Ăn ngoài, mua vé số, mua điện thoại mới có thể khiến bạn nhanh chóng rỗng túi trước cả khi bạn kịp nhận ra.
Steve Adcock là một cựu nhân viên phát triển phần mềm, hiện là chuyên gia tư vấn với các bài viết về cách đạt tự do tài chính. Năm 2016, sau khi tích lũy gần đủ 1 triệu USD trong tài khoản tiết kiệm, anh bỏ công việc phát triển phần mềm với thu nhập hàng trăm nghìn USD một năm và nghỉ hưu ở tuổi 35. Vài tháng sau, vợ anh - Courtney cũng làm điều tương tự.
Trên CNBC, anh chia sẻ 5 khoản chi quen thuộc hai vợ chồng đã cắt giảm để nghỉ hưu sớm. Việc này ban đầu khá khó khăn, nhưng Adcock vẫn kiên trì để đạt mục tiêu.
1. Ăn ngoài
Hai vợ chồng Steve Adcock và Courtney nghỉ hưu khi ngoài 30 tuổi. Ảnh:Steve Adcock
Theo một khảo sát năm 2019 với hơn 2.000 người Mỹ, gần 70% nói rằng họ ăn ngoài khá nhiều. Tôi cũng hiểu rằng việc được ra khỏi nhà và có người nấu ăn cho là rất tuyệt. Nhưng dĩ nhiên, cái giá cho trải nghiệm này không rẻ. Tôi và Courtney từng chi tổng cộng 750 USD mỗi tháng cho việc ăn ngoài, tính cả đặt đồ giao về nhà.
Con số này tương đương 9.000 USD một năm. Bạn có thể tưởng tượng chúng tôi đã tiết kiệm được nhiều thế nào khi tự nấu ăn. Thỉnh thoảng, chúng tôi có ăn ngoài buổi tối. Nhưng để tiết kiệm chi phí, cả hai không gọi đồ uống đắt đỏ. Nước lọc hoặc nước chanh miễn phí cũng đủ rồi. Chúng tôi cũng không gọi đồ khai vị hay tráng miệng.
2. Nâng cấp điện thoại
Chúng ta rất khó cưỡng lại khi Apple, Google hay Samsung ra điện thoại mới. Tuy nhiên, các thiết bị ngày nay nhìn chung có thể hoạt động nhiều năm mà không bị lỗi. Và dù các tính năng mới rất hấp dẫn, chúng cũng không phải thứ có thể thay đổi cả cuộc sống của bạn.
Trong phần lớn trường hợp, việc đổi điện thoại chỉ có ý nghĩa khi đồ bạn đang dùng gặp lỗi kỹ thuật lớn hoặc hỏng hoàn toàn. Nhưng kể cả lúc đó, bạn vẫn có thể mang ra hàng sửa để tiết kiệm vài trăm USD.
Tôi và Courtney dùng điện thoại tới 4 năm mới mua cái khác. Thay vì sở hữu công nghệ cứ sau một năm lại lỗi thời, chúng tôi nhận ra mình bỏ tiền vào đầu tư còn tốt hơn.
3. Quần áo
Theo một báo cáo năm 2019 của GOBankingRates, người Mỹ chi trung bình 1.866 USD mỗi năm cho trang phục. Hàng thời trang rất nhanh lỗi mốt. Vì thế, trước khi mua, hãy tự hỏi mình bạn có thực sự cần thiết hay còn chỗ để chứa chúng hay không.
Quy tắc mua quần áo của tôi rất đơn giản: Càng ít càng tốt. Tôi chỉ mua những đồ thiết yếu, và mặc đến khi nó rách, hỏng hoặc không còn vừa nữa. Một năm, tôi chỉ mua quần áo 2-3 lần và mỗi lần 50-100 USD.
4. Vé số
Người ta nói rằng không mua vé số thì không thể trúng số. Nhưng chúng ta đều biết cơ hội trúng là rất nhỏ. Và nếu so với các chiến lược đầu tư cơ bản, chi vài USD cho vé số đúng là không hợp lý.
Bên cạnh đó, tích tiểu thành đại. Theo một báo cáo năm ngoái của Bankrate, người Mỹ chi trung bình 89 USD mỗi tháng để mua vé số. Bỏ qua thói quen này có thể giúp bạn tiết kiệm cả nghìn USD mỗi năm.
5. Các khoản mua tùy hứng
Đây là khoản mục rất rộng. Nhìn chung nó bao gồm tất cả những đồ bạn không cần đến, nhưng bị thôi thúc phải mua ngay lúc đó. Như khi đang thanh toán, bạn nhìn thấy kẹo cao su bày trên quầy chẳng hạn.
Tin tôi đi, những khoản chi này sẽ bào mòn tiền của bạn trước cả khi bạn kịp nhận ra. Rất nhiều lần, tôi phải ngăn mình mua những túi giấy vệ sinh 24 cuộn chỉ vì chúng "có vẻ rẻ", dù khi đó nhà tôi còn đầy giấy.
Những khoản chi lớn là nguy hiểm nhất. Ví dụ, bạn muốn mua xe đạp để tập thể dục, hãy cân nhắc thật kỹ mình có thể dùng thường xuyên không. Vì nếu không, nó sớm muộn cũng bị phủ bụi trong nhà kho mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét