Đối với các dự án liên vùng, trong đó có TP HCM, các địa phương liên quan cần được hưởng chính sách đặc thù của thành phố, theo đề xuất của chuyên gia.
Kiến nghị được chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, nêu tại buổi góp ý dự thảo thay thế Nghị quyết 54 - thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, sáng 30/3.
Nội dung này vừa được Chính phủ đề xuất Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay để thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới theo thủ tục rút gọn. Dự thảo mới đưa ra 7 nhóm chính sách đặc thù, với 40 điều, gồm quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP HCM và TP Thủ Đức.
Theo ông Thành, nếu muốn tạo đột phá, nghị quyết mới không nên giới hạn trong địa bàn TP HCM. Thay vào đó, các dự án của thành phố mà đi qua các địa phương khác thì HĐND thành phố và các tỉnh được quyết định các vấn đề như bổ sung ngân sách, tăng chi phí đầu tư... theo cơ chế vượt trội này.
"Được vậy, sự thay đổi của TP HCM sẽ có tác động lan toả cho cả vùng, giúp giải quyết nhiều dự án trong ba năm tới", ông Thành nói và cho rằng một trong những cơ chế có thể áp dụng với các dự án liên vùng là cho phép đấu thầu, chọn nhà đầu tư để phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (mô hình TOD).
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên hiệu phó trường Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng cơ chế đột phá, vượt trội phải bao quát hơn để phát huy vai trò mang tính lan toả vùng của thành phố. Tinh thần bao trùm của nghị quyết nên là trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn, tức là lãnh đạo phải có trách nhiệm hơn, sở ngành có động lực phụng sự hơn.
"Tuy nhiên, dự thảo trao quyền chưa đủ khi nhiều quy định còn ràng buộc các bước cuối phải thông qua Quốc hội, Thủ tướng", ông nói và đề nghị dự thảo cần tiếp cận ở góc độ mở rộng phạm vi không gian địa lý, bởi nếu tiếp cận từ nguồn lực mang tính giới hạn của thành phố sẽ rất khó tạo đột phá.
Trong dự thảo lần này, để thu hút đầu tư cho các dự án, TP HCM đề xuất được áp dụng trở lại phương thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) vốn đã bị "xoá sổ" từ năm 2018. Đồng thời, thành phố xin cơ chế đầu tư các dự án trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa theo phương thức đối tác công tư (PPP); thực hiện BOT trên các tuyến đường hiện hữu.
Ông Nguyễn Xuân Thành dự báo đề xuất về hợp đồng BT sẽ vướng nhiều tranh cãi. Bởi cơ chế này trước đây bị chỉ trích vì không minh bạch và thực chất là né quy định đầu tư công. Do đó, để giải quyết mối quan ngại này, thành phố cần làm rõ thực hiện BT sẽ không đổi đất lấy hạ tầng, mà thanh toán từ nguồn ngân sách với cơ chế minh bạch. Còn cơ chế xét duyệt tổng mức đầu tư, chọn nhà thầu vẫn tuân thủ đầu tư công.
Một vấn đề khác được ông Thành nêu ra là sự không cân đối về năng lực của đội ngũ tư vấn giữa khối tư nhân và chính quyền khi làm dự án PPP. Theo đó, hợp đồng là luật và ai vi phạm sẽ bị kiện, kể cả chính quyền. Trong khi doanh nghiệp có luật sư giỏi, cố vấn giỏi, còn chính quyền thì "không có kinh phí để trả luật sư đi cãi".
Từ thực tế đó, chuyên gia này đề xuất thành phố phải có phòng ban về PPP, đủ năng lực về thiết kế, quy hoạch, tài chính dự án, pháp chế để có vị thế cân bằng khi đối thoại với nhà đầu tư. "Thương thảo phải đủ năng lực để cùng thiết kế, đối thoại, và không để tư nhân dẫn dắt", ông nói và cảnh báo PPP là "con dao hai lưỡi", nếu làm không khéo sẽ thành bán cơ hội cho tư nhân và chính quyền phải lo tất cả rắc rối về sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét