Với du khách ưa trải nghiệm, khám phá thì việc chạm tay vào mây nơi non thiêng Yên Tử - dù sườn phía đông hay phía tây - đều đem lại cảm xúc khó quên. Bằng việc phục dựng và đặt lại đúng vị thế của con đường hoằng dương Phật pháp của thiền phái Trúc Lâm bên sườn tây núi Yên Tử, tỉnh Bắc Giang bước đầu khai thác hiệu quả thế mạnh các di sản văn hóa tâm linh, tạo lập thương hiệu du lịch riêng.
Ga cáp treo ở Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử.
“Theo dấu bước chân Phật hoàng”..
Từ TP Bắc Giang, chỉ mất hơn một giờ chạy xe, chúng tôi đã bước vào Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (thuộc thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động), vừa khánh thành giai đoạn 1. Vào chùa Hạ, điểm nhấn đầu tiên để chiêm bái tượng đồng của Tam tổ Trúc Lâm trong chùa Hạ (tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế ngồi nặng 700 kg; hai pho tượng Pháp Loa và Huyền Quang trong tư thế đứng, mỗi pho nặng hơn 300 kg), đã có cảm giác khác, vì gió ào ào nơi ngôi chùa rất rộng. Rồi chỉ mất 10 phút đi cáp treo, từ chùa Hạ chúng tôi đã tới chùa Thượng. Cách đây bốn tháng, khi chưa có cáp treo, du khách muốn lên chùa Đồng từ sườn phía tây (huyện Sơn Động) phải mất nửa ngày xuyên đường mòn luồn rừng với nhiều đoạn dốc dựng đứng rất nguy hiểm.
Ngồi trên ca-bin cáp treo, suốt chiều dài hơn 2 km, được phóng tầm mắt vào khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Tây Yên Tử từ trên cao, như được hòa mình giữa mây núi và những cánh rừng nguyên sinh để cảm nhận đến tận cùng sự yên bình mà hùng vĩ, bề thế mà uy nghi của non thiêng Yên Tử. Các công trình Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử như bồng bềnh trong mây núi, cảnh vật như huyền ảo hơn. Không khí trong lành, cái nắng chói đầu hạ khá lý tưởng để ngắm trọn vẹn quang cảnh chung quanh từ đỉnh núi.
Nhớ lại lời giới thiệu của ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang: Tây Yên Tử là một vùng rừng núi hoang sơ rộng lớn với nhiều thắng cảnh đẹp, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, trải dài trên một hành trình cả trăm cây số. Quá trình nghiên cứu, khảo cổ đã cho thấy, nếu như sườn đông Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và là nơi lưu giữ xá lị của ngài sau khi viên tịch, thì sườn tây Yên Tử lại là con đường hoằng dương Phật pháp của ngài. Tỉnh Bắc Giang xây dựng Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, tái hiện con đường tâm linh theo bước chân Phật hoàng Trần Nhân Tông chính là phát huy những giá trị văn hóa đã được tích tụ từ hàng trăm năm, mở ra “con đường tâm linh” kết nối bản sắc nghìn năm văn hóa Phật giáo vùng tây Yên Tử…
Chùa Thượng nằm ở độ cao 800 m (thấp hơn chùa Đồng 268 m), cách chùa Đồng 700 m theo đường chim bay. Chùa Thượng là đích đến của hành trình leo núi và thực hành thiền của Thiền phái Trúc Lâm với ba pho tượng đồng uy nghi của Trúc Lâm Tam tổ (gồm tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nặng 200 kg, tượng Sư tổ Pháp Loa và Tam tổ Huyền Quang, mỗi pho nặng 130 kg) được rước từ chùa Vĩnh Nghiêm lên đầu tháng Giêng năm Kỷ Hợi. Ở đây, đã có cảm giác như chạm được tay vào mây Tây Yên Tử! Từ vọng lâu trên chùa Thượng, có thể chiêm ngưỡng cả vùng non thiêng, với những dãy núi non trùng điệp và chùa Đồng ẩn hiện trong mây nơi đỉnh Phù Vân. Từ đó leo bộ thêm khoảng 30 phút là tới chùa Đồng, để rồi được chiêm ngưỡng mầu xanh mênh mông của biển Hạ Long ở phía đông, và một mầu xanh khác của bạt ngàn cây trái Bắc Giang ở phía tây. Sườn tây dốc đứng, hiểm trở hơn, có lẽ vì thế mà có nhiều cánh rừng nguyên sinh còn thưa dấu chân người và nhiều thác nước, suối từ đỉnh non thiêng Yên Tử chảy xuống, tạo phong cảnh đẹp như: thác Gót, thác Ba Tia, Hồ Tiên, Ao Vua, suối Nước Vàng,...
Ông Lê Minh Ngọc, Phó trưởng Ban quản lý dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử cho biết: Đến hết tháng 4-2019, khu du lịch đã phục vụ hơn 100 nghìn lượt du khách đi cáp treo. Hiện nay, hết mùa lễ hội xuân, bước vào mùa hè, nhưng mỗi ngày khu du lịch vẫn thu hút trung bình 200 lượt du khách đến thưởng ngoạn. Việc xây dựng và phục dựng các di tích chùa ở Tây Yên Tử đang tiếp tục thực hiện theo lộ trình. Hiện nay, chùa Hạ và chùa Thượng đều đã khánh thành. Kinh phí xây dựng chùa đều từ nguồn vốn xã hội hóa, do Hội Phật giáo doanh nghiệp và người dân hưng công đóng góp. Chùa Trình, chùa Trung sẽ tiếp tục được xây dựng từ nay đến năm 2021, và tất cả sẽ hoàn thiện vào năm 2025... Song song với đó, chủ đầu tư Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử tiếp tục đầu tư, thi công các hạng mục giai đoạn 2 của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ, hệ thống giao thông, cáp treo… đồng bộ để khai thác du lịch văn hóa tâm linh theo các điểm chùa.
Để có thương hiệu du lịch văn hóa tâm linh xứng tầm
Còn nhớ cách đây 5 năm, Chính phủ đã hỗ trợ tỉnh Bắc Giang mở tỉnh lộ 293 từ TP Bắc Giang qua các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động để lên tới non thiêng phía tây Yên Tử. Giờ đây, con đường đã hoàn thiện, bảo đảm kết nối giao thông ba tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, chung quanh núi Yên Tử. Cũng năm đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã triển khai quy hoạch, xây dựng Khu văn hóa tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, quyết tâm khai thác những “mỏ vàng” lâu nay bị bỏ quên là các di tích Phật giáo của thiền phái Trúc Lâm xưa trên sườn tây Yên Tử.
Theo nghiên cứu và khảo cổ, từ chân núi lên đỉnh phía tây Yên Tử (Bắc Giang) từng có hàng chục ngôi chùa, trong đó có bảy ngôi chùa chính, tính từ chùa Vĩnh Nghiêm dưới chân núi đến chùa Thượng trên đỉnh núi. Đường 293 bằng bê-tông dài 92 km (trong đó tuyến chính nối TP Bắc Giang lên thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động, dài 73 km), với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, được gọi là “con đường tâm linh”, bởi nó là con đường kết nối hệ thống chùa vùng Tây Yên Tử: chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Am Vãi với các điểm chùa trong Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Và với nhánh rẽ sang thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) có chùa Ngọa Vân nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và hóa Phật, con đường còn là sợi dây kết nối để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản danh thắng khu vực Tây Yên Tử với khu danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Tháng Giêng vừa qua, bằng việc khánh thành giai đoạn 1 Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, tổ chức thành công Tuần văn hóa du lịch Bắc Giang 2019 - Lễ hội xuân Tây Yên Tử tại khu du lịch này, Bắc Giang đã cho thấy thành quả ban đầu về sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh. Giúp kích cầu và tạo mối liên kết phát triển bền vững giữa các địa phương trong tỉnh, kết nối văn hóa du lịch vùng Yên Tử (Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang); đồng thời cho thấy Bắc Giang là điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách. Dịp lễ hội xuân vừa qua, các điểm di tích ở Bắc Giang đón gần 500 nghìn lượt du khách đến tham quan, chiêm bái, thì riêng Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử đã đón gần 150 nghìn lượt khách, chùa Vĩnh Nghiêm 30 nghìn lượt, chùa Bổ Đà 30 nghìn lượt…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, Tây Yên Tử đã có tuyến cáp treo, nhưng đó chỉ mới là sản phẩm du lịch trước mắt. Mục tiêu lớn hơn của Bắc Giang là thiết lập con đường bộ hành từ chân núi lên đỉnh Tây Yên Tử, phục dựng con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông xưa kia dưới những cánh rừng nguyên sinh tây Yên Tử. Việc phục dựng con đường bộ hành theo các điểm chùa cổ đã được các đoàn khảo cổ nghiên cứu, sau nhiều cuộc hội thảo, con đường này đang ngày càng lộ rõ và chắc chắn đó sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo.\
Bắc Giang đang phối hợp Viện Trần Nhân Tông (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) nghiên cứu một cách bài bản về giá trị nổi bật của không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm phía tây Yên Tử để khẳng định giá trị và có phương cách bảo tồn, phát huy. Nhiều bộ, ngành cũng cùng với Bắc Giang nghiên cứu những giá trị này, trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tỉnh Bắc Giang khôi phục hệ thống chùa trên núi Tây Yên Tử. Trong năm 2019, Bắc Giang sẽ đẩy nhanh tiến độ khảo sát phục dựng những ngôi chùa này. Đây chính là tâm huyết của tỉnh với kỳ vọng sẽ có sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh xứng tầm.
Mục tiêu lâu dài của Bắc Giang là trở thành một địa phương phát triển về du lịch. Song đây không thể là chuyện “một sớm một chiều”, mà phải là một quá trình nỗ lực, kiên trì thực hiện công việc một cách đồng bộ. Bắc Giang còn rất nhiều việc phải tiếp tục làm. Đó là thúc đẩy các dự án đầu tư phát triển du lịch, các dự án giao thông kết nối các khu, điểm du lịch của tỉnh với các tỉnh bạn; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng và sản phẩm phụ trợ; tiếp tục hoàn thiện các khu, điểm du lịch hiện có; giới thiệu, quảng bá được các giá trị văn hóa đặc sắc hấp dẫn, nổi bật về tài nguyên du lịch, nhất là không gian văn hóa - Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử, tạo ra đột phá cả về thu hút đầu tư du lịch và khách du lịch. Và, “con đường tâm linh” Tây Yên Tử phải thật sự giúp tạo lập một vùng cảnh quan du lịch, dịch vụ gắn kết các di tích, danh thắng khu vực Yên Tử thành một hệ thống tổng thể… Năm 2018, Bắc Giang thu hút được 16 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 1,5 tỷ USD vào lĩnh vực du lịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét