Bắc Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Về quy hoạch kinh tế trước đây Bắc Giang nằm trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, từ năm 2012 là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.
Vị trí địa lý tỉnh Bắc Giang nằm ở tọa độ từ 21 độ 07 phút đến 21 độ 37 phút vĩ độ bắc; từ 105 độ 53 phút đến 107 độ 02 phút kinh độ Đông; Bắc Giang là tỉnh miền núi, nằm cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110 km về phía Nam, cách cảng Hải Phòng hơn 100 km về phía Đông. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây và Tây Bắc giáp thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh. Bắc Giang hiện có 09 huyện và 01 thành phố, trong đó có 06 huyện miền núi và 01 huyện vùng cao (Sơn Động); 209 xã, phường, thị trấn (184 xã, 10 phường và 15 thị trấn).
Đặc điểm địa hình: Địa hình Bắc Giang gồm 2 tiểu vùng: Miền núi và trung du có đồng bằng xen kẽ. Vùng trung du bao gồm các huyện: Hiệp Hòa, Việt Yên và thành phố Bắc Giang. Vùng miền núi bao gồm 7 huyện: Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế, Tân Yên, Yên Dũng, Lạng Giang. Trong đó một phần các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Sơn Động là vùng núi cao.
Đặc điểm chủ yếu về địa hình miền núi (chiếm 72% diện tích toàn tỉnh) là chia cắt mạnh, phức tạp, chênh lệch về độ cao lớn. Nhiều vùng đất đai tốt, nhất là ở các khu vực còn rừng tự nhiên.
Vùng đồi núi thấp có thể trồng được nhiều cây ăn quả, cây công nghiệp như: Vải thiều, cam, chanh, na, hồng, chè, đậu tương, lạc...; thuận tiện để chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thuỷ sản.
Đặc điểm chủ yếu của địa hình miền trung du (chiếm 28% diện tích toàn tỉnh) là đất gò, đồi xen lẫn đồng bằng tùy theo từng khu vực. Vùng trung du có khả năng trồng nhiều loại cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, cá và nhiều loại thuỷ sản khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét