Chiều 29/3, tại thành phố Bắc Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức hội nghị ký kết chương trình phối hợp, liên kết phát triển giữa hai tỉnh giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Dương Văn Thái - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang và đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị, về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Trịnh Việt Hùng - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hoàng Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Cùng dự có các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các sở, ngành hai tỉnh.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, Bắc Giang và Thái Nguyên là hai tỉnh giáp ranh, cùng nằm trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, quy hoạch vùng Thủ đô và trên địa bàn Quân khu 1. Với vị trí chiến lược quan trọng, thời kỳ tiền khởi nghĩa, hai tỉnh đã được Đảng, Bác Hồ lựa chọn làm nơi xây dựng các an toàn khu cho cách mạng. Hai tỉnh đều được tái lập năm 1997 và có nhiều điểm tương đồng về diện tích, quy mô dân số, là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc anh em với bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú.
Sau hơn 25 năm tái lập, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai tỉnh; Bắc Giang và Thái Nguyên đều đã có bước phát triển tích cực, đạt nhiều kết quả ấn tượng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Những năm qua, hai tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai nhiều chương trình, nội dung hợp tác phát triển trên một số lĩnh vực như: Quy hoạch, kế hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, quốc phòng, an ninh… góp phần tích cực thúc đẩy liên kết vùng, liên vùng.
Đơn cử như cùng phối hợp đề nghị Bộ Giao thông vận tải hoàn thành nâng cấp đường địa phương thành QL17 qua ba tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang - Thái Nguyên; cùng đầu tư mở mới tuyến kết nối hai tỉnh (tuyến đường QL37 - cầu Hòa Sơn - TP Phổ Yên, tuyến nối QL37- QL17 - Võ Nhai).
Trong các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang có hơn 40 doanh nghiệp đã và đang là doanh nghiệp vệ tinh của Tập đoàn SamSung, trong đó có Công ty TNHH SamSung Electronics Thái Nguyên. Hiện nay có khoảng 10 nghìn lao động của tỉnh Bắc Giang đang làm việc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Hai tỉnh đã tổ chức các Đoàn Famtrip khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch của 3 tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Quảng Ninh. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu liên quan đến hai tỉnh.
Cùng nằm trong địa bàn Quân khu 1, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh trong thế trận phòng thủ của Quân khu và cả nước. Lực lượng vũ trang hai tỉnh đã chủ động phối hợp, làm tốt chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Tuy nhiên, kết quả hợp tác giữa hai tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng; chủ yếu mới chỉ là các nội dung hợp tác ngắn hạn để giải quyết một số vấn đề cụ thể thực tiễn đặt ra; còn thiếu các chương trình hợp tác mang tính chiến lược, tổng thể, lâu dài để thúc đẩy hai địa phương cùng phát triển.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và thống nhất các biện pháp phối hợp, liên kết phát triển giữa hai địa phương giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh hội nghị ký kết có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để lãnh đạo chủ chốt hai tỉnh đánh giá lại kết quả hợp tác; từ đó bàn, thống nhất các nội dung đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, bảo đảm toàn diện hơn, bài bản hơn, thực chất và hiệu quả hơn trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển.
Để công tác phối hợp đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao, đồng chí đề nghị các cấp, ngành của hai địa phương cần thể hiện rõ sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, bám sát các yêu cầu, nội dung trong Chương trình hợp tác, chú trọng xây dựng các phương pháp, cách thức phối hợp bảo đảm đồng bộ, toàn diện, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo các cấp, ngành chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND hai tỉnh để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, tháo gỡ, nhất là về cơ chế, chính sách.
Đồng chí hy vọng kết quả của sự hợp tác giữa hai tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên là điểm sáng, là điển hình để các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương lấy đó là ví dụ, góp phần vào sự phát triển chung của vùng và cả nước trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái đề nghị các sở, ngành chức năng của hai tỉnh trên cơ sở nội dung Biên bản ghi nhớ hợp tác sẽ chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND hai tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện, sớm hiện thực hóa các nội dung đã ký kết. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ hai tỉnh trên cơ sở ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung ký kết; thường xuyên trao đổi thông tin để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên tinh thần quyết tâm cao nhất, vì lợi ích và sự phát triển chung của hai tỉnh.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã thống nhất ký kết Biên bản ghi nhớ về việc triển khai các biện pháp phối hợp, liên kết phát triển giữa hai tỉnh giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.
Theo đó, thống nhất hai địa phương tăng cường và mở rộng hợp tác toàn diện, tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Hai bên đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực công tác của HĐND, UBND; trong cải cách hành chính, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đại biểu HĐND và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp...
Phối hợp phát triển KT-XH theo hướng nhanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phối hợp thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương; ban hành, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách.
Phối hợp xây dựng thành phố Bắc Giang và thành phố Thái Nguyên trở thành các cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Hợp tác chặt chẽ trong việc xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài, trọng tâm là thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, sản xuất thông minh, công nghiệp xanh thân thiện với môi trường để hình thành vùng công nghiệp công nghệ cao của khu vực miền Bắc. Liên kết sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo chuỗi giá trị.
Đề xuất với Trung ương có cơ chế tiếp tục đầu tư, bảo tồn, phát triển các khu ATK Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang và ATK Thái Nguyên; liên kết, hợp tác, khảo sát kết nối các tour, tuyến du lịch giữa hai tỉnh.
Phối hợp trong công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm trữ lượng, chất lượng nước hồ Núi Cốc và nguồn nước trên dòng chính sông Cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của cư dân vùng hạ du.
Phối hợp đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư nâng cấp tuyến QL17 từ thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang sang tỉnh Thái Nguyên và xây dựng cầu mới thay thế ngầm Tam Kha; đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khôi phục tuyến đường sắt Kép - Lưu Xá.
Hai tỉnh tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tuyến đường và cầu Hòa Sơn kết nối huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang với thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Tiếp tục phối hợp đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường kết nối hai tỉnh như: Đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội; đường nối QL17 (tỉnh Bắc Giang) đi Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên (tỉnh Bắc Giang đang đầu tư); ĐT294 (kết nối với QL37); ĐT294B (kết nối từ QL17 trên địa bàn huyện Yên Thế với huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên); ĐT294D (kết nối từ QL17 xã Tam Tiến, huyện Yên Thế với huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên); tuyến đường kết nối qua xã Bình Long, huyện Võ Nhai với tuyến ĐT265 (chiều dài khoảng 6,5km) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên...
Phối hợp khai thác hiệu quả tuyến vận tải đường thủy trên sông Cầu. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận tải trên địa bàn hai tỉnh được mở mới các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên (từ 5-7 tuyến) hoặc Thái Nguyên - Bắc Giang - Lạng Sơn.
Hợp tác thực hiện công tác thông tin, kiểm soát chất lượng nước mặt; quản lý vệ sinh môi trường, chống ô nhiễm lòng sông Cầu và hoạt động khai thác, nhất là khai thác cát 2 bên khu vực sông Cầu...
Hợp tác, trao đổi và học tập kinh nghiệm trong xây dựng phát triển thị trường lao động. Trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Mở rộng hợp tác, trao đổi, hỗ trợ một số kỹ thuật thuộc lĩnh vực y tế dự phòng; phòng chống dịch bệnh. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục - thể thao giữa hai tỉnh.
Tiếp tục duy trì việc trao đổi tình hình để có biện pháp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, không để bị động, bất ngờ, xây dựng khu vực phòng thủ của mỗi tỉnh ngày càng vững chắc.
Lực lượng công an hai tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình liên kết bảo đảm an ninh trật tự tại các địa bàn giáp ranh./.
Dương Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét