Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Vải thiều được mùa, trúng giá

Hôm nay 6-6, tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều, với sự tham gia của nhiều địa phương trong cả nước và 4 điểm cầu tại Trung Quốc.


Từ đầu mùa đến nay, toàn huyện Lục Ngạn đã thu hoạch và tiêu thụ gần 5.000 tấn vải - Ảnh: CHÍ TUỆ

Ngay từ sáng sớm 5-6, tại phố Kim (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), hàng đoàn xe máy chở vải thiều nối đuôi nhau ra các điểm cân vải, chủ yếu đưa đi tiêu thụ ở trong nước, một số ít được xuất sang Trung Quốc.

Tiêu thụ thuận lợi, giá tốt

Cầm trên tay phiếu mua vải, ông Hoàng Tiến Hoành (xã Đông Hưng) cho biết giá vải hiện thấp hơn so với đầu mùa nhưng vẫn được giá. "Giá vải đầu mùa trung bình từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Còn hiện nay 20.000 - 25.000 đồng/kg, hàng đẹp 25.000 - 30.000 đồng/kg, loại đỉnh mới được 35.000 đồng/kg" - ông Hoành nói.

Chị Trương Thị Thu Hà (doanh nghiệp xuất khẩu ở thị trấn Chũ) cho biết trước khi vào mùa vải, nhiều người lo ngại các bạn hàng Trung Quốc không đặt hàng hoặc hàng không thể xuất sang thị trường này. Tuy nhiên hiện nay, việc tiêu thụ cũng khá thuận lợi.

Ông La Văn Nam, chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết từ đầu mùa đến nay, toàn huyện đã thu hoạch và tiêu thụ gần 5.000 tấn vải với giá bán khá tốt. Trong đó, vải Thanh Hà có giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, vải u và vải lai có giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, cá biệt có một số ít vải mẫu mã xấu, chất lượng kém giá có thể dưới 20.000 đồng/kg.

Chủ động mở rộng thị trường

Trong năm 2020, Bắc Giang trồng khoảng 28.000 ha vải, tổng sản lượng vải thiều ước đạt 160.000 tấn. Do tác động của dịch COVID-19, việc thu mua vải thiều của các doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài rất hạn chế.

Tuy nhiên, Bắc Giang đã chủ động sớm xây dựng phương án nên hoạt động tiêu thụ tương đối thuận lợi, giá ổn định. Đến nay toàn tỉnh đã tiêu thụ được hơn 18.000 tấn vải sớm, giá bình quân 25.000 đồng/kg.

Ông Lại Thanh Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết vải thiều tươi được xuất sang 30 quốc gia nhưng chủ yếu là Trung Quốc. Bắc Giang đã đăng ký mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói và tem truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu sang Trung Quốc theo chương trình hợp tác chính ngạch.

Riêng thị trường khó tính Nhật Bản đã chấp nhận 19 mã số vùng trồng, với diện tích 103 ha. Mọi yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng quả vải, yêu cầu kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, đóng gói cho đến kiểm dịch thực vật... đã hoàn tất.

"Các chuyên gia của Nhật đã sang Việt Nam và đang được cách ly, lô vải đầu tiên từ vải sớm Lục Ngạn, Tân Yên sẽ sớm được xuất khẩu sang Nhật Bản trong năm nay", ông Sơn cho biết.
Mua vải thiều, gạo thanh toán qua ví MoMo được ưu đãi

Hưởng ứng Ngày thanh toán không dùng tiền mặt 16-6 do báo Tuổi Trẻ tổ chức, ông Đỗ Quốc Huy, giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết đã đưa ứng dụng công nghệ vào mua sắm gắn với thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó một trong những giải pháp mà hệ thống này triển khai để hỗ trợ đầu ra cho nông sản Việt, trước mắt là thí điểm với trái vải và gạo ST.

Cụ thể, từ ngày 10 đến 30-6, người dân TP.HCM có thể dễ dàng đặt mua trái vải thiều và gạo ST Xuân Hồng với giá ưu đãi ngay trên ví điện tử MoMo, được giao hàng tận nơi trong chương trình. Saigon Co.op dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 100.000 tấn vải, gấp đôi năm trước.

Theo ông Huy, hỗ trợ đầu ra cho nông sản Việt bằng cách đưa lên các nền tảng bán hàng khác nhau cũng là một cách đón đầu xu hướng mua sắm online của nhà bán lẻ. "Mua sắm online là xu hướng tất yếu và thường đi kèm với hình thức thanh toán không tiền mặt. Đưa nông sản Việt lên nền tảng ví điện tử cũng là cách siêu thị hỗ trợ đầu ra cho nông sản, khuyến khích mua sắm thanh toán không dùng tiền mặt", ông Huy cho biết.

Không có nhận xét nào: