Hiện nay, các trà vải đang giai đoạn nở hoa, tỷ lệ ra hoa đạt khoảng 90-95%. Các cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Giang tích cực hướng dẫn người dân chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.
Để phòng trừ kịp thời sâu bệnh và không làm ảnh hưởng đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của quả vải, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có vải chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tập trung kiểm tra phát hiện, dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh (sương mai, thán thư, bọ xít, sâu róm, sâu đục quả...) ngay từ đầu vụ để chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ kịp thời khi xuất hiện.
Tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân tăng cường sử dụng biện pháp cơ giới, vật lý, sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Khuyến cáo người trồng vải chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh khi thực sự cần thiết, không sử dụng lạm dụng, tràn lan.
Tổ chức phân công, giao nhiệm vụ kiểm soát mã số vùng trồng. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng, đảm bảo truy suất nguồn gốc; tuân thủ đúng quy trình sản xuất vải VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nâng cao giá trị, tăng hiệu quả kinh tế, chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu vải thiều.
Hiện nay, cơ quan chuyên môn đã kiểm tra, giám sát 178 mã vùng trồng với diện tích 16.695 ha đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; duy trì 215 cơ sở đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, 01 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản. Rà soát, kiểm tra và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp 04 mã vùng trồng với diện tích 43,06 ha tại huyện Tân Yên đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường Úc, Mỹ./.
An Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét