Thứ Hai, 10 tháng 4, 2023

Chuỗi thời trang hàng hiệu lâu đời lãi nhỏ giọt

Lợi nhuận của Hoàng Phúc International, chuỗi phân phối các thương hiệu Kappa, Ecko Unltd, Superga, Replay, năm ngoái giảm gần 6 lần, về còn khoảng hai tỷ đồng.

Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế (Hoàng Phúc International) cho thấy lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt gần 1,9 tỷ đồng (năm 2021, công ty lãi hơn 11 tỷ đồng).

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Hoàng Phúc International tăng gấp đôi lên hơn 23 tỷ đồng. Tuy nhiên hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lại tăng đáng kể từ 16,8 lần lên 19,7 lần. Nguyên nhân là công ty đang có hơn 459 tỷ đồng nợ phải trả, trong khi cùng kỳ ghi nhận chỉ gần 190 tỷ đồng.

Năm ngoái, công ty này lần đầu phát hành một lô trái phiếu tổng trị giá 11 tỷ đồng. Lãi suất cố định 12,5% một năm và trả định kỳ một tháng một lần. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ghi nhận công ty luôn thanh toán lãi đúng hạn với tổng số tiền hơn 560 triệu đồng.

Cửa hàng Hoàng Phúc International trong một trung tâm thương mại. Ảnh: HPI

Cửa hàng Hoàng Phúc International trong một trung tâm thương mại. Ảnh: HPI

Thành lập năm 1989 bởi ông Bùi Văn Phúc, Hoàng Phúc International là một trong những chuỗi bán lẻ thời trang chuyên phân phối hàng hiệu cho nam giới đầu tiên của cả nước. Giai đoạn 2016-2017, mạng lưới của công ty vươn gần 100 cửa hàng với khoảng 10 thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Dr. Martens, Replay... Hiện công ty phân phối các sản phẩm của Kappa, Ecko Unltd, Superga, Replay, Staple và mới nhất là Nuni&Nick với mạng lưới 45 cửa hàng.

Hệ thống của Hoàng Phúc International thường được đặt tại góc các giao lộ có lưu lượng giao thông đông đúc hoặc trong các trung tâm thương mại lớn tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Trước đây, phân khúc khách hàng mục tiêu của công ty thường là nam giới, người có thu nhập tương đối cao với giá bán sản phẩm thường tính từ hàng triệu đồng trở lên.

Năm ngoái, chuỗi bán lẻ thời trang này tái định vị thương hiệu với chiến lược mở rộng tập khách hàng, đa dạng các dòng sản phẩm. Thay vì tập trung mỗi nam giới, công ty muốn hướng đến cả khách hàng nữ và trẻ em. Ban lãnh đạo Hoàng Phúc International xác định yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược tái định vị thương hiệu là phục vụ khách hàng phổ thông, tung ra sản phẩm có mức giá cạnh tranh hơn so với trước đây, thấp nhất từ 99.000 đồng.

Tất Đạt

Bắc Giang: Vải thiều ra hoa đạt tỷ lệ cao, dự báo được mùa

Hiện nay, các trà vải đang giai đoạn nở hoa, tỷ lệ ra hoa đạt khoảng 90-95%. Các cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Giang tích cực hướng dẫn người dân chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

 Các trà vải đang giai đoạn nở hoa, tỷ lệ ra hoa đạt đạt khoảng 90-95%.

Để phòng trừ kịp thời sâu bệnh và không làm ảnh hưởng đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của quả vải, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có vải chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tập trung kiểm tra phát hiện, dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh (sương mai, thán thư, bọ xít, sâu róm, sâu đục quả...) ngay từ đầu vụ để chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ kịp thời khi xuất hiện.

Tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân tăng cường sử dụng biện pháp cơ giới, vật lý, sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Khuyến cáo người trồng vải chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh khi thực sự cần thiết, không sử dụng lạm dụng, tràn lan.

Tổ chức phân công, giao nhiệm vụ kiểm soát mã số vùng trồng. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng, đảm bảo truy suất nguồn gốc; tuân thủ đúng quy trình sản xuất vải VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nâng cao giá trị, tăng hiệu quả kinh tế, chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu vải thiều.

Hiện nay, cơ quan chuyên môn đã kiểm tra, giám sát 178 mã vùng trồng với diện tích 16.695 ha đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; duy trì 215 cơ sở đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, 01 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản. Rà soát, kiểm tra và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp 04 mã vùng trồng với diện tích 43,06 ha tại huyện Tân Yên đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường Úc, Mỹ./.

An Nhiên

Vị trí địa lý

Bắc Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Về quy hoạch kinh tế trước đây Bắc Giang nằm trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, từ năm 2012 là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.

Vị trí địa lý tỉnh Bắc Giang nằm ở tọa độ từ 21 độ 07 phút đến 21 độ 37 phút vĩ độ bắc; từ 105 độ 53 phút đến 107 độ 02 phút kinh độ Đông; Bắc Giang là tỉnh miền núi, nằm cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110 km về phía Nam, cách cảng Hải Phòng hơn 100 km về phía Đông. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây và Tây Bắc giáp thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh. Bắc Giang hiện có 09 huyện và 01 thành phố, trong đó có 06 huyện miền núi và 01 huyện vùng cao (Sơn Động); 209 xã, phường, thị trấn (184 xã, 10 phường và 15 thị trấn).

Đặc điểm địa hình: Địa hình Bắc Giang gồm 2 tiểu vùng: Miền núi và trung du có đồng bằng xen kẽ. Vùng trung du bao gồm các huyện: Hiệp Hòa, Việt Yên và thành phố Bắc Giang. Vùng miền núi bao gồm 7 huyện: Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế, Tân Yên, Yên Dũng, Lạng Giang. Trong đó một phần các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Sơn Động là vùng núi cao.

Đặc điểm chủ yếu về địa hình miền núi (chiếm 72% diện tích toàn tỉnh) là chia cắt mạnh, phức tạp, chênh lệch về độ cao lớn. Nhiều vùng đất đai tốt, nhất là ở các khu vực còn rừng tự nhiên.

Vùng đồi núi thấp có thể trồng được nhiều cây ăn quả, cây công nghiệp nh­ư: Vải thiều, cam, chanh, na, hồng, chè, đậu tư­ơng, lạc...; thuận tiện để chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

Đặc điểm chủ yếu của địa hình miền trung du (chiếm 28% diện tích toàn tỉnh) là đất gò, đồi xen lẫn đồng bằng tùy theo từng khu vực. Vùng trung du có khả năng trồng nhiều loại cây l­ương thực, thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, cá và nhiều loại thuỷ sản khác. 

Tiệm Bò Cây Mít

 Tiệm Bò Cây Mít | Bac Giang | Facebook









Tài nguyên rừng

 

Bắc Giang có tổng diện tích đất rừng là 160.696 ha. Trong đó, rừng tự nhiên có diện tích 56.124 ha với nhiều sông, suối, hồ đập, cây rừng nguyên sinh phong phú tạo cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn.
Rừng tự nhiên ở Bắc Giang có nhiều hồ đập, sông suối tạo cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Trong tổng số 160.696 ha đất rừng, Bắc Giang có 12.926 ha đất rừng đặc dụng, chiếm 8,04%; 19.825 ha đất rừng phòng hộ, chiếm 12,33%; 127.945 ha đất rừng sản xuất, chiếm 79,63%.

Rừng tự nhiên có diện tích là 56.124 ha với trữ lượng gỗ có khoảng 3,5 triệu m³. Trong đó, chủ yếu là rừng gỗ tự nhiên, rừng hỗn giao gỗ và tre nứa...

Ngoài tác dụng quan trọng trong việc phòng, chống xói mòn, rửa trôi, ngăn lũ ống, lũ quét và là tán che để phòng hộ đầu nguồn bảo vệ vùng hạ du đồng bằng Bắc bộ; rừng ở Bắc Giang còn có chức năng cung cấp gỗ, củi, dược liệu, nguồn sinh thủy cho người dân.

Ở Bắc Giang hiện có 2 khu bảo tồn Khe Rỗ và Tây Yên Tử với hơn 200 loài thực vật, nhiều chủng loại cây hỗn giao phong phú và động vật rừng quý hiếm đang được bảo tồn. Đặc điểm nổi bật của rừng tự nhiên ở Bắc Giang là có nhiều hồ đập, sông, suối, cây rừng nguyên sinh phong phú tạo cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, có khả năng thu hút khách du lịch như: Hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, Suối Mỡ…/.

BGP

Hệ thống sông ngòi Bắc Giang

 

Bắc Giang có 3 con sông lớn là sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam. Đây là 3 con sông đầu nguồn, tập trung đổ nước vào sông Phả Lại, nơi tiếp giáp giữa 3 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương.
Sông Thương

Ba con sông lớn của Bắc Giang đều là những con sông dài trên 100 km với và có lưu vực, lượng nước vào loại trung bình so với hệ thống các sông, lớn nhỏ các tỉnh phía Bắc của đồng bằng Bắc Bộ. Tổng chiều dài của 3 sông (sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam) là 354 km. Trong đó, 222 km do Trung ương quản lý, đảm bảo cho các phương tiện thủy có trọng tải đến 500 tấn qua lại được và 132 km do địa phương quản lý.

Tuyến sông Thương hợp lưu với sông Thái Bình tại sông Phả Lại, có chi lưu chính là sông Hóa, sông Sỏi và sông Trung với chiều dài 150 km, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang dài 94 km. Trong đó, Trung ương quản lý 62 km (từ Bố Hạ đến ngã ba Lác) đã được công bố tuyến đường thủy nội địa quốc gia, luồng tương đối ổn định, chiều sâu luồng 1,5 - 2,0m, chiều rộng luồng 30 - 40m; địa phương quản lý 32 km. Lưu lượng nước hàng năm khoảng 1,46 tỷ m3, trên sông Thương đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang đã xây dựng hệ thống thủy nông Cầu Sơn phục vụ nước tưới cho huyện Lạng Giang, một phần các huyện: Lục Nam, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang.

Sông Lục Nam.

Sông Lục Nam hợp lưu với sông Thương tại ngã ba Nhãn, chiều dài 278 km, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang dài 150 km. Trong đó, Trung ương quản lý 56 km (từ Chũ đến ngã ba Nhãn); địa phương quản lý 94 km (từ thị trấn Chũ huyện Lục Ngạn đến xã Hữu Sản huyện Sơn Động, giáp Lạng Sơn). Sông bắt nguồn từ độ cao khoảng 700 m trên vùng núi Kham thuộc địa phận huyện Đình Lập (Lạng Sơn) theo hướng Tây Nam chảy qua các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam (thuộc tỉnh Bắc Giang) và hội lưu với sông Thương tại chỗ giáp ranh giữa Đức Giang, Trí Yên và Hưng Đạo. Sông Lục Nam có các phụ lưu là sông Bò, sông Lê Ngạc, sông Chỉ Tác, sông Đan Hộ (bên tả ngạn) và sông Căn, sông Gốm, sông Cỏ Mạt (bên hữu ngạn). Lưu lượng nước hàng năm khoảng 1,86 tỷ m3.

Sông Cầu.

Sông Cầu thuộc hệ thống sông Thái Bình, có chiều dài 290km, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang dài 110 km. Trong đó, Trung ương quản lý 104 km (từ Hà Châu đến ngã ba Lác), địa phương quản lý 6 km (từ xã Hợp Thịnh đến xã Đồng Tân, huyện Hiệp Hòa). Sông Cầu có hai chi lưu lớn nằm ở hữu ngạn là sông Công và sông Cà Lồ. Lưu lượng nước sông Cầu hàng năm khoảng 4,2 tỷ m3, hiện nay đã có hệ thống thủy nông trên sông Cầu phục vụ nước tưới cho các huyện: Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, một phần thành phố Bắc Giang và huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Ngoài 3 con sông chính nêu trên, tỉnh Bắc Giang còn có hệ thống các sông nhánh, kênh mương và 2 hồ thuộc huyện Lục Ngạn là hồ Cấm Sơn và Khuôn Thần chưa được khai thác sử dụng hết tiềm năng thế mạnh./.

BGP

Tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng sản xuất vải thiều, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tiêu thụ năm 2023

 

Sáng 07/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì hội nghị về tình hình sản xuất và kế hoạch tiêu thụ, xúc tiến, xuất khẩu vải thiều năm 2023. Dự hội ngghị có đại diện lãnh đạo các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, Ngoại vụ, Văn phòng UBND tỉnh; UBND các huyện: Lục Ngạn, Tân Yên.
Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, báo cáo về tình hình sản xuất vải thiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lê Bá Thành cho biết, năm nay, tổng diện tích vải thiều của tỉnh là 29.700 ha (tăng 1.400 ha so với năm 2022). Tỷ lệ vải ra hoa đạt tương đương năm 2022, vải sớm ra hoa, đậu quả đạt trên 90%; vải chính vụ ra hoa, đậu quả đạt trên 85%. Sản lượng vải thiều toàn tỉnh dự kiến đạt trên 180 nghìn tấn.

Do tình hình dịch Covid-19 chuyển sang giai đoạn bình thường mới, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và các quốc gia đã được mở cửa thông thương, dự kiến sản lượng tiêu thụ xuất khẩu sẽ tăng so với năm 2022.

Để tiêu thụ vải thiều được thuận lợi, nhất là phục vụ xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các vùng trồng vải duy trì 110 mã số vùng trồng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, với diện tích 16.609 ha, ước sản lượng khoảng 110 nghìn tấn; 37 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 297,42 ha, ước sản lượng 2.500 tấn; duy trì vùng vải sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào Hoa Kỳ và Thái Lan với 31 mã số vùng trồng, với diện tích là 363,73 ha, ước sản lượng đạt 4.200 tấn.

Đồng thời phối hợp với các địa phương tiến hành ra roát 300 cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh duy trì 215 cơ sở đủ điều kiện đóng gói quả vải tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó có 01 cơ sở đóng gói đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.

Về công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Phương cho biết, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Tân Yên, Lục Ngạn và các cơ quan, đơn vị có liên quan nắm bắt tình hình tổ chức sản xuất vụ vải thiều năm 2023Thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động, sớm có những định hướng, chuẩn bị xây dựng chương trình, kế hoạch, phương án dự kiến tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều cho mùa vụ năm 2023. Cùng đó, thường xuyên chủ động phối hợp với với các cơ quan, đơn vị của Bộ Công Thương nắm bắt những xu hướng thuận lợi, khó khăn tại các thị trường xuất khẩu; đặc biệt quan tâm thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng; qua đó, xây dựng các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều sát với tình hình thực tiễn.

Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào thị trường Mỹ năm 2023; đăng ký chuyên đề tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023 của Bộ Công Thương; tổ chức các đoàn công tác làm việc với các tỉnh, thành phố, tham dự hội chợ,… để xúc tiến tiêu thụ vải thiều cũng như quảng bá các sản phẩn chủ lực, đặc trưng, nông sản của tỉnh;…

Bên cạnh đó, Sở sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ vải thiều tươi và các sản phẩm chế biến từ vải thiều tại các hội chợ, triển lãm, Tuần hàng trái cây, nông sản tại các tỉnh, thành phố. Tổ chức gian trưng bày tham gia quảng bá vải thiều và các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh Bắc Giang tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12. Đồng thời làm việc với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam giới thiệu, quảng bá vải thiều và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh trên các chuyến bay bằng các tài liệu, ấn phẩm, video clip,…

Tại hội nghị, đại diện các sở, địa phương bàn các giải pháp nhằm đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều; công tác phối hợp lên phương án, thủ tục cho các thương nhân nhập cảnh thu mua vải thiều; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông; biện pháp đảm bảo cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho hoạt động tiêu thụ, chế biến; hỗ trợ người dân thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm…

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi báo cáo tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi cho biết, lường trước những khó khăn đối với thị trường xuất khẩu vải thiều năm 2023, ngoài công tác chỉ đạo làm tốt khâu tổ chức sản xuất, huyện Lục Ngạn đã chủ động xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong nước và xuất khẩu gắn với thu hút phát triển du lịch. Trên cơ sở kinh nghiệm xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2022, năm nay, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá để đưa sản phẩm vải thiều xâm nhập sâu hơn vào các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước, huyện sẽ tập trung cao cho công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng. Cùng đó, phối hợp với Cục Thương mại điện tử - Bộ Công thương triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Viettelpost, Alibaba,... Tổ chức có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ song song với đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, quảng bá về tiêu thụ vải thiều. Hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài nhập cảnh vào địa phương thu mua, chế biến tiêu thụ vải thiều.

Đối với vùng vải thiều sớm Tân Yên, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Nguyễn Viết Toàn cho biết, vụ vải thiều sớm năm nay dự kiến sẽ cho thu hoạch từ 25/5 - 15/6 trong điều kiện thời tiết ổn định. Để tập trung làm tốt cho công tác xúc tiến, tiêu thụ vải thiều năm 2023, huyện cũng đang tập trung hướng dẫn, giám sát, quản lý các hộ sản xuất vải thiều sớm về công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên vải thiều; xây dựng kế hoạch cụ thể công tác xúc tiến, tiêu thụ trong thời gian tới đây. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi, duy trì hiệu quả các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn khẳng định năm 2023, tỉnh gặp những điều kiện thuận lợi trong xuất khẩu vải thiều khi hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và các quốc gia đã được mở cửa thông thương. Để đảm bảo niên vụ vải thiều 2023 tiếp tục thắng lợi, đồng chí yêu cầu ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn, giám sát nông dân thực hiện đúng quy trình và yêu cầu của thị trường xuất khẩu; tiến hành rà soát, giám sát tất cả mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo chất lượng vải thiều xuất khẩu năm 2023.

Đối với kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương tiếp tục chủ động tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản, Công hàm gửi các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, Lãnh sự quán, Tham tán thương mại, cơ quan thương vụ các nước quan tâm, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang mời gọi, kết nối giao thương, giới thiệu cho tỉnh Bắc Giang các doanh nghiệp, thương nhân lớn, có kinh nghiệm, uy tín tiến hành thu mua, tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang. Tranh thủ tối đa các kênh tiêu thụ thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ UBND các huyện Tân Yên, Lục Ngạn tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực của tỉnh.

Đối với hoạt động xuất khẩu, trên quan điểm tập trung vào thị trường Trung Quốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, Sở Công Thương cần phối hợp với các địa phương, Sở Ngoại vụ kịp thời nắm bắt thị trường xuất khẩu vải sang Trung Quốc tại các cửa khẩu.

UBND các huyện Tân Yên, Lục Ngạn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện theo quy định của từng thị trường nhập khẩu; giám sát quy trình chăm sóc, sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, quản lý dịch hại đảm bảo các quy định của các thị trường trong vùng sản xuất; hỗ trợ cho nông dân các vùng trồng đảm bảo kịp thời phục vụ sản xuất; quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, buôn bán, sử dụng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất vải thiều trên địa bàn huyện. Phối hợp với các lực lượng chức năng làm tốt công tác hậu cần, dịch vụ; đảm bảo an ninh trật tự, lưu thông hàng hóa. Tuyên truyền, quảng bá sản phẩm vải thiều bằng nhiều hình thức trên các kênh, các phương tiện truyền thông, báo chí có uy tín của trung ương và địa phương./.

Thảo My

Bắc Giang: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 2,52%

Quý I/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của tỉnh Bắc Giang tăng 2,52% so với bình quân cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá và 03 nhóm hàng giảm giá.

May mặc nhóm hàng có chỉ số giá tăng trong quý I/2023.

Cụ thể, nhóm hàng có chỉ số giá tăng đó là: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,64%; Đồ uống và thuốc lá tăng 3,85%; May mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,52%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,42%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,85%; Thuốc và thiết bị y tế tăng 1,27%; Giáo dục tăng 1,83%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,96%.

Nhóm hàng có chỉ số giá giảm đó là: Giao thông giảm 2,37%; Bưu chính viễn thông giảm 0,87%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 4,85%.

Nguyên nhân dẫn đến giá cả hàng hóa, dịch vụ nhóm hàng tăng là do trong quý I/2023, giá hàng hóa trên thị trường thế giới chịu tác động bởi các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị của các nước và xung đột quân sự Nga - Ucraina. Trong nước, nhu cầu sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ Tết Nguyên đán và giá nguyên liệu đầu vào đã đẩy giá sản xuất tăng lên.

Dự báo trong tháng tiếp theo do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, ảnh hưởng đến tình hình thị trường và các nhóm giao thông, dịch vụ... Một số mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), giá vàng và tỷ giá đô la Mỹ sẽ tiếp tục có những biến động theo tác động của thị trường thế giới. Các mặt hàng khác giá sẽ tăng do ảnh hưởng của xăng dầu, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng nhiều đến giá của các mặt hàng khác./.

An Nhiên

Bắc Giang: Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp tăng

 

Trong quý I/2023, trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh có thêm 09 doanh nghiệp đi vào hoạt động. Đến nay, trong các KCN trên địa bàn tỉnh có 409 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng 06 doanh nghiệp hoạt động so với năm 2022.
Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang tăng so với năm 2022.

Từ cuối năm 2022 đến đầu quý I/2023, tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do cắt, giảm, giãn đơn hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất gia, công linh kiện điện tử; các doanh nghiệp vendor cấp 2, cấp 3 của Samsung. Trong đó, có khoảng 45 doanh nghiệp cắt giảm lao động hoặc cắt giảm thời gian làm việc, tổ chức làm việc luân phiên, không tăng ca. Có 02 doanh nghiệp (Công ty TNHH KCD Việt Nam và Công ty TNHH Fine Land Apparel Việt Nam) đang tạm dừng hoạt động.

Còn lại cơ bản các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, đảm bảo tốt các chế độ, quyền lợi cho người lao động; trong đó có một số doanh nghiệp FDI tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá như: Các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn KHKT Hồng Hải, các doanh nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời (Công ty TNHH JA Solar Việt Nam, Công ty TNHH VietNam Sunergy, Công ty TNHH Vina Cell Technology…), các doanh nghiệp ngành cơ khí, chế tạo và các doanh nghiệp Nhật Bản.

Dự báo đầu quý II/2023, tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, gia công linh kiện điện tử và các doanh nghiệp vendor của Samsung. Còn lại cơ bản các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất ổn định; một số doanh nghiệp FDI tiếp tục đẩy mạnh phát triển, mở rộng quy mô sản xuất.

Dự kiến trong năm 2023 có một số doanh nghiệp dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất, sử dụng số lượng lớn lao động, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trong KCN như: Công ty TNHH Cheng Loong Bắc Giang; Công ty TNHH Chunqiu (KCN Hòa Phú); Công ty TNHH Fukang Technology; Công ty TNHH Nwestern; Công ty TNHH Fuyu (Lô T1); Công ty TNHH Hana Micro (gđ2)…/.

An Nhiên

Bắc Giang: Quy định mới về thu, nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa

 

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định số 10/2023/QĐ-UBND quy định thu, nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh.
Cải tạo đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác thành đất chuyên trồng lúa. 

Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến quản lý, sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đối tượng, mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được thực hiện theo Điều 1, Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 05/7/2016 của HĐND tỉnh về việc quy định mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Thủ tục nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa khi chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích phi nông nghiệp được thực hiện theo khoản 3 Điều 1, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Về tổ chức thu, nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa, Quyết định nêu rõ, người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất chuyên trồng lúa nước để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp có trách nhiệm kê khai và nộp số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa nước được Nhà nước giao, cho thuê đất theo quy định.

UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm thẩm định, xác nhận bằng văn bản diện tích đất chuyên trồng lúa nước để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất của UBND tỉnh.

Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố có trách nhiệm thẩm định, xác nhận bằng văn bản diện tích đất chuyên trồng lúa nước để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất của UBND huyện, thành phố.

Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố căn cứ vào văn bản xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền của Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố, xác định số tiền phải nộp và thông báo cho người được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định.

Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện có trách nhiệm thu và hoạch toán khoản thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa vào tài khoản 7111; Mã cơ quan quản lý thu 1062753; Chương 418; Mục 4914 và thực hiện điều tiết 100% ngân sách tỉnh.

Nguồn kinh phí thực hiện chính sách bảo vệ, phát triển đất trồng lúa dùng để hỗ trợ cho người trồng lúa theo quy định; phần còn lại để thực hiện các việc như: Phân tích chất lượng hóa, lý tính các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm; cải tạo, nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại; đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã …

UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ kế hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, dự kiến nguồn thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa báo cáo UBND tỉnh.

Xác định số tiền phải nộp theo quy định đối với diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp được UBND các huyện, thành phố xác nhận và thông báo cho người được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định.

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì thực hiện công tác phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp. Thực hiện xây dựng các mô hình trình diễn, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố lập phương án khai hoang, phục hóa, cải tạo, nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại, cải tạo các vùng đất chưa sử dụng, đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác thành đất chuyên trồng lúa nước theo giai đoạn và từng năm…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2023 và thay thế Quyết định số 667/2016/QĐ-UBND và Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND ngày 27/6/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 667/2016/QĐ-UBND quy định thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh.

Xem chi tiết Văn bản tại đây./.

Nguyễn Miền

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích kiểm tra tiến độ Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31

Sáng 06/4, đồng chí Lê Ô Pích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 đoạn Km2+400 - Km44+900. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan và đại diện lãnh đạo UBND các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang và TP Bắc Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích kiểm tra tiến độ Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 đoạn Km2+400 - Km44+900.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 đoạn Km2+400 - Km44+900 tỉnh Bắc Giang được khởi công từ giữa tháng 7/2022 do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng kinh phí 863,6 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Tuyến Quốc lộ 31 đoạn qua tỉnh Bắc Giang với chiều dài khoảng 100km là tuyến giao thông huyết mạch trọng yếu. Từ khi hình thành đến nay, tuyến đường đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh kết nối TP Bắc Giang, huyện Lạng Giang với các huyện miền núi Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động và các tỉnh lân cận.

Đến nay, các địa phương đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được 32,3/34,8km (không bao gồm 4,3km các đoạn đã đủ quy mô của dự án), đạt 93% tổng chiều dài cần GPMB. Hiện, các địa phương cơ bản đã bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công song vẫn còn vướng mắc cục bộ do một số hộ dân chưa đồng thuận nhận bồi thường GPMB. Bên cạnh đó, việc di chuyển công trình hạ tầng như: Đường điện, cột tín hiệu giao thông… chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

 Quốc lộ 31 đoạn qua huyện Lục Ngạn.

Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích yêu cầu các huyện Lục Nam, Lạng Giang và TP Bắc Giang tổ chức đối thoại với người dân và xây dựng hồ sơ bảo vệ thi công trước ngày 30/4. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ để Dự án sớm hoàn thành.

Đồng chí nhấn mạnh đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển KT-XH của tỉnh nói chung và các địa phương nói riêng. Dự án hoàn thành sẽ mở ra không gian, tạo động lực, cơ hội phát triển mới cho toàn tỉnh nên chính quyền địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu cần phối hợp đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa dự án vào khai thác.

Đồng chí yêu cầu nhà thầu thi công cần nhanh chóng chiếm lĩnh mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời đảm bảo an toàn giao thông, chất lượng công trình và vệ sinh môi trường. Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc cần kịp thời phản ánh để các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ. Chính quyền địa phương các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành Dự án./.

Trần Khiêm

Chủ động phòng trừ đạo ôn lá lúa vụ Chiêm xuân

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, thời gian qua thời tiết có nhiều ngày mưa phùn, ẩm độ không khí cao, trời âm u, đêm và sáng se lạnh, đây là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh đạo ôn lá.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, lúa xuân sớm đang giai đoạn đẻ nhánh rộ - đứng cái, lúa xuân muộn giai đoan đẻ nhánh rộ. Qua khảo sát, bệnh đạo ôn lá đã và đang gây hại trên trà lúa xuân sớm với tỷ lệ bệnh trung bình 1-3%, cao 6-8%, cục bộ 20-30% tập trung trên các giống nhiễm như: BC15, TBR 225, lúa Nhật, chân ruộng bón thừa đạm tại một số huyện như: Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Thế... với diện tích nhiễm 40 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 2 ha.

Dự báo trong thời gian tới bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại nặng, cục bộ từng ruộng, đặc biệt trên những chân ruộng bón phân không cân đối, ruộng xanh tốt, bón thừa đạm, nếu không được phòng trừ kịp thời bệnh sẽ gây hại trên diện rộng và lụi từng chòm, làm thiệt hại đến năng suất lúa.

Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố hướng dẫn người dân tập trung kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến phát sinh bệnh đạo ôn lá và thực hiện các biện pháp kỹ thuật chủ động phòng trừ bệnh đạo đạo ôn hại lúa.

Cụ thể, đối với diện tích lúa chưa xuất hiện bệnh nhưng có nguy cơ nhiễm bệnh cao (giống nhiễm: BC15, Nếp, TBR 225, lúa thơm, lúa nhật...) tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và phòng trừ ngay khi bệnh xuất hiện, chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc, bón phân cân đối, dừng bón phân đạm và phân bón qua lá để hạn chế bệnh xâm nhiễm.

Đối với diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn cần phun phòng trừ ngay khi bệnh xuất hiện bằng một số loại thuốc trừ bệnh đặc hiệu; những ruộng bị nhiễm nặng hoặc phun xong gặp mưa cần tiến hành phun kép lần 2, cách lần 1 từ 5-7 ngày. Không bón bất kỳ loại phân bón nào trong giai đoạn phun phòng trừ bệnh. Ngoài ra, người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng sâu bệnh trên lúa như: sâu cốn lá nhỏ, sâu đục thân cú mèo, tập đoàn rầy.../.

Ngọc Thọ

UBND hai tỉnh Bắc Giang và Bình Phước trao đổi kinh nghiệm công tác xây dựng chính quyền và thành lập thị xã thuộc tỉnh

 

Trong 2 ngày (6 và 7/4), Đoàn công tác của UBND tỉnh Bắc Giang do đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã thăm, trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng chính quyền và thành lập thị xã thuộc tỉnh Bình Phước. Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ và UBND huyện Việt Yên.

Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Huỳnh Anh Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước; đại diện lãnh đạo sở, ngành liên quan và UBND thị xã Chơn Thành.

UBND tỉnh Bắc Giang và Bình Phước trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng chính quyền và thành lập thị xã thuộc tỉnh.

Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Ánh Dương bày tỏ sự vui mừng về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Bình Phước những năm qua, nhất là trong lĩnh vực xây dựng chính quyền và phát triển đô thị. Với 11 đơn vị hành chính cấp huyện, tỉnh Bình Phước đã có 1 thành phố, 3 thị xã.

Tỉnh Bắc Giang hiện có 10 đơn vị hành chính cấp huyện trong đó có 1 thành phố. Để phát triển đô thị tương xứng với tiềm năng và định hướng phát triển KT-XH, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 233-NQ/TU ngày 25/7/2022 về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết số 233-NQ/TU.

Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến 2025 có 1 thành phố và 2 thị xã thuộc tỉnh, trong đó huyện Việt Yên đang trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục đề nghị được công nhận thị xã vào trước năm 2025.

Đồng chí Lê Ánh Dương mong muốn với những kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là thị xã Chơn Thành vừa được thành lập và đi vào hoạt động từ 01/10/2022, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan của tỉnh Bình Phước sẽ trao đổi chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý cho tỉnh Bắc Giang trong công tác xây dựng chính quyền và thành lập thị xã thuộc tỉnh.

Đại diện lãnh đạo UBND thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước trao đổi tại buổi làm việc.

Đồng chí Huỳnh Anh Minh và các sở, ngành của UBND tỉnh Bình Phước chia sẻ, trong công tác xây dựng chính quyền, tỉnh Bình Phước đã làm tốt công tác sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp theo chỉ đạo của Trung ương; trong đó đặc biệt chú trọng giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn, ấp, khu phố, nhất là những người trực tiếp bị ảnh hưởng khi sắp xếp đơn vị hành chính phải đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tỉnh Bình Phước đã thực hiện hiệu quả chính sách thu hút đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Ngoài chính sách theo quy định, tỉnh đã ban hành chính sách thu hút riêng, cụ thể: Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn có bằng chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên hàng tháng được hỗ trợ thêm 1,2 lần mức lương cơ sở với trình độ đại học, 1,0 lần mức lương cơ sở với trình độ cao đẳng. Qua đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của đối tượng này, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của vị trí công tác, đồng thời thu hút, tạo động lực để người không chuyên trách tham gia công tác trên địa bàn.

Về thành lập thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã xây dựng lộ trình sớm (từ năm 2019) và có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh và Đảng bộ, chính quyền Nhân dân. Quá trình hơn 3 năm thực hiện, tỉnh thường xuyên đôn đốc, rà soát, kiểm điểm, đánh giá các tiêu chí để kịp thời có sự chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, tập trung đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu, tiêu chí theo quy định.

Đồng chí Huỳnh Anh Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước trao quà lưu niệm cho Đoàn công tác tỉnh Bắc Giang.

Các đồng chí cũng lưu ý, thành lập thị xã là vấn đề lớn, liên quan đến tất cả các mặt của đời sống xã hội địa phương, liên quan đến tâm tư, tỉnh cảm, phong tục, tập quán, lịch sử, văn hóa truyền thống, sinh hoạt của người dân… ; khi thay đổi tên đơn vị hành chính phải thay đổi rất nhiều giấy tờ liên quan. Vì vậy, tỉnh Bắc Giang trong quá trình xây dựng Đề án thành lập thị xã Việt Yên cần lưu ý đến công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận, ủng hộ cho chủ trương của tỉnh.

Ngoài ra, khi thành lập thị xã sẽ có nhiều khu vực đổi từ nông thôn sang khu vực thành thị dẫn đến có sự thay đổi về cách xác định khu vực, vị trí, phạm vi đất theo quy định Bảng giá các loại đất giai đoạn 2020-2024. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện mục tiêu đề ra trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân khi nâng cấp từ khu vực nông thôn lên đô thị, UBND tỉnh Bắc Giang kịp thời chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, lên phương án giải quyết hợp lý vấn đề trên.

Việc tổ chức triển khai sau khi có Nghị quyết thành lập thị xã cũng phải được quan tâm ngay từ khi xây dựng Đề án để đảm bảo sự thống nhất, liên tục của hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cơ sở; không có sự gián đoạn trong hoạt động giữa các đơn vị hành chính trước và sau khi thành lập, kịp thời giải quyết các vướng mắc; hỗ trợ người dân chuyển đổi các giấy tờ hành chính cá nhân và tổ chức để đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đồng chí Huỳnh Anh Minh cũng tin tưởng và chúc tỉnh Bắc Giang sớm đạt mục tiêu xây dựng chính quyền, phát triển đô thị và tiếp tục phát triển hơn nữa về KT-XH trong thời gian tiếp theo.

Đoàn công tác tỉnh Bắc Giang tham quan Khu công nghiệp Becamex Bình Phước. 

Trong khuôn khổ 2 ngày làm việc, Đoàn công tác tỉnh Bắc Giang đã đến tham quan thực tế cơ sở vật chất của thị xã Chơn Thành và Khu công nghiệp Becamex Bình Phước.

Kết thúc chuyến công tác, đồng chí Lê Ánh Dương cảm ơn UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh Bình Phước đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn công tác của tỉnh Bắc Giang tổ chức thành công chuyến công tác.

Đồng chí chúc cho tỉnh Bình Phước ngày càng phát triển hơn nữa và mong muốn được đón các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành của tỉnh đến thăm, làm việc với tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới./.

Nguyễn Thị Ngọc