậu em trai chật vật trong việc tìm gia sư, thương mẹ đưa đón em đi học vất vả, Nguyễn Hà Minh Thông nhen nhóm ý tưởng làm ứng dụng tìm gia sư từ năm 2016 khi cậu còn là sinh viên năm cuối của ĐH Công nghiệp TP.HCM.
Suốt 2 năm sau khi ra trường, chứng kiến việc nhiều sinh viên lãng phí khả năng của mình bằng việc chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập, chàng trai 9X quyết tâm hiện thực hoá ý tưởng.
Kết quả là Edubox, ứng dụng tìm gia sư, ra đời vào tháng 5/2019 với sự đồng hành của người anh họ là Hà Minh Khoa (sinh năm 1983) – một lập trình viên có kinh nghiệm.
Trước đó, trong hơn nửa năm, Thông và Khoa cùng nhau tranh thủ thời gian buổi tối để lập trình, vì ban ngày họ phải đảm bảo công việc ở công ty. “Cứ 8 giờ tối, hai anh em bắt tay vào làm đến khoảng 1-2 giờ sáng hôm sau. Sáng lại dậy đi làm tiếp”.
Sau khi ứng dụng chính thức ra mắt bản demo thì hai anh em quyết định xin nghỉ việc để tập trung cho “đứa con cưng”.
Thông cho biết, so với hình thức trung tâm gia sư truyền thống, Edubox mang lại cho phụ huynh nhiều sự tiện lợi và lựa chọn hơn. Bước đầu tiên, phụ huynh chỉ cần đăng tải nhu cầu tìm gia sư của mình lên ứng dụng, sau đó các gia sư thấy phù hợp sẽ ứng tuyển. Phụ huynh sẽ đọc hồ sơ của các gia sư và lựa chọn người phù hợp với con mình nhất.
Các thông tin về trình độ học thuật, thành tích của gia sư đều được yêu cầu cung cấp các giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ… Hiện tại, Edubox sử dụng phần mềm phát hiện ảnh bị chỉnh sửa để xác thực thông tin.
“Tất nhiên, công cụ đó không thể phát hiện được 100% thông tin giả. Giống như các trung tâm gia sư truyền thống, thông tin mà chúng tôi nhận được cũng chỉ mang tính tương đối. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi thì chỉ những người tự tin là mình có khả năng làm được công việc này mới dám ứng tuyển gia sư”.
Ngoài yếu tố này ra thì phụ huynh hoàn toàn có thể thay đổi gia sư sau 1-2 buổi học đầu tiên nếu cảm thấy gia sư không phù hợp hoặc không đáp ứng được yêu cầu.
Điểm đặc biệt nhất của ứng dụng này so với cách tìm gia sư truyền thống là hai bên có thể thương lượng với nhau về mức học phí.
“Trước kia, thường chỉ gia đình nào có điều kiện mới dám thuê gia sư cho con. Nhưng với ứng dụng của chúng tôi, nếu phụ huynh cảm thấy mức học phí vượt quá khả năng chi trả của mình thì có thể thương lượng với gia sư để giảm chi phí. Đó là tính linh động của Edubox”.
Hiện tại, ứng dụng thu 20% học phí tháng đầu tiên của gia sư, còn phía phụ huynh không mất chi phí gì. Nếu người dạy bị đánh giá không tốt thì sẽ bị hạ điểm tín nhiệm và phải trả mức phí cao hơn cho Edubox mỗi lần nhận lớp.
Để đưa ra được giải pháp thu phí như hiện tại, chàng trai sinh năm 1995 cũng phải “nếm mùi thất bại” trong những ngày đầu.
“Ban đầu, với suy nghĩ hỗ trợ sinh viên, chúng tôi cho phép các bạn trả phí sau khi nhận lớp 1 tháng và hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không có bất cứ ràng buộc nào. Nhưng có khoảng 30% gia sư sau khi nhận lớp không trả phí cho chúng tôi. Vì thế, sau đó chúng tôi phải nâng cấp ứng dụng, bổ sung thêm tính năng ví điện tử. Người dùng phải nạp trước một số tiền vào ví để được ứng tuyển và nhận lớp. Và khoản phí nhận lớp sẽ được trừ ngay khi phụ huynh đồng ý nhận gia sư. Tuy nhiên, sau 1-2 buổi đầu tiên, nếu phụ huynh yêu cầu đổi gia sư, người dạy sẽ được trả lại khoản phí này” – Thông cho biết thêm.
Edubox hiện có khoảng 14.000 người dùng, trong đó có 10.000 gia sư, 4.000 phụ huynh. Trong hơn 1 năm từ khi ra mắt, ứng dụng đã kết nối thành công 700-800 lớp học. Tốc độ tăng trưởng trước thời điểm dịch Covid-19 giao động từ 10-30%.
Thông cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu tìm gia sư của các gia đình. Nhưng chính tác động tiêu cực đó đã thúc đẩy nhóm “update” lên một phiên bản mới cho Edubox, cũng là xu hướng học tập trong tương lai ở khắp nơi trên thế giới. Đó là học trực tuyến.
Cuối tháng 6 này, bản update sẽ chính thức ra mắt với nhiều chức năng bổ sung cho phép người dùng tìm và tạo lớp học trực tuyến.
“Nếu như trước kia, Edubox chỉ hỗ trợ tìm gia sư dạy trực tiếp thì tới đây, ứng dụng sẽ giúp kết nối các lớp học online. Với hình thức này, học sinh ở các tỉnh thành trên khắp đất nước đều có cơ hội được theo học những giáo viên, gia sư giỏi”.
Tuy nhiên, các chức năng mà nhóm của Thông đang làm mới chỉ là 20-30% bức tranh tổng thể mà cậu định hướng cho Edubox. Thông chia sẻ, khi ứng dụng tạo được một cộng đồng người dùng lớn hơn, anh sẽ xây dựng nó trở thành một mạng xã hội giáo dục.
Hiện tại, ứng dụng nhận được đầu tư hơn 2 tỷ đồng từ một nhà đầu tư với cương vị cá nhân. Trong năm 2019, Edubox cũng nhận được nhiều đánh giá tốt từ phía cộng đồng startup.
Không thể dám chắc con đường khởi nghiệp của mình có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra hay không, nhưng Thông tâm sự, trong quá trình phát triển ứng dụng, anh và nhóm của mình đôi khi gặp những câu chuyện khiến cả nhóm tin rằng đó là chắc chắn là những trải nghiệm đẹp.
“Chúng tôi có gặp một số trường hợp đặc biệt. Ví dụ như có trường hợp hơn 30 tuổi bị tai nạn, được phụ huynh đi tìm gia sư giúp. Mục đích của phụ huynh là tìm gia sư chỉ để nói chuyện với con, giúp con họ hoà nhập với cuộc sống bình thường. Hay có những bé 4-5 tuổi chậm nói, phụ huynh cũng tìm gia sư nói chuyện với bé để cải thiện tình hình. Những trường hợp đó, đôi khi gia sư ứng tuyển là các sinh viên trường Y”.
Tự nhận là “startup con nhà nghèo”, Thông chia sẻ rằng những câu chuyện như vậy cũng khiến đội ngũ sáng lập ấm lòng hơn. “Lỡ dự án của mình có thất bại thì ít ra mình cũng làm được gì đó đóng góp cho xã hội, cũng có những kỷ niệm đẹp với nó”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét