Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Linh thiêng chốn tổ Vĩnh Nghiêm

“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa thành”, đó là tâm niệm của người xưa về con đường tâm linh của thiền phái Trúc Lâm – dòng thiền thuần Việt đã tồn tại qua bao nhiêu thế kỷ. Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) là một phần của con đường ấy, nơi chứa đựng những di sản văn hóa mang tầm quốc gia và nhân loại.


Di sản Quốc gia đặc biệt

Chùa Vĩnh Nghiêm còn có tên gọi là chùa La, chùa Ông La, chùa Đức La, thuộc địa phận xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Với người dân xứ Kinh Bắc xưa, đây là nơi linh thiêng nhất trong vùng: “Thứ nhất chùa La, thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng”.

Tọa lạc trên một gò đồi thấp, nơi có vị trí cảnh quan đẹp, lưng tựa vào núi Cô Tiên, trước mặt là ngã ba nơi giao hòa của hai con sông: sông Thương và sông Lục Nam tại ngã ba Phượng Nhãn, chùa đặt đúng thế đất phong thủy của người xưa “đầu gối sơn, chân đạp thủy”. Hai bên là những thôn làng bình yên, cánh đồng xanh tốt.

Tương tuyền chùa Vĩnh Nghiêm được khởi dựng vào thời Lý (thế kỷ XI). Cuối thế kỷ XIII, Phật hoàng Trần Nhân Tông cho mở mang, xây dựng nơi đây thành trung tâm Phật giáo lớn của thời Trần, đổi tên chùa là Vĩnh Nghiêm, gắn liền với sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Với vai trò là một trong chốn tổ của thiền phái, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô kiến trúc bề thế, nhiều hạng mục, mang tính quy chuẩn, mẫu mực của kiến trúc chùa tháp truyền thống. Đây là ngôi chùa cổ có kiến trúc giàu bản sắc Phật Việt nhất mà không ngôi chùa nào trong vùng có được, xứng danh là một “đại danh lam cổ tự”. Trong suốt thời gian gần 10 thế kỷ hình thành và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, đây cũng là một trung tâm đào tạo tăng đồ, được các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa xem như “một bảo tàng văn hoá Phật giáo tiêu biểu ở Việt Nam”.

Ngoài những nét kiến trúc độc đáo, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ hơn 3000 mộc bản được tổ chức UNESCO công nhận là là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là những di vật, cổ vật mang tính nguyên gốc, tính độc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực như tôn giáo, tư tưởng, văn hóa…

Con đường du lịch tâm linh Tây Yên Tử

Với những giá trị của lịch sử, giá trị nhân văn quý giá, vừa qua, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm đã được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt, bổ sung tư liệu cho Hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Di tích nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là Di sản thế giới.

Chùa Vĩnh Nghiêm gắn liền với con đường du lịch tâm linh Tây Yên Tử, gắn với những mắt xích quan trọng của thiền phái Trúc Lâm thuộc cánh cung phía Tây, với các điểm danh lam, chùa chiền tại các huyện Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng của Bắc Giang như chùa Am Vãi, khu di tích Hòn Tháp - đỉnh Yên Mã... Hệ thống di tích này gắn kết chặt chẽ với các điểm tâm linh tại Quảng Ninh và Hải Dương để hoàn thiện không gian tôn giáo – văn hóa độc đáo đã trải qua mấy trăm năm. Ông Nguyễn Văn Linh – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá: “Gần 10 thế kỷ qua, Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng không chỉ riêng vùng đất Bắc Giang mà trở thành dòng chảy liên tục “hội tụ, kết tinh và lan tỏa” của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử bằng sức sống văn hóa, bằng tâm nguyện của hàng triệu đồng bào từ mọi miền đất nước đã thành kính, bày tỏ ước vọng bồi đắp tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, ý chí bảo vệ nền độc lập dân tộc của cha ông trao truyền lại”.

Vài năm trở lại đây, tỉnh Bắc Giang đã có sự đầu tư phát triển du lịch khu vực Tây Yên Tử. Năm 2013, quy hoạch “Xây dựng vùng bảo tồn tổng thể hệ thống di tích, danh thắng Tây Yên Tử” đã được tỉnh phê duyệt. Cùng với đó, các đề án phát triển đa dạng sản phẩm du lịch tại khu vực này, bao gồm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa… cũng đang được tỉnh Bắc Giang hoàn thiện.

Trong buổi lễ đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức tháng 3/2016 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm hội tụ giá trị lịch sử, giá trị nhân văn vô cùng quý giá, là tiềm năng du lịch to lớn cần được phát huy, khai thác thật tốt để phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương”. Tuy nhiên, để để phát huy giá trị của di tích chùa Vĩnh Nghiêm, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ ra nhiều công việc phải làm. Theo đó, tỉnh Bắc Giang cần khẩn trương lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích để bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di tích. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, làm rõ giá trị di tích chùa Vĩnh Nghiêm gắn với quần thể di tích và danh thắng Yên Tử thuộc dãy núi Yên Tử hùng vĩ để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới những năm tới và tổ chức tuyên truyền sâu rộng giá trị văn hóa lịch sử, khoa học và thẩm mỹ của di tích với cách làm sáng tạo phát huy toàn diện giá trị chùa Vĩnh Nghiêm để nơi đây trở thành điểm đến có sức thu hút lớn du khách trong và ngoài nước. 
Một số hình ảnh chùa Vĩnh Nghiêm





Không có nhận xét nào: